Nay-Hơ-Vin (Ca sĩ, dân tộc Giơ-rai) kể:
Những ngày giáp Tết năm 1956, Đoàn Văn công Tây Nguyên chúng tôi bàn nhau chuyện tổ chức Tết. Anh thì nêu vấn đề tổ chức nhiều món ăn dân tộc để có thêm mùi vị quê hương. Chị thì bàn nên tranh thủ đi xem các nơi thắng cảnh để hiểu thêm phong cảnh đất nước. Có đồng chí đề nghị nên đi thăm các bạn đồng hương ở xa Hà Nội, lại có đồng chí gợi ý nên tổ chức nhiều trò chơi dân tộc. Thật là có nhiều ý kiến, chỉ e không đủ thì giờ thực hiện.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc
Đang lúc chúng tôi rất lúng túng và liên tưởng đến những cái Tết trước đây ở Tây Nguyên, được ăn các món dân tộc, họp mặt với gia đình và bè bạn hoặc đi nổ súng vào đầu giặc Pháp để thay pháo đầu xuân, thì được tin Bác cho chúng tôi quà Tết. Bác cho một thứ mà chúng tôi đang ao ước, đó là một con nai. Bác còn viết thư cho chúng tôi, đại ý tôi còn nhớ được là: “Thấy các cháu ra ngoài này lâu không được ăn thịt thú rừng nên Bác gửi cho các cháu con nai để ăn Tết”.
Nghe xong thư Bác, lòng chúng tôi vô cùng xúc động. Nhớ lại lúc bảy tám tuổi, mỗi khi bố mẹ có những thứ ngon lành gì hoặc đi săn bắn được các thú rừng về thường để dành thịt cho con hay nhường cho con trước. Bây giờ Bác đối với chúng tôi cũng thế nữa và còn hơn thế nữa. Bác bận trăm công nghìn việc, vậy mà Bác vẫn luôn nghĩ đến chúng tôi, biết rõ cả những ước mong về sinh hoạt, và khi nhân dân biếu Bác con nai để ăn Tết, Bác lại gửi ngay cho chúng tôi. Đến bữa ăn, khi gắp miếng thịt nai, tôi vừa xúc động, vừa cảm thấy hương vị của nó ngon ngọt vô cùng.
Hồi tưởng lại lúc chưa ra tập kết, tôi cũng như nhiều anh chị em khác, chỉ có một ước mong duy nhất là được gặp Bác một lần thì dù trong công tác có hi sinh đi nữa cũng không hề chùn bước.
Ước mong của chúng tôi lúc đó mới có thế, chứ đâu dám nghĩ đến chuyện được ăn quà Tết của Bác hay được hưởng nhiều sự săn sóc, dạy bảo trực tiếp của Bác.
Thật vậy, khi chúng tôi vừa mới đặt chân lên miền Bắc được một hôm, đang nhiều bỡ ngỡ với phong cảnh Sầm Sơn thì Đảng, Chính phủ, nhân dân miền Bắc đã chăm lo cho chúng tôi mọi thứ, tỏ rõ lòng thương yêu chúng tôi vô hạn. Riêng Bác, Bác lại cho ngay chúng tôi một món quà đặc biệt: Mỗi người một chiếc áo da rất đẹp. Qua lời đồng chí cán bộ mậu dịch đến đo may cho chúng tôi, thì đây là một tặng phẩm đặc biệt của Bác cho Đoàn Văn công Tây Nguyên. Đã mười năm nay, tôi giữ chiếc áo ấy còn như mới may để sau đây, khi trở về quê hương, tôi sẽ đem nó ra nói chuyện với mọi người.
Được Bác Hồ cho áo rồi, tôi lại nghĩ đến chuyện gặp Bác. Lúc này tôi tin tưởng là nhất định sẽ được gặp, nhưng chưa mường tượng nổi là sẽ gặp Bác trong khung cảnh nào. Ước mong này đã thành sự thật và đến nhanh hơn cả dự đoán của tôi. Sau khi trú quân ở Sầm Sơn mấy hôm thì chúng tôi được lệnh chuyển về Hà Nội và được gặp Bác ngay.
Tôi còn nhớ rất rõ buổi tối hôm đó ở Phủ Chủ tịch. Trong lúc chúng tôi đang mải mê hóa trang thì thấy mấy tiếng “Bác! Bác” vang lên trong phòng và thấy một số chị em vội vã chạy ùa ra cửa. Tôi còn đang ngơ ngác chưa biết việc gì thì thấy một chị đứng bên bảo tôi: “Bác đến, Bác đến”! Tôi hiểu ra là Bác đến thăm chúng tôi. Mơ ước của tôi đã thành sự thật. Vì sự việc đến bất ngờ quá nên tôi phân vân không biết nên chạy đến gần Bác hay đứng tại chỗ để nhìn Bác. Tôi cũng quên cả việc chào Bác mà cứ đứng nhìn xem Bác có khỏe không, có giống như ảnh chụp không? Trong lúc tôi đang đứng ngay ra thì nghe tiếng Bác gọi:
- Các cháu Tây Nguyên đến bắt tay Bác.
Nghe tiếng Bác gọi, tôi bồi hồi quá, vội vàng đến gần để được bắt tay. Bắt tay chúng tôi xong, Bác thong thả đi ra ngoài. Lúc này, tôi càng xúc động, chảy cả nước mắt mà vẫn nhìn theo Bác. Tôi cảm thấy vẫn chưa được nhìn rõ Bác vì thời gian được nhìn Bác quá ít, mặc dầu tôi đã được đứng gần Bác và bắt tay Bác.
Một việc nữa làm tôi xúc động hơn và cũng chưa bao giờ nghĩ tới là sau khi chúng tôi biểu diễn xong một tiết mục, Bác thấy chúng tôi mặc áo cộc tay, liền thân mật bảo ngay:
- Các cháu mặc ngay áo bông vào không thì bị sưng phổi đấy
Khi chúng tôi mới trình diễn được nửa chương trình thì Bác lại bảo chúng tôi nghỉ. Bác nói:
- Diễn như vậy là đủ, các cháu mới ra tập kết chưa quen chịu lạnh, nếu làm việc nữa sẽ bị ốm đấy.
Bác lại cho chúng tôi ăn kẹo bánh và dặn chúng tôi:
- Cháu nào không ăn hết thì lấy đem về nhà.
Lúc đó tôi và nhiều anh chị em khác trong đoàn rụt rè không ăn cứ chăm chú nhìn Bác. Thấy vậy, Bác bảo chúng tôi:
- Các cháu cứ ăn tự nhiên, ăn không hết thì đem về nhà cho các bạn, và nhớ phần cho cả các đồng chí lái xe nữa.
Thấy Bác nhắc nhở và nhìn thấy các bạn ở miền Bắc ăn uống tự nhiên, chúng tôi cũng mạnh bạo ăn và lấy đem về để vừa ăn vừa cho các bạn. Riêng tôi có cháu nhỏ thì lấy về cho cháu và bảo đấy là quà của ông ngoại (tôi bảo các cháu gọi Bác Hồ là Ông ngoại). Các cháu được ăn nhiều lần như vậy nên mỗi khi tôi đi biểu diễn lại hỏi: “Hôm nay má có đến Ông ngoại không?”. Thấy tôi trả lời có đến thì các cháu vui hẳn lên, có đứa lại giục tôi đi nhanh hơn nữa. Cũng có lần đi biểu diễn nơi khác, tôi bảo hôm nay tôi không đến Ông ngoại thì các cháu tỏ vẻ không vui. Thấy thế nên các lần đi biểu diễn ở nơi khác, tôi thường nói dối các cháu là tôi đến Ông ngoại, lúc về bao giờ tôi cũng nhớ mua cho các cháu ít bánh kẹo và nói là quà của Ông ngoại gửi cho. Kể ra tôi nói dối như vậy là có khuyết điểm đối với Bác nhưng vì tôi thấy các cháu nhỏ người Tây Nguyên (tập kết ra Bắc) lại được săn sóc chu đáo thế.
Lần thứ hai tôi được gặp Bác là trong dịp chúng tôi biểu diễn để chào mừng một vị khách ngoại quốc đến thăm nước ta. Buổi biểu diễn này có nhiều đoàn văn công tham dự. Khi đoàn chúng tôi lên biểu diễn, tôi thất Bác rất chăm chú theo dõi, thỉnh thoảng lại nói chuyện với vị khách ngoại quốc ngồi bên cạnh và chỉ tay lên phía chúng tôi. Tôi đoán là Bác đang giới thiệu nghệ thuật của các dân tộc Tây Nguyên với vị khách đó.
Sau khi biểu diễn, Bác cho chúng tôi chụp ảnh chung để kỷ niệm. Anh chị em cứ sán đến để được đứng cạnh Bác. Chụp ảnh xong, Bác hỏi tôi:
- Sao độ này cháu Vin gầy thế, cháu Kim Nhớ đi đâu sao hôm nay không có mặt? Chẳng đợi tôi kịp trả lời, Bác ân cần khuyên: - Cháu cần ăn nhiều vào cho có sức khỏe mới được.
Tôi thưa với Bác là Kim Nhớ đi học. Bác hỏi:
- Học gì?
Tôi thưa tiếp:
- Thưa Bác, học văn hóa.
Thấy vậy Bác liền bảo chúng tôi:
- Các cháu cần phải cố gắng học tập, để sau này về Tây Nguyên hướng dẫn lại nhân dân.
Câu chuyện trên đây làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Bác tài nhớ quá. Mới gặp chúng tôi lần thứ hai mà Bác đã thuộc tên từng người, biết rõ cả ai vắng mặt và hiểu rõ cả sức khỏe của chúng tôi nữa. Chính do lòng thương yêu cán bộ mà Bác quan tâm đến chung tôi như thế đấy.
Như được lòng thương và sự dạy dỗ của Bác, tôi đã có một sự tiến bộ đáng kể về trình độ văn hóa, tư tưởng và chuyên môn.
Lúc ra tập kết, tôi mới thoát nạn mù chữ và chưa nói sõi tiếng phổ thông. Nay tôi đã có trình độ văn hóa lớp tám và nói thạo tiếng phổ thông.
Về phương diện chuyên môn thì mặc dầu tôi đã công tác trong đoàn văn công được bảy tám năm nhưng lúc ra tập kết, tôi vẫn gần như mù nhạc, chỉ mới đọc được các nốt nhạc, chứ chưa hiểu được nhạc lý và chưa biết xướng âm. Bây giờ tôi đã tốt nghiệp Trung cấp Âm nhạc và đang tiếp tục học thêm. Tôi đã thấy yêu nghề và thích hát những bài hát tiếng dân tộc. Trước kia, tôi rất ghét nghề văn công, cho rằng công tác này không có tiền đồ. Chính vì có ý nghĩ đó nên hồi ở trong Nam, hễ có ai hỏi tôi: “Tối nay diễn gì đấy” là tôi khó chịu, cho là người ta khinh thường, muốn biết tối nay mình diễn “trò” gì. Gặp trường hợp có người hỏi thế là tôi trả lời miễn cưỡng: “Chưa rõ lắm” hoặc làm thinh không nói gì. Cũng không phải chỉ mình tôi coi thường nghệ thuật sân khấu mà cả chồng tôi cũng rứa. Cho nên lúc mới ra tập kết, tôi vẫn chưa yên tâm, luôn luôn xin đổi công tác. Không những thế, tôi lại không thích hát những bài tiếng dân tộc, vì cho là trình độ văn nghệ của dân tộc mình còn thấp kém. Tôi chỉ thích hát những bài tiếng phổ thông, mặc dầu khi hát lên, có nhiều đoạn hay toàn bài tôi không hiểu ý nghĩa hoặc chỉ hiểu lơ mơ. Bây giờ thì khác hẳn trước, tôi đã yên tâm với nghề nghiệp. Tôi đã hiểu biết được những cái hay cái đẹp của nền nghệ thuật dân tộc tôi. Bây giờ khi hát các bài tiếng dân tộc, tôi tự thấy trình diễn hay hơn các bài hát phổ thông, vì tôi hiểu được ý nghĩa và tình cảm của các bài đó.
Sở dĩ tư tưởng tôi biến chuyển tốt như thế là nhờ sự dạy dỗ của Đảng và của Bác. Tôi thấy Bác rất chăm chú theo dõi các tiết mục văn nghệ của các dân tộc thiểu số, trong đó có các dân tộc Tây Nguyên chúng tôi. Có lần Bác gửi cho chúng tôi một bó lông công để dùng trang trí mũ mãng theo phong cách dân tộc. Nhận được bó lông công đó, chúng tôi cảm thấy không những Bác am hiểu phong tục, nghệ thuật của các dân tộc Tây Nguyên mà còn tỏ ra rất trân trọng nữa. Bó lông công đó cũng nói lên một phần Bác khuyến khích chúng tôi trau dồi thêm nghệ thuật dân tộc. Chúng tôi luôn nhớ lời Bác đã căn dặn: “Cần phải cố gắng học tập để sau này về Tây Nguyên hướng dẫn lại nhân dân”./.
Minh Nguyệt (st)
(Trích từ sách Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXb. Văn học, H.1995)