Lần theo lời kể của cán bộ Bảo tàng, chúng tôi tìm về xóm Thanh Tiến (xã Thạch Môn, Tp Hà Tĩnh) tìm gặp người cựu binh Điện Biên Phủ - Trương Xuân Bái. Ông là một trong những người đã tự tay chôn cất anh hùng Bế Văn Đàn và 3 lần được gặp Bác Hồ.
Tự tay chôn cất và quy tập mộ cho đồng đội
Người lính liên lạc năm xưa giờ đã tuổi 85. Ông Trương Xuân Bái đã rời quân ngũ gần 30 năm nhưng mỗi câu chuyện về cuộc đời lính vẫn in đậm trong trí nhớ của ông.
Cũng như bao chàng trai, cô gái khác, sinh ra và lớn lên trong thời đất nước chiến tranh loạn lạc, lòng căm thù quân giặc như ngấm vào máu thịt. Khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ Trương Xuân Bái (Sn 1931) đã trốn gia đình tham gia tuyển quân và được huấn luyện tại Trung đoàn 44 của Bộ Quốc phòng, đóng quân tại Yên Thành (Nghệ An).
Vợ chồng cựu chiến binh Trương Xuân Bái
Sau đó, ông được bổ sung quân vào Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 (đóng tại Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Hai năm sau khi nhập ngũ, cả Đại đoàn của ông đều tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 12/1953, ông tham gia trận đánh đầu tiên tại thị xã Điện Biên Phủ. Sau đó tiếp tục truy kích địch về Mường Bồn, tỉnh Lai Châu và đánh trận thứ 2 tại đây.
Trong thời gian này, ông được phân công vào Tổ liên lạc của Đại đoàn gồm 4 người do Bế Văn Đàn làm Tổ trưởng.
Đến những ngày cuối năm 1953, quân Pháp nhảy dù vào Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội chuyển về chân núi Tà Lèn chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Cũng tại trận chiến lịch sử này, ông và đồng đội của mình đã tham gia vào gần 40 trận đánh lớn nhỏ. Trong đó có trận đánh lên đồi A1.
“Khi phát hiện hầm ngầm của quân địch, chúng tôi được cấp trên phân công đào hầm xuyên sơn để đến gần vận chuyển gần 1 tấn bộc phá vào đánh. Đây là một trận đánh ác liệt nhưng thu được nhiều thắng lợi to lớn”, ông kể.
Thế nhưng để làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu không ít đồng đội của ông đã ngã xuống. Trong đó có người bạn thân của ông là Anh hùng Bế Văn Đàn – người đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiến lên.
Chiếc áo ông từng mặc trong nhiều trận đánh tại chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhắc đên người đồng đội cũ, ông vẫn không nguôi những ký ức rưng rưng, “những đêm nằm trong hầm anh em thường kể chuyện cho nhau nghe chuyện nhà, chuyện tình cảm… Trước giờ ra trận, Bế Văn Đàn nói với tôi – “mong đánh xong trận này, tao sẽ về quê mày chơi, rồi đi ra Nghệ An thăm quê Bác Hồ”. Nghe Đàn nói vậy, tôi đáp lại - “Nếu thế thì quê mày gần, mày đưa tao về thăm trước đi đã”. Đó cũng là lời hứa chúng tôi trước trận đánh”.
Nhưng lời hứa của 2 người lính mãi không thể thực hiện được, bởi người đồng đội của ông đã hy sinh trong trận đánh Mường Pồn cũng trong ngày đó, 12/12/2953.
“Tôi và rất nhiều đồng đội ở gần đều chứng kiến cái chết bất tử của anh. Đau thương nhưng chính anh tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiến lên tiêu diệt kẻ thù”, ông Bái xúc động.
Trận đánh kết thúc, ông Bái cùng 2 người đồng đội đã tự tay chôn cất Bế Văn Đàn. “Để tránh thất lạc, tôi viết lên giấy tên, quê quán, đơn vị của Đàn rồi vào lọ penicillin chôn cất cùng thi thể của anh ngay sát gốc cây me to tại Cồn Gò, Mường Pồn. Tính đến thời điểm Bế Văn Đàn hy sinh chúng tôi đã gắn bó với nhau 1 năm 4 tháng”.
Ông Trương Xuân Bái (thứ 2 từ trái qua) cùng các đồng đội
tại đồi A1 (ảnh do nhân vật cung cấp)
Đầu 1958, Đại đoàn 316, trở lại Mường Pồn để ra mìn và quy tập mộ của đồng đội cũ trong đó có hài cốt của Anh hùng Bế Văn Đàn. Lúc này, cả khu vực đều đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên cây me tại Cồn Gò vẫn còn, phía dưới có một ngôi mộ khá lớn được ghép bằng đá. Theo người dân kể lại, cứ ngày lễ, Tết, hay rằm bà con dân bản vẫn thường ra đây thắp hương, và xếp từng viên đá lên chỗ này. Nhờ vậy, việc tìm phần mộ của Anh hùng Bế Văn Đàn cũng dễ dàng hơn.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1971, ông được phân công làm Trạm trưởng Trạm Quân giới Bộ Tư lệnh 959 làm nhiệm vụ giúp Lào và Thái Lan (sau khi hoàn thành nhiệm vụ lực lượng này tự giải thể).
Tại Thái Lan, ông kiêm thêm nhiệm vụ quân báo tại Sân bay Cò-rạt. Thời điểm này, không quân Mỹ thường tập kết tại khu vực này rồi bắt đầu cất cánh sáng chi viện và đánh phá Việt Nam. Hằng ngày, ông thường giả làm một người cắt tóc dạo nhằm quan sát số lượng máy bay của không quân Mỹ cất cánh và thông báo về Sở Chỉ huy để có phương án chuẩn bị.
Không may, trong một lần ông bị tên mật thám Mỹ phát hiện và truy đuổi. Ông vội núp vào một cây Phượng trên đường phố. Ngay khi tên mật thám không để ý ông rút sãn chiếc dao trong người phi thẳng vào tên mật thám khiến hắn chết tại chỗ rồi nhanh chân trốn vào nhà một Việt kiều. Thấy có động quân địch huy động lực lượng truy tìm nhưng không thấy.
Chiếc dao nhỏ năm xưa, giờ trở thành một trong kỷ vật theo ông từ chiến trường trở về.
Người được Bác Hồ tặng chiếc áo lụa
Vào sinh ra tử với biết bao nhiêu trận đánh lớn, sống dưới làn mưa bom bão đạn, những kỷ niệm sinh tử với đồng đội chưa một lần phai nhòa trong ký ức ông, nhưng với ông trong cuộc đời người lính tự hào vinh dự nhất đó chính là 3 lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác, ông đều có mỗi kỷ vật để lưu giữ.
Cẩn thận dỡ chiếc ảnh đen trắng trong chiếc tủ tường, ông nói “tấm ảnh này là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Người bằng xương, bằng thịt”.
Bức ảnh về Bác Hồ chụp tại Sân bay Gia Lâm
vào năm 1957 (ảnh do nhân vật cung cấp)
Đó là vào một ngày cuối năm 1957, sau khi đi thăm các nước CNXH, Bác Hồ trở về Việt Nam. Trong dịp này, ông Bái là 1 trong 120 người được cử đi bảo vệ Bác từ Sân bay Gia Lâm (Hà Nội) về Phủ Chủ tịch. Ông xúc động nhớ lại: “Vừa nghe tin, anh em chúng tôi hết sức vui mừng và cảm thấy vinh dự, nhưng cũng tự nhủ phải làm tốt nhiệm vụ. Về tới Phủ Chủ tịch, Người xuống xe rồi ra bắt tay cám ơn từng chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.”
Sau lần ấy, ông còn được gặp Người thêm 2 lần nữa. Đáng nhớ nhất với ông là được trò chuyện và tự tay Bác Hồ trao tặng một món quà.
Chiếc áo sơ-mi lụa Bác Hồ tặng ông Trương Xuân Bái
Tháng 3/1958, chiến sỹ Trương Xuân Bái được chọn là chiến sỹ tiêu biểu của Đại đoàn 316 tham gia Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Phú Thọ. Khi đồng chí Chú Huy Mân (lúc bấy giờ là Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc) thông báo với chúng tôi có 1 người trong Chính phủ sẽ tới tham dự Đại hội, lập tức anh em chiến sĩ nghĩ ngay tới Bác Hồ. Mọi người đều khấp khởi, đứng dậy hướng mắt ra phía chiếc cổng chào được trang trí khá đẹp. Nhưng Bác lại đi lối cổng phụ đứng trên sân khấu, giơ tay và nói “Bác đây rồi”. Lúc này, chúng tôi vội quay và hết sức ngạc nhiên, sau đó mọi người đồng thanh chào Bác. Bác cười mời chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu trò chuyện, báo cáo thành tích cho Bác nghe.”
Ấn tượng với những thành tích của Chiến sỹ toàn quân Trương Xuân Bái, Bác Hồ đã gặp riêng ông cùng một người nữa. Sau khi hỏi chuyện, Bác đã tặng 2 người chiếc áo sơ mi lụa với dòng chữ “Kỷ vật vô giá, chiếc áo lụa tơ tằm, Bác tặng cháu Trương Xuân Bái – Chiến sỹ thi đua toàn quân. Đơn vị Đại đoàn 316 – 15/3/1958. Hồ Chí Minh”.
Kỷ vật của Người được đặt trang trọng trong ngôi nhà của vợ chồng người cựu binh
Suốt mấy chục năm qua, ông Bái vẫn luôn treo món quà ấy tại nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Đặt tay lên kỷ vật vô giá của mình, giọng ông bồi hồi: “Trước khi ra về, Người nắm chặt tay chúng tôi dặn dò – “Các cụ già Bác thường may kiểu áo bà ba, nhưng các cháu thanh niên Bác tặng áo sơ-mi. Bác mong các cháu phấn đấu và đạt nhiều thành tích cao hơn nữa”. Ghi nhớ tâm lời dặn dò ấy, dù ở cương vị nào tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Với những đóng góp của mình, ông Trương Xuân Bái vinh dự được Đảng, Nhà nước
tặng thưởng hơn 20 huân, huy chương cao quý
Cũng trong năm 1958, ông Trương Xuân Bái vinh dự lần thứ 3 được gặp lại Bác khi được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong dịp Người lên thăm Tây Bắc./.
Theo Dân trí
Minh Thu (st)