Hiện nay,Việt Namđã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước thuộc tất cả các châu lục. Theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nêu lên chính sách đối ngoại:Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Hội nghị AMM 47. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với việc tham gia các tổ chức hợp tác quốc tế và khu vực, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh, có lợi thế rất lớn là tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định, môi trường hoà bình. Nhằm phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong tiến hành công cuộc Đổi mới với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
Ngoại giao Việt Nam hiện đại bắt đầu từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945) và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và rèn luyện. Ngoại giao Việt Nam hiện đại là sự kết hợp tài tình giữa ngoại giao truyền thống Việt Nam với những tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng linh hoạt và sáng tạo trong từng hoàn cảnh cụ thể. Trải qua những giai đoạn khác nhau, trong thời chiến cũng như trong thời bình, ngoại giao Việt Nam hiện đại đã kế thừa xứng đáng truyền thống cha ông, góp phần không nhỏ vào bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh.
Tư tưởng đối ngoại và phong cách ngoại giao của Người là sự kết tinh truyền thống của dân tộc và tinh hoa của nhân loại, trong đó ngoại giao nhân dân là một “binh chủng” đa kênh và đa năng quan trọng, cùng với ngoại giao Đảng và Nhà nước hợp thành nền ngoại giao tổng hợp của quốc gia. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, các nước tiến hành các hoạt động ngoại giao dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng quy tụ lại thành hai loại chính là ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhà nước là mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ của các nước có chủ quyền, giữa các nhà lãnh đạo của các nước. Các quan chức làm việc trong các đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của một nước ở nước ngoài là những người đại diện cho chính phủ ở nước sở tại. Ngoại giao nhân dân là một hình thức hoạt động quan hệ đối ngoại do các tổ chức, các đoàn thể, hoặc cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực tiến hành, không mang tính chất chính thức của Chính phủ.
Hoạt động của ngoại giao nhân dân là phát huy “sức mạnh mềm” của một nước, hỗ trợ cho ngoại giao nhà nước để thực hiện chính sách đối ngoại mà chính phủ nước đó đề ra. Ngoại giao nhân dân là lực lượng quan trọng của mặt trận ngoại giao và ưu thế của ngoại giao nhân dân là có thể đi đầu, có thể đi trước tại những nước, những khu vực và về một số vấn đề mà ngoại giao chính thức của nhà nước chưa có điều kiện triển khai. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đối ngoại rộng mở, mở rộng lực lượng theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tránh đối đầu “không gây thù oán với một ai”, tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể nhằm tập hợp lực lượng, hình thành mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều tầng, nhiều nấc. Người từng nói: “Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”. Như vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao không chỉ là sự nghiệp của toàn dân, mà còn phải lôi kéo, thuyết phục bằng chính nghĩa để nhân dân và bạn bè thế giới ủng hộ, giúp đỡ mình.
Kế thừa và phát triển hệ thống các quan điểm truyền thống và tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra nhiệm vụ chủ yếu về đối ngoại từ năm 2011 - 2015 là “mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”. So với nhiệm vụ đối ngoại được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, thì chủ trương đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã thể hiện bước phát triển mới về tư duy, chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” lên “hội nhập quốc tế” - hội nhập toàn diện, đồng bộ từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Đây là bước ngoặt đổi mới về tư duy và chính sách đối ngoại của Đảng ta, là kết quả bước chuyển từ tư duy đối ngoại thời kỳ chiến tranh lạnh sang đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đến hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực.
Cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Đại hội XI, Đảng ta đề ra các biện pháp cụ thể: Cùng với ngoại giao đa phương, triển khai ngoại giao toàn diện, đưa quan hệ song phương với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả; cùng với ngoại giao kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia tích cực nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kể cả trên biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; ngoại giao toàn diện được triển khai trong ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương để kết hợp tổng thể sức mạnh các nguồn lực trong nước với sức mạnh của ngoại giao nhân dân phục vụ cho công tác đối ngoại của nước nhà.
Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, công tác đối ngoại đảng được triển khai một cách tích cực, chủ động, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và có bước đột phá, tập trung vào việc: Tăng cường quan hệ vớicác đảng cộng sản, đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới; chủ động thiết lập và tăng cường quan hệ vớicác đảng cầm quyền, tham chính và các đảng tiềm năng ở các nước trong khu vực và đối tác quan trọng của Việt Nam; tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau với cácđảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ; hoạt động tích cực tại cácdiễn đàn đa phương chính đảng. Quan hệ đối ngoại của Đảng ta đã không ngừng được mở rộng và tăng cường, nhất là với các đảng cộng sản, cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới và các đảng cầm quyền, tham chính trong khu vực và ở các nước đối tác quan trọng, tạo nền tảng chính trị thúc đẩy quan hệ nhà nước và quan hệ đối ngoại nhân dân, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Đảng và Nhà nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại đảng vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn và những đòi hỏi của tình hình mới. Những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh giữa các quốc gia để kiểm soát, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cạnh tranh về thương mại, tài chính - tiền tệ, tri thức - công nghệ, thông tin và về sức mạnh quân sự sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng quyết liệt hơn. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là tâm điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn với các hình thức liên kết tiếp tục được thúc đẩy, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo sẽ diễn biến quyết liệt hơn, đặt ra các cơ hội và thách thức đan xen. Kết luận số 73 của Bộ Chính trị khóa XI khẳng định cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và đưa quan hệ với các đảng đi vào chiều sâu, thiết thực. Đồng thời, chủ động tăng cường quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính, đảng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai chính sách của các nước đối với nước ta, các đảng tuy đang đối lập nhưng có tương lai chính trị; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương của các chính đảng; theo dõi, nghiên cứu và dự báo tình hình chính đảng nước ngoài, quan hệ chính đảng trong quan hệ quốc tế.
Sau gần 30 năm đổi mới, ngoại giao Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong ngoại giao với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên cũng còn nhiều việc phải làm và nhiều thiếu sót cần khắc phục. Trong tình hình thế giới có nhiều biến động lớn như hiện nay, công tác đối ngoại đảng và việc quản lý, điều hành công tác đối ngoại các cấp đứng trước yêu cầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, góp phần thực hiện tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi, sự đồng tình, ủng hộ và hậu thuẫn chính trị quốc tế rộng rãi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời, góp phần vào sự hồi phục, đoàn kết và đổi mới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đức Lâm