Ngược dòng lịch sử, ngọn cờ Cần Vương chống thực dân Pháp từng được phất lên rất lâu trước khi Đảng ta thành lập (3-2-1930), với hàng chục cuộc khởi nghĩa của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhưng đều bị dìm trong bể máu. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là khúc bi tráng cuối cùng của giai đoạn lịch sử đó. Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở ra con đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc là không ai có thể phủ nhận.
Bác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (năm 1956). Ảnh tư liệu
Dòng thời gian tiếp tục cuộn chảy, như cuộc sống không bao giờ dừng lại. Sau chiến tranh, công cuộc xây và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh thế giới có những biến đổi dữ dội, khó lường, là thử thách, kiểm chứng ngặt nghèo sứ mệnh lịch sử của Đảng ta. Suốt chặng đường đó, nhân dân luôn đặt niềm tin lớn lao vào Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, do Bác Hồ và Đảng ta lựa chọn.
Tết đến, Xuân về, trong tôi lại hiện về hình ảnh khó quên: Trong những căn hầm lập lòe ánh đèn dầu thời chiến tranh, dưới mưa bom bão đạn, người dân Quảng Bình quê tôi vẫn ngóng đợi thời khắc Giao thừa và đón nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Nhiều nông dân áo vá, chân đất quê tôi thuộc thơ chúc Tết của Bác như ca dao, tục ngữ. Bác lo nỗi lo của dân, Bác đau nỗi đau của dân. Niềm vui, hạnh phúc của dân là niềm vui, hạnh phúc của Bác, nên tiếng nói của Bác, tiếng thơ của Bác mãi vang vọng, ngân rung giữa lòng dân.
Tôi từng được đến thắp hương tưởng nhớ Bác ở căn phòng Người từng sống những ngày cuối cùng trong “cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son” của mình. Dẫu biết rằng Bác rất giản dị, nhưng những gì tôi được tận mắt thấy vẫn vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Đôi dép cao su. Chiếc giường gỗ mộc mạc, không một nét chạm trổ. Gối vải màu trắng, cùng chiếc quạt giấy đặt bên. Vẫn còn đây, cuốn Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp, trang báo Nhân Dân có nét chữ màu đỏ của Bác đánh dấu. Và, một chiếc hộp đựng bút, nguyên là hộp sữa nước đã dùng (còn nguyên mác), đã đục bỏ nắp.
Hồ Chí Minh! Một Con Người viết hoa, một Anh hùng dân tộc, một vĩ nhân lừng danh thế giới, từng bôn ba qua bốn biển năm châu, mang ánh sáng thời đại về cho đất nước, cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Người từng chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua nhiều bão táp dữ dội của lịch sử, những khúc đoạn éo le của số phận non sông, có lúc vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, để rồi làm nên khúc khải hoàn ca chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc giang sơn Việt Nam yêu dấu… Nhưng Hồ Chí Minh lại sống vô cùng giản dị. Sự giản dị ẩn chứa những minh triết thanh cao, đẹp đẽ của dân tộc “Thương người như thể thương thân” và “Mỗi người vì mọi người”. Sự giản dị đó không chỉ phản ánh một lối sống, cách sống, mà suy cho cùng, đó là chân - thiện - mỹ, là trí tuệ - tâm hồn, là ý chí - lương tâm…
Thương dân, hết lòng vì dân là thước đo phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng lực của cán bộ, đảng viên. Bác luôn dặn: Nói đi đôi với làm. Giản dị vậy thôi, nhưng đó là nhân tố để sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau thành công. Bởi, nói đúng và làm đúng, nói đi đôi với làm mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Bác vẫn đang sống giữa chúng ta với những thao thức của bao đêm không ngủ lo toan về vận nước, lòng dân, với những vui buồn của trăm họ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, tận tâm với nước, tận hiếu với dân luôn là mong ước của Người.
Tết đến, Xuân sang. Lại thêm một sự khởi đầu, một năm mới. Chúng ta cùng hướng tới sự vĩnh hằng của con người là tình yêu thương. Cốt lõi của văn hóa tương lai vẫn là “Người yêu người sống để yêu nhau” (thơ Tố Hữu), mà cơ sở nền tảng để điều đó trở thành hiện thực là xã hội không còn bóc lột, bất công. Đích đến dẫu còn xa nhưng không có gì tự đến cả; tất cả vẫn là từ nhỏ đến lớn, từ cây nên rừng, từ suối ra sông, từ sông về biển. Mỗi ngày, mỗi người hãy học tập và làm theo Bác, góp thêm một phần sáng, dù nhỏ để cuộc sống thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn!
Tùy bút của Hòa Bình
Theo báo Quân đội nhân dân số 19351
Thu Hiền (st)