Ngày cuối năm, xe chúng tôi bon bon trên con đường bê tông lên với người Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình để đón chung cái Tết cổ truyền của dân tộc sau khi có quyết định lùi thời gian mừng năm mới theo truyền thống để cùng vui chung cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Tới đầu bản, ven đường đã thấp thoáng những nụ đào mơn mởn sắc hồng trên cành đung đưa trong gió xuân. Những cô gái Mông cũng đã xúng xính với bộ váy sặc sỡ sắc màu đang nép mình dưới những tán cây để tránh cái nắng ở Chiềng Châu.

9-xuan-ve-pako-1
 Ông Sùng A Lứ

Người Mông đầu tiên đón chúng tôi trên đỉnh Pà Cò là ông Sùng A Lứ trong căn nhà gỗ dài gần hai mươi mét, rộng chừng tám mét được lau chùi sạch sẽ. Khu nhà bếp là nơi sản xuất chè, khu chăn nuôi gia súc của gia đình ngăn nắp và gọn gàng. Ngôi nhà của ông là khuôn mẫu cho bao nếp nhà của người Mông. Dù bước qua tuổi 75 nhưng da vẫn săn chắc, bước đi nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, đặc biệt là trí nhớ khá tốt. Ông còn nhớ rất rõ những chuyện cách đây đã hơn nửa thế kỷ.

Nề nếp và lối sống của người Mông hôm nay đã có nhiều đổi thay. Nhà mái được lợp ngói đỏ, tường tráng xi măng xung quanh, thưng gỗ kín mít thay cho mái lá, phên nứa của những năm trước.

Sau khi đã thăm quan vài vòng, ông Lứ mời chúng tôi cùng ngồi nhâm nhi ly rượu ngô thơm nồng. Ông cười vang: “Tưởng những ngày này cán bộ ở chơi Hà Nội chứ sao lại lên với vùng hẻo lánh của bản chúng tôi chi cho cực? Trên này chỉ có không khí, môi trường trong lành, tình người mến nhau thôi, chẳng có nhiều thứ vui như ở dưới thành phố đâu”!

Một người trong đoàn lên tiếng: “Chắc trên này mùa đông lạnh lắm?” Ông cười: “Cũng lạnh đấy, nhưng bây giờ không khổ, nhà nào cũng có nhiều chăn bông, chăn len chẳng phải sợ rét như trước nữa. Ngày tôi mới làm cán bộ tôi không dám ngủ nhiều, thức nhiều mới nghĩ được điều hay, ngủ kỹ quá sao biết lo cho ngày mai, ngày kia, lo cho dân được. Tôi còn nhớ mấy câu thơ viết về Bác Hồ kính yêu, để tôi đọc cho cán bộ nghe!

Đặt chiếc chén nhỏ vừa cạn, vỗ vào trán đặt hai tay lên bàn ông nghiêm nghị, khẽ bật lên thành tiếng .

Khác với chúng ta,

Bác Hồ đắp chăn đơn không muốn mình ấm quá

Người trằn trọc canh dài vì tiếng trẻ rao đêm

Khi còn những bất công, chưa dễ dàng ta xóa

Cần có những phút buồn nâng chúng ta lên.

(“Bác Hồ đắp chăn đơn” của nhà thơ Hải Như)

Ông cao hứng liền kể tiếp: “Tôi có nhiều kỷ niệm về Bác Hồ lắm. Ngày còn bé tôi cóp được mấy hào và ra hiệu sách dưới huyện mua bằng được tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem về và treo ở gian giữa, đi đâu về cũng đứng ngắm bức chân dung của Cụ. Khi có đoàn cán bộ huyện về bản công tác thấy họ gọi Cụ Hồ là Bác, tôi tìm hiểu mới biết thì ra cả thế giới đều yêu quý và gọi là Bác Hồ. Từ đó ai đến thăm nhà, tôi cũng nhắc không nên gọi Cụ Hồ nó cổ lắm phải gọi là Bác Hồ. Sau này tôi được Đảng cho đi học, được đi làm việc ở huyện, xuống tỉnh mới hiểu về Bác hơn. Tôi nhớ mãi một đồng chí ở Trung ương về nói chuyện với cán bộ thanh niên các dân tộc Hòa Bình. Anh ấy nói hay lắm: “Trong trái tim của Bác Hồ, 54 dân tộc trong Tổ quốc Việt Nam đều là anh em một nhà”.

9-xuan-ve-pako-2
Chợ tết Sài Lĩnh của người mông Pà Cò

Bác thương đồng bào các dân tộc thiểu số vì trước đây bị chế độ Lang Đạo, Tạo Phìa bịt mồm, che mắt, sống kiếp trâu ngựa nên thua thiệt so với các dân tộc khác. Bây giờ miền Bắc hòa bình rồi, Đảng, Bác Hồ khuyến khích và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số vươn lên bình đẳng với tất cả các dân tộc anh em khác. Người Mông, người Dao, người Thái, người Tày và tất cả đồng bào các dân tộc đều chung một mái nhà Việt Nam. Đảng, Bác Hồ luôn trăn trở vì phải làm sao để miền núi tiến kịp miền xuôi, để đồng bào các dân tộc thiểu số hết nghèo đói, không lạc hậu nữa… ’’.

Tôi được đi học, trở thành cán bộ của Đảng cũng nhờ đường lối chính sách mà Bác đã vạch ra. Người Mông trước đây tăm tối lắm, làm nhiều điều không hay như trồng cây thuốc phiện, phá hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để trỉa ngô, trồng bắp làm cho núi tan hoang khi mưa thì tràn, khi nắng không còn chỗ trú mà vẫn thiếu đói. Thích lấy vợ thì đi bắt về, thách cưới thì dùng bạc trắng với bao nhiêu là rượu, gạo, trâu, lợn.

Người chết nằm xuống cúng cái ma đến cả chục ngày, tụ tập nhau từ bốn phương về ăn no, ăn chán rồi khi say quá vác súng kíp bắn nhau. Đến khi được học cái chữ của Đảng, của Bác Hồ đôi mắt mới sáng ra. Bây giờ người Mông sống cũng văn hóa lắm. Nhà nhà tôn trọng nhau, nhìn nhau mà làm. Mọi người đi họp, nghe cán bộ phổ biến những cái hay, điều tốt thì bảo nhau làm theo. Con cháu đều được đến lớp học hành tử tế, nếu có đứa nào hư thì gia đình cùng với các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nhà trường chụm lại mà giáo dục.

Con trai người Mông hôm nay khác với thời xưa là không trồng cây anh túc, không hút thuốc phiện, không lấy vợ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Anh nào muốn lấy con gái nhà người ta thì phải tìm hiểu, có yêu thì lấy nhau mới ở được chứ, mới hạnh phúc chứ. Khi còn trẻ tôi được đọc nhiều, đi nhiều, dự nhiều cuộc họp mới thấy công lao của Bác đối với đất nước Việt Nam lớn hơn núi Sài Lĩnh, bao nhiêu nước suối đổ thành sông Đà cũng chẳng bằng. Tôi còn được biết ngày đất nước mới hòa bình, Bác còn đón cả thủ lĩnh người Mông từ Hà Giang về thăm Thủ Đô. Ông ấy được Bác mời cơm và nghe Bác nói về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước ta. Người Mông là anh em với các dân tộc khác thật sự, người Mông phải làm theo lời Bác dạy thôi.

Năm Bác mất, tôi làm cán bộ lãnh đạo ở huyện khóc sưng cả mắt, khi về Pà Cò mới biết bà con cũng khóc hết nước mắt. Không có Bác làm sao người Mông Pà Cò được như hôm nay. Không có Đảng thì cái nghèo khó, cái đói rét, lạc hậu cổ hủ vẫn như đám mây đen quấn lấy người Pà Cò từ sáng đến chiều mờ mịt như núi Sài Lĩnh bị mây phủ quanh năm. Cuộc sống của hàng trăm, hàng vạn người vẫn lầm lũi như bóng núi, bóng cây. Đôi chân người Mông vẫn đạp lên đá tai mèo hay ngồi trên lưng ngựa mà đi, làm gì có đường to, nhà rộng, xe đẹp, trường học lớn, có bác sĩ về tận nơi chăm sóc sức khỏe như bây giờ. Người Mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ suốt đời. Năm nào cũng vậy cứ đến ngày sinh của Bác, tôi lại gọi các con, cháu, chắt đến và đọc cho chúng nó nghe bản di chúc thiêng liêng của Người trước lúc về với các cụ, Các Mác - Lê Nin... Ông ngừng lời đứng dậy, đến bên chiếc tủ màu đen sẫm cũ kỹ. Mở tủ, lấy một một vật gì bọc trong túi ni lông đã sờn trân trọng đưa cho chúng tôi xem. Ông nói: Tôi đã giữ cẩn thận từ ngày Bác Hồ về với cõi tiên.

Nghe câu chuyện của ông Sùng A Lứ kể, tận mắt thấy việc ông làm, chúng tôi sững sờ bởi tấm lòng của đồng bào Mông Pà Cò luôn hướng về Đảng về Bác Hồ kính yêu! Có lẽ chỉ có điều riêng biệt người Mông không thay đổi đó là những bộ quần áo ống rộng màu đen hay xanh chàm của con trai, váy áo con gái vẫn sặc sỡ hoa văn của núi rừng đậm đà bản sắc văn hóa bao đời. Tiếng khèn, tiếng sáo người Mông luôn réo rắt, gọi người yêu đến với mình sau giờ lao động…

9-xuan-ve-pako-3
Một bé gái người Mông ôm ảnh Bác

Pà Cò hôm nay đã khác xưa, điện lưới giăng khắp các xóm bản. Những dãy nhà san sát bên nhau, chợ Sài Lĩnh luôn đầy ắp hàng hóa. Con trai, con gái người Mông Pà Cò đến tập văn nghệ chuẩn bị chương trình đón Tết ở hội trường của xã bằng xe máy đời mới. Một xã vùng cao chon von chỉ có rừng với đá khi xưa, ngày nay một số gia đình đã mua được xe tải, xe máy để chở hàng hóa và xe khách để phục vụ cho khách du lịch. Trong bản nhà nào cũng có bể chứa nước sạch để ăn, tắm giặt, những làng bản nghèo khổ lạc hậu ngày xưa giờ đây là những làng Văn hóa. Đảng bộ nhà nước và chính quyền địa phương của tỉnh Hòa Bình đã tạo cho Pà Cò một diện mạo mới. Ông Sùng A Lứ đã nuôi dạy năm người con trưởng thành, giờ đây các anh đều là cán bộ chủ chốt của xã Pà Cò huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình.

Nắm chặt tay tiễn chúng tôi, một lần nữa ông khẳng định : “Dù núi Pà Cò có hết cây thì người Mông ta vẫn không quên công ơn của Bác Hồ, chỉ tiếc hơn bốn mươi cái Tết không được nghe Bác Hồ đọc thơ Xuân nữa’’.

Xuân đã đến trên đất Pà Cò, những đổi thay của người Mông ở thượng nguồn sông Đà, hình ảnh những chàng trai, cô gái Mông trong trang phục của dân tộc đứng hát vang bài ca “Người Mèo ơn Đảng” ở hội trường UBND xã Pà Cò. Khu rừng xanh thăm thẳm, núi đá chon von và cảnh sắc hoa Đào quyến rũ lao xao làm cho lòng người khó ai ra về mà quên được vùng Tây Bắc xa xôi của Tổ Quốc./.

Hồng Anh - Huy Định

Theo Báo Công luận

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: