Hôm ấy vào 30 tháng Chạp năm Quý Mão 1963, Bác Hồ đã đến thăm chợ Tết Đồng Xuân - Hà Nội. Bác định mua một đóa hoa huệ - loài hoa trinh bạch mà Người rất yêu thích, nhưng không mua được, Người rất buồn. Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ đội Cảnh vệ hồi niệm lại câu chuyện tình cảm xúc động này của Bác từ hơn 45 năm trước.
Vệ sĩ Phan Văn Xoàn, cận vệ của Bác Hồ. Ảnh tư liệu
Khoảng một tuần lễ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 1964, Bác Hồ bảo Chủ nhiệm Văn phòng báo cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Tết này Bác muốn đến thăm chợ Đồng Xuân. Sau đó, Bác nói thêm với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, sở dĩ Người có ý định đến chợ Đồng Xuân vì đây là một khu thương mại sầm uất tấp nập, nhộn nhịp nhất ở Hà Nội. Qua cảnh mua bán ấy, Người sẽ thấy lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết và sức mua của người dân như thế nào, thành phố có đáp ứng được nhu cầu của đồng bào ta không.
Để thực hiện ý định ấy của Bác, trước hết, vấn đề đặt ra đối với Bộ Công an là công tác bảo vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho Cục Cảnh vệ - nay là Bộ tư lệnh Cảnh vệ. Người được phân công trực tiếp đi theo bảo vệ Bác là đồng chí Phan Văn Xoàn, sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ. Nay ông đã quá bát tuần, đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn luôn nhớ rất rõ lần bảo vệ Bác Hồ đi thăm chợ Tết Đồng Xuân - Bắc Qua và đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cảm động về Bác Hồ đi chợ Tết năm ấy mà suốt đời ông không bao giờ quên.
Những ngày giáp Tết sang năm Giáp Thìn, người mua kẻ bán khắp nơi đổ về Hà Nội rất đông nên công tác bảo vệ có phần khó khăn phức tạp. Vì vậy, nếu cứ để Bác đi công khai thì nhân dân ai cũng biết và sẽ ùa tới chào đón Người. Vì ai cũng muốn được tận mắt nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện, như vậy thì việc bảo vệ lại càng phức tạp khó khăn hơn. Sau khi nghiên cứu cụ thể, lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phương án bảo vệ - trong đó có biện pháp đề nghị Bác hóa trang làm một bác công nhân đi sắm Tết. Đề nghị này, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Bác và được Người đồng ý theo phương án ấy.
Hôm đó là ngày 24-1-1963 - tức 30 Tết. Ngày cuối cùng của năm Quý Mão, mọi người chuẩn bị đón Giao thừa năm Giáp Thìn. Sáng hôm ấy, Bác rất vui cùng các đồng chí bảo vệ hóa trang cho Bác. Bác đeo kính trắng mắt tròn, gọng kính nhỏ kiểu kính lão của các cụ đồ nho thường dùng. Bác mặc bộ quần áo vải cũ, màu gụ đã bạc và khoác chiếc áo mưa vải bạt có vài chỗ đã sờn, cổ quàng chiếc khăn len màu tối, quấn nhiều vòng để vừa ấm cổ, vừa che bớt chòm râu, tạo dáng làm cho khuôn mặt bớt giống Bác, đầu đội mũ cát trắng, chân mang tất màu cỏ úa, đi đôi dép cao su đen.
Chợ Đồng Xuân, Hà Nội thời kháng chiến. Ảnh tư liệu
Theo phương án đã báo cáo với Bác, 3 người cùng đi chợ Tết này với mối quan hệ gia đình. Bác Hồ là bố, đồng chí Phan Văn Xoàn là con, đồng chí Phan Đỉnh (vệ sĩ trực tiếp) là cháu của Bác. Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy, xe ô-tô đưa Bác theo đường Phan Đình Phùng đến phố Hàng Đậu, rẽ qua phố Hàng Khoai, rồi Bác xuống xe đi bộ vào chợ. Lẽo đẽo theo sau là “người cháu” xách chiếc làn mây đi chợ, trong làn có mấy củ cà rốt, vài củ hành tây và mấy mớ rau thơm, đồng chí Xoàn thì đi trước một quãng. Ba bác cháu hòa lẫn trong dòng người đông vui giữa phiên chợ sáng 30 Tết, trên đường phố, ai cũng hăm hở lo việc mua bán tấp nập, không ai biết Bác Hồ lúc này cũng có mặt ở đây.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn nhớ lại, lúc ấy khi ba bác cháu đi đến cửa sau chợ Đồng Xuân, trước khi vào chợ như hành trình đã định, thì bỗng nhiên Bác dừng lại. Với dáng vẻ thư thái, Người đứng ngắm quang cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán chen chúc ở đầu chợ Bắc Qua, rồi Bác ngoặt sang trái rẽ vào chợ. Thấy vậy tổ bảo vệ rất lo, vì trong phương án bảo vệ, Bác không vào chợ Bắc Qua mà chỉ vào chợ Đồng Xuân nên đồng chí Xoàn làm ra vẻ con đi theo lo cho bố, bèn gọi: “Bố ơi, đi đường này cơ mà, đường đó chật lắm không đi được đâu bố ạ!”. Vừa nói lớn để Bác nghe, đồng chí Xoàn vừa giơ tay hướng vào phía cổng chợ Đồng Xuân, mọi người xung quanh cũng không ai để ý có chuyện gì.
Nghe vậy, Bác quay lại vừa nhìn đồng chí Xoàn, vừa mỉm cười rồi khẽ nói: “Bố con ta vào đây đã”. Thế là tổ bảo vệ phải theo lời Bác. Đồng chí Xoàn liền vượt lên trước rẽ lối để Bác đi. Chợ Bắc Qua lúc này đông nghẹt, đường vào chợ chật như nêm. Sau một lúc quan sát cảnh hàng hóa chợ Tết bày la liệt đầy ắp, đồng bào vui vẻ mua bán sắm sửa, Bác tỏ ý rất vui, rồi sau đó mới qua chợ Đồng Xuân.
Vào trong chợ, Bác đi chậm lại, có lúc dừng hồi lâu trước một số quầy hàng tạp hóa, đồ dùng gia đình, quần áo may sẵn và cửa hàng thực phẩm của mậu dịch quốc doanh thời bao cấp để biết giá cả và thấy sức mua sắm của người dân. Trong chợ Đồng Xuân cũng chật ních người đi mua sắm và cả người đi xem cảnh chợ Tết Thủ đô, đôi lúc có người trong đám đông chen chúc lỡ chạm phải người Bác, họ quay sang ôn tồn lễ phép xin lỗi. Bác gật đầu độ lượng và cười đáp lại. Trong khi đó đồng chí Xoàn lảng vảng gần đấy, còn đồng chí Đỉnh xách chiếc làn mây kè kè bên cạnh Bác như hai ông cháu sợ lạc nhau.
Sau một hồi quan sát trong chợ, đồng chí Xoàn mời Bác sang thăm các quầy bán hoa tươi cạnh đó. Cả một dãy hàng hoa rực rỡ sắc màu các loại hoa Tết Hà Nội và các miền quê đưa về. Cạnh các quầy hoa là mấy cụ đồ nho áo dài the, khăn xếp đen, đeo mục kỉnh, ngồi chấm phá những câu đối bằng mực tàu trên những khổ giấy đỏ dài, nhiều người đi chợ đứng xem xung quanh. Sau một chốc, Bác rảo bước tới một quầy hàng bán hoa huệ gần đấy. Như có ý định trước, Bác ngồi xổm xuống chọn một bó huệ rất đẹp, đưa lên ngắm nhìn tỏ vẻ rất vừa ý, rồi hỏi chị hàng hoa:
- Chị ơi, bó huệ này bao nhiêu hở chị?
- Dạ thưa cụ, 5 hào!
Lúc này đồng chí Đỉnh đứng sát ngay sau lưng Bác. Thấy Bác ngồi đây hơi lâu nên sợ bị lộ, vì Bác trực tiếp trao đổi mua bán e rằng những người tinh ý sẽ phát hiện ra Bác, nên đồng chí Xoàn bước vội tới nói với Bác: “Bố để con mua cho”, rồi mặc cả bó hoa huệ giá hai hào. Thiếu tướng Xoàn kể lại, sở dĩ lúc ấy ông trả với giá thấp như vậy cốt để chị hàng hoa không bán, rồi lấy cớ mời Bác đi về cho an toàn. Khi nghe chị hàng hoa trả lời không thể bán được, Bác liền đứng dậy, một thoáng nhìn theo bó hoa huệ như luyến tiếc rồi đi ngay. Ra chợ được một quãng đến chỗ vắng, Bác quay lại nói nhỏ với ông Xoàn: “Chú trả như vậy thì đi chợ cả ngày cũng chẳng mua được gì” và trên gương mặt phúc hậu của Người thoáng lộ nét trầm lặng không vui.
Thế rồi Xuân này qua, Xuân khác qua, cứ mỗi lần chuẩn bị đón Xuân năm mới, khi kể lại với anh em bảo vệ và các nhà báo chuyện này, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn vẫn xúc động, bùi ngùi với cả nỗi niềm thương nhớ vời vợi đối với Bác. Câu chuyện Bác Hồ đi chợ Tết hơn 45 năm trước vẫn luôn lắng đọng sâu thẳm trong lòng, nay ông ngậm ngùi hồi niệm nhớ lại từ ký ức một thời làm vệ sĩ bảo vệ Bác:
- Lúc bấy giờ tôi cảm thấy Bác buồn, tôi cũng buồn và lo, nhưng thực tình là chưa hiểu vì sao. Dần dần sau này tìm hiểu trong kỷ niệm về đời hoạt động và tình cảm của Bác, tôi mới được biết Bác vốn thích hoa huệ, nhưng hồi ấy tôi đâu có biết, thật quá ân hận, nhưng việc đã muộn rồi. Nay cứ mỗi lần từ thành phố mang tên Người ra thăm lại Thủ đô, tôi lại đến chợ Đồng Xuân mua một đóa hoa huệ thật đẹp như đóa hoa huệ hơn 45 năm trước để đưa vào Lăng viếng Bác và thăm lại nơi Người ở và làm việc. Thấy những bông hoa huệ giản dị, trinh bạch, ngát hương đặt trước cửa nơi Người yên nghỉ trong Lăng và cắm trong lọ để trên bàn làm việc của Người ở Nhà sàn, lòng tôi bỗng se lại xót xa, nghẹn ngào xúc động nhớ Bác khôn nguôi và không cầm nổi nước mắt. Và, cứ mỗi lần như thế, tôi như thầm thì thưa với Bác: “Bác ơi, con đã một lần làm Bác buồn. Nơi vĩnh hằng Người hãy tha lỗi cho con”./.
Bùi Đình Nguyên
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn)
Nguồn: http://www.qdnd.vn/
Tú Anh (st)