suu-tam-do-dung-cua-bac-tai-pari
Ảnh Tư liệu

Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ nhiều sưu tập hiện vật đồ dùng sinh hoạt của Bác Hồ và nhiều sưu tập, tặng phẩm của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bộ sưu tập quý đó là bộ sưu tập những đồ dùng của Bác ở ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh, quận 17, Pari, gồm: Chiếc tủ gỗ đựng quần áo, chiếc tủ con để đầu giường, viên gạch bằng sứ và mô hình ngôi nhà Bác đã từng sống và hoạt động cách mạng khi ở ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh, quận 17, thành phố Pari (Pháp) những năm 1917 - 1923.

   Cách đây 104 năm, năm 1911, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành (lấy tên là Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Sau một hành trình đầy gian khổ, qua nhiều nước như Pháp, Anh, Mỹ... , Người trở lại nước Pháp vào năm 1917. Tại đây, Người hoạt động trong phong trào Việt kiều và Hội những người Việt Nam yêu nước ở  Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp, gửi Bản yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị hoà bình Vécxây, cùng với những đồng chí tiến bộ trong Đảng Xã hội Pháp tán thành việc đảng gia nhập Quốc tế thứ III, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Mùa Xuân này, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu những kỷ vật thiêng liêng đã gắn bó với thời kỳ hoạt động cách mạng đầy gian khổ nhưng vẻ vang của người thanh niên yêu nước tràn đầy nhiệt huyết cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người sinh sống tại Pari (Pháp), từ tháng 7-1921 đến tháng 3-1923.

Đầu năm 1968, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt lên đường sang Pháp tham dự Hội nghị Pari về Việt Nam. Đoàn đại biểu Chính phủ ta đã ở Pari từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 3 năm 1973.

Trong thời gian ở Pháp, Đoàn đã nhiều lần đến thăm căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại số 9, ngõ Côngpoanh, Pari. Ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhớ lại:

Tháng 9-1968, lần đầu tiên đồng chí Xuân Thuỷ đi cùng các đồng chí Trịnh Ngọc Thái, Vũ Thanh, Vũ Thị Đạt, đồng chí Hưng[1],… đến ngôi nhà. Đoàn đã đi qua một con đường lớn, phố Guy Moquet đến số nhà 35 -38, rẽ vào ngõ Côngpoanh rồi dừng lại trước nhà số 9, do cổng nhà quá hẹp không vào trong sân được nên xe hơi phải đậu ngoài đường.

Nhìn bên ngoài, ngôi nhà có ba tầng, bên cạnh có một cổng nhỏ bằng sắt, do đã thoả thuận từ trước nên khi Đoàn đến nơi, bấm chuông thì trong nhà đã có người ra mở. Chủ nhà tên là (Giammô) Jammot[2] bà có dáng người gầy, tóc bạc, bà là người quản lý lâu năm của ngôi nhà đã ra tiếp Đoàn. Bà tiếp Đoàn rất niềm nở và kể chuyện về lịch sử ngôi nhà, về sinh hoạt của Bác Hồ và dẫn đoàn lên tầng 2 thăm phòng ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó có tên là Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc đã ở căn phòng này từ ngày 14-7-1921 đến 14-3 -1923. Trước đó, Nguyễn Ái Quốc đã ở nhà số 6 Villa des Gobelins, quận 13, Pari, cùng với Nguyễn Thế Truyền và luật sư  Phan Văn Trường. Để có thể hoạt động độc lập và tiện cho việc liên lạc và hoạt động cách mạng, giữa năm 1921, đồng chí Pôn Vayăng Cutuyriê (Paul Vaillant Couturier) đã giúp Người tìm một gian buồng ở ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh, quận 17, thành phố Pari (Pháp). Khi nhìn thấy căn phòng và những vật dụng sinh hoạt của Bác quá đơn sơ nghèo nàn, tất cả anh chị em trong Đoàn đều vô cùng xúc động; bước vào phòng, chúng tôi thấy đó là một gian buồng hẹp khoảng 9m2, nhìn về phía tay trái có một la-va-bô treo trên tường cùng một vòi nước nhỏ, ngay cạnh đó là một tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là chiếc giường sắt đơn, đầu giường có một cái tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng. Sau khi ra về, đồng chí Xuân Thuỷ đã xúc động viết :

“Ngày nào lạnh lẽo phố Công - poanh

Ngõ nhỏ buồng con, Bác một mình

Cuộc sống đi về coi chật hẹp

Mà lòng “Ái Quốc” rộng mông mênh”

Sau đó, được tin ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh sẽ bị phá dỡ để xây nhà mới, đồng chí Xuân Thuỷ có ý kiến nên mua lại các đồ dùng trong phòng, để đưa về nước. Năm 1974, những đồ dùng của Bác như: Tủ đựng quần áo và một tủ con để đầu giường đã được đưa về nước, còn một số đồ dùng khác như: Tấm bảng bằng sứ ghi số 9 ngõ Côngpoanh; cánh cửa ra vào bằng gỗ của căn phòng; la-va-bô rửa mặt; một số tấm gỗ sàn… sau này đã được đưa đến lập thành “Không gian Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Lịch sử sống thành phố Montreuil, Pháp.

Theo hồ sơ khoa học những hiện vật này đã trải qua hành trình như sau: Năm 1974, Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp sau khi nhận được chiếc tủ gỗ đựng quần áo và chiếc tủ con đã cử hai đồng chí Cận và Lành áp tải qua đường Béclin bằng xe lửa gửi về cho Văn phòng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, sau đó Văn phòng Trung ương chuyển cho Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh qua Bộ Ngoại giao và Viện Kỹ thuật quân sự. Bộ Ngoại giao và Viện Kỹ thuật quân sự chuyển sang Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh), ngày 9 tháng 10 năm 1974.

1. Chiếc tủ đựng quần áo, số kiểm kê: BTHCM.1248/ĐM.240:

Ông Trần Thi, Việt kiều ở Pháp, là một trong số những nhân chứng về sự kiện này. Ông kể lại, ông đã được Mácxen Casanh (M. Cachin) cho biết như sau: "Có một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã ở trong khách sạn bình dân giá rẻ, tại quận 17, Pari. Khách sạn nhỏ này chỉ có một cầu thang. Lên hết cầu thang rẽ phải, là gặp ngay phòng Nguyễn Ái Quốc đã ở để làm báo. Trong phòng chỉ có một cái bàn gỗ, một cái ghế đẩu hình vuông và góc nhà kê một cái tủ đứng bằng gỗ đã cũ kỹ. Tủ có hai buồng. Buồng tay phải để áo dài, buồng bên trái đựng đồ"[3]… Tủ làm bằng nhiều loại gỗ: Khung tủ và khung cửa tủ làm bằng gỗ hồng sắc (muồng cánh dán). Hai hồi và hậu tủ làm bằng gỗ dán, ván ngăn tủ làm bằng gỗ thông. Tủ hình khối hộp chữ nhật. Có ba ngăn tủ và một ngăn kéo phía dưới cùng, có kích thước: 1,97m x 0,86m x 0,39m. Cánh cửa tủ ghép bằng 4 tấm gỗ, tấm giữa vàng nhạt, hai tấm bên và một tấm dưới màu nâu đen. Phía trong cánh cửa có buộc hai sợi dây đay ngang. Do chịu tác động ảnh hưởng của thời gian cánh cửa tủ đã bị long ra, ngăn kéo mất ván đỡ, chân tủ đã bị mòn, hậu tủ bị bong nứt…

2. Chiếc tủ để đầu giường, số kiểm kê: BTHCM.1249/ĐM.241:

Đó là một tủ gỗ đơn giản làm bằng gỗ thông, hình khối hộp chữ nhật. Tủ có hai ngăn kéo, dưới có 4 chân kiểu chân tiện và nối với nhau bằng then ngang chạm trổ, đánh vécni mầu nâu, cao khoảng 0,8m, rộng 0,35m, dày 0,35m.

Mặt tủ và đáy ngăn kéo dưới được làm bằng đá trắng. Chiếc tủ con này đã được Người vừa dùng làm bàn làm việc, bàn ăn…

3. Viên gạch sưởi: Viên gạch trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh là viên gạch được phục chế trên cơ sở viên gạch đồng thời, đồng loại do ông Tổng Lãnh sự Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Do căn phòng thiếu thốn tiện nghi, không có phương tiện sưởi ấm nên rất lạnh, cũng giống như những người nghèo ở Pháp, Người chỉ: "ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ…Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét"[4]. Hình ảnh viên gạch hồng đã trở thành nguồn cảm hứng của các nhà thơ khi sáng tác về Bác. Trong bài: "Theo chân Bác",  nhà thơ Tố Hữu đã viết:

"Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen

Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn

Một hòn gạch nóng nung tâm huyết

Mẩu bánh mì con nuôi chí bền".

4. Mô hình nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc số 9, ngõ Côngpoanh, quận 17, thành phố Pari, Pháp:

- Mô hình mô phỏng kiến trúc những ngôi nhà trong ngõ Côngpoanh.

Cũng theo hồ sơ khoa học, nguồn gốc của những hiện vật này do Liên hiệp Việt kiều và Liên hiệp trí thức Việt Nam tại Pháp (do anh Lâm Bá Châu làm trưởng đoàn) tặng Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong dịp về nước dự lễ quốc khánh lần thứ 25, tháng 8 năm 1970. Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển đến Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 1 năm 1971.

Mô hình theo tỷ lệ 1/100, mô phỏng kiến trúc những ngôi nhà trong ngõ Côngpoanh, số kiểm kê: BTHCM.945/N.46. Riêng ngôi nhà số 9, nơi Hồ Chí Minh đã ở và làm việc có ba tầng xây áp vào ngôi nhà bảy tầng, bên phải cách một con đường có ngôi nhà sáu tầng. Phía trước cửa có con đường có hai hàng cây; phía sau có dãy nhà nối tiếp hình chữ U.

Toàn bộ mô hình này đặt trong một khối hộp chữ nhật, làm bằng năm tấm mi ca trong suốt, kích thước: 60,5 x 50,5 x 25,5cm. Đáy hộp bằng gỗ ở một góc có dán miếng giấy trắng đề chữ: "Mô hình nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh số 9 phố Compoint Pari" và tên những người xây dựng mô hình "Võ Thành Nghĩa, Bửu Điềm, Trương Ngọc Châu, Trần Vang Lộc, Mai Thứ và Phạm Ngọc Tới…".

- Mô hình kiến trúc tách biệt ngôi nhà số 9 ngõ Công poăng:

 Ngoài mô hình trên, Liên hiệp Việt kiều và Liên hiệp trí thức Việt kiều còn làm một mô hình kiến trúc tách biệt ngôi nhà số 9 ngõ Côngpoanh, quận 17, thành phố Pari, Pháp, số kiểm kê: 946/N.47 với tỷ lệ 1/25. Ngôi nhà gồm 3 tầng, màu trắng, mái dốc, chính giữa nhà có chỗ trống hình chữ nhật nhìn vào trong có thể thấy chiếc giường và tấm biển của ngôi nhà. Nhà gồm 16 cửa. Mô hình được đặt trong khối hộp chữ nhật làm bằng năm tấm mica trong suốt, đáy hộp bằng gỗ, có gắn dây điện, nút công tắc… Phía dưới đáy có những đặc điểm giống mô hình trên… Kích thước: 60,5 x 50,5 x 50,5cm.

Trong cuốn sách Thời thanh niên của Bác Hồ, tác giả Hồng Hà đã miêu tả ngôi nhà và tiện nghi sinh hoạt của Bác Hồ trong ngôi nhà số 9, Ngõ Côngpoanh như sau: "Cuối cùng Dêchkini kiếm được một chỗ trọ cho anh Nguyễn: Một căn buồng nhỏ hẹp trên tầng hai, nhà số 9, ngõ Côngpoanh. Đây là một ngõ cụt, mặt đường lát đá vói rặng cây dẻ dại hai bên đường và hơn chục ngôi nhà lụp xụp. Nhà số 9 xây từ thế kỷ trước có ba cửa ra vào, Một cửa mở thẳng vào sân sau nhà, một cửa chính liền đường và một cửa ngách dẫn lên gác. Bà Giamô, chủ nhà, cho anh Nguyễn thuê gian buồng mỗi bề khoảng ba mét, không bếp, không nước[5], không điện, không lò sưởi, gió thổi lùa qua khe cửa…Buồng anh chỉ đủ kê một cái giường sắt, một cái bàn con…. Trên bàn có một cái thau, trong thau có một bình đựng nước để rửa mặt. Khi anh viết hoặc đọc sách thì anh đưa thau và bình nước xuống gầm giường…Nhà số 9 ngõ Côngpoanh là nơi anh Nguyễn tiếp nhiều kiều bào đi lính cho Pháp đến kể với anh nỗi khổ của họ trong các trại lính sau nhiều năm làm bia đỡ đạn cho thực dân… anh Nguyễn vận động họ đấu tranh đòi thực dân đưa họ trở về Việt Nam. Cả những sinh viên Việt Nam ở cư xá sinh viên phố Xommơra cũng tìm đến anh. Và người ta thấy những Việt Kíều thường xuyên đi lại nhà số 9 là Trần Văn Kha, Trần Xuân Hộ, Nguyễn Văn Thịnh, Bạch Thái Thông, Lã Quý Lợi, Nguyễn Văn Khương, Bùi Công Ngôn…"[6].

Một người bạn Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Tôi là Giăng Pho, thợ điện, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tôi quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ  năm 1920- 1921, vì hồi đó chúng tôi cùng trọ một nhà, ở ngõ hẻm Côngpoanh. Đó là khu công nhân nghèo, mà ngõ hẻm lại là nghèo nhất ở khu nghèo này. Gọi là ngõ hẻm, vì nó chỉ có đường vào, không có đường ra. Cả “phố”chỉ vẻn vẹn có bốn cái nhà lụp xụp, ba nhà cho thuê để gửi xe. Một nhà tầng dưới là một quán cà phê nhỏ, tầng trên có hai buồng, Tôi và anh Nguyễn trọ…Mùa đông giá lạnh, không đủ chăn đắp, trước khi đi làm, anh đặt nhờ một viên gạch trên bếp bà chủ nhà; tối về, anh gói viên gạch vào một tờ báo, rồi đút vào giường cho đỡ rét"[7].

Cuộc sống không tiện nghi, rất đơn sơ và giản dị, thiếu thốn đủ mọi thứ, không có chỗ để tắm giặt… khó khăn như vậy, nhưng tâm trí, hoài bão của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc không bao giờ nguội nhiệt tình cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Trong ngôi nhà lạnh lẽo đó lại che chở, chứa đựng một con người có trái tim cháy bỏng luôn nung nấu ý chí và lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, giúp đồng bào mình thoát khỏi kiếp lầm than.

Năm 1983, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã gắn biển cho di tích. Tấm biển bằng đồng mầu đen, kích thước: 750 cm x 450 cm, trên có dòng chữ vàng đúc nổi bằng tiếng Pháp: “Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc được biết đến dưới tên gọi Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác. Tháng 1 năm 1983”.

   Năm 1986, chủ sở hữu ngôi nhà phá bỏ nhà cũ để xây nhà mới 9 tầng. Những kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền thành phố Môngtơrơi (Montreuil) đưa về trưng bày và dựng thành "Không gian Hồ Chí Minh" trong Bảo tàng Lịch sử Môngtơrơi.

Ngày 28-11-1999, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Paris đã gắn lại biển di tích tại ngôi nhà số 9 bằng chính tấm biển đã gắn năm 1983.

Câu chuyện về những đồ dùng của Bác Hồ trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình cảm yêu quý của bạn bè thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, Việt kiều ở Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể lại câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của những kỷ vật trên đây, chúng tôi hy vọng góp phần cung cấp thêm thông tin, giúp cho công tác tuyên truyền và chỉnh lý trưng bày sắp tới của Bảo tàng Hồ Chí Minh về xây dựng không gian ngôi nhà số 9 trên đai trưng bày. Qua đây cũng thể hiện được một thời kỳ hoạt động cách mạng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy… nhưng tràn đầy sôi nổi, hăng say, nhiệt huyết cách mạng, của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam./.

 [1] Đồng chí Vũ Thanh nguyên là phiên dịch, Vũ Thị Đạt nguyên là cán bộ lễ tân, Hưng là bảo vệ; Écnít (Ernest) là lái xe của Đảng Cộng sản Pháp.

[2] Theo tác giả Hồng Hà viết trong cuốn Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, Hà Nội,1990, tr. 22-25, thì bà Giammô, con dâu cụ Clét Pittông kể lại thời Bác Hồ ở đây còn có 1 cái bếp cồn để nấu cơm đặt ở góc buồng.

[3] Ông Trần Thi quê xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, anh em chú bác với ông Trần Đình Tri, đại biểu Quốc hội khoá I (tháng 1 năm 1946), hiện cư trú tại số nhà 161, đường Ngũ Hành Sơn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ông sang Pháp sinh sống, làm việc từ năm 1939. Năm 1946, ông Thi sống và làm việc ở Thủ đô Pari. Nhờ vậy, ông Thi được gặp Bác Hồ khi Người sang thăm nước Pháp với tư cách thượng khách, theo lời mời của Chính phủ Pháp tháng 5 năm 1946. Tại Pháp, ông đã học và làm thợ hàn. Năm 1946, ông thi tay nghề bậc cao và làm việc trong trung tâm đóng tàu thuỷ của nước Pháp tại Arsénal à Lorient (giống như Hải Phòng của Việt Nam). Ông tham gia Đảng Xã hội Pháp 30 năm, hoạt động trong Tổng Công đoàn Pháp (C.G.T)… Khi còn hoạt động trong C.G.T, có lần ông được gặp ông Mácxen Casanh (M. Cachin), nhà hoạt động của phong trào công nhân Pháp và quốc tế, từ năm 1918, là chủ bút báo Nhân đạo (L' Humanité)… Theo báo Nhân Dân hàng tháng, số 124, tháng 8 năm 2007, tr.15.

[4] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Nxb. Văn học, H.1969; tr.35,36.

[5] Thực tế là có vòi nước và có lavabô.

[6] Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr. 71-73.

[7] Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr.148.

Trịnh Ngọc Thái, Nguyễn Trường Phú

Theo Baotanghochiminh.vn

Kim Yến (st)

Bài viết khác: