nu anh hung   anh
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Chiên

Mưu trí, dũng cảm, kiên cường và bất khuất, nữ trung đội trưởng ngày ấy giờ đã bước sang tuổi 83, nhưng ký ức một thời khói lửa đạn bom luôn là mạch nhựa sống căng tràn để dù hàng ngày bà chỉ có thể đi lại trong ngôi nhà nhỏ của mình, nhưng trái tim và khối óc vẫn luôn hướng tới Ðảng, tới dân.

Cùng với tên tuổi nổi tiếng của những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp như Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Ðàn, Phan Ðình Giót…, người nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Trung đội trưởng Trung đội Nữ du kích Tán Thuật (Kiến Xương) Nguyễn Thị Chiên không chỉ là dấu son trong bảng vàng thành tích chiến đấu của quân dân Thái Bình, mà còn là điển hình tiêu biểu cho những phẩm chất, truyền thống cao quý của quân dân Việt Nam trong đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập tự do của dân tộc.

 Mưu trí, dũng cảm, kiên cường và bất khuất, nữ trung đội trưởng ngày ấy giờ đã bước sang tuổi 83, nhưng ký ức một thời khói lửa đạn bom luôn là mạch nhựa sống căng tràn để dù hàng ngày bà chỉ có thể đi lại trong ngôi nhà nhỏ của mình, nhưng trái tim và khối óc vẫn luôn hướng tới Ðảng, tới dân.

 Không gọi điện báo trước, chúng tôi lặng lẽ từ Thái Bình, trong vai những người con, người cháu ở vùng đất nơi chôn nhau cắt rốn của bà lên thăm. Cũng không quá lắt léo khó tìm như một số nhà báo đã miêu tả, ngôi nhà của bà nằm yên bình trong một ngõ nhỏ của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

 Dường như đã quen với việc thường xuyên có khách lạ đến thăm, nghe tiếng gọi, người bạn đời của bà mau mắn cầm chìa khóa ra mở cổng. Một khoảng sân nhỏ, một gốc bưởi mặc dù chưa vào mùa đơm hoa kết trái nhưng đủ làm mát dịu lòng người qua lại bởi những tán lá xanh mướt xòe rộng xuống nền sân. Cảm giác thân quen từ sự bình dị, mộc mạc rất đỗi ấm áp của sự bài trí, của những đồ dùng, vật dụng trong nhà đôi vợ chồng lão thành cách mạng đã giúp chúng tôi nhanh chóng gần gũi với ông bà.

 Nghe nhắc đến hai chữ “Thái Bình”, bà  lần lượt nhìn từng đứa chúng tôi, rồi bất chợt nhắm nghiền mắt lại. Trong khoảng không tĩnh lặng ấy, chứng kiến xúc cảm ngập tràn trên gương mặt đã hằn sâu những vết chân chim của tuổi già, dường như hơn lúc nào hết, chúng tôi thấy thấm thía nỗi đau đáu với quê hương ẩn sâu trong lòng người con đã lâu không được quay trở lại.

 Vừa nghe chúng tôi đặt vấn đề được viết về bà – người nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông không từ chối, nhưng vội vã đứng lên, mở ngăn kéo tủ lấy một tập giấy gấp đôi, rồi đưa cho chúng tôi một tờ: “Bà nhà tôi dạo này yếu rồi, lúc nhớ lúc quên. Các cô cứ đọc bài báo Bác Hồ viết về bà ấy, đăng trên báo Nhân dân số 60 ra ngày 5/6/1952 với bút danh CB là đầy đủ hết”.

 Chờ cho chúng tôi đọc xong bài báo của Bác Hồ viết cách đây gần 62 năm, ông quay ngược trở lại quá khứ, rồi không giấu nổi niềm tự hào vẫn còn vẹn nguyên từ ngày ấy, ông xúc động kể về duyên cơ lần đầu tiên biết đến bà. Là cán bộ phụ trách lĩnh vực thi đua của Quân đội, tháng 2/1952 ông được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia bình xét, sàng lọc, chọn lựa những điển hình tiêu biểu để chuẩn bị cho Đại hội thi đua toàn quốc. Ông bảo ngày ấy, các địa phương, các ngành trong cả nước giới thiệu, đề cử lên rất nhiều, ai cũng giỏi và xứng đáng nên để đánh giá thực sự công tâm, chọn lựa được những tấm gương sáng nhất, xứng đáng nhất là cả một thử thách đối với cán bộ làm công tác thi đua.

 Trong danh sách những người được Thường vụ Quân ủy Trung ương chọn lựa đề nghị Bộ Chính trị báo cáo với Bác Hồ tuyên dương khen thưởng có người bạn đời sau này của ông. Mặc dù lúc ấy ông chưa một lần gặp bà, chẳng biết bà như thế nào, nhưng đọc báo cáo thành tích chung của quân dân Thái Bình trong thời kỳ đầu năm 1952 – trong đó có những đóng góp không nhỏ của nữ Trung đội trưởng Du kích xã Tán Thuật (Kiến Xương, Thái Bình) ông rất ấn tượng và không khỏi khâm phục bà. Niềm vui trong ông như được nhân đôi và vỡ òa khi sự lựa chọn, đề nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương được Bác Hồ phê duyệt.

 Tháng 5/1952, tại Ðại hội chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc, cùng với La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên – nữ du kích của Thái Bình trở thành 4 Anh hùng Quân đội đầu tiên của cả nước và bà cũng chính là nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Trong lúc ông say sưa kể chuyện làm thi đua, bà lặng lẽ ngồi nghe, như nuốt lấy từng lời. Có lẽ sự sôi nổi, hào hứng của người bạn đời giúp bà dễ dàng hồi tưởng lại và cái sự nhớ nhớ quên quên của bà như lời ông nói đã nhường chỗ cho cuốn phim quay chậm về một thời đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng của người nữ Anh hùng vùng đất lúa.

 Tham gia dân quân của xã ngay từ năm 1946, bà giác ngộ sâu sắc việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ, là quyền lợi cao quý và thiêng liêng của mọi công dân; và càng thấy thấm thía hơn điều đó khi Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không phân biệt tôn giáo đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc”.

 Thực hiện phương châm “Toàn dân là một chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài”, dưới sự chỉ đạo của xã đội, bà vừa tích cực tham gia huấn luyện, vừa cùng bà con đẩy mạnh tăng gia sản xuất, từng bước xây dựng làng kháng chiến, chuẩn bị đánh địch tiến công.

 Tháng 2 năm 1950, quân Pháp nổ súng tiến công Thái Bình, đến cuối tháng 4, chúng đã thiết lập được một hệ thống chiếm đóng khá dầy đặc trên địa bàn tỉnh. Với bộ máy đàn áp và hệ thống đồn bốt có trong tay, quân địch đã liên tiếp tiến hành các cuộc càn quét, sục sạo để khủng bố, mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc nhân dân quy thuận lập tề, nhằm nhanh chóng thiết lập được một hậu phương an toàn, từ đó chúng có thể rút quân cơ động để chi viện cho các chiến trường khác.

 Ðội du kích của bà Chiên 100% quân số là nữ nên nhiều người không chịu được sự đàn áp dã man của quân địch đã rời bỏ hàng ngũ, tìm cách bật đất lưu vong đến những vùng chưa bị tạm chiếm. Cuộc sống của cán bộ, đảng viên, du kích ở lại bám đất, bám dân vô cùng vất vả, gian nan, cơ cực; ban ngày phải tản ra, khoác nùm rơm, lưng thắt bao gạo rang, nắng cũng như mưa phải trú ở khắp các bờ bãi, hầm hố, gò đống ngoài đồng. Trên cương vị của người đứng đầu cầm quân, hơn lúc nào hết, nữ Trung đội trưởng Nguyễn Thị Chiên hiểu rằng càng gian khổ càng phải nuôi quyết tâm đánh thắng giặc để giành lại độc lập tự do, cơm no áo ấm.

 Vượt qua mọi thử thách, người phụ nữ trẻ tuổi vốn chân yếu tay mềm ấy đã tìm mọi cách vận động, tuyên truyền, giáo dục đồng đội của mình cũng như nhân dân hiểu sát tình thế, hiểu rõ tình hình của địch, nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh với ý chí “Tiến sâu vào lòng địch, không chạy trước mũi súng của địch”. Thấu hiểu tâm lý chị em phụ nữ, vượt qua được giây phút yếu mềm sẽ gan dạ và sắt đá hơn ai hết, nữ trung đội trưởng tìm đến những hoàn cảnh đặc biệt để “truyền lửa” khát vọng hạnh phúc, niềm tin chiến thắng cho họ. Và cứ thế, đội nữ du kích Tán Thuật ngày một  thu hút sự tham gia đông đảo, nhiệt tình cách mạng những người phụ nữ đói khát nhất, nghèo nàn nhất, đau khổ nhất; bởi chính họ đều nhận thức sâu sắc rằng muốn sướng, muốn đỡ khổ, muốn trả thù giặc đã tàn sát dã man chồng con mình, muốn cứu dân mình, bảo vệ đất nước mình chỉ có một con đường duy nhất là tự lực tự cường đứng lên đánh giặc.

 Kể đến đây, bà Chiên chợt cười rồi bảo: “Trong suốt những năm kháng chiến, đội du kích của tôi lúc đông, lúc ít. Ðịch càn quét, tàn sát đẫm máu quá thì nhiều chị em cũng sợ không dám tham gia nữa, nhưng cứ kiên trì vận động và bồi dưỡng thêm, từng bước củng cố niềm tin thì chị em lại hăng hái tham gia và thề nguyện không lấy chồng mà đi đánh giặc đến lúc giải phóng mới thôi”.

 Khi chúng tôi hỏi ngày ấy, có lúc nào bà sợ không, bà lắc đầu: “Nếu sợ đã chẳng tham gia. Nếu các cô tham gia rồi cũng thế thôi. Tận mắt chứng kiến quân giặc tàn phá làng mạc của mình, sát hại dân mình, càng căm thù càng muốn vùng lên chiến đấu. Chính sự căm thù đến tận xương tận tủy đã giúp tôi nảy ra nhiều sáng kiến trong chiến đấu, đặc biệt là việc cướp vũ khí của địch để đánh địch; và đã chiến đấu phải bền bỉ, kiên cường và dũng cảm”. Bởi thế mà trong những năm tháng gian khổ ấy, trong lúc tình hình hết sức khó khăn, bên cạnh những phần tử dao động, chạy dài đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu dũng cảm trước kẻ thù, có tác dụng củng cố lòng tin và quyết tâm kháng chiến của quần chúng; trong đó có nữ đảng viên, Trung đội trưởng Nguyễn Thị Chiên.

 Gây dựng phong trào cách mạng ở cơ sở, trực tiếp chỉ huy đội nữ du kích phối hợp với các lực lượng tham gia nhiều trận đánh, người con gái nhỏ nhắn với hai bím tóc đuôi sam dễ thương ấy từng là nỗi khiếp đảm của quân địch. Một lần dẫn đường cho cán bộ đi họp, trên đường đi gặp địch, nữ Trung đội trưởng đã tìm cách đánh lạc hướng thu hút địch về phía mình, giải thoát được cho cán bộ của Ðảng, còn mình thì bị bắt. Hơn 3 tháng tra tấn bằng mọi thủ đoạn, nhiều lần bắn dọa vẫn không moi được lời khai nào, chúng đành phải thả bà ra.

 Bà tâm sự, khi được cấp trên gọi đi tham dự Ðại hội Chiến sĩ thi đua Toàn quốc lần thứ Nhất, bà rất bất ngờ vì thành tích của tập thể mà cá nhân mình lại vinh dự được hưởng. Trực tiếp được gặp Bác Hồ, bà sung sướng lắm. Với bà, thế là tất cả đã toại nguyện, vì cả cuộc đời hoạt động bí mật chỉ mong được sống để một lần gặp người Cha già kính yêu.

 Với kinh nghiệm tổ chức, triển khai lực lượng du kích địa phương và những chiến công lẫy lừng một thời, bà được điều về Thủ đô Hà Nội, giao nhiệm vụ phụ trách và quản lý lực lượng dân quân 4 huyện ngoại thành. Sau nhiều năm công tác, bà về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, mang trên người bao vết thương của chiến tranh và sự hành hạ thể xác đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Thương vợ, ông đưa bà đi đủ mọi nơi để bốc thuốc, có nơi biếu bà cả 100 thang mà dứt khoát không lấy một đồng. Ông bảo: Báo chí cứ nói vợ chồng tôi khốn khổ. Chị Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước quan tâm đến tận nhà hỏi chúng tôi có gì khó khăn không, tôi bảo hàng tháng chúng tôi vẫn lĩnh đủ lương, sống rất tốt. Thời kỳ chiến tranh thì cả dân tộc mình khốn khó. Cách mạng thành công rồi thì chẳng còn gì khốn khó nữa. Hàng xóm xung quanh đây rất thương vợ chồng tôi, mình trọng người thì người trọng mình mà. Hơn nữa, đã có câu “Thương dân, dân lập bàn thờ”.

 Nghe ông nói, bà nhìn chúng tôi cười hiền hậu: Tôi thì hết thời rồi, không làm gì được nữa. Bất giác, tôi nhìn xuống mặt bàn nước, dưới tấm kính, viết đằng sau một tờ lịch nhỏ là những dòng chữ như thế này: “Những biện pháp khắc phục: Ðể khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, biện pháp có ý nghĩa nhất là thực hiện cho được những biện pháp đã đề ra, sau đó mới nói đến việc bổ sung những biện pháp mới. Phải quyết liệt thực hiện những biện pháp quyết liệt đối với kẻ thù bên trong, những giặc nội xâm đang phá Ðảng ta từ bên trong. Mọi sự nể nang, né tránh, bao che cho những tệ nạn tiêu cực đều là có tội với Ðảng, với dân, cần được xử lý kịp thời. Xây dựng các tổ chức Ðảng từ trên xuống dưới thật trong sạch vững mạnh; đặc biệt các tổ chức Ðảng ở cơ sở phải thực sự là nền tảng tổ chức của Ðảng trong cuộc đấu tranh chống thoái hóa, biến chất; tổ chức Ðảng cấp trên phải nêu gương cho tổ chức Ðảng cấp dưới; tổ chức Ðảng ở cấp cao nhất phải thực sự là tấm gương chống tệ nạn tiêu cực để toàn Ðảng noi theo”. Ðấy là những dòng chữ khi tỉnh táo nhất, ngẫm nghĩ một hồi, bà đọc cho cháu ngoại viết. Nói có vẻ lý thuyết, nhưng nếu mỗi đảng viên chỉ cần “thực hiện cho được những biện pháp đã đề ra” như suy nghĩ của bà, thì chắc chắn việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” sẽ thực sự mang lại hiệu quả thiết thực bởi chỉ một điều đơn giản, đó chính là “biện pháp có ý nghĩa nhất”. Thấy tôi có vẻ thích thú, bà bảo: Tôi cho cô đấy, cô cứ cầm về đi!

 Tôi lặng người, muốn ôm lấy bà mà không dám. Không biết đã có bao nhiêu nhà báo với bao nhiêu tác phẩm làm phiền lòng ông bà về những câu chữ không phải là sự thật, nhưng với chúng tôi, dẫu có thể chỉ một lần gặp gỡ, nhưng dấu ấn ông bà để lại thì thật đặc biệt.

 Tôi ra về mang theo cái nắm tay rất chặt và lời dặn dò của bà: “Càng trẻ càng phải học nhiều, làm nhiều. Càng là nhà báo càng phải đi nhiều, tìm hiểu nhiều, đi sâu vào từng ngóc ngách để thấu được cả cái mạnh và cả cái yếu con ạ!”…

Gió từ triền đê sông Hồng ùa về mát dịu. Nắng cuối Xuân dịu dàng len trong ngõ nhỏ. Bỗng chốc, tôi thấy bà, dưới gốc bưởi ngát hương, xõa mái tóc bạc trắng thời gian, cười hiền hậu, mộc mạc và yên bình đến thế!

Quang Minh
Theo Báo Thái Bình
Minh Thu (st)

Nguyễn Thị Chiên

Nữ Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946.

Vùng chị Chiên thường bị giặc càn quét. Cơ sở tan rã. Nhân dân hoang mang. Chị cứ bám sát lấy dân, lập lại cơ sở chính quyền và đoàn thể, tổ chức một trung đội nữ du kích chống càn quét, bảo vệ làng.

Bị bắt, bị tra tấn suốt 3 tháng, bị đưa ra bắn dọa 3 lần, chị vẫn bình tĩnh, không khai nửa lời. Vừa thoát được về, tuy mình đầy vết thương, chân đau không đi được, chị cũng hoạt động lại ngay. Trong đợt thi đua từ 19-5 đến 19-12-1951, chị đã thắng 10 trận, tự tay tước được 15 súng và bắt sống 12 tên giặc (1 tên quan hai Pháp). Trong các trận, chị không hề bỏ sót một người thương binh nào. Trong vụ thuế nông nghiệp, chị đã thức 30 đêm liền, tuyên truyền giải thích từng nhà, từng người. Nhiều người lạc hậu, thấy chị thành khẩn, đều cảm động và trở nên hăng hái. Khi bắt được tên đồn trưởng (nó đã giết người anh của chị), chị giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi thả nó. Vì vậy, nó đã gọi nhiều ngụy binh ra hàng.

Chị Chiên, vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội.

CB (Báo Nhân Dân số 60 ra ngày 5/6/1952)

Bài viết khác: