Dân ca ví, dặm là sản phẩm văn hóa của không gian làng quê, bến nước, cây đa, sân đình… đất Nghệ An và Hà Tĩnh, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 27.11.2014).
Lúc sinh thời, dù bộn bề công việc của Đảng, Nhà nước, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn dành thời gian quý hiếm của mình cho khúc hát dân ca ví, dặm của quê nhà, vốn được Bác trân trọng từ thuở còn trẻ và thường đi nghe phường vải ca hát…
Năm 1969, chỉ trước một ngày kỷ niệm lần thứ 79 Ngày sinh của Bác Hồ - ngày 18.5.1969, các diễn viên ưu tú Đoàn Văn công Quân khu 4 vượt qua bom đạn của chiến tranh phá hoại, từ thành phố Vinh ra Thủ đô mừng thọ Bác Hồ. Hôm đó, sức khỏe của Bác đã khác trước đó rất nhiều. Nhưng đó là ngày vui, lại có các cháu bộ đội cùng một số người trong Phủ Chủ tịch đến chúc mừng nên Bác rất vui. Lường sức của Bác, những người tổ chức bố trí chương trình ca nhạc thật ngắn, gọn, đó là dân ca Nghệ - Tĩnh.
Khu vườn Phủ Chủ tịch hôm ấy thật yên bình. Trời cao. Mây trắng bay. Chỉ có lá cây xào xạc bởi gió từ sông Hồng thổi về. Những người có mặt hồi hộp khó tả, hân hoan chờ Bác đến. Đồng hồ như thể nhích chậm hơn thường lệ. Giây phút náo nức đợi chờ đã đến. Cửa mở toang và Bác của chúng ta hiền từ xuất hiện khi mọi người đã đứng dậy chờ sẵn. Tiếng vỗ tay vang lên. Đâu đó có cả những giọt nước mắt và sụt sùi vì cảm động và sung sướng, vì hạnh phúc được gặp Bác Hồ.
Sau vài tiết mục dân ca nhẹ nhàng mà sâu sắc, đến lượt diễn viên Mai Tư, trình bày bài Hát dặm đò đưa: “Nước sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như tinh thần cách mạng của dân ta”… mọi người thấy Bác rơm rớm nước mắt, rồi Bác hỏi mấy đồng chí ngồi chung quanh “Có hay không các chú…”. Mọi người vui vẻ trả lời Bác: “Thưa Bác, hay lắm, lâu rồi chúng cháu mới được nghe”… Bác không nói gì thêm, nhưng thấy Bác vui, tỏ ý đồng tình, mọi người yên tâm vì câu trả lời của mình.
Ảnh: Tư liệu
Bác hỏi diễn viên Mai Tư: “Cháu ơi, trong ta chừ có hay dệt vải nữa không?”. Dạ thưa Bác vẫn còn nghề dệt. “Rứa cháu có biết hát phường vải không?”. Dạ, thưa Bác cháu biết hát. “Thế cháu hát mấy câu cho mọi người cùng nghe!”. Dạ, thưa Bác, cháu hát bài nào? Bác Hồ bảo: “Cháu hát những câu mà ngày xưa bà con ta hay hát”. Trong nỗi vui mừng được Bác âu yếm hỏi, Mai Tư liền thưa: Dạ, chúng cháu hát điệu phường vải, nhưng cháu không biết lời cũ, thưa Bác. Thế rồi, Bác Hồ ân cần bảo Mai Tư: “Vậy, cháu lấy câu ni để hát cho mọi người cùng nghe… (những người có mặt lại thêm một lần ngạc nhiên) Khuyên ai chớ lấy học trò… cháu hát tiếp đi”. Dạ, thưa Bác, có phải câu “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm không ạ!”. Bác vui vẻ khẽ nhắc cháu văn công quân đội: “Giờ cháu hát tiếp nữa đi”. Đến đây, Mai Tư tỏ ra lúng túng, nhưng lập tức được Bác nhắc rất rõ, “Lưng dài có võng đòn cong, áo dài đã có lụa hồng vua ban”. Tự hào, sung sướng là con cháu của Bác, được đến nơi Bác ở, làm việc và hát mừng thọ Bác, diễn viên Mai Tư tự tin cất cao điệu hát ví, dặm Nghệ - Tĩnh, cảm như hình ảnh của sông Lam, núi Hồng từ trong xứ Nghệ lại ùa về nơi đây.
Phòng nghe hát lại xôn xao, khẽ bàn tán về sự uyên bác và trí nhớ lâu dài của Bác Hồ. Lúc này, nghệ sĩ Minh Huệ (một diễn trong đoàn) đứng dậy: “Thưa Bác, bây giờ cháu xin hát điệu ru em - dân ca miền Trung bằng lời cũ”. Bác rất vui và nhắc nghệ sĩ cứ hát đi. Minh Huệ liền cất giọng “À ơ ơ… Ru em, em ngủ cho muồi…”. Nhưng Bác sửa lại “Ru tam tam thiếp cho muồi” rồi chị tiếp tục hát “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu; mua cau chợ Sãi, mua trầu chợ Dinh”…
Lúc này Bác âu yếm cười và nói: “Mua cau Cam Phố, chứ không phải mua cau chợ Sãi”, khiến mọi người ngạc nhiên và cảm phục sâu sắc về trí nhớ của Bác.
Năm đó, Bác kính yêu của chúng ta đã bước vào ngưỡng mùa Xuân thứ 79 của cuộc đời. Trước đó, không lâu Bác đã chủ động soạn Bản Di chúc lịch sử, để lại cho toàn Đảng, toàn dân “Muôn vàn tình thân yêu”, Bác gọi đó là tài liệu “tuyệt mật”. Xa hơn nữa, những năm trước mùa xuân năm 1941 của thế kỷ trước, Người đã từng bôn ba năm châu bốn biển, giữa Paris tráng lệ tuyết rơi, trong đêm đông chỉ với viên gạch hồng sưởi ấm hay trong lao tù khổ cực bởi Quốc dân đảng… đã qua mấy chục năm trời đằng đẳng nhưng Bác vẫn không quên tên làng, ngõ xóm và những câu ví, dặm của quê nhà. Đó là những điều tưởng như bình dị, nhưng vĩ đại biết nhường nào.
Người viết bài này hồi còn làm việc với nhạc sĩ Trần Hoàn ở Bộ Thông tin, ông nhắc lại lời của ông Vũ Kỳ (Thư ký của Bác Hồ) kể: Bác Hồ rất thích dân ca từ ví, dặm đến hò Huế, quan họ Bắc Ninh… Năm 1965, lúc ấy Bác ốm nặng, cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt, Trung ương phải chuyển Bác đến một nơi xa Hà Nội để giữ an toàn và chăm sóc Bác. Một hôm Bác nhớ tới một cái gì đó trong kỷ niệm liền hỏi ông Vũ Kỳ: “Ở đây có ai biết hát ví, dặm, hò Huế không? Chú cho tôi nghe được không?”.
Sau này, ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn đã khắc ghi hình ảnh sinh động về Bác kính yêu: “Chuyện… kể rằng, trước lúc người ra đi… / Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví / Nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ / Bác chờ mãi… chờ mãi, không thôi… / Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim… / Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời / Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước… theo Bác đến mênh mông…”.
Như thế đó, giản dị mà ấm nồng, sâu nặng nghĩa tình nước non. Với Bác Hồ ngàn vạn lần kính yêu của chúng ta, của toàn dân, toàn đảng từ sứ mệnh cao cả của Tổ quốc, đất nước đến khúc hát dân ca xứ sở, tất cả, hết thảy đều theo chân Bác đi khắp đó đây cả chiều dài, chiều rộng lẫn chiều sâu. Mênh mông, cao vời vợi như đất, trời và biển cả của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, trường tồn./.
NGUYỄN XUÂN LƯƠNG
Theo Người làm báo
Thanh Huyền (st)