Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2015) chúng ta ngày càng nhìn nhận sâu sắc hơn về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ nói riêng và sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc nói chung.
Tư tưởng của Người về phụ nữ được xuất phát từ thực trạng bất bình đẳng "trọng nam khinh nữ" dưới chế độ phong kiến và sự cai trị thâm độc của thực dân Pháp đối với nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong hoàn cảnh tù đày và khi đã là lãnh tụ cách mạng, Người càng cảm nhận sâu sắc thân phận của những người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích cho con người, trong đó phụ nữ được chăm lo và giải phóng.
Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam
Giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị. Dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật. Theo Bác, muốn giải phóng phụ nữ một cách triệt để thì phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hai là, giải phóng về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội. Đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân và Gia đình. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò của mình trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.
Ba là, giải phóng tâm lý tự ty, đầu óc phụ thuộc bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Người khẳng định: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ dự
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, tháng 2 năm 1951
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Bác Hồ đã giới thiệu vào Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một số chị em tiêu biểu như: Bà Giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên, bà Tôn Thị Quế... Từ đó, đội ngũ cán bộ nữ tham gia vào cơ quan lãnh đạo các cấp từ trung ương đến cơ sở ngày càng đông, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ngày 08/03/1952, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Bác đã gửi thư cho chị em trong nước và chị em kiều bào ngoài nước. Bác viết : "Hai Bà Trưng đã để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến. Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà Trưng và là lực lượng trong quốc tế phụ nữ". Nhân dịp này Người còn "Kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hi sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sỹ”. Gần cuối bức thư Người khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"...
Trong Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ ta đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Đúng như nhà sử học Mỹ bà Gi-xen-tơn trong bài viết: "Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử của sự tiến bộ của phụ nữ” đã nhận xét: "Chỉ có Hồ Chí Minh đã luôn luôn bộc trực về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới; chỉ Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa".
Trong những năm qua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ luôn được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Quan điểm của Người ngời sáng niềm tin vào tinh thần yêu nước và khả năng lao động sáng tạo của phụ nữ. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em./.
Tú Anh ( Tổng hợp)