Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu (cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh) kể:

Sau Cách mạng Tháng Tám, điều mơ ước lớn nhất của tôi cũng như của bao nhiêu đồng chí, đồng bào miền Nam lúc bấy giờ là được gặp Bác Hồ. Vinh dự đó đã đến với tôi trong dịp tôi tham gia Đoàn đại biểu Liên khu V về Trung ương dự Hội nghị Cán bộ toàn quốc lần thứ Ba. Trong lúc chờ họp, tôi dự lớp huấn luyện khóa II của trường Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc. Một buổi chiều mùa Đông năm đó, chúng tôi đang học thì được tin Bác đến thăm, cả lớp bỗng khác hẳn mọi ngày, ai cũng vui mừng, hồi hộp. Vui mừng thì rõ rồi. Nhưng còn hồi hộp? Anh em thường kể với nhau: Bác gặp, Bác thường đặt một số câu hỏi. Bác sẽ hỏi chuyện gì và mình sẽ trả lời Bác ra sao? Cứ như thế, lòng chúng tôi náo nức đến rộn ràng, mắt ai nấy đều đổ dồn ra cửa ngóng trông Bác.

vat ky niem vo gia
Chú thích ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ Anh hùng Kan Lịch

Bác bước vào lớp. Tất cả chúng tôi đứng bật dậy và sung sướng hoan hô:

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

Bác vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống.

Bác đến, thân mật, ấm áp, thu hút mọi người ngay từ phút đầu. Bác gần gũi, thân thiết như người cha giữa đàn con quây quần chung quanh.

Bác trìu mến nhìn cả lớp rồi bất ngờ hỏi:

- Học ở đây có mấy cô?

- Thưa Bác, bảy ạ - Các chị trả lời.

Bác hỏi tiếp:

- Các cô có biết nấu cơm không? Hay là “trên sống, dưới khê bốn bề nhão nhoẹt”?

Hỏi xong, Bác cười rồi ngồi xuống.

Nghe Bác hỏi, tôi thầm nghĩ: Đúng là Bác biết rõ nhược điểm của một số cán bộ nữ chúng ta lúc bấy giờ là chưa thạo việc nấu nướng, nhất là nấu cho nhiều người ăn.

Trước khi bước vào lớp, Bác đã đi kiểm tra nhà vệ sinh, nhà bếp và hỏi thăm nơi sản xuất của nhà trường.

Bác phê bình:

- Hố xí không được sạch. Bác cũng chẳng thấy vườn rau của các cô chú ở đâu. Tại sao các cô, các chú không tăng gia sản xuất?

Chúng tôi lặng im ngồi nghe Bác khuyên bảo, thấm thía từng lời.

Đoàn cán bộ miền Nam được ưu tiên ngồi những dãy bàn đầu. Anh em chúng tôi tranh thủ nghe Bác nói thật rõ, nhìn Bác thật kỹ, chú ý ngắm từng chi tiết trên khuôn mặt, nhìn dáng và quần áo của Bác, cố thu tất cả vào trí nhớ để khi trở về địa phương kể cho đồng bào, đồng chí nghe.

Lần ấy, sau khi Bác về, chúng tôi sửa ngay khuyết điểm mà Bác đã phê bình, đặc biệt là tích cực trồng rau. Mặc dù Việt Bắc lúc bấy giờ đang mùa Đông giá rét, vườn rau của chúng tôi vẫn xanh ngút, góp phần tích cực cải thiện bữa ăn cho học viên. Và sau này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở chiến trường Khu V ác liệt, chúng tôi vẫn luôn nhớ lời Bác, tổ chức tăng gia sản xuất và đã tự túc được một phần lương thực tại chỗ, chủ động nuôi quân và cán bộ trong những đợt chống càn, gặp khó khăn về tiếp tế.

Lần thứ hai, tôi được gặp Bác Hồ vào cuối năm 1960, trong dịp đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Chúng tôi vừa ra tới Hà Nội, Bác cho gọi đến ngay. Lần này, bên cạnh niềm vui lớn gặp lại Bác, tôi vẫn cảm thấy lo lo như lần trước. Không biết Bác sẽ hỏi chuyện gì và mình sẽ trả lời Bác ra sao.

Sau khi ân cần thăm hỏi sức khỏe các đồng chí trong Đoàn, Bác hỏi ngay:

- Chú có biết công tác ở miền Nam hiện nay cái gì là quan trọng nhất?

- Thưa Bác, công tác bí mật ạ (điều này tôi nghe các đồng chí ở miền Nam được gặp Bác trước tôi kể lại).

Bác Hồ chỉ tay vào tôi và hỏi:

- Ai lộ bí mật cho chú?

Nói rồi Bác cười vui vẻ, đôn hậu.

Đại hội Đảng lần thứ ba họp tại hội trường Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Đoàn đại biểu Nam Bộ và Khu V họp thành một tổ. Bác tham gia sinh hoạt ở tổ chúng tôi, chăm chú lắng nghe chúng tôi thảo luận. Điều này cho thấy tâm tư tình cảm của Bác luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Đến lúc bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác dặn chúng tôi chuẩn bị xong, ngồi yên tại chỗ. Bác ra lệnh sắp hàng. Rồi Bác dẫn đầu cả đoàn đi bỏ phiếu, trật tự nghiêm túc. Đây là một việc làm tưởng như nhỏ nhặt nhưng để lại cho tôi ấn tượng không quên về công tác tổ chức.

Năm 1965, đồng bào và chiến sĩ khu V giành được thắng lợi lớn trong việc đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Ngụy, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và đông dân ở các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên. Tôi được Khu ủy khu V cử về Trung ương báo cáo tình hình, sau đó kết hợp chữa bệnh. Sau khi báo cáo ở Hội nghị Trung ương, tôi được đến báo cáo riêng với Bác và được Bác bảo ở lại ăn cơm trưa với Bác. Đây là lần đã để lại cho tôi kỷ niệm sâu sắc nhất. Và tôi cũng không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác.

Trong lần gặp này, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, đưa cho tôi ba củ sâm, kèm theo một bản đánh máy hướng dẫn rất tỷ mỷ cách dùng. Bản đánh máy không ký tên, nhưng tôi nghĩ do chính tay Bác đánh. Tôi được biết những củ sâm này Trung ương dành riêng cho Bác. Sức khỏe của Bác quan hệ đến vận mệnh của cả nước, nhưng Bác đã dành phần sâm của mình cho tôi. Tôi hiểu đây không chỉ là tình thương của Bác dành riêng cho tôi mà chính là cả tấm lòng của Bác, của cả dân tộc đối với miền Nam, “vì miền Nam ruột thịt”.

Tôi biết Bác lúc này không được khỏe lắm mà hằng ngày vẫn phải lo toan trăm công nghìn việc. Đế quốc Mỹ đang điên cuồng leo thang chiến tranh, bắt đầu ném bom miền Bắc và đưa chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao ở miền Nam. Vận mệnh của Tổ quốc đang cơn nguy biến. Ngày 17-7-1966, Bác đọc “Lời kêu gọi”: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Nhận ba củ sâm của Bác Hồ, tôi xúc động không nói nên lời. Tôi lên đường ngay ngày hôm sau. Đó cũng là ngày máy bay giặc Mỹ ném bom làm cháy kho xăng Đức Giang (ngoại thành Hà Nội). Ở miền Nam chiến tranh càng ác liệt, đồng bào, đồng chí đang trông chờ Chỉ thị mới của Trung ương, tôi cần mang về sớm cho Khu ủy khu V.

Tháng 9-1969, trên đường hành quân từ cơ quan Khu ủy vào Khánh Hòa, chúng tôi được tin Bác qua đời. Tin đến như sét đánh làm chúng tôi bàng hoàng, đau đớn. Chúng tôi nhìn nhau nghẹn ngào, không ai nói được lời nào. Cả đoàn dừng lại giữa rừng để theo dõi tin tức qua đài và làm lễ truy điệu Bác. Chúng tôi xúc động nhất khi nghe từng lời Di chúc thiêng liêng của Bác dặn dò chúng tôi công việc một cách chu đáo.

Riêng tôi, Bác còn để lại một kỷ vật vô giá. Ấp ủ gói củ sâm trong ngực áo, tôi còn nhớ lại từng chi tiết lần cuối cùng gặp Bác. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành quân vào Khánh Hòa. Nỗi nhớ thương Bác càng thúc giục chúng tôi vững bước tiến về đồng bằng, tiến về giải phóng đồng bào thân yêu đang còn trong vòng kìm kẹp của giặc.

Tôi giữ ba củ sâm của Bác cho, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, trong dịp đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Tư tại Hà Nội, gặp đồng chí Vũ Kỳ, tôi nhắc lại kỷ niệm cũ. Tôi xin gởi lại ba củ sâm của Bác để Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ./.

Minh Nguyệt (st)

(Trích từ sách Bác Hồ với đất Quảng, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000

Bài viết khác: