Chuông kêu! Cụ Thúy tóc bạc phơ chậm rãi bước ra mở hờ cánh cửa, để lọt qua khe tia nắng úa vàng. Một dòng ký ức vô ngần về buổi sáng của mùa Xuân độc lập đầu tiên (năm 1946), Bác Hồ ăn Tết với nhân dân - trong đó có gia đình cụ - chợt ùa về từ đôi mắt xa xăm...

Xuân độc lập đầu tiên

Căn phòng của ông cụ ở gác 2, số nhà 11 Hàng Khay (Hà Nội). Khung cửa sổ nhìn ra hồ Gươm xanh rêu màu thời gian lúc nào cũng mở hờ. Quầng sáng cuối năm từ tán lá bên đường, nhẹ len qua những chấn song cửa sổ im lìm, phả vào phía trong một khoảng không gian hoài niệm. Một không gian riêng mông lung quá vãng, phảng phất từ những bức ảnh được chụp từ hơn một nửa thế kỷ trước.

Mỗi bức ảnh một câu chuyện, một khoảnh khắc xuôi theo dòng thời gian đã gội lên mái đầu ông cụ nguyên một màu trắng cước. Đó là hàng trăm bức ảnh quý giá, do chính ông cụ chụp, được gìn giữ như một kỷ vật đời người. Cẩn mẩn đưa đôi bàn tay rạn vết da mồi lật giở từng trang trong cuốn album, bỗng ông cụ dừng lại, chỉ vào một tấm ảnh, nói bằng giọng đầy cảm xúc: "Bức ảnh này kể về câu chuyện mùa Xuân năm 1946. Trong đó, gia đình tôi có 6 người được ngồi ăn Tết cùng với Bác Hồ trong Bắc Bộ phủ".

2-an-tet-doc-lap-1
Bức ảnh đời người

Ông cụ vào chuyện tự nhiên và rành mạch: "Cụ Phan Xuân Trang - thân sinh ra tôi, xưa là thông phán toà sứ tỉnh Tuyên Quang. Về hưu, ông đưa cả gia đình về Hà Nội, ở số nhà 18 phố Đồng Khánh, nay là phố Hàng Bài mở hiệu ảnh. Từ nhà tôi lên Trại Bảo an binh có 400 mét.

Cách mạng Tháng Tám thành công, bộ đội ta tiếp quản Thủ đô, các cán bộ chỉ huy của đội quân đóng tại Trại Bảo an binh thường qua lại hiệu ảnh nhà tôi chụp hình. Trong số đó có ông Lâm Kính (tức Lâm Cẩm Như - nguyên phụ trách công tác chính trị của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo chỉ thị của Bác Hồ năm 1944).

Lúc nào qua nhà, ông Lâm Kính cũng ngồi uống nước, trò chuyện với ông cụ nhà tôi, thành ra thân quen, rồi ông ấy có ý hỏi em gái tôi (bà Phan Thị Huỳnh) làm vợ. Cụ nhà tôi nhờ ông Lâm Kính cho em trai tôi là Phan Đức Sử theo bộ đội, liền được nhận vào Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ - nơi Bác Hồ ở lúc đó.

2-an-tet-doc-lap-2
Chàng trai Phan Xuân Thúy ngày ấy

Chiều 30 Tết, Bác Hồ nói với các chiến sĩ: "Các cô các chú nào có gia đình ở Hà Nội thì mời vào đây vui Tết với Bác". Chú em tôi cuống quýt chạy một mạch về nhà báo tin. Được ăn Tết cùng với Bác thì vui quá. Đêm hôm ấy, cả gia đình tôi thao thức, tới quá giao thừa vẫn chẳng ai ngủ được.

Sáng hôm sau - tức mùng 1 Tết Âm lịch năm 1946, cái Tết đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập, ông cụ thân sinh tôi dậy rất sớm, ăn vận áo the, khăn xếp chỉnh tề, với tôi, anh trai Phan Xuân Giực, vợ chồng chị Phan Thị Trâm, Trần Khánh Lục và đứa con gái của họ là Trần Thị Thành cùng tới Bắc Bộ phủ.

Khi chúng tôi tới nơi thì đã thấy gần 50 người - là thân thích của các chiến sĩ khác - cũng đang đứng đợi ở ngoài sân. Bỗng Bác đi ra từ trong dinh với bộ quần áo kaki, đôi dép caosu quen thuộc. Bác đưa tay vẫy chào mọi người nói, ân cần: "Bây giờ xin mời tất cả ra đây chúng ta cùng vui Tết".

Chúng tôi theo Bác đi ra khu vườn trong Bắc Bộ phủ. Suốt dọc con đường rải đá sỏi, hai bên mượt cỏ tóc tiên, những chiếc chiếu được trải ra, cỗ đã bày sẵn. Tôi không còn nhớ chính xác có những món ăn gì, nhưng không có mâm cao cỗ đầy gì cả mà rất đơn sơ, cơm được xới từ trong những chiếc rá. Ông cụ thân sinh tôi cao tuổi nhất, được Bác nắm tay mời ngồi cùng ở mâm đầu tiên, các anh, chị tôi bế đứa nhỏ cũng ngồi kề ngay đấy.

Có mặt trong bữa cơm thân mật này còn có cả ông Đàm Quang Trung - sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký riêng của Bác. Bác mời cơm ông cụ nhà tôi, hỏi thăm cháu Thành rất ân cần, niềm nở. Tôi liền lấy máy ảnh ra chụp liên hồi. Bữa cơm chỉ kéo dài chừng nửa giờ đồng hồ nhưng tràn đầy xúc động

Bức ảnh đời người

Những khoảnh khắc sum họp trong buổi sáng mùa Xuân độc lập đầu tiên được người thợ ảnh Phan Xuân Thúy lên hình lập tức được lồng khung và treo trang trọng trong hiệu ảnh. Hiệu ảnh gia đình cụ ở 18 phố Đồng Khánh ngày ấy thuộc hạng lớn nhất - nhì. Và nghiệp ảnh, với ông cụ, như là một niềm đam mê. Chẳng thế mà kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thứ mà cụ nhất quyết mang theo trên đường di tản chẳng gì khác ngoài chiếc máy ảnh. Hết Tuyên Quang, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) lại Đại Từ (Thái Nguyên)..., dấu chân cụ đặt tới đâu là ở đó có hiệu ảnh. Những hiệu ảnh di động vừa là kế sinh nhai, vừa để thoả đam mê ghi dấu những khoảnh khắc.

Đáng nhớ nhất có lẽ là quãng thời gian ở Đại Từ, cụ được nhiều lớp đào tạo sĩ quan quân đội mời vào chụp ảnh, trong đó có cả những lớp giảng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn...

Năm 1948, cụ Phan Xuân Trang già yếu qua đời. Tới năm 1951 thì bà mẹ ốm nặng, vợ lại mới sinh con thứ ba nên gia đình cụ phải trở về Hà Nội và lại mở hiệu ảnh Quốc Tế ở 11 Hàng Khay bây giờ.

2-an-tet-doc-lap-3
Cụ Phan Xuân Thúy bây giờ

Ông cụ không thể nhớ đời cầm máy của mình đã chụp bao nhiêu tấm hình. Những tấm hình nằm trong cuốn album - kỷ vật vô giá bây giờ chỉ là một phần rất nhỏ những gì còn lại. Thời gian và chiến tranh đã cướp đi nhiều thứ. Cả loạt ảnh về bữa cơm Tết trong Bắc Bộ phủ mùa Xuân độc lập đầu tiên, được treo trang trọng ngày ấy cũng bị chìm vào khói bụi, chỉ còn lại một bức.

Cụ Thúy hồi tưởng: "Hồi kháng chiến toàn quốc, cũng như bao gia đình Hà Nội khác, chúng tôi lên đường tản cư. Khi di tản, tôi chỉ kịp nhét vào túi áo mỗi bức ảnh này vì nó có kích cỡ nhỏ. Những bức ảnh khác được lồng khung treo ở hiệu ảnh phố Hàng Bài, cùng với sập gụ, tủ chè, tư trang, đồ đạc thì mất hết. Tấm ảnh đó luôn nằm trong túi áo tôi, là một kỷ vật, vừa như lá bùa hộ mệnh giúp tôi vượt qua bao quãng đường trường. Khi trở về Hà Nội, điều đầu tiên tôi làm là lấy máy chụp lại, rồi phóng to nó lên đem treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà".

Bức ảnh theo đời người vắt qua hai thế kỷ, giờ ít nhiều đã nhuốm màu thời gian. Tâm nguyện của ông cụ là mở một triển lãm ảnh riêng về Hà Nội qua những thời khắc lịch sử. Giá mà có thể phóng to, lồng khung đem treo tất cả những bức ảnh trong cuốn album, trong đó bức ảnh Bác Hồ ăn Tết với nhân dân trong Bắc Bộ phủ mùa Xuân năm 1946 ở vị trí trang trọng nhất!

Nhưng mở một triển lãm như thế e chừng tốn kém! Tâm nguyện ấy, vì thế, cho tới giờ vẫn chỉ là điều ấp ủ. Biết vậy nhưng cũng đành vậy thôi, chứ bàn chân ông cụ năm nay đã bước sang mùa Xuân thứ 91 rồi...

Theo http://tuoitre.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: