xuan-khang-chien-2
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết năm 1968

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu thích mùa Xuân. Theo Người  “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Mùa Xuân vốn là sự giao hòa của trời đất, của thiên nhiên và con người. Đó cũng là quy luật tất yếu để cho sự sống của con người không ngừng được sinh sôi, nẩy nở, như dòng sông luôn xuôi chảy không bao giờ dừng lại.

Mỗi độ Xuân về, cả dân tộc ta lại hân hoan mừng Xuân, mừng Đảng lớn mạnh, mừng đất nước phồn vinh. Và để có được những ngày vui đó, chúng ta không thể quên được công lao to lớn của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Trong cuộc đời 79 mùa Xuân của Người, có đến 30 mùa Xuân “Tha hương”, cộng thêm hai mùa Xuân vừa tha hương vừa nằm trong ngục Tưởng Giới Thạch. Trong 30 mùa Xuân cách xa Tổ quốc ấy Bác có 2 lần đón Xuân tại nhà tù Víctoria ở Hồng Kông và 5 cái Tết ở trên đất Liên Xô, chỉ có đọc sách mà không được hoạt động nhiều (từ năm 1934 đến năm 1938).

Như vậy, nếu tính từ tuổi 17 đã biết tự lập thì trừ đi những năm thơ ấu, những năm “ly hương” và tù ngục, Bác Hồ thực sự chỉ hưởng được 30 cái Tết trong nước. Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác Hồ đã trải qua 9 mùa Xuân tại Chiến khu Việt Bắc. Trong 9 mùa Xuân kháng chiến đó năm nào Người cũng làm thơ chúc Tết, viết thư gửi tới đồng bào và chiến sỹ cả nước. Qua những lời thơ, những lời chúc Tết của Bác, chúng ta thấy được tấm lòng yêu thương bao la, rộng mở của vị lãnh tụ đối với nhân dân, với nước. Những bài thơ Xuân, những lời chúc năm mới của Bác là món quà vô giá mà Người dành tặng cho toàn thể nhân dân ta mỗi khi Xuân về. Nhân dịp Tết đến, Xuân về ta hãy cùng nhau ôn lại những bào thơ chúc Tết, những bức thư, những lời dạy trực tiếp mà Bác kính yêu dành tặng cho đồng bào và chiến sỹ cả nước.

Xuân Định hợi năm 1947

Ngày 1 tháng 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi đầu năm mới:

Hỡi toàn thể đồng bào Nam, Trung, Bắc!

Hôm nay mồng 1 tháng Giêng năm 1947, tôi thay mặt Chính phủ chúc toàn thể đồng bào và kiều bào ở hải ngoại,

Chúc các bộ đội, tự vệ và dân quân,

Chúc các em thanh niên, phụ nữ và các cháu thiêu nhi, năm mới, một năm mới đoàn kết, một năm mới kiên quyết kháng chiến, một năm mới thắng lợi.

Đến năm nay thực dân Pháp cướp nước ta đã 85 năm trường. Trong 85 năm sỉ nhục đó, đồng bào ta cha truyền con nối đã chịu biết bao nhiêu nỗi đắng cay…

Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Chí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp dày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không?

Không, quyết không!

Chúng ta đem lực lượng của 20 triệu đồng bào, chống lại mấy vạn thực dân Pháp. Chúng ta nhất định thắng lợi”

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sỹ:

“Năm mới chúng ta phải đem lực lượng mới, quyết tâm mới để giành lấy thắng lợi mới, để xây dựng một đời sống mới, một nước non mới.

Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới:

“Nhân danh Chính phủ và quốc dân Việt Nam và riêng tôi, tôi chúc Chính phủ và quốc dân Pháp, một năm mới tốt đẹp.

Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô cắt xẻ Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hượp tác thân ái…

Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hòa bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam”

Ngày 8 tháng 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thơ gửi tặng Báo Độc Lập nhân mùa Xuân kháng chiến đầu tiên:

“Năm mới thế cho năm đã cũ.

Báo “Độc lập” của Đảng Dân chủ.

Kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam,

Đoàn kết và thắt chặt hàng ngũ,

Kiên quyết kháng chiến đến kỳ cùng,

Để giữ chủ quyền và lãnh thổ.

Chờ ngày độc lập đã thành công.

Tết ấy tha hồ bàn với cỗ”

Cũng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tết kháng chiến:

“Tết đã đên gần.

Theo tục lệ thường, thì đồng bào từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến thông quê, ai cũng sắm sửa ăn Tết.

Song Tết năm nay, phải là một Tết kháng chiến. Chiến sỹ ở tiền phương đang chịu đói, chịu rét, xông pha bom đan, đem xương máu để giữ gìn Tổ quốc, để bảo vệ cho đồng bào hậu phương được an toàn.

Đồng bào các Chiến khu thì nhà tan cửa mất, lưu lạc, tản cư, ăn đói mặc rét, cực khổ điêu linh.

Trước tình trạng đó, đồng bào các nơi khác có nỡ lòng ăn Tết linh đình không?

Chắc là không!

Vậy tôi kêu gọi toàn thể đồng bào:

1. Phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài.

2. Nhân dịp Tết kháng chiến, mọi người thi nhau đào hầm trú ẩn và làm những việc cần kíp, đề phòng trước bọn địch tấn công.

3. Ra sức thi nhau tăng gia sản xuất.

4. Rủ nhau gửi đồ úy lạo cho chiến sỹ ở tiền phương, có gì gửi nấy, quà bánh và thư từ, để tỏ tình thân ái. Nhất là phụ nữ, thanh niên và thiếu nhi, nên phụ trách tổ chức việc này.

Chúng ta phải làm sao cho Tết này thật là một Tết kháng chiến.

Bao giờ kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công chúng ta sẽ cùng nhau ăn Tết linh đình.”

Tết Đinh Hợi, cuộc kháng chiến trường kỳ vừa bắt đầu, công việc bộn bề. Chiều thứ ba, ngày 21 tháng 01 (tức 30 Tết), từ Cần Kiệm, Bác đi dự phiên họp tất niên Hội đồng Chính phủ tại thôn Sài Sơn, phủ Quốc Oai, sát chùa Thầy, trong ngôi miếu thờ thần trước hang Thanh Hóa. Trời mưa, đường trơn, ô tô vừa chạy được một quãng thì sa một bánh xuống ruộng. Đi tìm người khênh xe tối 30 Tết không phải dễ. May mà mấy người dân trong xóm gần đấy không kiêng cữ, đốt đuốc đến đẩy xe giúp mới đi tiếp được. 21 giờ, Bác mới tới được địa điểm họp tất niên để chúc mừng năm mới và bàn một số công việc cần kíp. Sau khi châm điếu thuốc, nhấp một ngụm chè nóng rồi mở đầu cuộc họp bằng câu chuyện sa lầy phải nhờ dân khiêng giúp, Bác nói vui: “Chỉ một việc đi xe thôi, không có dân thì Chủ tịch nước cũng đành chịu. Huống hồ việc kháng chiến kiến quốc, một công việc to lớn, vĩ đại, nhất định phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân mới ắt thành công”. 22h 30 phút, Bác lên xe đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang đặt tạo hang chùa Trầm để đọc lời chúc mừng năm mới Đinh Hợi đúng giờ Giao thừa. Ánh đèn pha phía trước nhòa đi vì mưa to và nặng hạt. Đường càng lầy và trơn hơn, nhiều lúc bành xe quay tít trên mặt đường mà xe vẫn đứng nguyên tại chỗ, anh em đành phái xuống đẩy. Xe vòng quanh Xuân Mai rồi rẽ xuống, gần 24h mới tới chùa Trầm. Điện trong hang vẫn sáng trưng, tiếng máy nổ ầm ầm. Trước máy thu thanh, Người đọc bài thơ Chúc mừng năm mới – bài thơ chúc Tết kháng chiến đầu tiên gửi đồng bào cả nước:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”

Sau khi đọc bài thơ chúc Tết trong phòng bá âm, Bác bước ra nói chuyện vơi cán bộ, nhân viên Đài phát thanh đang quây quần đón Bác. Người nói với đồng chí Trần Lâm phụ trách Đài mang đến mấy tờ giấy hồng, Bác viết hai câu đối: “Kháng chiến tất thắng – Kiến quốc tất thành” bằng chữ Hán để tặng sư cụ chùa Trầm. Đang nói chuyện, Bác chợt trông thấy áo sơ mi của anh Nguyễn Nhất bị rách ở vai, Bác cười nói với chị Dương Thị Ngân là người phụ nữ duy nhất ở Đài lúc đó: “Cô phải chú ý vá lại áo cho đồng chí này nhé, ở đây chỉ có mình cô là nữ”. Sau phút ngạc nhiên, vui vẻ, mọi người rất cảm động vì sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của Bác đối với mỗi cán bộ. Lúc Bác sắp ra về sư cụ chùa Trầm xin gặp. Sư cụ thành kính chắp tay nói giọng run run, mong Bác thu nhận cho lòng thành của nhà chùa: Đó là mâm bành chưng mà chú tiểu dâng lên Người. Bác nói cảm ơn, chúc nhà chùa sang năm mới ra sức cầu phật cho kháng chiến mau chóng thành công. 0 giờ 45 phút mồng Một Tết, Bác ra về. Trời vẫn mưa to, anh em lại phải xuống đẩy mấy quãng nhưng cách nhà chừng hai cây số thì xe tụt cả hai bánh xuống ruộng. Vào giờ ấy thì khó mà mượn người khênh xe nên đồng chí lái xe đnàh ngủ lại trông xe còn mấy Bác cháu lội bộ về nhà “xông đất”.

Ngày 22 tháng 01, Bác vẫn dậy sớm làm việc như thương lệ. Sau khi phân công từng đồng chí trong cơ quan đi chúc Tết các nhà lân cận. Người trịnh trọng viết mấy chữ Hán: “Cung hỷ tân Xuân” trên tờ giấy hồng điều, kèm theo một quả cam, một quả quýt gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình chủ nhà. 21 giờ Bác tiếp các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh đến chúc Tết và cùng họp ngay bên bếp lửa hồng cho đến 1 giờ sáng ngày hôm sau.

Ngày 24 tháng 01, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ:

“Nhân dịp Tết Nguyên đán âm lịch, tôi thay mặt Chính phủ đặc biệt chúc đồng bào và chiến sỹ Nam Bộ năm mới.

Vì quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc, đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh chiến đấu hơn một nǎm nay, mà từ nay vẫn kiên quyết hy sinh phấn đấu nữa. Sự trung thành dũng cảm đó sẽ đem Tổ quốc đến thắng lợi, và sẽ ghi những trang vẻ vang trong lịch sử nước nhà.

Vì yêu chuộng hoà bình, vì thật tâm muốn cộng tác với nhân dân Pháp, Chính phủ ta đã tìm hết cách dàn xếp với Pháp. Nhưng bọn thực dân phản động bội tín bất nhân, hòng dùng vũ lực để cướp nước ta một lần nữa. Chúng gây ra cuộc chiến tranh toàn quốc đã hơn một tháng nay.

Vì chủ quyền, vì Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã thề kiên quyết kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến lúc lấy lại được thống nhất độc lập mới thôi. Chúng ta đã thề thà chết chứ không làm nô lệ.

Chúng ta đã phải trải qua những bước gay go cực khổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng ta chắc rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về ta.”

Ngày 24 tháng 01, nhân dịp Tết cổ truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sỹ cảm tử quân Thủ đô. Bức thư thể hiện sâu sắc tấm lòng ân cần, yêu thương của Bác với các chiến sỹ cảm tử đang đem máu xương bảo vệ non sông:

“Cùng các chiến sỹ yêu quý Trung đoàn Thủ đô,

Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên chính phủ vì nhớ đến các em nên cũng không ai nỡ ăn tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng dự bị cho công cuộc trường kỳ kháng chiến.

Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho giống nòi Việt Nam muôn đời về sau.

Chí kiên quyết dũng cảm, các em đã sẵn có, đây tôi chỉ nhắc lại một vài điều mà các em phải nhớ luôn luôn:

1. Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết cách hóa chính vi linh (phân tán và sử dụng lực lượng một cách khôn khéo)

2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ. Phải đề phòng Việt gian trinh thám.

3. Phải hết sức cẩn thận. Phải luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ.

4. Tuyệt đối đoàn kết.

Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn ở bên cạnh các em.

Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi cho các em lời chào thân ái và quyết thắng”.

Xuân Mậu Tý 1948

Từ ngày mùng 1 tháng 1 đến ngày mùng 7 tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khuôn Tất, xã Phú Đình, huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên.

Đầu năm mới Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc Tết Mậu Tý tới đồng bào, chiến sỹ cả nước:

Năm Hợi đã đi qua,

Năm Tý vừa bước tới.

Gửi lời chúc đồng bào,

Kháng chiến được thắng lợi;

Toàn dân đại đoàn kết,

Cả nước dốc một lòng,

Thống nhất chắc chắn được,

Độc lập quyết thành công.

Ngày 4 tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Đặng Phúc Thông, thứ trưởng Bộ Giao thong – Công Chính:

“Chú Thông,

Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi,

Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi.

Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú,

Chú mang cho ấm, cũng như tôi.”

Ngày 7 tháng 02 (tức ngày 28 tháng Chạp âm lịch),  Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đại biểu Ban Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy… dự bữa cơm liên hoan Tất niên và đón mừng năm mới. Người kể những mẩu chuyện khi hoạt động ở Trung Quốc, ở Châu Âu, những lần bị giam và những kỷ niệm ngày Tết nơi đất khách quê người.

Bàn về chuyện kháng chiến Người nói: “Trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên. Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến”.

Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Tý (tức Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý) Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi toàn thể bộ đội khu II, khu III về thành tích đã xóa nạn mù chữ. Trong thư, Người nêu rõ: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về mặt tinh thần cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dan ta vào nơi mù quáng”. Người căn dặn: “Sự học hỏi là vô cùng… Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô dịch”.

Đêm, sau khi dự một cuộc hội nghị ở chốn “Yên ba thâm xứ”, Người xuôi thuyền về căn cứ. Nhân trăng sáng cảnh đẹp, Người làm bài thơ chữ Hán:

Nguyên tiêu

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, Xuân thuỷ tiếp Xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Dịch nghĩa

Rằm tháng Giêng  

Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,

Nước sông Xuân tiếp liền với màu trời Xuân.

Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,

Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng.

Kim Yến (Tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: