Mot so

Bác Hồ chụp ảnh chung với phụ nữ các dân tộc ít người.  Ảnh internet

Sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (8/3/1910 - 8/3/2015), chúng ta cùng đọc lại một số bức thư, bài nói, bài viết và câu chuyện kể về Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam và quốc tế.

1. Thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp Xuân Bính Tuất 1946

Nǎm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây "Đời sống mới"
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy nên chữ cần
Ta thực hành trước
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham thàn
Thế tức là liêm
Đã liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là chính
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống "Đời sống mới"

Hồ Chí Minh

(Báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, nǎm 1946)/

2. Ngày 8/3/1952, lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ” đăng trên Báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-1952.

“Thân ái gửi chị em trong nước và chị em kiều bào ở ngoài nước, Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến. Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hǎng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ. Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, như cô Nguyễn Thị Cúc và nhiều người khác. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ. Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng. Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu. Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và sǎn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình. Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hǎng hái đấu tranh chống quân thù. Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ǎn gió nằm sương. Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hǎng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông. Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học. Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tǎng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần. Tôi rất vui lòng thấy rằng trong mọi ngành hoạt động, các cháu nữ thanh niên đều xung phong, đều có thành tích khá. Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa. Nhiệm vụ chính của phụ nữ ta ngày nay là: - Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới. - Thi đua tǎng gia sản xuất và tiết kiệm, hǎng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. - Hǎng hái tham gia chính quyền. - Giúp đỡ bộ đội. - Bảo vệ nhi đồng. Phụ nữ trong vùng tạm bị chiếm thì ra sức chống địch bắt chồng con, anh em đi lính, phá mưu mô địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. - Chị em kiều bào ở nước ngoài thì ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước về mọi mặt. Chúc toàn thể phụ nữ tiến bộ và thành công nhiều.

Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 8 tháng 3 nǎm 1952
HỒ CHÍ MINH”

3. Cùng ngày (8-3-1952) , Bác viết bài “Nam nữ bình quyền” với những lập luận sâu sắc. Trích từ Sách Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1970, tr.31.

 “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn nǎm để lại. Vì nó ǎn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu. Vài thí dụ: Sau khi Trung Quốc cách mạng thành công, chia xong ruộng đất; ban bố luật mới về việc lấy vợ gả chồng, thì có nơi 9 phần 10 vụ kiện thuộc về vấn đề vợ chồng. Ở tỉnh Sơn Đông trong 10 tháng nǎm 1950, có 1200 phụ nữ tự sát, 9 huyện ở tỉnh Giang Tô trong 4 tháng có 119 phụ nữ tự sát. ở khu Tân An (huyện Lục An) trong 6 ngày 4 phụ nữ bị đánh chết. Ngày trước những việc thê thảm như thế còn nhiều gấp mấy. Song không ai lo đến. Ngày nay Chính phủ nhân dân đang ra sức giải thích tuyên truyền giáo dục, cải tạo tư tưởng để chống bọn phong kiến đó. Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, vǎn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”.

4. Ngày 8/3/1955 với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài 8 tháng 3 đăng trên Báo Nhân Dân, số 371

“8-3 là ngày phụ nữ Quốc tế. Để chúc mừng ngày vẻ vang ấy, đoàn thể phụ nữ ta cần:

- Động viên toàn thể phụ nữ hăng hái góp phần vào cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

- Động viên toàn thể phụ nữ nhiệt liệt ủng hộ các chính sách của Đảng và của Chính phủ, ra sức góp phần vào công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà. Muốn đạt mục đích ấy thì phụ nữ các tầng lớp phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng học tập, nâng cao giác ngộ chính trị, yêu chuộng lao động, quý trọng của công, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Ngoài những việc đó, phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia vận động giảm tô và cải cách ruộng đất.

- Động viên toàn thể phụ nữ tham gia các công tác văn hoá xã hội, như bình dân học vụ, phòng đói, cứu đói, phổ biến vệ sinh, bảo vệ nhi đồng, v.v...

- Động viên toàn thể phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào lấy chữ ký chống bom nguyên tử, chống đế quốc Mỹ can thiệp vào nước ta và âm mưu gây chiến.

Đó là cách rất thiết thực để chúc mừng ngày vẻ vang của phụ nữ quốc tế”.

5. Trên Báo Nhân Dân, số 735, ngày 8-3-1956, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Chúc mừng ngày Phụ nữ Quốc tế "8-3"

“Ngày Phụ nữ quốc tế năm nay có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt: Trên thế giới thì lực lượng hoà bình phát triển ngày càng mạnh. Trong nước thì phong trào thi đua xây dựng ngày càng lên cao.

Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phụ nữ ta đã được bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Cho nên trong cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, cũng như trong công việc xây dựng từ ngày hoà bình trở lại, phụ nữ ta đã góp phần xứng đáng.

Phụ nữ ta có nhiều thành tích to, nhưng phụ vận ta còn có thiếu sót: Ít chú ý vận động gia đình các cán bộ và các nhà thủ công nghiệp, gia đình các nhà công thương và các chị em nội trợ. Kinh nghiệm của phụ vận Trung Quốc chứng tỏ rằng: Khéo vận động, tổ chức và hướng dẫn, thì những chị em phụ nữ ấy có tác dụng lớn đối với xã hội. Cách làm của phụ vận Trung Quốc giản đơn, thiết thực và kết quả to, gọi là "5 tốt":

- Gia đình và xóm giềng đoàn kết và giúp đỡ nhau tốt,

- Sinh hoạt và công việc trong nhà sắp đặt tốt,

- Giáo dục con em tốt,

- Khuyến khích chồng con, anh em sản xuất, công tác và học tập tốt,

- Tự mình học tập tốt.

Phụ vận ta nên cố gắng thực hiện kinh nghiệm ấy.

Để kỷ niệm ngày 8-3 một cách thiết thực và xứng đáng, chúng ta cần động viên:

Chị em phụ nữnông thônTHI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.

Chị emcông nhân và công chứcTHI ĐUA làm trọn nhiệm vụ của mình.

Chị emtrí thứcTHI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hoá.

Nữ thanh niêntuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc.

Mọi chị em, mọi giới phụ nữ đều thi đua góp sức hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1956, đều hăng hái tham gia công cuộc củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đồng thời, phụ nữ ta cần đoàn kết với chị em các nước bạn và phụ nữ dân chủ các nước khác để giữ gìn hoà bình thế giới và xây dựng hạnh phúc cho cả loài người. Đó là trách nhiệm rất vẻ vang của phụ nữ Việt Nam ta!

C.B.”

6. Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 nǎm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1960) đăng trên Báo Nhân Dân, số 2181, ngày 8-3-1960.

Từ ngày thành lập, Quốc tế phụ nữ là một lực lượng mạnh mẽ đấu tranh cho công cuộc giữ gìn hoà bình, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hǎng hái tham gia đánh giặc cứu nước

Từ ngày hoà bình trở lại, nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Chị em miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống ách thống trị dã man của Mỹ – Diệm. ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chị em phụ nữ đều phấn khởi thi đua tǎng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, công tác và học tập đều tiến bộ khá.

Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy.

Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ví dụ:

Chị em Liên Xô trong gia đình thì không phải bận bịu với việc chǎm lo con mọn và hui hút với việc bếp núc. Ngoài xã hội thì thật sự bình đẳng với đàn ông, gánh vác mọi công tác chính trị, kinh tế, vǎn hoá… Trong ngành giáo dục và ngành y tế, cán bộ phụ nữ đã nhiều hơn cán bộ đàn ông. Nǎm 1958, trong số chuyên gia tốt nghiệp kỹ thuật, phụ nữ chiếm 52%. Trong Quốc hội các nước Cộng hoà Xôviết hơn một phần ba đại biểu là phụ nữ. Đồng chí Naxriđinôva là công trình sư đồng thời là Chủ tịch nước Cộng hoà Xôviết Udơbêkixtan.

Dưới sự lãnh đạo ân cần của Đảng, phụ nữ ta cần phải:

- Cố gắng học tập chính trị, học tập vǎn hoá, kỹ thuật.

- Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

- Hǎng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”.

- Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới.

Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu, chắc các cô sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy.

Chào thân ái
Ngày 8 tháng 3 nǎm 1960
HỒ CHÍ MINH”

7. Ngày 8/3/1964, trên báo “Nhân Dân” dưới bút danh “Chiến sĩ”, Bác viết bài “Gửi chị em phụ nữ Hoa Kỳ” để lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không những gây đau khổ cho nhân dân và phụ nữ Việt Nam mà còn đối với cả phụ nữ Mỹ.

“Thưa chị em,

Nhân ngày Phụ nữ quốc tế 8-3, chúng tôi xin gửi đến chị em lời chào hữu nghị.

Chắc chị em đều biết rằng suốt mười nǎm nay, Chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc ở miền Nam nước chúng tôi. Trong thời gian đó, vì chính sách xâm lược của Chính phủ Mỹ mà đồng bào miền Nam chúng tôi đã bị những tai nạn như sau:

- Hơn 4.000 phụ nữ bị hãm hiếp, có cả em bé và cụ già.

- Hơn 200.000 người bị thương vì tàu bay Mỹ ném bom.

- Hơn 400.000 người vô tội bị giam cầm.

- Hơn 1 triệu người thành tàn tật vì bị tra tấn.

- Hơn 150.000 người bị giết hại (3.000 người bị mổ bụng, moi gan, ǎn thịt).

Hàng trǎm làng mạc bị đốt phá và bị thuốc độc, hàng chục vạn binh sĩ chết và bị thương ở chiến trường.

Thảm hoạ đó là do Chính phủ Mỹ gây nên. Vì tàu bay, xe tǎng, súng đạn, thuốc độc, v.v. đều do Mỹ cung cấp cho bọn Ngô Đình Diệm, Dương Vǎn Minh và hiện nay là bọn Nguyễn Khánh.

Trong lúc đồng bào miền Nam chúng tôi bị chết người, hại của, thì nhân dân Mỹ cũng bị một thứ tai hại khác: Người Mỹ (kể cả chị em phụ nữ Mỹ) mỗi ngày buộc phải cung cấp cho cuộc chiến tranh bẩn thỉu và phi nghĩa ấy một triệu rưỡi đôla. Hơn nữa, trong số 25.000 binh sĩ Mỹ bị Chính phủ Mỹ đưa sang tham gia chiến tranh ở miền Nam, đã có hàng trǎm người chết, hàng nghìn người bị thương. Tức là hàng trǎm nghìn chị em phụ nữ Mỹ đã bị mất chồng, mất cha, mất con, hoặc mất người yêu?

Nhân dân hai nước chúng ta không hề có thù oán gì nhau. Chúng ta, nhất là chị em phụ nữ chúng ta, đều muốn chung sống trong hoà bình và hữu nghị.

Chỉ vì chính sách xâm lǎng của Chính phủ Mỹ đã gây nên tội ác tày trời. Gần đây, Chính phủ Mỹ còn hò hét mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt. Thật là điên rồ.

Thưa các chị em, chắc các chị em cũng nhớ rằng nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi thực dân Pháp, thì nhân dân Việt Nam sẽ đánh đuổi được thực dân Mỹ. Song nếu không chấm dứt ngay chiến tranh, thì nhân dân Mỹ, trước hết là chị em phụ nữ Mỹ, cũng sẽ bị thêm gánh nặng đau thương vì mất chồng, mất con!

Vậy chị em phụ nữ Mỹ cũng cần phải đấu tranh kiên quyết để chặn tay Chính phủ hiếu chiến Mỹ.

Nhân dịp này, chúng tôi tỏ lời biết ơn những đoàn thể và những nhân sĩ tiến bộ Mỹ đã hoạt động chống chiến tranh ở miền Nam nước Việt Nam. Chúng tôi gửi lời chào thân ái đến 400 chị em ở các bang Nữu ước, Mơrilen, Vớcginia, Connếchticớt... vừa rồi đã biểu tình trước Phủ Tổng thống Mỹ để đòi giải quyết hoà bình vấn đề miền Nam Việt Nam?

Chào hữu nghị và thắng lợi!

Thay mặt phụ nữ Việt Nam
CHIẾN SĨ”

8. Ngày 8/3/1965, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 vào thời điểm chuẩn bị làm lễ khánh thành. Đây là công trình xây dựng từ nguồn vốn có phần đóng góp của phụ nữ cả nước có quy mô và trang bị hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó. Vinh dự cho chị em là trong ngày vui lớn lao đó Bác Hồ đã đến thăm nhà máy. Cần nói thêm là công nhân của nhà máy toàn là nữ. Thời kỳ đó, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, để bảo đảm an toàn, phòng máy bay Mỹ oanh tạc, lễ khánh thành nhà máy được ấn định vào 7 giờ tối.

Khoảng một giờ trưa, chẳng có ai dẫn lối, Bác đi thẳng đến khu nhà tập thể. Vào giờ này, người nào không bận làm ca kíp ở nhà máy thì đều đang giấc ngủ trưa. Bác đi xem xét nhà ăn, nhà trẻ, khu vệ sinh, hình như khá lâu mà không ai hay. Khi người ra bể nước công cộng, mấy chị em đang giặt giũ bên bể nước thấy Bác reo ầm lên: “Ôi Bác! Bác Hồ! Bác đến!”

Ngay lập tức cửa các căn nhà mở toang, mọi người cuống quýt chạy ra. Lúc này Bác đã tới đầu nhà A1, một trong mấy dãy nhà ở cao tầng mới xây dựng. Người đến mỗi lúc một đông, vòng trong vòng ngoài, ai cũng muốn được đến gần Bác, nhìn rõ Bác.

Đồng chí Bí thư Chi bộ dẫn Bác lên kiểm tra tầng trên. Bác thoăn thoát bước lên cầu thang, vừa lên đến tầng hai đã nhìn thấy cảnh nhà nhà đang lôi đủ thứ ra phơi phóng lộn xộn ngoài hành lang, nơi ban công. Bác vẫy mọi người lại, phê bình: Đây là khu tập thể của một nhà máy hiện đại. Nhà máy càng hiện đại công nhân càng phải gương mẫu trong sản xuất và trong việc gìn giữ vệ sinh trong công nghiệp và vệ sinh trong sinh hoạt. Có như thế mới có đủ sức khoẻ để sản xuất tốt. Bác phê bình các cô các chú đều là người lớn cả mà ở rất bẩn. Các cô, các chú có hứa với Bác chú ý gìn giữ chỗ ăn ở luôn sạch sẽ, ngăn nắp không?

Mọi người đồng thanh đáp: “Có ạ!” rõ to. Lời đáp dõng dạc đó như làm vơi đi sự không hài lòng do chính họ gây ra.

Trên đường dẫn Bác đến thăm các phân xưởng nhà máy sẽ làm lễ khánh thành tối hôm đó, Bác nói với đồng chí Bí thư Đảng ủy: Chắc các cô đang bận lo việc khánh thành nhà máy, lo sản xuất mà lãng quên việc chăm lo đời sống của công nhân, như thế là không được, nhất là cương vị người lãnh đạo cao một nhà máy lớn có hàng vạn công nhân nữ. Lo việc lớn nhưng không bỏ qua việc nhỏ, kể cả những nguyện vọng chính đáng của từng chị em.

9. "Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới giải quyết mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy". (Cẩm Chương ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ)

Thường hay được đi với Bác, đến đâu tôi cũng thấy Bác quan tâm hỏi về phụ nữ. Một lần, tới một Hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi: "Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?" Rồi Bác lại hỏi tiếp: "Các cô gái có đấy không? Hội trường đồng thanh trả lời: “Có ạ”. Bác nói: "Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy". Đó chính là lời cǎn dặn cũng như mong muốn của Bác Hồ đối với phụ nữ bởi đối với phụ nữ bao giờ Bác Hồ cũng dành sự quan tâm nhiều nhất. Thường khi đi tới đâu hoặc làm việc gì Bác Hồ cũng nói đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Bác thường nhắc: Lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi số lượng còn đông hơn nam giới vì thế khi giải quyết việc gì trong dân, điều quan trọng là phải làm như thế nào đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, Châu Á, Châu Phi, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt hai lần bị bóc lột: Đế quốc và ý thức hệ phong kiến với "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" đã đè nặng lên người phụ nữ. 

Bác Hồ luôn nhấn mạnh như vậy. Vì thế mọi đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ bao giờ cũng chú ý đến phụ nữ. Trong Di chúc của Bác Hồ cũng có những đoạn riêng viết về phụ nữ: "Tháng 5-1968, khi tôi xem lại thư này, tôi thấy cần viết thêm mấy điểm. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây là một cuộc cách mạng". 

10. Thẳng thắn phê bình nhưng vẫn giữ tình đồng chí thương yêu 

(Cẩm Chương ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ)

Bác nhắc đến phụ nữ thường nhắc đền quyền bình đẳng vì vậy hiện nay nếu Bác còn, ngay trong cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chắc Bác cũng sẽ đặt ra: Giới phụ nữ sẽ phải làm gì? Trách nhiệm ra sao? Bác chú ý đến quyền lợi song cũng chú ý đến trách nhiệm của phụ nữ vì vậy phụ nữ cũng nên tìm lấy cái gì trong cuộc vận động này và nên làm thế nào cho tốt. Khi đi thǎm các nước, Bác thường nói với phụ nữ các nước đó: Phụ nữ Việt Nam làm được nhiều việc cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thay thế nam giới thực hiện phục vụ cho chiến đấu, sản xuất. Đặc biệt, khi làm chủ nhiệm hợp tác xã (HTX), phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén. Có lần tại một hội nghị cấp huyện Bác hỏi: Ở đây có Hải Phòng không? Có ạ. Hợp tác xã các chú làm thế nào mà phải sang HTX khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa. Lúc đó, gần tết, Bác hô hào kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: "Các chú phải có vǎn hóa không được đánh vần chữ "tiết kiệm" thành "tiết canh". Phụ nữ người ta làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm. Lúc nào, ở đâu, Bác cũng nhắc, liên hệ đến phụ nữ. Vì vậy trong cuộc vận động này, phụ nữ phải tham gia thúc đẩy làm tốt. Trong di chúc Bác Hồ đã viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi Đoàn viên; mỗi Chi bộ...". Hiện nay, Đảng ta thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng là thực hiện di chúc của Bác. Tôi tin phụ nữ cũng sẽ là lực lượng tiên phong thực hiện. Muốn chỉnh đốn Đảng tốt là phải phê bình và tự phê bình. Một lần được ǎn cơm với Bác, tôi có hỏi: Thưa Bác không hiểu tại sao cháu ở với Bác lâu, Bác chưa hề cáu gắt mà cháu lại hay cáu gắt với anh em. Bác trả lời luôn: "Chú ở với Bác lâu, Bác cũng ở với chú lâu nhưng có bao giờ thấy chú gắt với Bác đâu. Sở dĩ chú cáu gắt là vì chú chưa tôn trọng đầy đủ với anh em". 

Đúng là tôi chưa dám cáu gắt với cấp trên bao giờ. Sau đó Bác còn nói thêm: Chú thấy bánh ga tô có ngon không. Dạ rất ngon: Thế mà Bác thấy chú ǎn no, Bác mới mang ra, chú có thấy ngon không? Dạ bớt ngon. Nếu Bác nhét vào mồm chú, chú còn thấy ngon không? Dạ hết ngon. Phê bình cũng vậy, phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách thì mới giải quyết được. Bản thân Bác trong lúc làm việc cũng rất lắng nghe, chấp nhận sự góp ý của mọi cộng sự. Cụ thể có lần (nǎm 1968), Ban Tuyên huấn chuẩn bị cho Bác bài báo viết về việc nâng cao đạo đức cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân để đǎng trong dịp kỷ niệm. Sau nhiều lần Bác sửa, đến khi chuẩn bị in có ý kiến đề nghị Bác đảo lại tít bài "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng" vì Đảng viên nói chung là tốt, Bác chấp nhận đảo lại tiêu đề mặc dù Bác vẫn hỏi: Ở nhà vợ con các chú mua tủ mới, trước khi kê vào phải quét dọn phòng vậy phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì đạo đức cách mạng mới đến được chứ. Điều này nếu mang áp dụng vào cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng thật là đúng bởi mỗi Đảng viên phải gạt bỏ được cá nhân của mình thì mới có thể tiến bộ được. Bác nói phải phê và tự phê bình song vẫn khẳng định "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta" và nǎm 1966 Bác còn viết thêm trong Di chúc: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" - về việc này phụ nữ thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, Bác cũng nói: Phụ nữ ta thường tự ti, có thói quen rụt rè không dám đấu tranh. Phụ nữ là đảng viên cũng mang thói quen đó vào. Bởi thế, trong cuộc vận động này, phụ nữ phải cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm, tin yêu mà Bác đã dành cho”./.

(Còn nữa)

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: