Người thanh niên xung phong năm xưa nay đã bước qua tuổi bát thập. Bên ngôi nhà nhỏ sống quây quần vui cùng con cháu, khi tôi ngỏ ý đến câu chuyện về thanh niên xung phong, mắt ông sáng lên, khuôn mặt trở nên rạng rỡ…

Tôi có dịp về thăm ông Tạ Bích Cường ở tổ dân phố Phú Thịnh 3, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng) trong những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014. Người thanh niên xung phong năm xưa nay đã bước qua tuổi bát thập. Bên ngôi nhà nhỏ sống quây quần vui cùng con cháu, khi tôi ngỏ ý đến câu chuyện về thanh niên xung phong, mắt ông sáng lên, khuôn mặt trở nên rạng rỡ…

Khát vọng tuổi thanh xuân

Cuối năm 1952, khi đất trời đang chuyển dần vào xuân, chàng trai trẻ tên là Dương Văn Khi, nghe theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) xung phong ra chiến trường. Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi sinh năm 1932, năm 3 tuổi thì mất mẹ, năm 4 tuổi thì mất cha, trong tôi không có một hoài niệm gì về cha, mẹ. Cái tên Dương Văn Khi là đặt theo họ của người cha nuôi…”.

Đối với ông Tạ Bích Cường, sau tiếng khóc chào đời, ông đâu biết rằng mình sẽ phải chịu nỗi khổ mất cả cha lẫn mẹ. Nhà có 3 anh em, nhưng sớm phải chia lìa mỗi người một nơi, ông được cho đi làm con nuôi khi mới 4 tuổi. Mãi sau này ông mới lấy tên là Tạ Bích Cường theo họ của cha ruột mình.

bac-ho-trong-ky-uc
Ông Tạ Bích Cường ôn lại truyền thống cho thế hệ trẻ

Năm 1947, khi mới 15 tuổi, được cán bộ Việt Minh gặp gỡ, động viên nên ông sớm giác ngộ. Trong ông bừng bừng khí thế, muốn đóng góp một phần cho đất nước. Nhưng rốt cuộc ông “lỡ hẹn” với cách mạng, khi ý định gia nhập thiếu sinh quân bất thành. Ngọn lửa cách mạng vẫn âm ỉ trong ông cho đến ngày Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam kêu gọi thanh niên xung phong, không lưỡng lự, ông cho rằng đây là cơ hội. Tại sao ra chiến trường lại là cơ hội?. “Bởi cuộc sống lam lũ, nếu cứ chiến tranh thì đời mình mãi sống trong nghèo khổ” - ông nói. Vậy là ông điền tên mình tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Lúc đó, ông được phân công về Đội 36 - C267 của Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương với nhiệm vụ mở đường, sau đó làm lán trại, bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương ở ATK Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cũng chính thời gian ấy, ông được gặp Bác Hồ, được nghe những lời chỉ dạy trực tiếp từ Bác. Mặc dù chỉ được gặp Bác Hồ trong chốc lát, nhưng những lời dạy của Bác vẫn như vừa mới đây và theo ông suốt cuộc đời.

Được gặp Bác Hồ

Cuối năm 1953, theo lệnh của đơn vị, ông về ATK Đại Từ (Thái Nguyên) với nhiệm vụ làm lán trại. Cũng như bao chiến sĩ khác, ban ngày đi làm lán trại, “tiếng hát, át tiếng bom”, vừa làm vừa ca, từ sáng sớm đến chập tối mới nghỉ, không biết mệt mỏi là gì. Cứ đến 19h là đơn vị tổ chức sinh hoạt, kiểm điểm lại công việc đã làm trong ngày. Buổi sinh hoạt tối hôm đó không giống các buổi sinh hoạt như thường lệ, trong lúc mọi người đang say sưa nói chuyện, một người đàn ông mặc chiếc áo đại cán màu sáng, dáng người thanh thanh, khuôn mặt hiền từ, đôi mắt sáng, nhanh nhẹn tiến vào.

Đồng chí C trưởng thông báo: “Hôm nay, đơn vị ta vinh dự được Bác Hồ đến thăm!”. Mọi người đều rất ngỡ ngàng, không tin vào mắt của mình. Ông kể lại: “Tất cả đều bất ngờ, reo lên mừng rỡ: Bác Hồ! Bác Hồ!”. Ân cần, Bác hỏi:

- Thế nào! Các chú ăn uống, sinh hoạt có đầy đủ không?

Tất cả đều hân hoan trả lời: “Thưa Bác, có ạ!”. Rồi Bác tiếp tục nói:

- Hôm nay Bác không thể nói chuyện nhiều với các chú được. Bác chỉ nói ngắn gọn thế này: Thanh niên xung phong là một lực lượng chủ chốt, lúc nào cũng phải đi đầu. Khi là đầy tớ của dân thì phải trung thành với nhân dân…

Ông Cường và toàn Đội ai nấy nghe như nuốt từng lời Bác nói.

Sau đó, Bác giải thích cặn kẽ từng chữ, rồi Bác bảo: Kháng chiến vẫn còn nhiều vất vả, gian nan. Các chú phải tiếp tục học, đã học thì phải học cho bằng được…

Bài học cuộc đời

Suốt gần 20 năm tham gia thanh niên xung phong, ông đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng với niềm khát khao, đam mê cháy bỏng. Câu chuyện được gặp Bác Hồ giúp ông nhận ra được nhiều điều, nhiều bài học kinh nghiệm cho mình sau này. Đó là sự nhiệt huyết, tuổi trẻ phải nỗ lực, cố gắng, cống hiến hết mình cho đất nước, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Là người chiến sĩ phải trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng cùng Đảng, cùng dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

Nhớ lại câu nói của Bác Hồ đơn giản, nhưng càng ngẫm ông càng thấu hiểu và cảm phục. Bác muốn nhắn nhủ với thanh niên phải không ngừng học tập. Phải thật kiên trì, không được sao nhãng, “học, học nữa, học mãi”, càng học càng thấy biển tri thức mênh mông…

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã qua đi, đất nước đang hưởng nền hòa bình, ổn định và phát triển. Đối với ông Tạ Bích Cường, ký ức thời thanh niên xung phong có thể dần phai nhạt bởi gánh nặng tuổi tác, nhưng có một điều chắc chắn rằng kỷ niệm lần được gặp Bác vẫn còn đọng lại và theo ông suốt cuộc đời…

Hữu Huỳnh

Theo Báo Điện tử Lào Cai

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: