20. Nhớ mãi lời Bác dạy
Tôi được kết nạp Đảng vào buổi tối 19 tháng 12 năm 1955. Lúc đó chi bộ xã Trung Hòa mới có 14 đảng viên. Là đảng viên trẻ nhất chi bộ, tôi được chi ủy giao trách nhiệm xây dựng chi đoàn thanh niên lao động của xã. Buổi lễ kết nạp đầu tiên được 24 đoàn viên, gồm những anh chị em thanh niên tích cực tham gia công tác ở các thôn và tôi được bầu là Bí thư chi đoàn.
Sáng ngày mồng 1 tháng 3 năm 1956, tôi ăn cơm xong định ra đồng làm cỏ lúa thì một anh đến báo tin: “Có đoàn đại biểu Chính phủ về thăm xã ta đấy!”. Tôi vội gọi mấy đồng chí ở gần ra ngoài cổng làng đón. Chưa ra đến nơi đã thấy đoàn đại biểu đi vào. Tôi nhận ra ngay người đi giữa ở hàng đầu và reo to lên:
- Bác Hồ! Bác Hồ!
... Bác giơ tay chào và như đã hẹn trước, cả đoàn theo Bác vào nhà chị Đỗ Thị Mùi ở đầu xóm.
Bác hết hỏi chị Mùi về gia đình, đời sống, học hành, lại hỏi chị Diêm về đời sống sản xuất, nghề phụ, tổ đổi công trong xã, và hỏi chi bộ có bao nhiêu đồng chí, nhân dân có ai bị đói không...
Lát sau, Bác căn dặn chung tất cả cán bộ xã có mặt ở đây:
- Các cô, các chú làm việc trong xã phải gần gũi nhân dân, phải lo lắng đến đời sống của bà con, làm thế nào cho dân được cơm no, áo ấm, được học hành. Như thế mới là hết lòng với Đảng, với nhân dân...
Đồng chí Trần Danh Tuyên mời Bác sang thăm câu lạc bộ thanh niên. Tôi phụ trách câu lạc bộ nên đi trước dẫn đường. Tôi nghe thấy chị Diêm thưa với Bác: Cô Lựu là bí thư thanh niên xã đấy ạ! Câu lạc bộ của chúng tôi là ba gian nhà vừa tịch thu của địa chủ. Nhà tôi là một gian buồng của ngôi nhà đó...
Bác hỏi tôi:
- Cháu là bí thư đoàn thanh niên, cháu có nắm được toàn xã có bao nhiêu thanh niên không?
Lúc đó phong trào thanh niên sinh hoạt đều đặn và công tác khá sôi nổi nên tôi nắm vững danh sách và thưa với Bác:
- Thưa Bác, xã cháu có gần hai trăm năm mươi thanh niên ạ.
Bác hỏi: Toàn xã có bao nhiêu đoàn viên, bao nhiêu trai, bao nhiêu gái?
Tôi báo cáo chi đoàn có 24 đoàn viên, 9 trai, 15 gái. Bác gật đầu rồi giơ tay ra tính nhẩm:
- Như vậy là mỗi đoàn viên phải lãnh đạo 10 thanh niên - Bác căn dặn - Đoàn viên không những phải xung phong gương mẫu cho thanh niên học tập mà còn phải dìu dắt cho anh chị em cùng tiến bộ như mình mới được.
Bác hỏi tôi rất cặn kẽ về những thanh niên đi bộ đội có vui vẻ, phấn khởi không? Số thanh niên trước kia lầm đường đi lính cho giặc Pháp nay trở về có tích cực sản xuất không? Tình hình học bổ túc văn hóa của thanh niên ra sao... Tôi trả lời từng vấn đề Bác hỏi. Nghe nói thiếu giáo viên dạy bổ túc văn hóa, Bác có vẻ băn khoăn bàn với đồng chí Trần Danh Tuyên về việc có thể sử dụng học sinh phổ thông vào việc thanh toán nạn mù chữ.
Ngay tối hôm đó chi đoàn, chi bộ, chính quyền, các đoàn thể trong xã họp bàn kế hoạch, động viên nhau cố gắng lãnh đạo nhân viên thực hiện bằng được những lời Bác dạy.
(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Lựu)
21. Niềm vui bất ngờ
Chủ nhật trước ngày 2/9/1958, một số chị em trong cơ quan Thành hội Phụ nữ Hà Nội được thông báo chuẩn bị đón khách quý. Với kinh nghiệm nhiều lần được đón Bác, chị Minh Quang - Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội nghĩ: “Có thể Bác đến”. Chị Minh Quang phấn khởi hồi hộp vội hội ý với chị Thúy Hạnh, nhắc anh chị em đang ở nhà dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị đón khách.
Nhưng chị Hạnh chưa kịp nhắc nhở mọi người thì một chiếc ô tô con đã đỗ trước cửa. Đồng chí Trần Danh Tuyên bước vào vui vẻ nói với chị Minh Quang:
- Bác sẽ đến thăm các chị đấy!
Xe vừa đỗ, Bác nhanh nhẹn bước xuống. Các chị trong cơ quan vui mừng ùa ra đón, mời Bác vào phòng khách nhưng Bác không vào và nói:
- Không, Bác chưa vào phòng khách. Các cô cứ để Bác đi xem các cô ăn ở thế nào đã.
Vừa nói, Bác vừa đi qua sân, qua dãy nhà tập thể xuống thẳng bếp. Trước đó, chị Thúy Hạnh đã chạy vội đi khép lại cửa của mấy hộ có tiếng luộm thuộm để Bác khỏi nhìn thấy.
Các chị Nhàn, Toán, Tâm, Tần đang chuẩn bị bữa cơm chiều trong bếp thấy Bác thì vui sướng quá chạy cả ra đón... Bác hỏi chị em:
- Đây là nhà ăn à?
Bác cười hỏi mấy cô cấp dưỡng:
- Thế nào, chiều nay các cô cho chị em ăn món gì?
Dạo đó, tuy nhiều chị em đã có gia đình nhưng tất cả chị em đều ăn cơm tập thể. Nhà bếp của cơ quan phụ nữ thường được giữ sạch. Chị em cấp dưỡng rất tận tụy với công việc. Chị Nhàn thay mặt cả nhóm thưa:
- Thưa Bác, chiều nay chúng cháu có rau muống luộc, cà muối và đậu rán ạ!
Bác gật đầu:
- Các cô giữ bếp núc sạch như thế này là tốt. Cố gắng thay đổi món ăn luôn cho chị em...
Từ nhà bếp, Bác đi sang nhà trẻ, hôm đó là ngày nghỉ nên không có cháu nào, Bác hỏi:
- Sao không có các cháu?
Mấy chị thưa:
- Thưa Bác, hôm nay Chủ nhật các cháu ở nhà với bố mẹ các cháu ạ! Bác nhìn qua cửa, thấy nhà trẻ sạch bóng, Bác gật đầu tỏ ý hài lòng.
Lúc ấy ngoài sân nhà tập thể, chồng của một số chị em đã tạm dừng công việc, phấn khởi ra đứng đón Bác. Bác cười hỏi anh em:
- Cơ quan phụ nữ sao lại có các chú ở đây?
- Thưa Bác, hôm nay là Chủ nhật, chúng cháu về thăm gia đình ạ!
Bác hỏi lại:
- Các chú chỉ về thăm thôi à? Các chú về phải giúp đỡ các cô ấy việc gì chứ!
- Thưa Bác, chúng cháu có giặt giũ, bế con, dọn dẹp nhà cửa đấy ạ!
Bác quay lại hỏi chị em:
- Thế nào, các chú ấy nói có đúng không?
- Thưa Bác, đúng ạ.
Tất cả vui vẻ cười rộ lên sung sướng theo cái gật đầu bằng lòng của Bác...
Bác hỏi:
- Ở đây còn cô nào chưa lập gia đình?
Các chị lãnh đạo chỉ từng người giới thiệu với Bác.
Bác lại hỏi:
- Các cô chưa có gia đình thì làm những công tác gì?
Các chị giới thiệu mấy chị em làm công tác văn phòng, giữ trẻ...
Bác nói với mấy cô giữ trẻ:
- Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu cho chu đáo.
Rồi Bác nói với chị Minh Quang:
- Các cô động viên chị em làm việc thật tốt, nhưng còn phải quan tâm đến đời sống riêng của mỗi người nữa. Nếu trong cơ quan ai cũng có gia đình hạnh phúc thì công tác sẽ tốt hơn...
(Trích lời kể của một số chị trước ở Thành hội Phụ nữ Hà Nội)
22. Ngày mồng 8 tháng 3 năm ấy
Mùa Xuân năm 1960, Thủ đô đang quyết tâm hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Chúng tôi được Văn phòng Phủ Chủ tịch trả lời: “Bác chỉ thị nếu có điều kiện Bác sẽ đến.” Chúng tôi náo nức hi vọng Bác sẽ đến, nhưng cũng không khỏi hồi hộp là cũng có thể Bác bận không đến được...
Chiều mồng 7 tháng 3, hội trường nhà hát sáng rực hẳn lên... Chúng tôi đang điều khiển chương trình hội nghị, bỗng cô thư ký văn phòng mặt tươi như hoa bước vào, đến bàn Đoàn Chủ tịch hồi hộp nói nhỏ vào tai chúng tôi:
- Các chị ơi, em thấy xe Bác Hồ đã đến.
Chúng tôi vui sướng, phấn khởi kính mời Bác vào hội trường...
Giọng nói của Bác trầm trầm, ấm áp:
- Từ trước đến nay, phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng Đảng và Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải: gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật. Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Hăng hái thi đua thực hiện: “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình. Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới”...
Là những cán bộ vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, chúng tôi vô cùng sung sướng. Tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn quan tâm chăm sóc đến phong trào phụ nữ, mong cho phụ nữ luôn luôn tiến bộ, bình đẳng với nam giới.
(Trích lời kể của bà Lê Cương - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ trẻ em thành phố, nguyên Ủy viên thường trực Thành hội Phụ nữ Hà Nội)
23. Ghi nhớ trọn đời
Vào một ngày cuối thu năm 1959, tôi được báo vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác... Vừa trông thấy tôi, Bác hỏi ngay:
- Hôm nay cô hát gì cho Bác nghe đấy?
Tôi dè dặt thưa:
Thưa Bác, cháu ngâm Kiều ạ!
Bác hỏi:
- Tại sao cô lại chọn ngâm Kiều?
Tôi đâm cuống, ấp úng thưa:
- Thưa Bác, Kiều là tác phẩm thiên tài của Nguyễn Du. Cuộc đời Kiều ngày xưa trăm nghìn cay đắng nhưng ngày nay nhờ có Cách mạng, có Bác... xã hội Việt Nam không còn những nàng Kiều nữa ạ.
Thấy được sự lúng túng của tôi, Bác thân mật bảo:
- Này, nghệ sĩ phải là chiến sĩ. Đã là chiến sĩ phải dũng cảm.
Bất chợt Bác hỏi tôi:
- Cô vẫn hai cháu đấy chứ?
Tôi bàng hoàng cả người
- Thưa Bác, vâng ạ.
Vì sao Bác lại biết tôi có hai con? Thì ra hồi 1957, tôi được là thành viên của Đoàn thanh niên đi dự Fet - ti - van 6 ở Liên Xô. Khi Đoàn chúng tôi đến Bắc Kinh, được biết Bác cũng qua đó, Bác cho chúng tôi đến gặp... Lần đó, Bác đã nói chuyện với tôi. Bác hỏi:
- Cô đã lập gia đình chưa?
Tôi thưa với Bác là đã có hai cháu trai. Bác bảo:
- Muốn phục vụ tốt, đỡ vất vả, nghệ sĩ nên sinh đẻ ít thôi...
(Trích lời kể của Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh)
24. Phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không?
Sau ngày giải phóng Thủ đô, tôi tham gia Thành ủy Hà Nội, trực tiếp làm bí thư Đảng đoàn phụ nữ. Dạo đó tôi mới 29 tuổi và được gặp Bác nhiều lần nhưng có một lần tôi được gặp Bác mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Đó là lần tôi được Bác gọi lên nhân dịp Đại hội “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô lần thứ nhất...
Bác thân mật hỏi thẳng tôi vào công việc:
- Bác nhận được thư của các cô nói là mở Đại hội và mời Bác và chú Đồng đến, vậy Hội nghị làm những gì?
Quanh chiếc bàn đơn sơ, Bác, anh Vũ Kỳ và tôi ngồi làm việc không có một chút cách biệt nào. Sự thân thiết của Bác làm tôi mạnh dạn. Tôi báo cáo với Bác những nét lớn về thành tích của phong trào “Ba đảm đang” và mục đích của Đại hội là biểu dương thành tích và động viên, đẩy mạnh phong trào.
Bác nghe xong gật đầu tỏ ý bằng lòng và bỗng Bác hỏi một câu thật bất ngờ đối với tôi:
- Thế các cô định tiêu hết bao nhiêu tiền cho Đại hội?
Tôi thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu chỉ tiêu ít thôi ạ, vì các đại biểu là cán bộ công nhân viên có lương đến Đại hội ăn phải đóng tiền, chỉ được bồi dưỡng ít thôi. Chỉ có đại biểu ở cơ sở khu phố và ngoại thành mới được đài thọ cả, nên cũng chỉ tiêu hết ít thôi ạ.
Bác gật đầu bảo:
- Ừ, các cô phải tiết kiệm, phải bàn những công việc thiết thực, tránh hình thức, lãng phí. Phải làm sao cho Đại hội có kết quả là tốt.
Tôi thật thấm thía về câu hỏi và lời dạy của Bác. Là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lẽ ra tôi phải nắm cụ thể cả những vấn đề này. Thế mà tôi đã bỏ qua. Nhưng Bác thì lại quan tâm đến hàng đầu vì Bác lo chúng tôi chỉ hình thức lãng phí mà không đem lại được lợi ích gì cho phong trào, cho chị em phụ nữ...
Đại hội Ba đảm đang của Phụ nữ Thủ đô lần thứ nhất khai mạc rất trọng thể vào tối 1 tháng 12 năm 1965 tại hội trường trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Chiều 2 tháng 12 năm 1965 (ngày họp thứ hai), khoảng 16 giờ, Đại hội vô cùng sung sướng, phấn khởi được đón Bác...
Không khí Đại hội thật vô cùng náo nhiệt, sôi nổi. Bác lại ra hiệu cho mọi người im lặng. Rồi Bác nói chuyện với Đại hội. Bác kể cho chúng tôi nghe về những gương anh hùng của phụ nữ ta trong thời kỳ hoạt động bí mật, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sự hi sinh anh dũng của chị em miền Nam trong chống Mỹ... Bác khen ngợi phụ nữ và căn dặn phụ nữ phải sản xuất tốt, không sợ gian khổ, không sợ hi sinh... Cuối cùng, Bác hỏi:
- Thế phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không?
Cả hội nghị lại đồng thanh:
- Có ạ! Có ạ!
Và hàng tràng vỗ tay lại nổi lên như sấm...
(Trích lời kể của chị Minh Quang)
25. Niềm vinh dự lớn
Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc năm 1958, tôi được bầu là Anh hùng Lao động, được Chính phủ và Quốc hội tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và được gặp Bác Hồ...
Bác căn dặn:
- Xã của cô khá lắm. Cô về cố gắng cùng các đồng chí ở xã thúc đẩy phong trào tiến lên, đã tốt rồi thì tốt hơn nữa. Các cô, các chú được bầu là anh hùng, chiến sĩ rồi phải phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, không được tự kiêu, tự mãn. Nói phải làm và làm phải nói như cô là rất tốt. Nói không làm là nói suông, làm không nói là tự bó mình lại, làm thay quần chúng, không phát huy được vai trò đầu tàu...
(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Khương)
26. Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ mẹ
Một lần trên đường đi thăm hợp tác xã trồng cây giỏi ở huyện Quảng Oai (Hà Tây), Bác Hồ đã nhắc đến mẹ Bác.
Hôm ấy, khi xe ô tô đến Quảng Oai, một đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa xen em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng. Nhìn thấy các cháu vui, Bác Hồ cũng vui theo. Người nói với chú Vũ Kỳ và các chú ngồi cùng xe:
- Này! Các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ, phấn khởi, Bác mừng cho các cháu.
Rồi giọng Bác bỗng trầm hẳn xuống:
- Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà.
Mọi người cùng đi không nén nổi cảm xúc trước tình cảm của Bác đối với mẹ là cụ Hoàng Thị Loan.
(Theo lời kể đồng chí Vũ Kỳ)
27. Đi làm ruộng với nông dân
Lần Bác về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân, nghe tin Bác về, các đồng chí cán bộ tỉnh tổ chức đón Bác long trọng. Bác không hài lòng, phê bình ngay: “Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp”. Bác ăn mặc như một lão nông thực sự. Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương, xắn quần, xắn áo xuống cùng đào đất với bà con, để lại phía sau các “quan cách mạng” trong những bộ quần áo bảnh bao đang đứng hổ thẹn trước dân chúng. Cuối cùng, tất cả cùng ào xuống đào đất với bà con theo gương Bác. Bác không nói, không hô hào, nhưng Người đã làm cuộc “cách mạng” cho “các quan” trước muôn dân. Bác ăn cơm cùng với mọi người tại nơi đang đào mương. Thấy người xới cơm, bát nào cũng vơi, Bác nói vui: “Chú xới cơm thế này thì công việc làm sao cho đầy được”. Bữa ăn có Bác vui hẳn lên. Bác hỏi chuyện: “Các chú có biết nấu nướng không?”. Mỗi người kể theo cách hiểu của mình. Bác thừa hiểu chẳng có ai ở nhà thực sự giúp vợ nấu ăn cả nên nghe nói nấu nướng sao thì kể vậy. Rồi Bác kể chuyện hồi xưa Bác làm phụ bếp thế nào nên biết nấu nướng, Bác nói nghề nấu ăn ai biết nấu là kể biết ngay, còn ai chỉ nghe hoặc nhìn thì không thể bịp được người khác, vì kỹ thuật nấu ăn quan trọng là chỗ này. Bác chỉ vào mũi, chứ không phải chỗ này - Bác chỉ vào mắt và tai. Bác nói tiếp: “Vì sao mọi người phải biết nấu ăn là vì vừa giúp được “cô ấy” có thời gian học tập và nuôi dạy con cái, vừa rèn luyện mình, chữa căn bệnh hão, bệnh sĩ, bệnh gia trưởng thâm căn cố đế, cho việc bếp núc là việc đàn bà...
Năm 1958, Bác về Nam Định dự Hội nghị “Bàn về sản xuất nông nghiệp”... Bác hỏi chị em phụ nữ ở đây có đội phân nữa không? Các đồng chí cán bộ tỉnh chưa dám báo cáo với Bác ngay, may có chị đại biểu nữ đỡ lời: “Thưa Bác, chị em ở đây không quen gánh nên cái gì cũng đội ạ” Bác dặn: “Nên tìm cách cải tiến vận chuyển bằng xe để đỡ cho chị em về lâu dài”./.
Huyền Trang (tổng hợp)