Ảnh Tư liệu
Ngày 28 Tết, cấp trên cho người về cùng lãnh đạo xã vận động cán bộ và nhân dân sáng mồng Một Tết tập trung, mít tinh chào mừng phái đoàn Trung ương về chúc Tết. Riêng tôi, là Bí thư Chi bộ xã Tân Phong cũng chỉ được phổ biến như thế.
Sở dĩ phải đi vận động cán bộ và nhân dân, bởi đón khách vào đúng ngày mồng một Tết và hơn nữa chưa rõ phái đoàn Trung ương gồm những đồng chí nào. Mặc dù chỉ biết có vậy, chúng tôi lập tức hội ý lãnh đạo xã (cả chi bộ và chính quyền) rồi phân công nhanh, khẩn trương công tác chuẩn bị.
Chúng tôi quyết định như sau: Chọn nhà anh Thêm, một cố nông mới được chia căn nhà lá 5 gian rộng rãi ở thôn Yên Định làm nơi phái đoàn nghỉ chân. Từ đây đoàn đi thăm một, hai gia đình cơ sở có thành tích trong kháng chiến rồi đi luôn ra chỗ nhân dân tập trung mít tinh chào mừng Đoàn ở một địa điểm khác được bố trí chu đáo.
Sáng ngày mồng một Tết, chúng tôi đã hoàn tất mọi công việc, sẵn sàng đón khách về thăm.
Khoảng 10 giờ, trời mưa nhỏ và rét. Chúng tôi đang bàn thêm về chương trình cuộc mít tinh, thì bỗng nghe tiếng xe ô tô ngoài đường. Chúng tôi chạy ào ra, vì chỉ có xe của Trung ương thôi, ai cũng nghĩ vậy. Từ trong xe Bác bước ra, chúng tôi luống cuống chẳng biết làm gì, Bác cười rồi vẫy chào chúng tôi. Bác đi nhanh vào cổng nhà anh Thêm, thấy chúng tôi ở đông trong sân, Bác đi vào. Thấy Bác vào nhà anh Thêm, tất cả chúng tôi và bà con có mặt cũng vào cả trong nhà. Một lúc sau, bà con nơi tập trung mít tinh cùng các cháu thiếu nhi nghe tin Bác về đã chạy đến đứng kín cả sân nhà anh Thêm.
Mọi người quây quần bên Bác và tự nhiên nơi này trở thành cuộc mít tinh chào mừng Người. Bác đứng trong nhà giơ tay chào mọi người và Bác cười rất tươi, nom Bác như một ông tiên giáng trần. Tôi và anh Thêm được các anh ở huyện giới thiệu với Bác. Bác hỏi anh Thêm:
- Gia đình chú có mấy khẩu?
- Thưa Bác, cháu có một mình ạ.
- Ruộng đất được chia bao nhiêu?
- Thưa Bác, một mẫu ạ.
Bác nói: Có một mình sao được chia nhiều ruộng như thế? Anh Thêm chưa kịp thưa với Bác thì bà con đã nói giúp:
Thưa Bác, anh Thêm chưa lấy vợ, được chiếu cố một xuất thành hai ạ.
Bác cười và hỏi tiếp: Cháu gói mấy cái bánh? Anh Thêm ngẩn người ra, rồi ngó lên bàn thờ thấy có 3 chiếc bánh chưng vuông, anh thưa:
- Thưa Bác, cháu gói 3 chiếc bánh chưng ạ.
Tôi xin thưa thêm, thực tình anh Thêm vì có một mình nên không gói bánh. Hôm qua, chúng tôi chọn nhà anh làm điểm đón Đoàn khách Trung ương dừng chân, nên đã bố trí một mâm ngũ quả, 3 cái bánh chưng thật đàng hoàng cho có không khí ngày Tết. Vì thế, khi Bác hỏi, anh Thêm có vẻ lúng túng. Khi Bác về rồi, chúng tôi tự thấy mình có khuyết điểm là bày biện hình thức mà không đúng sự thật. Chúng tôi ân hận mãi vì đã nói dối Bác. Đó là bài học chúng tôi nhớ đời.
Quay về phía mọi người, Bác nói đại ý: Bây giờ bà con đã được Đảng, Nhà nước chia ruộng đất rồi, như vậy bà con đã làm chủ. Nhưng như thế chưa đủ, bà con phải hăng hái tăng gia sản xuất để được ấm no hơn nữa. Muốn sản xuất tốt thì phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phải lập tổ đổi công để giúp nhau vượt khó khăn mà sản xuất. Quay sang tôi, Bác hỏi thật bất ngờ:
- Các chú đã lập được bao nhiêu tổ đổi công rồi?
- Tôi thưa với Bác: Cả xã có 51 tổ đổi công, bình công chấm điểm ạ.
Bác lại hỏi tiếp:
- Xóm này (tức Yên Định) thì có bao nhiêu tổ?
Tôi lúng túng quá, không trả lời được Bác ngay, vì tuy là Bí thư Đảng ủy, nhưng tôi chỉ mới nắm số liệu chung của toàn xã, chứ riêng từng thôn, xóm tôi không nắm được. Bà con Yên Định đã trả lời giúp tôi:
- Xóm chúng cháu có 5 tổ ạ.
Bác cười, rồi lại hỏi tôi:
- Các tổ đổi công hoạt động thế nào?
- Thưa Bác, các tổ mới chỉ hoạt động từng vụ, từng việc thôi ạ, tôi trả lời Bác.
Bác nói: Phải dần dần đưa lên hoạt động thường xuyên thì tổ đổi công mới có tác dụng thiết thực.
Tôi thưa: Vâng ạ. Nhưng trong lòng thấy ân hận quá, vì tôi không nắm cụ thể, chi tiết mọi công việc mà chỉ nắm chung chung. Tôi tự hỏi, tại sao vị Chủ tịch nước mà quan tâm đến những chi tiết rất nhỏ trong đời sống và sản xuất của bà con nông dân như vậy. Trong khoảnh khắc tôi tự vấn mình thì Bác cúi xuống hỏi một cháu bé gái khoảng 7, 8 tuổi đang ngồi chăm chú nghe Bác nói.
- Cháu có đi học không?
- Thưa Bác có ạ.
- Đi học về cháu giúp bố mẹ được những việc gì?
- Thưa Bác, cháu bế em, quét nhà, nấu nước ạ.
Bác khen: Thế là cháu rất ngoan, rồi hỏi tất cả các cháu đang ngồi trật tự xung quanh Bác:
- Các cháu có biết hát không?
Tất cả đáp: Thưa Bác, có ạ.
- Các cháu muốn hát cho Bác nghe bài gì nào?
- Thưa Bác, bài Kết đoàn ạ. Tất cả đồng thanh trả lời. Bác cười rất vui, như đúng ý của Người, Bác giơ tay hô: hai, ba và “cầm càng” cho các cháu và tất cả mọi người đều hát vang bài Kết đoàn.
Hát xong, Bác cùng mọi người và các cháu vỗ tay hoan hô. Bác lấy kẹo, tự tay chia cho mỗi cháu 1 chiếc. Cháu nào ngồi xa, Bác chia trước. Không khí thật ấm cúng lạ thường. Bỗng Bác hỏi tôi:
- Bác nghe nói, các chú định mời Bác đến thăm một gia đình cơ sở kháng chiến, là gia đình nào?
- Thưa Bác, nhà bà Đằng ạ. Gia đình bà Đằng là cơ sở nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống Pháp. Có lần bị địch bắt, chúng tra tấn nhưng Bà không hề cung khai điều gì, Bà được tặng thưởng Huân chương kháng chiến.
Bác bảo tôi dẫn Bác đi thăm. Lúc này, bà Đằng cũng có mặt nhưng đứng ở xa, chúng tôi bảo bà về trước chuẩn bị để Bác đến thăm. Bác vào thăm nhà bà Đằng, hỏi thăm tình hình gia đình, đời sống và căn dặn Bà phát huy thành tích trong kháng chiến để đóng góp cho địa phương, trong đó có gia đình ngày càng ấm no, giàu có hơn.
Rời nhà bà Đằng, Bác ra xe để về Hà Nội. Bác vẫy chào chúng tôi. Tôi hô: Hồ Chủ tịch muôn năm. Tất cả mọi người cùng hô to: muôn năm, vang cả đất trời.
Bác rời Yên Định, Tân Phong một lúc lâu, nhưng chúng tôi và bà con vẫn nán lại chỗ Bác đứng bên xe. Lòng ai cũng bâng khuâng, lưu luyến vì vừa được quây quần bên Bác như người cha, người ông hiền từ, rất đỗi thân thương... và tiếc rằng, Bác không ở lâu hơn nữa để mọi người được hưởng lộc xuân bên Bác kính yêu.
(Biên tập theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Tụng - Bí thư Chi bộ và đồng chí Bùi Văn Lưu, Quyền Chủ tịch UBHC xã Tân Phong năm 1956- Tân Phong là một xã nghèo thuộc huyện Bình Xuyên nhưng có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, lại là xã đi đầu trong sự nghiệp khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Một phần thưởng bất ngờ và quý báu, Tân Phong đã được Bác Hồ về thăm và chúc Tết đúng vào ngày mùng Một Tết Bính Thân 12/2/1956).
Theo tet.vinhphuc.gov.vn
Minh Thu (st)