Một ngày cuối năm, chúng tôi tình cờ gặp ông Nông Quốc Tuấn (thôn 8 xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông), chiến sĩ liên lạc của Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Tuổi đã 90 nhưng ký ức về những ngày bên Bác vẫn rưng rưng gợi về qua từng câu chuyện kể của ông...
Ông Tuấn (tên thật là Nông Văn Sỹ, sau này được Bác Hồ đổi lại thành Nông Đình Tuấn, rồi Nông Quốc Tuấn) sinh năm 1925, ở thôn Hòa Mục, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Vốn thông minh, lanh lợi hơn bạn bè cùng trang lứa, nên khi 15 tuổi, Nông Quốc Tuấn được đồng chí Lê Quảng Ba (tên thật là Đàm Văn Mông, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc) giới thiệu, cho đi theo tổ chức Nhi đồng cứu quốc hội của huyện Hà Quảng.
Bác Hồ và chiến sĩ cảnh vệ. Ảnh tư liệu.
Thông thạo địa bàn, ông Tuấn có nhiệm vụ bí mật đưa đón, dẫn đường cho các cán bộ cao cấp của ta mỗi khi đi công tác ở Hà Quảng. Ông cũng đảm nhận vai trò của một người đưa thư, tổ chức và tập hợp các thiếu niên, nhi đồng khác. Năm 1941, khi Bác Hồ về nước, đồng chí Lê Quảng Ba đứng ra bảo lãnh và giới thiệu ông với Bác.
Ông Tuấn kể, lúc ở hang Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng), tài sản của Bác Hồ chỉ có bốn bộ quần áo đồng bào dân tộc Nùng, đôi dép cao su, cái khăn mặt, mũ lá và mấy cái chăn mỏng, còn lại toàn sách vở, tài liệu. Ngày nào Bác cũng dậy từ rất sớm tập thể dục rồi ra suối Lê-nin tắm. Bữa sáng, Bác ăn hai lưng cơm rồi ngồi vào bàn đá làm việc đến tận trưa. Những lúc ấy, ông Tuấn lo cảnh giới và giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, ra suối lấy nước. Vì không có đồng hồ, nên khi nào Bác bảo ông nấu cơm trưa thì ông đi nấu. Ăn trưa xong, Bác lại ngồi làm việc cho đến cuối chiều. Buổi tối, Bác thường ngủ sớm, vì thắp đèn dầu không đủ ánh sáng.
Ông Nông Quốc Tuấn kể chuyện về Bác Hồ. Ảnh Hùng Việt.
Bác ít khi ra ngoài. Khi làm việc Bác rất tập trung, trên tay luôn có điếu thuốc cháy đỏ. Những lúc giải lao Bác thường gọi ông vào, dạy ông tập đọc, tập viết, tập làm toán. Hằng tuần, ông Tuấn đều đi nhận tiếp tế thực phẩm ở khu vực biên giới, lần nào cũng có một gói muối, một gói ớt và một cân thịt bò. Biết khẩu vị của Bác, ông thái nhỏ thịt bò, một nửa rang, một nửa xào khô. Món nào cũng cay và mặn, ăn vào vừa ấm, vừa để được lâu. Bác Hồ rất thích món măng đắng, rau rừng do ông kiếm được và chế biến.
Ông nhớ như in, tháng 10-1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi trên bầu trời thị xã Cao Bằng. Trung úy phi công William Shaw nhảy dù xuống cánh đồng Bản Ngần và được du kích của ta che chở trước sự lùng sục gắt gao của Nhật. Theo chỉ thị của trên, ta đưa William Shaw qua Lũng Cứng, Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc ẩn náu. Trong thời gian đợi ta trao trả cho Đại diện Phái bộ Đồng minh, viên phi công chỉ im lặng, không nói một lời nào. Nghe mọi người báo cáo tình hình, Bác quàng khăn, đội mũ lá lặn lội từ Pác Bó sang Lũng Cứng, ông Tuấn được Bác cho đi cùng. Tới nơi, Bác Hồ chỉ nói một câu gì đó bằng tiếng Anh, nghe xong, William Shaw run bần bật, chắp tay, quỳ gối... Bác đỡ anh ta đứng dậy, rồi ngồi nói chuyện với anh ta suốt 4 giờ đồng hồ. Hôm ấy, khi hai bác cháu về lại Pác Bó, vừa đặt lưng lên giường thì gà đã gáy sáng, trời rét căm căm.
Những ngày chuyển về Lũng Cát (Hà Quảng), mùa đông trời rất lạnh, đêm nào cũng có sương muối, nằm trong hang đá mà rét căm căm, hai bác cháu mỗi người một góc giường, chăn trên chăn dưới mà vẫn lạnh. Một hôm, trong lúc ăn cơm chiều, đột nhiên bác bảo: “Đêm nay, Bác cháu ta đắp chung chăn cho ấm”. Ông Tuấn thích lắm. Đêm ấy, được nằm gần Bác, thấy ấm quá, ông Tuấn ngủ rất ngon lành. Thế nhưng cái tật co chân, quắp gối của ông khiến Bác cả đêm mất ngủ. Mỗi lần bị ông gác chân lên người, Bác chỉ nhẹ nhàng kéo chân ông xuống. Hôm sau, sợ Bác mất ngủ, ông không dám nằm chung. Bác kiên quyết không đồng ý. Ông nghĩ ra sáng kiến, khóa cứng mình lại như “tò vò nằm kén”, bằng cách lấy một cái vỏ chăn quấn chặt mình lại, rồi mới nằm cạnh Bác.
Khi theo Bác từ Pác Bó về đến Tân Trào, hằng ngày, ngoài ông Tuấn còn có 11 đồng chí khác cùng bảo vệ và làm liên lạc cho Bác, ông Tuấn được giao cho một khẩu súng cạc-bin. Một đêm, trong ca gác của ông Tuấn và đồng chí Cao Khải, bất ngờ đồng chí Võ Nguyên Giáp từ cơ sở bí mật về gặp Bác. Do không nhận ra, đồng chí Cao Khải lập tức lên đạn và quát to: “Ai, giơ tay lên!”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bình tĩnh trả lời: “Tớ đây mà”. Hai anh em vội xin lỗi anh Văn vì trời tối quá không nhận ra. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ cười: “Các cậu cảnh giác, phản ứng nhanh nhẹn thế là tốt”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ chuyển về Hà Nội. Ông Tuấn được cử lên Thái Nguyên, thành lập trung đội dân quân, bảo vệ các cơ quan trọng yếu của tỉnh. Lúc chia tay, Bác chỉ dặn dò: “Cháu hãy phát huy những tố chất và tính tốt như khi ở bên Bác. Bác chẳng có món quà gì tặng cháu cả, chỉ có thứ này thôi. Mỗi lần mỏi mệt, cháu hãy lấy một chút ra nhâm nhi, dùng nhiều không tốt đâu”. Mãi về sau ông mới biết đó là miếng mật gấu, khi ở chiến khu, bà con mang biếu Bác. Bác không dùng mà nhường lại cho ông.
Cuối năm 1946, ông Tuấn được điều về Hà Nội làm liên lạc cho đồng chí Lê Quảng Ba (khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ Đô). Việc đầu tiên ông Tuấn làm khi đặt chân đến Hà Nội là tìm gặp Bác. Ở Hà Nội được một thời gian ngắn, không chịu được cái nóng nực của Thủ đô, ông xin về lại Cao Bằng. Nhờ vốn chữ nghĩa Bác dạy cho trước đó, khi về quê, ông được mời ra làm Bí thư chi bộ Hợp tác xã nông nghiệp, thời gian sau, ông kiêm luôn vai trò kế toán của hợp tác xã.
Khi con trai đầu lòng của ông Tuấn là Nông Văn Trung vừa biết bò, trong một lần về Cao Bằng, Bác Hồ bất ngờ đến thăm gia đình ông. Bác vừa bế Trung vào lòng, vừa hỏi thăm gia cảnh của ông một lát rồi phải đi ngay. Đó là năm 1961. Ông có ngờ đâu đó cũng là lần cuối cùng mình được gặp lại Người. Ngày nghe tin Bác mất, ông bỏ ăn bỏ uống, khóc cả tuần liền. Đầu thập niên 1990, ông Tuấn đưa vợ và các con vào làm nương, làm rẫy ở thôn 8, xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông.
Năm nay vừa tròn 90 tuổi, lại vừa phải nằm viện hai tuần và cắt đi một phần túi mật, nhưng khi kể về những ngày được ở gần Bác, ông Tuấn hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn lên, nói chuyện một cách say sưa, hào hứng. Chỉ cho chúng tôi những tấm ảnh đã cũ nhưng được giữ gìn rất cẩn thận, ông bảo: “Tôi có nhiều dịp được chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương…, thế nhưng lại chưa một lần được chụp ảnh chung với Bác. Tôi được vào Lăng viếng Người hai lần. Nhìn Người vẫn thư thái như trong một giấc ngủ sâu khi còn ở chiến khu, tôi lại bật khóc”.
Ông Nguyễn Văn Vệ, Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong, chia sẻ: “Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có dịp lên Tây Nguyên cũng đến thăm ông Tuấn. Những hôm ấy, nhà ông đông khách lắm, bà con đứng chật cả trong nhà, ngoài ngõ, bà con tự hào vì xã mình có một người từng được ở cạnh Bác Hồ suốt những năm tháng gian khổ nhất. Ông Tuấn không chỉ là một nhân chứng sống, một lão thành cách mạng gương mẫu, mà còn là một thầy thuốc đông y giỏi. Mỗi dịp lễ, Tết, chúng tôi đều đến thăm, tặng quà và mời ông ra nói chuyện. Các cháu học sinh, đoàn viên thanh niên ở xã, ở huyện đều quý mến và rất thích thú với những câu chuyện ông kể”./.
VIỆT HÙNG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)