Cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng an ninh,… văn hóa với hạt nhân cơ bản là phẩm chất, trí tuệ và những giá trị sáng tạo của con người cũng là một nguồn lực nội sinh quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa cũng như có những cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển nguồn lực này là những yêu cầu, điều kiện cần thiết để văn hóa phát huy được sức mạnh to lớn của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Về tầm quan trọng của văn hóa
Năm 1961, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân đạo thường trú tại Hà Nội, trước câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân làm nên sức mạnh kỳ diệu của nhân dân trong chín năm kháng chiến chống Pháp để bảo vệ chính quyền non trẻ cũng như khí thế mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà tri thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc,… Có lẽ phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa,… Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”(1). Những khẳng định đó của Người đã nói lên vai trò quan trọng của văn hóa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ý thức rõ về vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác văn hóa phải hết sức quan tâm, chú trọng, dành nhiều thời gian và sự tâm huyết để chăm lo, xây dựng nền văn hóa dân tộc. Trong các bài nói chuyện, thư chức mừng anh chị em làm công tác văn hóa, văn nghệ, Người luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến và phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”, “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”,... Và trước lúc “đi xa’ trong bản Di chúc thiêng liêng, Người còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(2).
Kế thừa, phát huy những tư tưởng, quan điểm của Người về văn hóa, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng hay trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng luôn quan tâm, chú trọng, đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước. Sau Đề cương văn hóa (năm 1943), Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến. Gần đây nhất, ngày 09-6-2014, Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng ta nhấn mạnh là: “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(3).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín có sự kế thừa và phát huy những tinh hoa lý luận về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước; đồng thời bổ sung, phát triển những tư tưởng, quan điểm mới về văn hóa, phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tiễn đất nước. Trong đó, lần đầu tiên Đảng đã cụ thể và nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, cùng quan điểm chỉ đạo “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Như vậy cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng - an ninh,… nguồn lực văn hóa cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, chi phối, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu, văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế - xã hội mà nó là nguồn lực nội sinh quan trọng, tác động trực tiếp và gián tiếp vào quá trình ổn định, tăng trưởng bền vững của quốc gia, làm nên sức mạnh của dân tộc. Những kinh nghiệm trong chính sách phát triển văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po,… trong những thập niên vừa qua, cho thấy chiến lược về phát triển, quảng bá nguồn lực “sức mạnh mềm” của văn hóa như: phát triển mạnh ngành công nghiệp giải trí, truyền hình, điện ảnh, thời trang; xúc tiến có hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa, tổ chức các sự kiện năm văn hóa, tuần lễ văn hóa trên phạm vi toàn cầu; thúc đấy việc quảng bá văn hóa - du lịch,…đã mang lại nguồn thu nhập lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo dựng được uy tín và hình ảnh tốt đẹp về quốc gia trong lòng bạn
Những kinh nghiệm về phát huy nguồn lực văn hóa của các nước trong khu vực sẽ là những bài học kinh nghiệm để chúng ta có phương thức ứng xử, khai thác và phát triển mạnh mẽ nguồn lực nội sinh quan trọng của văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam… đã đưa ra những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tiễn, cùng những phương hướng, biện pháp cụ thể để phát triển văn hóa mà trọng tâm là phát huy nguồn lực trí tuệ, tinh thần sáng tạo và lòng yêu nước của con người Việt Nam. Đó là những điều kiện thuận lợi để văn hóa thực sự phát huy được vai trò, sứ mệnh to lớn của mình trong điều kiện, tình hình hiện nay.
Những nguồn lực của văn hóa Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, nguồn lực tiềm năng về văn hóa để đẩy mạnh, phát huy trong điều kiện hiện nay.
Thứ nhất, nói tới nguồn lực văn hóa phải nói đến nguồn lực con người, vì con người là nhân tố quan trọng, là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa. Vẻ đẹp, sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam là những phẩm chất, đức tính quý báu cần được phát huy. Trong chiến tranh cách mạng, người Việt Nam từng làm nên những chiến công vĩ đại, trở thành biểu tượng của hòa bình, lương tâm của thời đại, được bạn bè quốc tế cảm phục, mến mộ, tự hào. Và trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, những phẩm chất tốt đẹp về lòng yêu nước, bản tính cần cù, chịu khó, sự thông minh, hiếu học, nỗ lực sáng tạo không ngừng cùng với tinh thần nhân ái, khoan dung văn hóa,… vẫn đang được phát huy, trở thành động lực to lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, với số dân hơn 90 triệu, chủ yếu ở độ tuổi “lao động vàng”, lực lượng lao động trẻ, năng động, có tay nghề, chịu khó học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới,… là những tiềm năng, thế mạnh về nguồn lao động dồi dào, nhân lực rẻ, thu hút nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, sự gia tăng, lớn mạnh của đội ngũ những nhà khoa học trẻ, những nhà nghiên cứu có tài đang dần thúc đẩy sự hình thành, phát triển nền kinh tế tri thức. Nhưng trên hết, những vẻ đẹp về lòng nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình; cách ứng xử lịch thiệp, trọng tình; vẻ đẹp nhã nhặn, xinh xắn, duyên dáng của những cô gái Việt với những tà áo dài thướt tha; sự đồng lòng, chung tay giúp đỡ các quốc gia khi gặp hoạn nạn, khó khăn là những thế mạnh tạo thành nguồn lực “sức mạnh mềm” để thu hút, chinh phục được tình cảm và sự giúp đỡ, quý mến của các nước anh em.
Thứ hai, là đất nước được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều phong cảnh và danh thắng được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên hàng đầu của nhân loại như vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi đá cổ Sapa; nhiều bãi biển đẹp (như Ngũ Hành Sơn, Nha Trang), có du lịch sinh thái sông rạch, miệt vườn Nam Bộ độc đáo,… Ngoài ra, chúng ta còn được thừa hưởng của cha ông một nền văn hóa đa dân tộc, phong phú về thể loại (cả dân gian lẫn bác học, cả văn chương, hội họa, kiến trúc, lẫn ca múa nhạc) trong đó một số đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại (như kiến trúc cố đô Huế, Tháp Chàm, di tích thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc, Cồng chiêng, Rối nước, Quan họ,…). Những di sản văn hóa vô giá ấy cần tiếp tục được nâng cao, phát triển, giới thiệu, quảng bá với thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để chúng ta phát triển du lịch, dịch vụ - một ngành công nghiệp không khói đang được nhiều quốc gia tận dụng. Việc phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể không chỉ khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn giúp cho bạn bè thế giới hiểu sâu về văn hóa, đất nước Việt Nam.
Thứ ba, Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua đã có nhiều chính sách đầu tư, phát triển cho văn hóa. Các ngành thông tin truyền thông, báo chí xuất bản không ngừng phát triển; hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật được quan tâm, chú trọng; ngành điện ảnh, truyền hình không ngừng được đầu tư; đội ngũ những người làm công tác văn học được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó là những đổi mới trong cơ chế quản lý, hình thành các thiết chế văn hóa nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để văn hóa phát triển bền vững trong sự gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội.
Với những nỗ lực, cố gắng cùng những cơ chế, chính sách phát triển, quản lý văn hóa hợp lý, trong những năm qua, nền văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XI khẳng định: Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà văn hóa đã đạt được, vẫn còn đó những vấn đề bất cập, yếu kém, nảy sinh, gây nhức nhối dư luận. Đánh giá về những hạn chế trong công tác văn hóa, Đảng cũng thẳng thắng chỉ ra: So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ...
Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, yếu kém của công tác văn hóa có nhiều, nhưng chủ yếu là do cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn chậm đổi mới; đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng và dàn trải; chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp,... Điều quan trọng hiện nay là các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân phải nhận thức sâu sắc được những mặt đạt được và những tồn tại, yếu kém của văn hóa để có thái độ ứng xử hợp lý, khoa học, phát huy tối đa nguồn lực của văn hóa để góp phần xây dựng đất nước.
Một số giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Việt Nam
Bất cứ một nền văn hóa nào trong quá trình vận động, phát triển và tương tác với các nền văn hóa, văn minh khác, đều chịu những tác động tích cực và tiêu cực do quá trình hội nhập toàn cầu mang lại. Nền văn hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều quan trọng là cần khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, phát huy những nhân tố tích cực sẽ tạo ra môi trường, điều kiện thuận để văn hóa phát triển, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Để văn hóa phát huy tốt những ưu thế, sức mạnh của mình, trước hết cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp, các ngành phải tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để quần chúng có những nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, từ đó có những hành động thiết thực để vừa bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa vô giá của cha ông, đồng thời không ngừng nỗ lực sáng tạo để làm giàu thêm “vốn văn hóa” dân tộc mình.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành cần có chiến lược, chính sách phù hợp, có tầm nhìn xa rộng để xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa. Có những thiết chế văn hóa hợp lý, khoa học, thiết thực; tạo sự dân chủ trong hoạt động sáng tạo - quảng bá - tiêu dùng các sản phẩm văn hóa; kích thích năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ và đông đảo công chúng. Có cơ chế, chính sách hợp lý trong việc trọng dụng nhân tài. Đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo; phát triển mạnh mẽ và quản lý có hiệu quả lĩnh vực thông tin truyền thông, báo chí - xuất bản.
Thứ ba, các bộ, ngành cần quan tâm đến việc tạo dựng, hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là phát triển ngành du lịch, thương mại dịch vụ. Có cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới thông qua các kênh truyền hình, điện ảnh, thời trang, các hoạt động của tuần văn hóa, năm văn hóa.
Thứ tư, cán bộ làm công tác văn hóa phải tạo ra môi trường hoạt động văn hóa lành mạnh, bổ ích, thiết thực, phát huy được tinh thần cộng đồng. Quan tâm đến việc phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm làm văn hóa của các nước trên thế giới để phát triển văn hóa của đất nước mình. Nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của những cán bộ làm văn hóa, nhân rộng những tấm gương điển hình có nhiều cống hiến, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, cần có những chế tài xử lý mạnh đối với những hành vi xâm hại văn hóa dân tộc; ngăn chặn, đẩy lùi những những tư tưởng phản động, những sản phẩm phi văn hóa trên in-tơ-nét.
Có thể nói, bên cạnh nguồn lực, “sức mạnh cứng” là kinh tế, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật,… văn hóa với những ưu thế và sức mạnh riêng cũng đang phát huy được những thế mạnh tiềm ẩn có khả năng điều hòa, “điều tiết” sự phát triển bền vững của đất nước. Nguồn lực văn hóa ngày nay đang tỏ rõ ưu thế vượt trội, bởi những mục tiêu tốt đẹp mà nó mang lại là những giá trị chân, thiện, mỹ, những khát vọng hòa bình, giúp con người xích lại gần nhau, cùng nhau chống lại cái ác, cái xấu để xây dựng một thế giới hòa bình, tất cả vì hạnh phúc của con người.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam với những đặc trưng tiêu biểu dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, cùng những chính sách, chiến lược phát triển văn hóa phù hợp, kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự chung lòng, chung sức của hàng triệu con người Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai không xa, nền văn hóa Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng - một “sức mạnh mềm” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội./.
------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 13, tr. 190
(2)http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=347008
(3) Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Báo Nhân Dân, số 21.449, ra ngày 12-06-2014, tr. 5
Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Đức Lâm (st)