Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với GS. Trần Hữu Tước và Bộ trưởng
Phạm Ngọc Thạch (người ngồi bên trái). Ảnh: TL suckhoedoisong.vn
Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu cho sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, ngành Y tế, ngành chǎm lo sức khỏe con người, là một trong những ngành được Người quan tâm nhiều nhất.
Những tư tưởng, quan điểm của Người rất toàn diện, sâu sắc về y học – y tế đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y tế suốt từ những ngày đầu cách mạng đến tận mai sau. Những tư tưởng, quan điểm đó là: Xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng, vấn đề y đức là vai trò của y học dự phòng, vấn đề kết hợp đông y với tây y, kết hợp quân – dân y trong sự nghiệp bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân…
Y đức là vấn đề trung tâm, vấn đề cốt lõi trong quan điểm về y tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không nghề nào quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và tính mạng con người như nghề y. Không nghề nào mà sai lầm hay thiếu sót ảnh hưởng lớn đến sự sống còn, đến sức khỏe con người như nghề y. Mọi nghề đều có thể làm ra sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, có thể có hàng thứ phẩm. Ngành y tuyệt đối không cho phép như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân, đến ngành Y. Cách mạng vừa thắng lợi, thù trong giặc ngoài rình rập, mọi việc còn ngổn ngang trǎm mối, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát động phong trào đời sống mới, khởi xướng phong trào “khỏe vì nước”. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”.
Trước công nguyên, phương Tây có Hi-pô-crát, phương Đông trải qua nghìn, vạn nǎm chưa thấy ai (kể cả ở những quốc gia có nền vǎn minh tối cổ đồ sộ như Ấn Độ, Trung Quốc) nói đến vấn đề y đức. Các sách cổ Trung Hoa từ Hoàng đế, nội kinh đến bản thảo cương mục, v.v. chỉ nói về y thuật, không nói đến y đức.
Ở nước ta, y đức được các danh y như Tuệ Tĩnh, nhất là Hải Thượng Lãn Ông nêu lên từ những thế kỷ trước. Nó biểu hiện truyền thống nhân ái, chuộng đạo lý, quý trọng con người của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến y đức, Người là hiện thân của đạo đức cách mạng trong sáng đối với ngành Y. Người luôn luôn quan tâm giáo dục những người làm công tác y tế về vấn đề y đức.
Trong các thư gửi Trường Quân y nǎm 1946, Hội nghị Quân y nǎm 1948, Trường Y tá Liên khu I nǎm 1949, Hội nghị Y tế toàn quốc nǎm 1953, Người luôn nêu vấn đề này.
Người viết: “Người ta có câu: “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. (Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3-1948), “Phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân”, “Lương y như từ mẫu” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc 1953)”, “Phải thương yêu, sǎn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu” (Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế tháng 2-1955).
Không một nội dung nào sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, ngắn gọn hơn, súc tích hơn, đúng đắn hơn, nói lên được sự cao cả, thiêng liêng của ngành y tế, của người thầy thuốc như lời dạy của Người về y đức. Lòng người mẹ thương con là tình cảm cao cả, thiêng liêng nhất trong mọi tình cảm của con người. Tình thương yêu, đùm bọc giữa các anh chị em ruột thịt trong gia đình là tình cảm thân thiết, quý trọng nhất, sự quan tâm nỗi đau đớn, sướng khổ của bản thân mình là gắn bó, thân thiết nhất đối với mỗi người trong cuộc đời. Trước Hồ Chí Minh, y đức chỉ là vấn đề nhân đạo, là nhân thuật, là sự giữ mình, là bổn phận, là thái độ ứng xử sao cho có lương tâm, có trách nhiệm của con người với đồng loại, của người nọ với người kia, của thầy thuốc với người bệnh. Nội dung lời thề của Hi-pô-crát chỉ là “Tôi sẽ cho chế độ ǎn uống có lợi cho bệnh nhân, không cho thuốc giết người nếu có ai yêu cầu. Tôi sẽ giữ gìn sao đời sống của tôi được trong trắng và thần thánh…”
Chín điều rǎn dạy của Hải Thượng Lãn Ông cũng chỉ là: “Chớ vì giàu sang hay nghèo hèn mà đến (thǎm bệnh) trước đến sau hay bốc thǎm lại phân biệt hơn kém…”. Đến Hồ Chí Minh, y đức được nâng lên tầm cao chưa từng có. Còn gì thiêng liêng, cao quý hơn tình cảm mẹ con? Người mẹ không những sinh thành, tạo ra cuộc sống, nuôi dưỡng, dạy dỗ con mà còn có thể hy sinh tất cả, kể cả cái quý nhất là cuộc sống của mình cho con. Còn gì thân thiết hơn, gần gũi hơn tình cảm anh em cốt nhục ? Người anh nào khi em hoạn nạn không đem tất cả sức lực, tâm huyết, không làm tất cả mọi việc có thể làm được cho em mình qua cơn hoạn nạn. Còn gì thiết thân hơn, sát sườn hơn đối với con người là sự đau đớn của chính mình? Có người nào không hết lòng, hết sức chạy chữa cho bản thân mình khi đau ốm? Hồ Chí Minh đã đem tất cả những tình cảm cao quý, thiêng liêng (tình mẹ con, tình anh em, tình cảm đối với bản thân mình) vào đạo đức của người thầy thuốc. Từ một vấn đề mang tính trách nhiệm, là thái độ ứng xử chuyển thành vấn đề không chỉ mang tính trách nhiệm, nhân đạo mà còn mang sắc thái thiêng liêng, tình cảm. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo lập nên nền y đức mới, y đức cách mạng.
Ngành Y đã lấy nội dung những lời dạy của Người nêu trên làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chǎm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân: Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Vǎn Ngữ, v.v. đều đã thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức. Truyền đạt tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền” của Người thành hành động cụ thể, Phạm Ngọc Thạch đã nêu: “Đến, tiếp đón niềm nở. ở, chǎm sóc tận tình. Đi, dặn dò chu đáo” làm châm ngôn, mọi thầy thuốc, nhân viên trong ngành phải tuân thủ trong việc chǎm sóc, phục vụ người bệnh. Nǎm 1979, Bộ Y tế đề ra nǎm tiêu chuẩn của người cán bộ y tế nhân dân. Nǎm 1982, Bộ Y tế nêu những yêu cầu cụ thể về “thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chǎm sóc sức khỏe nhân dân. Nǎm 1996, Bộ trưởng y tế Đỗ Nguyên Phương nêu lên 12 điều quy định về y đức. Ngày 10-8-1999, lại ban hành Quy định về đạo đức hành nghề dược. Ngày 3-1-2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư cho ngành Y tế qua báo Sức khỏe và Đời sống đã phát triển, làm rõ hơn, cụ thể hơn lời dạy của Bác Hồ về y đức trong hoàn cảnh mới của đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được thể chế hóa, cụ thể hóa thành những việc rõ ràng trong công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân. Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền vǎn hóa mới, đạo đức cách mạng mới trong lịch sử dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh là sự khoan dung, nhân hậu, là lòng thương người hết mực. Trong tình thương yêu con người đó, mọi người đều có chỗ. Người không bỏ sót ai, không quên ai, nhất là những người lao khổ, bần cùng, ốm đau, bệnh hoạn. Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Chỉ có tấm lòng cao cả, thương người lớn lao như vậy mới có thể thấu hiểu được nỗi đau đớn của người ốm đau, bệnh tật, mới có thể nêu lên y đức của người thầy thuốc cao cả, thiêng liêng, sâu sắc như vậy.
Tư tưởng về y đức của Người mãi mãi là “pháp bảo” của ngành Y tế, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khǎn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân./.
Theo PGS, TS. Hoàng Minh
Huyền Trang (st)