Một tiết mục múa quạt truyền thống của thiếu nữ Chăm trong những ngày Tết
Nguyên đán không phải là Tết chính của người Chăm. Song, với bà con dù là Tết Nguyên đán hay Tết KaTê, Ramưwan đều là dịp để ôn cố tri tân và tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối đã đem lại ấm no hạnh phúc cho Plây Chăm. Trong số các vị tiền bối ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là một vị Thánh nhưng vừa là người vô cùng gần gũi trong trái tim người Chăm. Điều đó thể hiện rõ nhất trong những ngày Xuân này. Từ khi đất nước còn chia cắt là người hiểu rõ hơn ai hết, nhạc sĩ A Mư Nhân đã gửi gắm trọn niềm tin của đồng bào mình trong lời bài hát “Làng Chăm ơn Bác” khi anh về thăm Làng Sen. Người Chăm bây giờ ai ai cũng thuộc lòng bài hát này. Người đã mang vinh quang cho nước non. Công ơn kia như núi cao biển sâu, khắc ghi ngàn năm. Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam, Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm… Trong những năm đất nước còn chia cắt, đồng bào Chăm phải chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học hành không đến nơi đến chốn. Mặc dù vậy, người Chăm luôn hướng về Bác, về cách mạng. Ngay những ngày đầu lập nước, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình Hoàng tộc Chăm đã từng cống hiến cả những báu vật bằng vàng quí giá nhất của Hoàng Tộc cho Nhà nước non trẻ theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Trong không khí vui Xuân, ông Bố Xuân Hổ ở xã Phan Hiệp, một trí thức chuyên nghiên cứu về nền văn hoá của dân tộc mình đã vui vẻ tâm sự: Sống dưới chế độ cũ, dù là một trí thức hay một nông dân thực thụ thì đều chung một hoàn cảnh là mất tự do. Mất tự do cả trong nhận thức lẫn trong hành động. Người Chăm có ý thức dân tộc cao đều bị hạn chế khả năng tuyên truyền tư duy của mình với cộng đồng. Những người có học vấn đều được đưa vào “khuôn” mà nền chính trị của chế độ cũ định hình sẵn. Bởi lẽ đó, những năm trước đây tỉ lệ người biết chữ ở các Plây Chăm rất thấp. Thậm chí, chữ “mẹ đẻ” của dân tộc mình cũng không được học đến nơi đến chốn. Những thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về người nông dân suốt ngày dãi nắng dầm mưa, với những vất vả của phận người nô lệ. Chính vì vậy mà nhiều người Chăm đã bí mật tham gia cách mạng, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Cũng vì thế mà nhiều chiến sỹ cách mạng là người Chăm đã phải hy sinh cả xương máu của mình vì độc lập tự do của đồng bào mình. Đến cuộc đời hạnh phúc ấm no trong 3 ngày vui Tết, chúng tôi lại có dịp về thăm lại vùng đồng bào Chăm ở các xã Phan Hoà, Phan Thanh, Phan Hiệp của huyện Bắc Bình; các xã Phú Lạc, Lạc Trị của huyện Tuy Phong và thị trấn Ma Lâm thuộc huyện Hàm Thuận Bắc. Đâu đâu cũng thấy bà con vui Xuân đón Tết vui vẻ háo hức dù Tết Nguyên đán không phải là Tết chính của mình. Suốt trong các đêm mùng Một, mùng Hai Tết tất cả các làng Chăm của huyện Bắc Bình đều tổ chức biểu diễn văn nghệ, mà toàn là những tiết mục đặc sắc do chính những sinh viên về quê ăn Tết biểu diễn. Tiếp xúc với Tổng sư cả Thanh Tàu trong những ngày đầu Xuân này, chúng tôi thấy ông luôn nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với một tấm lòng tôn kính nhưng rất gần gũi. Ông nói: “Người là một vị Thánh nhưng cũng là con người rất gần gũi trong các Plây Chăm của chúng tôi”. Hơn ai hết, vị tổng Sư cả của người Chăm Hồi giáo thấy rõ nhất công ơn của Đảng và Bác mang lại cho cộng đồng người Chăm của ông. Đó cũng là điều mà vị Sư cả luôn truyền đạt các tín đồ và con cháu mình. Ngay sau ngày giải phóng, số người có học cao ở Plây Chăm Phan Hiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bây giờ về Phan Hiệp, nhiều người không thể ngờ rằng một trong những xã nhỏ nhất huyện về diện tích và số dân, mà lại có số người học cao nhất huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, với gần 20 người có học vị thạc sỹ hoặc tương đương. Thậm chí có thể gọi Phan Hiệp là “làng thầy giáo, làng học, làng bác sỹ” cũng không sai. Bởi ở đây, một gia đình có đến 4-5 người con đậu đại học, một nhà có đến 4-5 người làm thầy giáo, bác sỹ là chuyện không lạ. Còn anh Văn Sỹ Khánh, Chủ tịch xã Phan Hoà tiết lộ với các nhà báo ngay trong ngày mùng 2 Tết: “bây giờ ở xã chúng tôi hầu như không còn nhà dột nát nữa. Nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước, xã Phan Hoà đã sỏi hoá hầu hết những con đường trong thôn. Những năm gần đây nghị quyết về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã thực sự làm bừng sáng bộ mặt nông thôn ở các làng Chăm rồi”. Nhờ được hỗ trợ về vốn, được cấp đất sản xuất, trang bị kiến thức khoa học nên tỷ lệ hộ nghèo ở các Plây Chăm đã giảm hẳn. Không chỉ được nâng cao về mặt vật chất mà đời sống tinh thần của đồng bào cũng đã được nâng lên rõ rệt. Trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, nhiều vị khách Quốc tế bất ngờ khi được chứng kiến một sắc màu lễ hội truyền thống của người Chăm vô cùng phong phú ngay trong sắc màu của truyền thống dân tộc Việt. Nhưng đó chỉ là một phần của sự phong phú đa dạng trong nền văn hoá Chăm. Với người Chăm Bình Thuận, bất cứ một sự kiện gì gắn với văn hoá đều được thể hiện ngay trên sân khấu. Phải nói rằng văn hoá văn nghệ cũng là một nét đặc biệt của người Chăm. Không có một sân khấu nào lại thiếu những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kèm với các điệu múa quạt truyền thống. Dù là một đêm diễn văn nghệ thông thường chào mừng Tết KaTê, cho đến các cuộc thi chuyên nghiệp, hay những đêm văn nghệ “dã chiến” ngoài trời như mấy ngày Tết này, những bài hát về Bác Hồ được các trai thanh gái tú của Plây Chăm (làng Chăm) hát say sưa với cả tấm lòng bằng một chất giọng truyền cảm ấm nồng đến lạ thường. Ngày nay, công cuộc mưu sinh của người Chăm dẫu vẫn còn những vất vả song không còn cảnh đói nghèo của những năm mới giải phóng. Ngay cả năm hạn hán nhất là Đông Xuân 2005 vừa qua, hàng nghìn héc-ta đất của các xã Phan Hoà, Phan Hiệp, Phan Thanh không sản xuất được, nhưng nhờ có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện mà bà con đã chủ động chuyển từ cây lúa nước sang cây bắp, cây bông. Không những thoát được cảnh túng thiếu mà còn tìm ra được hướng đi mới trong làm ăn. Về làng Chăm trong những ngày Tết này ta mới thấy hết tấm lòng của bà con đối với Đảng với Bác Hồ kính yêu. Ngoài kia, bên ánh đèn sáng rực trời, bên những điệu múa quạt truyền thống vẫn là tiếng hát mượt mà của các cô gái Chăm “Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam, Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm!”./.
Quế Hà - Quốc Hanh
Theo Thanh Niên
Kim Yến (st)