“Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”(1). Đó là câu mở đầu tập diễn ca Lịch sử nước ta, dài 208 câu lục bát, do Bác Hồ viết vào khoảng cuối năm 1941, tại tỉnh Cao Bằng. Đây đồng thời là tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu thời đó, được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhằm giáo dục, động viên, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945.

Lịch sử dân tộc đã diễn ra như một huyền thoại, đúng như điều Bác đã viết và đã làm. Từ nhà nước Văn Lang đầu tiên của thời đại các vua Hùng dựng nước: “Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”, đến Cách mạng Tháng Tám 1945 đã lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu cho thời kỳ lịch sử vẻ vang nhất của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Con người là sản phẩm của lịch sử, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Học tập Bác Hồ trước hết là học văn hiến lịch sử dân tộc mình, để biết giữ gìn, phát huy niềm tin yêu mãnh liệt vào dân tộc; để thấu hiểu những bài học quý giá của lịch sử hơn bốn nghìn năm, để viết tiếp những trang sử mới và không bao giờ phải hổ thẹn với lịch sử.

Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng thường được bàn luận, nói tới nhiều lần, nhằm mục đích ôn cũ để hiểu mới. Cuộc sống càng hiện đại, văn minh, càng có điều kiện thuận lợi để hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn lịch sử nước ta - người Thầy của cuộc đời, những giá trị nhân văn của lịch sử dân tộc.

Khoa học ngày nay đã khẳng định: Thời đại Hùng Vương là có thật. Trải qua bốn nền văn hóa kế tiếp nhau, diễn ra trong khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, đó là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun và văn hóa Đông Sơn(2).

Thời đại Hùng Vương đã để lại nhiều truyền thuyết lịch sử, như “bọc trăm trứng”, Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Chử Đồng Tử, sự tích “bánh chưng bánh giầy”, sự tích “trầu cau”, sự tích “dưa hấu”, truyền thuyết An Dương Vương dựng cột đá thề, xây Loa Thành, Mỵ Châu - Trọng Thủy,… Những truyền thuyết đó là sản phẩm của trí tuệ, tâm hồn, là trí tưởng tượng sáng tạo kỳ diệu của quần chúng nhân dân; nó bắt nguồn từ cốt lõi hiện thực lịch sử, thấm đượm tình yêu xứ sở, gửi gắm khát vọng nhân ái, tự cường, truyền lại một đạo lý làm người là phải biết ơn, yêu quý tổ tiên, giống nòi. Từ truyền thuyết đã trở thành phong tục, lễ hội, tín ngưỡng tôn thờ những vị Thánh bất tử, có sức sống mãnh liệt cùng dân tộc.

Nhà nước Văn Lang của 18 đời Hùng Vương là Nhà nước đầu tiên, dựa trên bốn nền văn hóa và các truyền thuyết lịch sử; là Nhà nước của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng, với biểu tượng trống đồng rực rỡ. Do hoàn cảnh lịch sử, nước ta đã không trải qua mô hình nhà nước chiếm hữu nô lệ đầy máu và nước mắt. Thật may mắn và hạnh phúc cho chúng ta được tự hào là con Rồng cháu Tiên, cùng chung một Quốc Tổ Hùng Vương, có cội nguồn vua tôi, anh em chung sống thuận hòa, giàu tình nghĩa đồng bào và đất nước.

Dấu ấn và sức sống của văn hóa Hùng Vương đã đưa dân tộc vượt qua thử thách nghìn năm Bắc thuộc và đồng hóa, xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ. Những mốc son chói lọi mở đầu là chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền năm 938; đến thời Lý “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”; thời Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông để “non sông ngàn thuở vững Âu vàng”; thời Lê đã tha tội chết cho 10 vạn quân giặc để “tắt muôn đời chiến tranh”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; đến Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh để quân giặc biết nước Nam này là có chủ; và đến thời đại Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thấm đậm sâu sắc trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn thờ tổ tiên và những anh hùng có công lao với dân, với nước. Dòng chảy nhân văn ấy đã xuyên suốt từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Đó chính là cốt lõi văn hóa bản địa vững chắc để người Việt Nam gặp gỡ, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại như đạo Phật, đạo Khổng của phương Đông; tư tưởng tự do, dân chủ, bác ái của phương Tây, góp phần làm giàu có hơn truyền thống văn hóa và bản lĩnh của mình.

Từ xưa đến nay, dân tộc ta đã có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, đề cao mục đích học để làm người, để thành người, nên người. Trên đất nước đã có rất nhiều gia đình, dòng họ, làng quê, miền đất có tiếng về truyền thống đó. Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội là nơi tôn thờ hai người thầy nổi tiếng là Khổng Tử và Chu Văn An; là nơi bảo tồn 82 bia tiến sĩ, với lời văn bia “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Để tìm hiểu xem cách đây 2.500 năm, các bậc Thánh hiền đã dạy làm người như thế nào, tôi đọc lại bộ sách Tứ thư (do Nhà xuất bản Quân đội biên dịch năm 2003). Đúng như lời giới thiệu bộ sách: “Sự kỳ diệu của Tứ thư nằm ở chỗ không chỉ mỗi thời đại, mỗi quốc gia mà mỗi cá nhân, dù thuộc về tầng lớp nào, cũng đều tìm thấy ở đấy những giá trị chuẩn mực cơ bản để định hướng phát triển cho mình”.

Đối với tôi có sự ngạc nhiên và kỳ diệu hơn nữa là khi đọc nhiều chương mục của bộ sách, cứ tự nhiên suy ngẫm, liên tưởng tới những lời dạy và cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ. Trong thực tế cuộc đời hoạt động của mình, đã nhiều lần Bác nói tới Khổng Tử và Mạnh Tử - là hai tên tuổi chủ đạo của bộ sách Tứ thư. Đến Di chúc, Bác viết: “Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.

Phải chăng các bậc vĩ nhân ấy đã gắn bó suốt đời với sự nghiệp của Bác! Con người là tiểu vũ trụ. Người là hoa của đất. Đời người chỉ sống có một lần, mà sao tiếng thơm, giá trị để lại lâu dài và sâu sắc đến vậy!

Nhân đây, để có phương pháp đúng tìm hiểu giá trị của con người, cần ôn lại những ý tưởng, lời nói của các nhà kinh điển. Với Lênin là: Học, học nữa, học mãi! Không có sách không có tri thức, không có tri thức không có chủ nghĩa cộng sản. Thanh niên phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tất cả những tri thức hiện đại mà nhân loại đã tạo ra. Rằng tất cả các dân tộc đều hướng tới chủ nghĩa xã hội bằng con đường riêng của mình,... Với Các Mác: Sống trong thế giới tự nhiên và xã hội, con người phải tuân theo các quy luật của tự nhiên và xã hội. Con người tìm hiểu, phát hiện ra những quy luật của tự nhiên là bước tiến văn minh, song quan hệ con người với con người là mối quan hệ vĩ đại nhất của lịch sử. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội. Các nhà triết học giải thích thế giới bằng cách này hay cách khác, vấn đề là phải cải tạo thế giới. Sự nghiệp giải phóng con người, cải tạo các quan hệ xã hội đã gây ra sự tha hóa con người là sự nghiệp của chính bản thân con người. Hạnh phúc là đấu tranh. Nghề đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất là nghề hạnh phúc nhất. Không có điều gì thuộc về con người lại xa lạ đối với Mác. Nhà giáo dục cũng phải được giáo dục. Sự tự do phát triển của mỗi người là điều kiện để phát triển xã hội,... Ngày nay, Liên hợp quốc là tổ chức lớn nhất của thế giới với hiến chương, tôn chỉ, mục đích bảo vệ quyền con người, quyền của nhân dân, quyền của các quốc gia, dân tộc. UNESCO - Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc - đã khẳng định mục đích học tập là để biết, để làm việc, để chung sống, để làm người. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”. “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”(3).

Sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cả thế giới hướng về Nhật Bản để chia sẻ, cảm thông. Nhiều nước đã sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ, động viên Nhật Bản vượt qua thảm họa. Theo bức thư (tháng 4-2011) của anh Hà Minh Thành - 56 tuổi, là tiến sĩ gốc Việt đang làm hỗ trợ cho cảnh sát ở tỉnh Fukushima - kể về cậu bé Nhật Bản 9 tuổi, học lớp ba, có cha mẹ và em bị chết, trời rất lạnh em mặc cái áo thun và quần cộc đứng cuối hàng chờ phát lương thực. Khi anh cảnh sát tới cho em một khẩu phần ăn, em khom người cảm ơn và đã đem phần ăn đó lên bàn phân phát, rồi trở về xếp hàng. Hỏi vì sao không ăn, em trả lời vì còn có nhiều người đói hơn em, mang lên đó để phân phát chung cho công bằng. Anh cảnh sát ngoảnh mặt đi lau nước mắt, không ngờ cậu bé đã cho anh một bài học làm người là biết chia sẻ. Câu chuyện ấy đã làm cảm động biết bao người trên thế giới.

Vậy là từ dân tộc ta đến cả loài người, từ xa xưa đến thế giới hiện đại văn minh hôm nay, con người bao giờ cũng là quý nhất. Khát vọng làm người là khát vọng muôn đời, luôn thôi thúc mỗi người vươn lên, học tập, làm việc để thành đạt và sống hạnh phúc.

Ở Việt Nam có một người được nhân dân ca ngợi là “người Việt Nam đẹp nhất”; được thế giới tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”; được Đảng và Nhà nước khẳng định tư tưởng và đạo đức của Người là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, mãi mãi soi đường dẫn dắt cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau. Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những người học trò xuất sắc nhất, người bạn chiến đấu gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh “là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”(4). Là người viết nhiều và rất sớm về Hồ Chí Minh, khi có người đề nghị viết hồi ký về mình, cố Thủ tướng nói rằng: Nếu còn thời gian và sức lực tôi sẽ viết tiếp về Hồ Chí Minh chứ không muốn viết về mình.

Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần để phát triển văn hóa; là những tri thức, kiến thức khoa học, nghệ thuật, tạo nên trình độ văn hóa. Văn hóa còn là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh như sống có văn hóa, ăn nói, cư xử có văn hóa. Văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc, có sức sống lâu dài, mãnh liệt. Nước mất có thể lấy lại được, nhưng mất nền văn hóa là mất tất cả. Những giá trị còn lại sau khi mọi cái khác qua đi đó chính là văn hóa.

Chúng ta mãi mãi tự hào về truyền thống văn hóa yêu nước thương dân của dân tộc. Người Việt Nam đã đem sức mạnh văn hóa hơn bốn nghìn năm vào mỗi trận đánh, để chiến thắng những đế quốc hùng mạnh ở nhiều thời đại. Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng. Đó chính là cốt cách, là “thẻ căn cước” để người Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh hiện đại.

 Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa thì văn hóa là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của con người vì lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống. Năm điểm lớn để xây dựng nền văn hóa dân tộc là: xây dựng tâm lý tinh thần độc lập tự cường, xây dựng luân lý biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng, xây dựng xã hội phúc lợi cho nhân dân, xây dựng chính trị dân quyền và xây dựng kinh tế. Chính trị, xã hội có được giải phóng thì văn hóa mới được phát triển. Xây dựng kinh tế để tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển văn hóa. Song văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa phục vụ chính trị và phát triển kinh tế. Trong chính trị và kinh tế phải có tính văn hóa.

Chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. “Tiên tiến là khoa học, hiện đại, là xã hội chủ nghĩa, là biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đậm đà bản sắc dân tộc là biết kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phát triển những truyền thống tốt đẹp ấy cho phù hợp với những điều kiện lịch sử mới của đất nước”(5). Theo Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(6). Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc, xem thói quen và những tập tục lạc hậu cũng là một loại kẻ thù. “Nền văn hóa mà Người chủ trương xây dựng là sự kết hợp giữa kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước -nhân văn Việt Nam và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa kỳ thị - độc tôn về văn hóa”(7). Văn hóa phải bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, phong cách lành mạnh, luôn vươn tới “chân, thiện, mỹ” để không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Người đã nêu ra một luận điểm khái quát: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(8).

Theo Bác, học không phải chạy theo bằng cấp, mà phải có thực học. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”(9). Xây dựng cho mình một phương pháp nhận thức đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của cuộc sống, tránh được mọi sai lầm, vấp ngã. Học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi người, học suốt đời, coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Học ở nhà trường chỉ là bước đầu, phần chủ yếu phải học trong lao động, trong hoạt động thực tiễn. Cần tìm thấy người thầy ở những người xung quanh, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và đặc biệt là nhân dân. Bác thường nhắc lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”(10). Bác yêu cầu học phải đi đôi với hành, học một cách sáng tạo chứ không phải học máy móc, giáo điều.

“Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(11). Học suốt đời, học rất nhiều điều, nhưng học làm người là khó nhất.

Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi lần chúng ta lại nhận ra những nét mới. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng viết: “Trải bao nhiêu năm bị che đậy, lừa dối trong cái “bọc” của tư bản, của thực dân, chúng ta đã bị lừa vì những bề ngoài của văn hóa. Chúng ta đã không nhận thấy rõ rằng một người nông dân du kích ở Tây Ban Nha, ở Hy Lạp, là người văn hóa hơn một viên giáo sư đại học phát xít… một anh binh nhì i tờ của chúng ta là người văn hóa hơn những tên quan năm, quan sáu lê dương Pháp xuất thân ở các trường đại học, mồm nói những Tônxtôi (Tolstoi), tai nghe những Môda (Mozart). Và người đàn bà “nhà quê” đi họp phụ nữ là người văn hóa hơn những thứ quan lại, tiến sĩ làm tay sai của giặc để tàn sát đồng bào. Hồ Chủ tịch đã đem sự thực ấy đến rọi vào văn hóa nước ta”. Vì vậy, những lời Bác nói ra làm rung động lòng nhân dân, làm cho người bình thường nhất cũng hiểu và làm theo được. Lời Bác là tiếng nói của nhân dân, là văn hóa của nhân dân, là người dẫn đường cho nhân dân(12)...

Đương thời, Bác đặc biệt coi trọng tới văn hóa văn nghệ. Vì văn nghệ là biểu hiện tập trung của văn hóa, là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là hình ảnh của tâm hồn dân tộc. “Từ một người đi tìm đường trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc đi đến độc lập tự do, Người đã khai sinh ra một nền văn nghệ cách mạng, và bản thân Người lại là chiến sĩ tiên phong trong sáng tạo văn nghệ”. “Văn nghệ là mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng xã hội mới, con người mới”.

Văn hóa với Bác không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng mà được thể hiện ra ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, rất dễ thấy, dễ hiểu. Đó là đời sống mới bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Theo Bác thực hành đời sống mới là “cần, kiệm, liêm, chính”; là lối sống có văn hóa của con người trong cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc; dần dần trở thành thói quen của mỗi người, thành phong tục, tập quán của cả cộng đồng, địa phương và mở rộng ra cả nước. Chính Bác là tấm gương văn hóa: “Sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng tham muốn về vật chất, về chức - quyền - danh -lợi. Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị, giàu tình yêu thương quý mến con người, trân trọng con người; đối với mình thì chặt chẽ, đối với người thì khoan dung, độ lượng”(13).

Với tinh thần học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(14). Giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu… xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(15). “Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử”(16). “Đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa thông tin đồi trụy, kích động bạo lực”(17).

Bước sang thế kỷ XXI, các quốc gia với chế độ chính trị xã hội khác nhau đang hợp tác, đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì quyền lợi hạnh phúc của nhân dân, vì con người. Ai cũng muốn làm giàu nhưng phải giàu cả về vật chất và tinh thần. Bill Gates - nhà tỷ phú nổi tiếng người Mỹ - có tài sản tới gần 100 tỷ USD nhưng ông không để lại cho các con mà dành làm từ thiện. Trên đất nước ta cũng có nhiều tấm gương sáng trong phong trào xóa đói giảm nghèo. Cả nước đang hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đã có nhiều nhà sư, nhà chùa làm từ thiện, đón nhận các cháu nhỏ bất hạnh để cưu mang, nuôi dạy các cháu trưởng thành, đó là những việc làm rất cảm động và cao quý. Vậy là từ khi có Phật Tổ Thích Ca, từ khi có đạo Nhân của Khổng Tử đến nay, loài người vẫn đang hướng thiện. Cái thiện thời nào cũng thắng cái ác. Đi liền với cái thiện là lẽ phải, là cái đẹp, tức là “chân, thiện, mỹ”.

Trong quan hệ con người với con người, mỗi khi thăm viếng vĩnh biệt những người thân yêu, ta cảm thấy thương tiếc, nhớ lại những điều tốt đẹp của người đã đi xa và chợt thấy giá trị của một đời người. Trong mỗi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ cúng tổ tiên, cha mẹ và những người thân yêu đã đi xa. Trên khắp đất nước là đền thờ, lễ hội, nhớ ơn những người có công, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho dân tộc. Nghĩ tới đây ở trong tôi như còn văng vẳng một câu nói với tự mình của Paven Coócxagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì năm tháng đã sống hoài, sống phí. Cho khỏi hổ thẹn với dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình. Để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người,...

Vậy giá trị của con người là gì? Hiện nay, trên thế giới có nhiều tiêu chí, hệ thống giá trị khác nhau. Chúng ta tôn trọng sự khác nhau ấy, nhưng không nên áp đặt cho ai. Vì giá trị cuộc sống phải do mỗi quốc gia, mỗi con người tự quyết định.

Từ xưa đến nay, xu hướng chung của nhân loại là luôn hướng tới “chân, thiện, mỹ”. Chân là chân lý, khoa học, lẽ phải. Chân lý bao giờ cũng cụ thể. Thiện là tốt đẹp, vẻ vang. Còn mỹ là đẹp. Cái đẹp là cuộc sống. Ai mà chẳng yêu quý cái đẹp. Song xu hướng chung là luôn phát triển, loại bỏ cái cũ kỹ, hư hỏng, để vươn tới những bậc thang giá trị ngày càng cao hơn.

Giá trị con người phụ thuộc vào tính chất tiến bộ và xu hướng phát triển tất yếu của mỗi thời đại. Hiểu như vậy, sẽ phân biệt được cái đang lỗi thời với cái mới mẻ, tiên phong, tất yếu. Người Việt Nam trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã hun đúc, tạo lập nên truyền thống yêu nước, thương dân. Đó chính là phẩm chất, giá trị cao nhất của mọi người Việt Nam. Biểu hiện cụ thể của yêu nước, thương dân hiện nay là mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mười chữ ấy vừa là mục tiêu, động lực, vừa là tiêu chuẩn, giá trị cao nhất để đánh giá xã hội và mỗi con người Việt Nam.

Giá trị con người bao giờ cũng gắn bó với xã hội và đất nước, được nhân dân khen ngợi, được xã hội và đất nước thừa nhận. Đó chính là những giá trị văn hóa, bao gồm cả vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo ra, nói gọn lại là văn hóa làm người.

Giá trị con người hiện nay không phải vì lợi ích cá nhân mình mà làm hại người khác, vì lợi ích dân tộc mình mà đi áp bức dân tộc khác; không phải chỉ chạy theo giá trị vật chất mà phá hoại môi trường sống, bỏ mất những giá trị đạo đức, văn hóa tinh thần. Xây dựng được một lâu đài to đẹp là điều khó, nhưng con người sống trong lâu đài đó như thế nào cho tốt đẹp còn khó hơn nhiều.

Giá trị con người là phải biết chung sống với mọi người, chung sống với đất mẹ, sao cho hạnh phúc và vững bền.

Giá trị con người do mục đích, lý tưởng, đạo đức, nhân cách, học tập, tu dưỡng của mỗi người tạo nên. Giá trị con người là thước đo chất lượng giáo dục và môi trường gia đình, xã hội. Song giá trị con người không đồng nghĩa với lứa tuổi già hay trẻ, bằng cấp cao hay thấp, chức danh to hay nhỏ, quá khứ tốt hay xấu. Vì một lẽ giá trị ấy có phù hợp với xu thế tiến bộ và phát triển của thời đại hay không? Một cán bộ có chức, có quyền mà tham nhũng, suy thoái thì sao gọi là có văn hóa được? Một người giàu có, học vị cao nhưng sống vị kỷ, dối trá, vô cảm thì sao gọi là có văn hóa được? Sống trong thế giới hội nhập, cơ chế thị trường, cách mạng thông tin và nền kinh tế tri thức, mỗi người ngày càng có nhiều thuận lợi để tự do phát triển toàn diện và sáng tạo. Chúng ta đang được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều nền văn hóa. Những di sản văn hóa của dân tộc được thế giới tôn vinh là văn hóa nhân loại, khiến người Việt Nam thêm tự hào về lịch sử, tổ tiên, cội nguồn của mình. Song trước sự giao thoa về văn hóa và tác động của các chế độ chính trị - xã hội khác nhau, hằng ngày hằng giờ đang ảnh hưởng tới giá trị con người, rất cần phải có một phương pháp luận đúng; phải biết phê phán, đấu tranh với những cái lỗi thời, thấp kém, phi văn hóa; chống lại tệ nạn tham nhũng, lối sống suy thoái đạo đức, đồi trụy, kích động, bạo lực đang gây bức xúc và phản cảm trong đời sống xã hội. Chúng ta đang phải chống lại lối sống chạy theo đồng tiền, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”; lối triết lý cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Đó thật sự là cuộc thử thách lớn, để hình thành xây dựng những giá trị mới, bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại mọi biểu hiện làm tha hóa con người, tránh sự ngộ nhận làm sai lệch chuẩn mực giá trị đích thực của người Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất thiết thực, đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vì đó là yêu cầu của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, là tình cảm kính yêu thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân đối với Bác. Hoạt động này đã đạt kết quả bước đầu song chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa thật sự nói và làm theo Bác, ở một số nơi còn có biểu hiện hình thức.

Thực tế học Bác, hiểu Bác, làm theo Bác phải là một quá trình thường xuyên, hằng ngày và rèn luyện, phấn đấu liên tục suốt đời, không thể nóng vội. Học Bác phải biết tự sửa mình mới có kết quả. Vì như Bác nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”(18). “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(19). Lời Bác dạy thật sâu sắc và mãi mãi là bài học thời sự cho mỗi người.

Học Bác cần hiểu đến tận gốc, tận nguồn của đạo lý làm người là phải biết yêu nước, thương nòi, “thương người như thể thương thân”, đã ăn sâu, bắt rễ vào khối óc, tim gan mỗi người Việt Nam. Đã có lần Bác nói với cán bộ ngành tư pháp: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho đất nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi khổ đau”(20). Đúng là đi đến tận cùng của dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại. Vấn đề quyền sống của con người đang được cả thế giới hiện đại quan tâm, đề cao và bảo vệ.

Học Bác là tất yếu, vì Đảng ta đã khẳng định: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường, dẫn dắt cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau. Mỗi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ một lời tâm niệm của Bác: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”(21). Không chỉ cán bộ, đảng viên phải học Bác mà mọi người Việt Nam rất cần phải học Bác để trở thành người tốt hơn, làm việc và thành đạt cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho gia đình, quê hương, đất nước. Như một lẽ giản dị Bác đã dạy: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc” như “Trời có bốn mùa... Đất có bốn phương... Người có bốn đức... Thiếu một đức thì không thành người”(22).

Học Bác phải sáng tạo, vì cách mạng là thay cũ đổi mới, luôn đòi hỏi sáng tạo mới thành công. Như Bác đã học Mác - Lênin là học cái tinh thần xử lý mọi việc. Bác đã bổ sung cơ sở lịch sử cho học thuyết Mác, tiếp tục hoàn chỉnh đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, lãnh đạo cách mạng ở thuộc địa giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc. Cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh chống thực dân, đế quốc là sáng tạo vĩ đại của Đảng ta và nhân dân ta. Ngày nay, chúng ta tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước theo con đường Bác đã chọn. Đây thật sự là cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử, vừa mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, vừa triệt để trong hoàn cảnh thế giới biến động phức tạp. Điều đó càng đòi hỏi đội ngũ tiên phong phải có trí tuệ và bản lĩnh rất cao, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh sáng tạo vĩ đại hơn bao giờ hết của cả dân tộc. Có như vậy, cuộc cách mạng mới thật sự đến nơi và không phải làm lại, như điều Bác đã căn dặn.

Học đi đôi với hành. Đó là điều Bác dạy và suốt đời từ việc lớn đến việc nhỏ, Người đều làm như vậy. Có làm mới nói, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Bác đã viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và lãnh đạo toàn dân thực hành thắng lợi bản án đó, góp phần làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa thế giới. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức hành động. Nhân văn Hồ Chí Minh là nhân văn hành động và hiện thực. Theo GS. TS. Hoàng Chí Bảo, cuộc đời Bác có năm thực hành lớn là: lý luận gắn liền với thực tế, thực hành dân chủ, gương mẫu, dân vận và đạo đức cách mạng. Muốn làm theo Bác, trước hết từ cán bộ đến người dân phải biết tự sửa mình làm gốc. Bác nhắc lại lời Khổng Tử: “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”(23). Người khẳng định: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”(24). Nếu không thực hành cần, kiệm, liêm, chính, mà muốn được lòng dân, thì cũng như “bắc dây leo trời”.

Một điều rất thiết thực mà ai cũng có thể làm được là học cách tự rèn luyện mình của Bác để giảm bớt những sai lầm, khuyết điểm của mình trong cuộc đời. Theo Bác, trước hết là phải chính tâm, nghĩa là giữ cho lòng mình ngay thẳng. Cách mạng tiên cách tâm. Muốn chính tâm phải luôn bình tĩnh, cân bằng, không nóng nảy, tức giận, không quá vui say, buồn phiền, hay sợ hãi. Thứ hai là phải khiêm tốn để tiến bộ mãi. Thứ ba là phải có tinh thần tự chỉ trích. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ xong việc thì thôi. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được. Vì tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, phải tỉnh táo kiểm điểm để theo kịp tình thế(25).

Di sản Hồ Chí Minh là một thể thống nhất giữa lý tưởng chính trị với đạo đức, văn hóa, nhân văn, nhân cách, lối sống hằng ngày. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người được tỏa sáng trong từng việc làm, cử chỉ, từng mối quan tâm, ứng xử với mọi người, truyền lại cho chúng ta một đạo lý làm người là phải biết yêu thương và sống với nhau sao cho có tình, có nghĩa. Chúng ta thường nói học để thành tài, rèn luyện để nên người, dạy làm người, đạo lý làm người. Bác đã suốt đời làm những điều đó để trở thành người Việt Nam đẹp nhất. Học tập tư tưởng, đạo đức, nhân cách và tấm gương vĩ đại của Bác chính là học văn hóa làm người Hồ Chí Minh. Tất cả ở Bác đã trở thành một hệ thống những giá trị văn hóa cao quý, trường tồn để mọi người Việt Nam mãi mãi học tập và làm theo.

Từ xưa đến nay, con người bao giờ cũng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Nhân là người, là nhân dân. Dân là gốc, là người sáng tạo ra lịch sử. Đó là chân lý của muôn đời.

Gần một trăm năm nay, theo sự dẫn dắt chỉ đường của Bác, nhân dân ta đã giành được độc lập, thống nhất cho đất nước và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Đối với mỗi người, ai cũng có thể tìm thấy ở Bác một điều gì đó thiết thực cho sự phát triển, tiến bộ của mình. Thật hạnh phúc cho dân tộc ta đã có Bác Hồ!

Ngày nay, các thế hệ người Việt Nam tiếp tục học tập và đi theo con đường Bác đã chọn, để sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, cha anh; để sánh vai với các cường quốc năm châu, hội nhập, phát triển với thế giới hiện đại, văn minh; và để thực hiện bằng được ham muốn tột bậc của Bác là “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ham muốn khát vọng đó ngày nay chính là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tìm hiểu văn hóa làm người Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ hiểu quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện những giá trị về tư tưởng, đạo đức và nhân cách văn hóa của Bác. Đồng thời cũng là quá trình Bác vận động, cảm hóa, tổ chức, xây dựng với bạn bè, đồng chí, với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đi theo con đường của mình. Tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Bác không phải tự nhiên mà có, đó là cả một hành trình phấn đấu gian khổ, liên tục, suốt đời.

Đó cũng là quá trình kiểm nghiệm, truy tìm những giá trị đích thực, tận cùng của chân, thiện, mỹ trong thời đại. Quá trình phân biệt anh hùng thật và anh hùng giả, phân biệt giá trị văn hóa của toàn dân với những vẻ bề ngoài hào nhoáng, choáng ngợp của văn hóa.

Tấm gương của Bác đã cho chúng ta bài học phải làm gì để mãi mãi giữ gìn những giá trị cao đẹp về văn hóa đạo đức của con người, giữ gìn lòng dạ ngay thẳng, trong sáng; để chủ động phòng ngừa những cám dỗ làm tha hóa con người.

Văn hóa làm người Hồ Chí Minh là những điều bình dị mà ai cũng có thể học tập và làm theo. Đồng thời cũng là tầm cao của dân tộc và thời đại đòi hỏi phải phấn đấu suốt đời mới đạt được. Nhất là giá trị lớn lao, bền vững về tấm gương dẫn đường, soi sáng của người đứng đầu, luôn có chí tiến thủ, cách mạng triệt để và không ngừng hoàn thiện nhân cách con người.

Học tập Bác Hồ là đòi hỏi của nhân dân, của mọi người Việt Nam yêu nước. Đó là yêu cầu tất yếu và phổ biến. Có làm người tốt mới làm cán bộ, Đảng viên tốt được./.

Nguyễn Khắc Nho

(Trích trong cuốn "Hồ Chí Minh - về văn hóa làm người",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013.)

*****

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.259.

2. Xem Quốc tổ Hùng Vương, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011, tr.96-97.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.30.

4. Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.126.

5. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.417.

6, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.7; t.1, tr.XXV¬XXVI, tr.XXV; t.11, tr.611.

10. Xem Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Sđd, tr.422, 428, 430.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.356.

12. Xem Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.2, tr.235-240.

13. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Sđd, tr.432-433, 445.

14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.75-76, 77.

16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.126, 127.

18, 19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.612; t.15, tr.670.

20. Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.716.

21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.269.

22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117.

23, 24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.130.

25. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28.

Theo www.baotanghochiminh.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: