Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, Người cho rằng cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém và luôn luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải thường xuyên coi trọng công tác huấn luyện cán bộ, trong đó có công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ.

bac-ho-voi-cong-tac-can-bo-nu
Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ

Người coi công tác cán bộ nữ là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ, cuộc cách mạng đưa quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ và “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó... vì không thể dùng vũ lực để đấu tranh... vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân”.

Người chỉ ra rằng: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Bởi vậy, sinh thời, Bác rất quan tâm đến công cuộc giải phóng phụ nữ, nhằm đưa lại quyền bình đẳng thực sự cho nữ giới, Bác cho rằng giải phóng phụ nữ đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong nam giới. Người khuyên phụ nữ không nên ngồi chờ chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường đấu tranh.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, trong khi đang hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tại các lớp tập huấn chính trị cho cán bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, Người đã chỉ ra rằng: “Muốn thế giới thành công, thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước... An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Chính vì vậy, Bác đã tích cực tham gia vào các họat động của các tổ chức quốc tế, trong đó, Người tham  dự Đại hội quốc tế phụ nữ. Tại Đại hội này, Bác có điều kiện để tìm hiểu phong trào phụ nữ Liên Xô, qua đó học hỏi kinh nghiệm để xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ của Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao và coi trọng vị trí, vai trò của nữ giới trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nhận thấy rằng phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở, nhiều người rất giỏi. Hơn nữa cất nhắc phụ nữ vào cương vị lãnh đạo là nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và đồng thời cũng là xây dựng tổ chức Đảng, đoàn lớn mạnh, để hoàn thành tốt mọi công tác. Vì vậy, “đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”.

Theo quan điểm của Người, việc cất nhắc, đề bạt cán bộ nữ phải thông qua hoạt động thực tiễn để tuyển chọn chứ không thể dựa trên sự đánh giá bên ngoài để đề bạt. Muốn làm tốt công tác cân nhắc, đề bạt cán bộ nữ phải kiên quyết chống lại tư tưởng phong kiến hẹp hòi, coi thường phụ nữ. Bác nhắc nhở các cấp, các ngành phải chú ý thực hiện triệt để cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ. Muốn thực sự đưa phụ nữ có quyền ngang với nam giới, thực hiện nam, nữ bình đẳng thì phải mạnh dạn cân nhắc, đưa phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo các cấp.

Tuy nhiên, việc đánh giá, đề bạt và sử dụng cán bộ nữ đều phải xuất phát từ công việc, từ cái chung, tránh thành kiến hẹp hòi. Phải tuyển chọn cán bộ ưu tú trong các phong trào, trước hết là tuyển chọn cán bộ đã được rèn luyện thử thách trong các phong trào cách mạng, đào tạo trên cơ sở quy hoạch và xem xét cất nhắc một cách toàn diện. Khi sử dụng bố trí cán bộ nữ phải chú ý đến đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ. Người động viên phụ nữ phải tự vươn lên, tự bồi dưỡng phấn đấu, không ngừng học tập để trở thành những người có ích cho xã hội. Cùng với nhấn mạnh việc mạnh dạn cất nhắc, đề bạt cán bộ nữ vào các cấp lãnh đạo, Bác còn phê phán những nơi, những địa phương có những tư tưởng hẹp hòi, coi nhẹ vai trò của phụ nữ, không tin vào khả năng của phụ nữ, có tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Bác đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Vì vậy, Người cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Các cấp, các ngành cần quan tâm sâu sát hơn, thiết thực hơn, hết lòng giúp đỡ chị em tiến bộ về mọi mặt, được thế phong trào phụ nữ nhất định phát triển, không ngừng. Đồng thời Bác cũng động viên phụ nữ phải tự cố gắng học tập vươn lên, tích cực tham gia, tăng gia sản xuất, quản lý kinh tế, công tác chính quyền để đáp ứng được yêu cầu chung của sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và sự nghiệp cách mạng giải phóng nói riêng. Bên cạnh đó, mỗi chị em phải nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, muốn làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang đó thì bản thân phụ nữ phải có ý chí tự cường, tự lập, tích cực học tập để ngày càng nâng cao trình độ về chính trị, văn hoá, kỹ thuật có trình độ ngang tầm với nam giới.

Được sự quan tâm, chỉ đạo, dìu dắt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhiều chị em phụ nữ các thế hệ đã sớm giác ngộ cách mạng, cố gắng học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên, thực sự đi vào phong trào đấu tranh, góp phần đáng kể vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong đó nhiều chị em trở thành cán bộ nòng cốt, cán bộ quản lý, lãnh đạo ở các tổ chức, cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước./.

                                                                                              Lê Thị Xuân

Theo Báo Cao Bằng

Thanh Huyền (St)

Bài viết khác: