Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 5-6-1911 từ Bến Cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, tạm rời xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục, đến gần 30 quốc gia trong suốt 30 năm trường, đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết Cách mạng tiên phong của thời đại. Mùa Xuân 1941 vào dịp Tết Nguyên đán, Bác Hồ mới về đến Bắc Pó, Cao Bằng. 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Bác Hồ có 30 cái Tết xa quê hương. Bác đón Tết ở Mỹ (năm Nhâm Tý), London (Giáp Dần), Paris (Tân Dậu đến Quý Hợi), Moscow (Giáp Tý), Quảng Châu (Ất Sửu), Berlin... Mùa Xuân đến với Bác ở nước ngoài chỉ có mấy Tết được tổ chức vui với nhiều người, đó là Xuân Quý Hợi (1923) ở Pháp, đón Tết cùng bà con Việt kiều và các đồng chí trong báo Le Paria (Người cùng khổ) hoặc 3 cái Tết Ất Sửu (1925), Tết Bính Dần (1926), Đinh Sửu (1928), Bác đón Tết cùng các đồng chí thanh niên yêu nước Việt Nam đang học tại Quảng Châu, còn đa số mùa Xuân, Bác phải đón Tết một mình!
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là mùa Xuân đầu tiên xa Tổ quốc, Bác Hồ ở nước Mỹ! Tại sao Bác chọn Hoa Kỳ là nơi đặt chân đầu tiên? Theo các nhà sử học, Bác chọn nước Mỹ là vì lúc này Mỹ vừa thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Anh. Điều đó rất phù hợp mục đích đi tìm đường cứu nước của Bác. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Pháp rời Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành được nhận làm phụ bếp với cái tên là Ba. Công việc hằng ngày rửa bếp, nhóm lò, khuân than, chuyển thịt cá, rau quả từ hầm tàu lên gian bếp,v.v... Nhà bếp này phục vụ 800 thủy thủ và hành khách, nên công việc vô cùng nặng nề. Anh Ba vừa hoàn thành công việc vừa tranh thủ học tiếng Pháp ở các thủy thủ. Mấy tháng liền, anh Ba theo con tàu viễn dương từ Thái Bình Dương, qua Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, biển Ả Rập, đặt chân lên Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria, Congo, Tunisia...
Sau đó anh đặt chân lên đất New York (Mỹ) vào ngày 15 - 12 -1912. Tết Nhâm Tý ở đất khách quê người xa lạ, anh Ba trầm ngâm đón giao thừa một mình trong nhà trọ. Ở New York, anh Ba đi làm thuê ở Bruchlin với lương 40USD/tháng. Ngoài giờ làm việc, anh Ba còn tranh thủ đi xe điện ngầm tới thăm “Khu Harlem” (khu người da đen) và nhiều nơi khác để tìm hiểu đời sống của người lao động. Rồi anh Ba đến vùng Boston, vùng hải cảng thuộc bang Massachusetts, ở miền Đông Bắc nước Mỹ, cái nôi văn hóa của nước Mỹ, nơi nổ ra cuộc đấu tranh đầu tiên chống lại thực dân Anh của người Mỹ. Tại đây Người đã được đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Tại Boston, anh Ba làm thuê cho khách sạn Omni Parker House. Mấy năm trước, một đoàn Nhà văn Việt Nam gồm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Duy, nhà văn Trung Trung Đỉnh... đi dự hội thảo văn học tại Mỹ, đã tìm đến thăm khách sạn nổi tiếng này. Trong đợt thăm chính thức Hoa Kỳ 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Phái đoàn Việt Nam đã đến thăm khách sạn Omni Parker House và nếm miếng bánh làm từ lò bánh Bác Hồ từng làm năm xưa. Trong cuốn niên giám của khách sạn này có ghi: “Lịch sử của khách sạn không chỉ được biết đến bởi các vị khách của khách sạn, mà còn bởi các nhân viên của khách sạn như Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã từng làm việc ở nhà bếp của khách sạn...”.
Năm 1912, khi đến thăm tượng Nữ Thần Tự Do, Bác Hồ đã ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng Thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp…”. Ảnh: Internet
Ngày ấy, ở khách sạn, Bác là thợ bánh và phụ giúp đầu bếp nấu những món ăn Pháp. Xưởng làm bánh này ở dưới tầng hầm. Anh John, quản đốc xưởng bánh hiện nay rất tự hào giới thiệu với các nhà văn Việt Nam nơi làm việc hơn 90 năm trước của Hồ Chủ tịch. Người ta vẫn giữ nguyên chiếc bàn dài để làm bánh, chiếc thùng nhào bột, chiếc lò và những cái vỉ nướng ngày xưa Bác từng dùng. Anh John kể rằng, có lần người của Bảo tàng ở Việt Nam sang đề nghị mua lại những kỷ vật này, nhưng khách sạn không đồng ý, vì đây là lịch sử của khách sạn, khách trọ rất quan tâm!
Nhà sử học Mỹ J. Stésron là Người dày công nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Hồ Chí Minh - con người bình thường và người cộng sản kiệt xuất”, có tiết lộ một số tư liệu đáng quý về những ngày Xuân Bác Hồ ở Mỹ. Theo ông, Bác Hồ chọn việc phụ bếp trên tàu là để có điều kiện đi đến được nhiều nước. Bác chọn việc làm ở khách sạn là nơi có điều kiện tiếp xúc với nhiều chính khách. Ông viết: “Tôi đã đến khách sạn ở Boston, nơi Bác Hồ làm thợ nặn bánh mì trong một năm trời, và sau này các đại văn hào Châu Âu qua Mỹ đều ở khách sạn này. Ở đây có một cô gái quốc tịch Mỹ gốc Pháp tên Cô-lét là bạn rất thân của Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành rất thích nghe hát và xem kịch, nhất là kịch cổ điển. Sau đó Cô-lét trở thành một nhà văn lớn. Cô-lét đã nhắc lại lời tâm sự của Nguyễn Tất Thành: “Nếu tôi muốn có một văn bằng thì tôi đã thi năm 1904 ở trong nước”. Câu chuyện cho ta hiểu thêm ý chí đi tìm đường cứu nước của chàng trai Nguyễn Tất Thành. Khi tới Mỹ, như nhiều người khác, Bác Hồ đã đến thăm tượng Thần Tự Do nổi tiếng. Nhà lịch sử Mỹ viết: “Tôi là nhà sử học, tôi đã lật xem những trang ghi cảm tưởng khi họ đến tham quan và chiêm ngưỡng tượng Thần Tự Do và ca ngợi. Nguyễn Tất Thành khi đến New York cũng đã đến chiêm ngưỡng tượng Thần Tự Do. Và mọi chính khách sau khi đã tham quan Thần Tự Do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi: Ngôi sao tỏa sáng trên vòng Nguyệt quế là ánh sáng Tự Do... Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành đến thăm Thần Tự Do nhưng nhìn xuống dưới chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng Thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Duy nhất chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống chân tượng Thần Tự Do và ghi lại những ý kiến trên. Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức Tượng Thần Tự Do”!
Mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ xa quê hương là mùa Xuân cô đơn ở Mỹ, nhưng cũng là mùa Xuân Người đã học được nhiều điều lớn lao cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại của nhân dân ta sau này. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được...”. Lời bất hủ mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trích trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, mà Người đã đọc được từ mùa Xuân Nhâm Tý ấy...
Ngô Minh Khôi
Theo Báo công an nhân dân
Kim Yến (st)