19-bac-viet-bao-tet

Bác Hồ - một tấm gương sáng trong việc sử dụng ngôn ngữ, người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chủ báo phần nhiều là tư nhân. Báo "Quốc gia", chủ bút Lê Quang Thiều, trụ sở  ở số 67, phố Cửa Nam cũng vậy. Để hấp dẫn bạn đọc, tờ "Quốc gia" ấn định ra số báo độc lập đầu tiên cũng là số Tết và số đó phải có bài của Cụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập để hấp dẫn bạn đọc, cũng là thể hiện bản sắc cách mạng…

Chủ bút Lê Quang Thiều và phóng viên Lê Chương đến Bắc Bộ Phủ (ở phố Ngô Quyền ngày nay) xin Bác viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Khi gặp Bác, các nhà báo rất ngạc nhiên, cảm kích bởi được Chủ tịch nước tiếp thân mật và nhận lời ngay.

Được tin, cả toà soạn vui mừng, đợi chờ, khi tờ báo đã lên khuôn, chỉ còn trang nhất, chờ bài của Bác. Khi cả toà soạn ngóng chờ, thì có anh vệ quốc đoàn mang đến trao cho chủ bút phong thư của Chủ tịch nước gửi.

Mở phong thư ra, mọi người thấy tấm phong bì làm bằng tờ giấy đã viết một mặt. Trong phong bì chỉ có một bài báo Tết cũng là bài thơ Xuân của  Hồ Chủ tịch được viết ở mặt sau của tờ lịch cũ:

                                   Tặng báo "Quốc gia "

                                   Tết này mới thật Tết dân ta

                                   Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia

                                   Độc lập đầy vơi ba cốc rượu

                                   Tự do vàng đỏ một rừng hoa

                                   Muôn nhà đón mừng Xuân Dân chủ

                                   Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà

                                   Ta chúc nhau rồi , ta nhớ chúc

                                   Những người chiến sĩ ở phương xa

                                                                                     Hồ Chí Minh

Tờ báo xuất bản không chỉ  thêm phong phú, mà còn thu hút đông đảo độc giả. Tờ báo in đi in lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng đủ cho bạn đọc. Điều đặc biệt là chủ bút quyết định tặng tất cả số tiền phát hành số báo đó vào quỹ Việt Minh .

Sự việc nêu trên cho ta thấy, Bác tôn trọng ý kiến và làm theo đề nghị của chủ tờ báo có tinh thần dân tộc để động viên, khích lệ họ đồng tình và cùng gánh vác công việc quốc gia. Mặt khác, ngoài việc Bác thực hiện và nêu gương dân chủ, còn thực hành tiết kiệm, qua việc dùng giấy loại để viết và làm phong bì, khi đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, người dân còn nghèo khổ. Tinh thần, tình cảm, đức tính của Bác đến nay vẫn còn giá trị và là bài học cho mỗi người người./.

NGUYỄN TIẾN BÌNH

Theo Báo Hải Dương

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: