Năm Bính Tuất - 1946 toàn dân tộc ta hồ hởi, phấn khởi, vui mừng đón Tết độc lập đầu tiên sau bao nhiêu năm đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ.

Tết Bính Tuất - 1946 là một Tết đặc biệt và có một sự kiện rất đặc biệt là, Bác Hồ người đứng đầu đất nước có đến ba bài thơ chúc Tết mừng Xuân đồng bào và chiến sĩ. Chúc Tết Bính Tuất - 1946, Mừng báo Quốc gia, Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất cùng bốn bức thư: Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm mới, thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, thư gửi thanh niên và nhi đồng nhân dịp Tết Bính Tuất và một bài báo có tên là Tết.

Chưa có năm nào, kể cả sau này, Bác có thơ và thư chúc Tết nhiều như Tết Độc lập Bính Tuất -1946. Đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động đón nhận và lắng nghe thư và thơ chúc Tết của Bác. Lời chúc đầu năm mới của Bác là lời chúc Tết tốt đẹp nhất, muôn sự tốt lành, muôn việc đều tiến tới. Song, Bác nhấn mạnh đến hai nhiệm vụ chiến lược cấp bách trước mắt và lâu dài của dân tộc là: Kiến quốc và kháng chiến. Đất nước được độc lập, tự do về với nhân dân còn có niềm vui nào hơn.

Niềm vui ấy lại được nhân đôi khi lần đầu tiên toàn dân được đón Tết độc lập, tự do. Trong một bài thơ chúc mừng một tờ báo đăng trong số Tết, Bác khẳng định:

Tết này mới thực Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.

Độc lập đầy vơi ba chén rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa,

Mọi nhà vui đón Xuân dân chủ,

Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà.

             (Mừng báo Quốc Gia)

Thực Tết dân ta là gì? Bác gói gọn trong mấy chữ chào mừng - mấy từ giản dị, chân lý: Độc lập, Tự do, Dân chủ, Cộng hoà. Mấy từ này trước đây gần một thế kỷ và chỉ cách đây mấy tháng thôi còn là mơ ước, là mong muốn vậy mà giờ đã nắm chắc trong tay; trước đây quằn quại trong câu chữ của thơ văn yêu nước, nhất là thơ văn Đông Kinh Nghĩa Thục thì giờ đây thoái mái, mạnh mẽ và vững chắc trong thơ Bác. Mấy chữ chào mừng của Bác thực sự là nội dung Tết độc lập đầu tiên. Thực Tết dân ta là nội dung đời sống chính trị - xã hội của đất nước ta. Vì vậy mà lời chào mừng, lời chúc Tết của Bác chứa đựng sự hồ hởi, niềm hân hoan, sung sướng của cả dân tộc và của Bác mà thành thơ. Thơ chân thật, nôm na, vừa ý vị, vừa mạnh mẽ. Thơ của chân lý. Mọi nhà vui, cả nước hoan nghênh là vậy. Mọi người dân yêu nước vâng theo lời Bác, hơn lúc nào hết bắt tay ngay vào việc kiến quốc. Nhưng xây dựng lại đất nước bắt đầu từ đâu và như thế nào thì phải dựa trên cơ sở bối cảnh thực tại, Bác đã chỉ ra và nói rõ việc làm tất yếu đầu tiên phải xây dựng một đời sống mới làm nền tảng.

Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ, đồng bào

Phải gắng làm sao…

Gây "Đời sống mới"

                                            (Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất)

Muốn xây dựng đời sống mới phải có con người mới, phải phấn đấu trở nên những công dân mới mà theo Bác phẩm chất đạo đức đầu tiên của con người mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trong thơ và thư, Bác giải thích rõ ràng, cụ thể, cặn kẽ và dễ hiểu nhất thế nào là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Bác yêu cầu mọi người tu dưỡng rèn luyện để có những phẩm chất tốt đẹp này.

Cần, Kiệm, Liệm, Chính

Canh giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống "Đời sống mới"

Thơ Bác chúc Tết phụ nữ nhưng cũng là cho mọi người, cho đồng bào, đồng chí. Phụ nữ, đồng bào cả nước đã phấn đấu làm theo lời Bác chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Khẩu hiệu vừa sản xuất vừa chiến đấu mà Bác và Đảng đề ra được quán triệt và trở thành hành động, là việc làm hàng ngày trong suốt cả quá trình kháng chiến và xây dựng đất nước. Ngay từ năm Bính Tuất 1946 đồng bào và chiến sĩ ta vui mừng đón Tết nhưng không quên những chiến sĩ đang chiến đấu ở ngoài mặt trận. Thấu hiểu nỗi lòng chiến sĩ và đồng bào, trong thư chúc Tết, Bác kêu gọi, chia sẻ, động viên: Hỡi các chiến sĩ yêu quý, trong khi đồng bào đốt hương trầm để thờ phụng tiền nhân thì các bạn đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào đốt pháo mừng Xuân thì các bạn nổ súng chống địch. Các bạn hăng hái chống địch để cho đồng bào được an toàn mừng xuân. Vậy nên đồng bào quyết không bao giờ quên công lao các bạn. Trong ba ngày Tết, đồng bào ai cũng đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh. Còn các bạn thì chịu ăn gió nằm mưa lạnh lùng chốn sa trường. Song hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân. Tôi thay mặt Chính phủ và toàn quốc đồng bào chúc các bạn năm mới mạnh khoẻ và thắng lợi. Bác còn có thơ, những lời thơ tha thiết, tràn đầy tình cảm.

Bao giờ kháng chiến thành công

Chúng ta cùng uống một chung rượu đào

Tết này ta tạm xa nhau

Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.

Ở bài thơ mừng báo Quốc gia, Bác chúc:

Ta chúc ta rồi ta nhớ chúc

Những người chiến sĩ ở phương xa

Những bài thơ chúc Tết mừng xuân Bính Tuất - 1946 của Bác mãi mãi còn nguyên ý nghĩa thời sự, còn nguyên giá trị./.

Theo Báo Vĩnh Phúc
Minh Thu (st)

Bài viết khác: