nhung cau chuyen phan 2  anh 1
Bác Hồ với nữ sinh Trưng Vương

Cán bộ nữ phải sát quần chúng

Hồi đó anh chị em là cán bộ miền Nam, gồm năm đến sáu ngàn người, tập kết ra miền Bắc được đưa lên nông trường ở Yên Bái, Lào Cai. Do cuộc sống gian khổ, không quen khí hậu miền Bắc nên số đông bị ốm, rồi lại hết việc làm. Với ý nghĩ hai năm sẽ trở về quê hương nay gặp quá nhiều khó khăn, nhiều người bất mãn… Trước tình hình đó, Nhà nước chủ trương lập các khu điều dưỡng cho cán bộ miền Nam… Khi chúng tôi mời Bác về thăm anh em ở các Trại Thường Tín và Thanh Trì thì Bác nhận lời ngay…

Trại xây trên khu đất rộng nên Bác chưa vào hội trường vội, Bác đi một lượt thăm mọi nơi, mọi chỗ ăn chỗ ở, Bác thấy sạch sẽ, vừa ý. Bác hỏi tôi:

- Lúc nào cũng sạch sẽ như thế này à?

- Thưa Bác, vâng ạ!

Sau khi thăm các trại điều dưỡng, bác còn thăm trường Nữ sinh Trưng Vương. Các cháu như đàn ong, quây quanh lôi kéo Bác, Bác thấm mệt, toát cả mồ hôi. Tôi liền ngăn: “Ô, các cháu đi xuống đi, làm thế Bác mệt”. nhưng Bác bảo: “Kệ các cháu”…

Có nhiều dịp được tiếp xúc làm việc gần Bác, tôi thấy Bác rất quan tâm đối với cán bộ miền Nam cũng như đối với phụ nữ. Bác lắng nghe và ân cần chăm sóc thăm hỏi động viên họ, khuyên bảo cán bộ phụ nữ phải đi sát quần chúng, phải biết nấu cơm, phải biết tắm rửa cho trẻ con. Đối với dân, Bác rất tôn trọng, quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Bác sống rất giản dị, thanh đạm.

(Trích lời kể của bà Lê Minh Hiền
Nguyên Thứ trưởng Bộ Cứu tế  nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Vinh dự được đón Bác Hồ

… Thấy Bác đứng dưới bóng cây mát, chúng tôi đến vây quanh Bác, đồng chí Bộ trưởng cũng đến đứng gần Bác.

Bác khen:

- Ở đây gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp thế là tốt. Và Bác hỏi:

- Các cô các chú ở đây đã có “Chi bộ 4 tốt” chưa?

- Dạ thưa Bác, có ạ!

- Ở đây đã có “Chi đoàn thanh niên 4 tốt” chưa?

- Dạ, thưa Bác, có ạ!

- Đảng viên phải gương mẫu, đoàn viên phải đầu tàu. Ở đây các cô các chú lại có phong trào thi đua tốt, tự lực cánh sinh làm được nhiều việc, nhận được lá cờ đầu của ngành Y tế là phải. Nhưng đây mới là thành tích bước đầu. Các cô chú phải  khiêm tốn học tập và phát huy thành tích hơn nữa. Các cô các chú phải chữa bệnh bằng nhiều cách. Có thuốc quý chưa đủ, cần cho người bệnh ăn ngon và phù hợp với từng bệnh cũng là liều thuốc quý. Lại cần phải tuyên truyền, giải thích cho đồng bào xung quanh biết giữ gìn vệ sinh. Cần làm cho người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho mình và cho gia đình mình.

(Trích lời kể bà Trương Thị Minh Tri
Bác sĩ bệnh viện Vân Đình – Hà Tây)

Qua những câu chuyện nhỏ chúng ta thấy được sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam thật nhân ái bao la. Bác từng viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi (Đường Kách Mệnh). Đối với Bác, phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng chung của dân tộc và hoàn toàn có thể tự hào mà ngẩng cao đầu trước các đấng mày râu. Nhìn lại những chặng đường phát triển của phụ nữ Việt Nam đã trải qua, những Anh hùng lao động, những Chiến sỹ thi đua, những tấm Huân chương, những Giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Chị em phụ nữ hôm qua, hôm nay và ngày mai sẽ viết tiếp những truyền thống hào hùng đó, sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam để thoả ước nguyện của Người trước lúc đi xa./.

Ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang

Quê tôi ở Kim Lũ, gọi nôm là làng Lủ, nhưng cha mẹ tôi có cửa hiệu Vạn Tường ở số nhà 21 Hàng Đào… Trong những ngày đầu tháng đến trung tuần tháng Tám, đặc biệt là sau những ngày phát xít Nhật đầu hàng thì tình hình ngoài phố vừa nhộn nhịp vừa căng thẳng vì có nhiều đảng phái hoạt động, vì không khí Tổng khởi nghĩa đang lan tràn khắp nơi…

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang xưa là ngôi nhà có hai tầng làm theo lối cổ. Tôi đã cho sửa lại thành 4 tầng… Cũng mãi về sau này tôi mới biết rằng các đồng chí Trung ương Đảng sở dĩ chọn nhà tôi để đến ở và làm việc vì trước hết nhà tôi là một cơ sở đáng tin cậy, sau nữa vì nó ở giữa một phố buôn bán sầm uất, người đi kẻ lại lúc nào cũng đông đúc và ngay chính nhà tôi khách hàng cũng ra vào nhiều nên khó phân biệt được ai với ai. Một buổi sáng đồng chí Trường Chinh bảo tôi:

- Chị chuẩn bị thêm cho một phòng để đưa mấy cụ già đến ở.

Tôi nhớ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi, Người mặc rất giản dị: Áo nâu, quần soóc nâu, đội mũ dạ, đi dép cao su Con hổ trắng và tay cầm can… Tôi rất chú ý đến việc ăn uống của Chủ tịch và các đồng chí trung ương nên thường đứng ra trông coi và luôn thay đổi món cốt sao cho mọi người ăn ngon miệng.

Một hôm quãng 9h sáng, tôi mua được mấy quả bưởi Nghệ. Tôi gọt bưởi, pha nước, rồi chính tay tôi mang lên phòng Chủ tịch làm việc. Lúc ấy, Người đang ngồi đánh máy. Người bảo tôi cùng ăn rồi vừa ăn bưởi, Người vừa bảo tôi:

- Cô thật là sung sướng, cha mẹ, con cái đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng, chả có gì phải khổ cả!

Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nghĩ đến người phu kéo xe bị thằng Tây say ngồi trên xe đá giày Tây vào gáy gục xuống vệ đường, tôi nghĩ đến những người hàng rong bị bọn đội xếp Tây đánh bằng dùi cui làm cho gánh hàng còm cõi đổ tung tóe, tôi nghĩ đến việc cha tôi bị Pháp bắt giam và nhất là khi những lời cha tôi nói cho tôi biết thế nào là cái nhục của một người mất nước.

Vì thế, tôi thưa với Người:

- Thưa Cụ, cháu cũng có cái nhục của một người dân mất nước.

Tôi thấy Người im lặng, một lát sau Người mới hỏi tôi:

- Thế bây giờ cô đang làm công tác gì?

- Thưa Cụ, cháu làm ở chỗ chị Diệu Hồng, Hội Phụ nữ cứu quốc.

Người thân mật dặn tôi:

- Làm gì cũng phải kiên trì nhẫn nại cô ạ!

Tôi nhắc lại lời căn dặn ấy của Người:

- Vâng, thưa Cụ, làm gì cũng cần phải kiên trì nhẫn nại ạ!

Tôi ghi nhớ mãi lời dặn dò ấy của Người và lời dặn dò ấy đã có tác dụng rất lớn trong suốt cuộc đời tôi, đặc biệt là trong 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ…

Những ngày tháng đầu tiên sục sôi khí thế cách mạng đó trôi đi rất nhanh. Cái Tết đầu tiên của một đất nước độc lập cũng đã đến và một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên bởi nó là vinh dự lớn một lần nữa đến với gia đình tôi vào tối 30 Tết năm đó.

Hôm ấy, khi vợ chồng tôi cùng anh Hồng Lĩnh (Nguyễn Khánh Toàn) và vợ chồng anh Khuất Duy Tiến vừa ăn uống xong, tôi bỗng nghe thấy tiếng mở cửa ở dưới nhà, tiếp đó là tiếng chân nhiều người bước lên thang. Anh Nguyễn Khánh Toàn chạy ra và anh bỗng reo lên:

- Ô, Bác!

Thế là tất cả chúng tôi chạy ồ ra đón Người. Thấy chúng tôi, Người nói:

- Chào các cô, các chú…

Khi tất cả đã tập trung ở phòng khách và sau khi thăm hỏi, Người nói:

- Hôm nay là năm mới – Người cười giải thích – Tuy chưa đến năm mới nhưng sắp sang năm mới, nên cũng gọi là năm mới - Năm mới chúc mọi người thật khỏe mạnh này, làm việc thật hăng say này, và ăn Tết thật ngon lành nhưng tiết kiệm…

Người cũng không quên chúc mừng sức khỏe của mẹ chồng tôi, người cao tuổi nhất trong nhà. Cho đến mãi sau này, mẹ chồng tôi vẫn thường bảo vợ chồng tôi và các cháu rằng:

- Một vị Chủ tịch nước mà sống giản dị, tình cảm, gần gũi nhân dân như thế đấy!

Những tình cảm quý báu của Người dành cho gia đình tôi thật quá to lớn, điều đó khiến tôi càng hăng hái tham gia các công việc xã hội hơn. Đó cũng là điều giải thích tại sao gia đình tôi lại đóng góp gần như toàn bộ tài sản và cuộc đời mình cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, giành Độc lập cho đất nước.

Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nay đây mai đó, nhiều lúc vô cùng gian khổ nhưng tôi không một phút nản lòng, bởi tôi luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn dò tôi: Phải kiên trì, nhẫn nại…

(Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ – tức bà Trịnh Văn Bô

Trích trong sách Bác Hồ với Phụ nữ Hà Nội, NXB Hà Nội, 1985, tr. 23)

nhung cau chuyen phan 2  anh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ các ngành dự
Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất năm 1950

Các cô còn phong kiến thế à?

Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên, tổ chức ở Việt Bắc hồi tháng 5 năm 1952…

Chiều mát, Bác đến từng tổ chiến sĩ ân cần thăm hỏi, rồi mọi người theo Bác ra một quãng đồi san phẳng để vui chơi tập thể. Hồi đó, phong trào nông tác vũ “son la son” mới gia nhập Chiến khu Việt Bắc. Bác bảo các chiến sĩ: “Các cô, các chú, chiến đấu đã chiến đấu hăng, vui nhộn phải vui nhộn mạnh. Nào, ta nhảy đi!”. Đám thanh niên rất sẵn sàng, nhưng đám thiếu nữ còn sượng sùng ra ý rụt rè… Bác bảo: “Các cô còn phong kiến thế à?”. Được Bác khuyến khích, cả nam lẫn nữ bấy giờ mới cầm tay, nhảy tưng bừng giữa dàn nhạc mồm: “Son la son…” vang dội cả khu đồi.

 ( Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta

 NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 2, tr.53)

Muôn vàn tình thân yêu dành cho các cháu gái

Một điều Bác dạy bảo mà suốt đời tôi không bao giờ quên là: “Báo chí là đại biểu cho dư luận, phải giúp Chính phủ đạt được thành công trong các chính sách đối nội đối ngoại. Sau này những lúc tình hình cách mạng có chuyển biến mới, người làm báo phải suy nghĩ nhiều. Câu nói của Bác giúp tôi nhớ tới vị trí và tính chất của báo chí ta. Một lần, Bác hỏi chị Thanh Thủy và tôi: “Các cô đã có con chưa? Các cô đã biết bế con, nuôi con chưa? Làm báo Phụ nữ không phải chỉ nói chính trị suông, giải phóng phụ nữ chung chung mà còn phải hướng dẫn cho chị em cách nuôi con, dạy con chăm lo việc gia đình. “Chị em trong cơ quan hỏi Bác nhiều điều. Bác trả lời cả những câu hỏi nhỏ nhặt nhất: “Tại sao trong họa báo Liên Xô lại thấy ảnh nhiều chị em để tóc dài? Có phải là sau khi vận động phụ nữ cắt tóc ngắn rồi lại phải vận động phụ nữ để tóc dài hay sao?”. Bác trả lời đại ý: Sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô có rất nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Phụ nữ phải đem hết sức mình ra chiến đấu và sản xuất, cho nên chị em ăn mặc giản dị, tóc cũng cắt ngắn để đi lại cho gọn. Bây giờ, chiến tranh thứ hai kết thúc đã nhiều năm, nền kinh tế đã được khôi phục và phát triển, đời sống được nâng cao, phụ nữ đã có thể trang điểm cho thêm đẹp, ai cho rằng để tóc dài đẹp và không vướng víu gì trong sản xuất thì cứ để…

Năm 1952 có Đại hội liên hoan các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị bàn về chiến tranh du kích. Sau hai cuộc họp lớn đó, mọi người náo nức khen ngợi hai bản báo cáo của anh hùng Nguyễn Thị Chiên và của chị Phạm Thị Nhật, Bí thư chi bộ. Một hôm, Bác đến thăm cơ quan, chị em chúng tôi đều nói đến hai bản báo cáo ấy. Bác hỏi: “Các cô có biết vì sao mà báo cáo của các cô ấy hay không?”. Chị Đinh Thị Cẩn thưa: “Đó là do chị Chiên, chị Nhật đều lăn lộn, xông pha nhiều trong thực tiễn chiến đấu cho nên mới nói lên sự thật rất sinh động. Bác vừa cười vừa nói: “Đúng là như thế, nhưng không phải chỉ có thế. Các bản báo cáo ấy hay còn là do không có sự sửa chữa, thêm thắt của nhiều người khác…”. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Câu nói ý nhị của Bác nhắc nhở tôi mỗi khi sử dụng hoặc biên tập lại bài của thông tin viên, bạn đọc trong đông đảo nhân dân, phải luôn luôn cố gắng ghi lại đúng đắn, trung thực những lời nói, những ý nghĩ mộc mạc, giản dị của những con người trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu… không thể tùy tiện sửa đổi thêm bớt theo ý nghĩ chủ quan của mình./.

(Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ,

 NXB Phụ nữ, 2005, tr.117)

Minh Thu (Tổng hợp)

Bài viết khác: