26. Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là có ưu điểm là chính sách phù hợp điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.

(Trích Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949)

27. Ai yêu các nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh? Tính các cháu ngoan ngoãn, mặt các cháu xinh xinh. Các cháu hãy cố gắng, thi đua học và hành. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Để tham gia kháng chíến, để gìn giữ hòa bình. Các cháu hãy xứng đáng, cháu Bác Hồ Chí Minh.

(Thư Trung thu, Báo Nhân Dân, 25-9-1952
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

          28. Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.

(Báo Việt Nam độc lập số 117, ngày 1-2-1942
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

          29. … Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó.

Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng : Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên.

(Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, 18-1-1949, Hồ Chí minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

          30. … Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào ? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý.

(Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, 21-7-1956, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

          31. Báo chí cần có mục « Người tốt, việc tốt » để khuyến khích, động viên, cổ vũ mọi người hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Người tốt việc tốt nhiều lắm, ở đâu cũng có, các chú chớ bỏ qua những việc nhỏ nhưng ích nước lợi dân mà các chú tưởng là tầm thường. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng.

(Trích Bài lược ghi ý kiến của Hồ Chủ tịch phát biểu đầu tháng 6-1968 về việc bồi dưỡng và nêu gương người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

32. Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý...

(Trích bài Bác viết với bút danh Chiến Thắng, báo Cứu quốc, 12-10-1945
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

33. Muốn phục vụ nhân dân tốt phải đi đường lối quần chúng. Được dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được. Không đi đường lối quần chúng là không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu.

(Trích bài nói chuyện của Bác tại trường Công an nhân dân, 28-1-1958
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

34. Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỉ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với những người khác thì ta phải yêu quí, kính trọng, giúp đỡ.

(Trích Cần Kiệm Liêm Chính, 6-1949,
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

35. Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm trọn nhiệm vụ của đảng viên. Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy.

(Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1-1949
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

          36. …Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân.

(Trích Đạo đức cách mạng, tháng 12-1958
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

          37. Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình…

(Bài nói tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban tuyên giáo Trung ương, 28-11-1959, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2002)

          38. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân… Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân.

(Trích bài nói với cán bộ tình Hà Tây, 10-2-1967
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

39. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thành thực câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.

(Lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử, 5-1-1946,
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia)

40. Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm. Lại phải phân phối cho công bằng, hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí cho nhân dân…

(Trích thư Bác viết gửi ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 21-7-1969 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

41. Đảng viên, đoàn viên, cán bộ phải giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm…

((Trích bài nói chuyện của Bác với cán bộ tỉnh Hà Tây, ngày 10-2-1967- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

42. Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.

(Trích bài nói chuyện của Bác tại Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh, ngày 7-1-1946 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

43. Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.

(Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, 5-9-1954)

44. ... Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu...

(Trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 1-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.161)

45. Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.

(Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khoá II của Bộ Công an, ngày 16-5-1959, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 448.)

          46. Trời  có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính... Thiếu một đức, thì không thành người.

(Cần, Kiệm, Liêm, Chính, tháng 6-1949, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 631).

47. ... Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.

Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không...

(Người cán bộ cách mạng, tháng 3-1955, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 480)

          48. Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ. Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ.

(Tinh thần trách nhiệm, ngày 31-12-1951, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, tr.345-346)

          49. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?

("Sửa đổi lề lối làm việc", tháng 10-1947; Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; tập 5, tr. 251-253.)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: