Bộ đội Cụ Hồ” - một tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho Quân đội ta, là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của cán bộ chiến sỹ Quân đội. Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là một bộ phận của truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Phát huy truyền thống đó, trong những năm qua, thanh niên trong Quân đội đã và đang tiên phong trong việc học tập và làm theo Lời Bác Hồ dạy; luôn tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực và hiệu quả các mặt công tác.

          Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhìn lại những cố gắng, nỗ lực của các thanh niên quân đội, chúng tôi xin giới thiệu các gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2014. Đây là những gương mặt tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ cũng như công tác Đoàn trong năm 2014 đã được vinh danh. Họ đã cố gắng nỗ lực không ngừng, tích cực sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hơn nữa, những gương mặt trẻ này chính là tấm gương sáng cho các đoàn viên, thanh niên trong toàn quân noi theo.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-12
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao quyết định thăng quân hàm sĩ quan cho
Thượng uý Cha Ma Léa Tuân (Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận, Quân khu 5)

* Thành công nhờ nỗ lực không ngừng

Danh hiệu Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2013 là động lực quan trọng để Trung úy QNCN Hoàng Thị Giang (nhân viên thống kê CTĐ, CTCT, Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Cục Chính trị, Quân khu 1) nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích, trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2014. Riêng trong năm qua, Hoàng Thị Giang bổ sung thêm vào bảng thành tích của mình danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn, danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, giải Ba toàn quân Cuộc thi tìm hiểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Giấy khen của Đảng ủy Quân khu 1.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-1
Trung úy QNCN Hoàng Thị Giang.

Giang rất vui khi tâm sự với chúng tôi: “Năm ngoái, được bình chọn là Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân, mình rất phấn khởi và tự hào. Đó là sự ghi nhận, khích lệ rất lớn của các cấp, giúp mình có thêm động lực, cố gắng phấn đấu để làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Năm nay, niềm vui đó như được nhân lên khi mình vinh dự đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2014. Với phần thưởng cao quý này, mình càng cảm nhận rõ hơn sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo, chỉ huy các cấp”.

Là nhân viên thống kê CTĐ, CTCT, Trung úy QNCN Hoàng Thị Giang luôn xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; bảo đảm các loại báo cáo thống kê hàng tháng, quý, năm chính xác, kịp thời, đầy đủ; quản lý vật chất, các trang thiết bị an toàn. Trên cương vị là Bí thư Chi đoàn, Giang cùng tập thể phấn đấu đạt chi đoàn vững mạnh xuất sắc, được thủ trưởng Cục Chính trị khen thưởng 5 năm liền.

Với Trung úy QNCN Hoàng Thị Giang, thành tích có được của hôm nay là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ và biết kết hợp hài hòa công việc chung - riêng, chăm lo gia đình với thực hiện nhiệm vụ. Phương châm phấn đấu, làm việc của Giang là tiến từng bước vững chắc với nỗ lực hết mình và niềm tin vào thành công.

* Luôn nhiệt huyết trong mọi công việc

Đến Học viện Kỹ thuật Quân sự, chúng tôi không khó để tìm hiểu về thành tích của Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định, sinh năm 1981, giảng viên, Trưởng phòng Thí nghiệm Bộ môn Cơ sở kỹ thuật vô tuyến, Khoa Vô tuyến điện tử. Tiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Định được đồng nghiệp và các học viên biết đến bởi những thành tích nổi trội. Trong 2 năm (2013-2014), anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp Học viện, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Giám đốc Học viện tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2014. Nguyễn Quốc Định còn là học viên duy nhất của Học viện Kỹ thuật Quân sự được cử đi học, tốt nghiệp đại học, hoàn thành xuất sắc luận án thạc sĩ, tiến sĩ và là người Việt Nam đầu tiên được Trường Đại học Phòng vệ Nhật Bản tặng học bổng toàn phần trong 10 năm học (2001-2011). Anh còn được nhận Bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản vì những đóng góp trong phong trào hội thanh niên, sinh viên năm 2008; giành Giải thưởng nghiên cứu trẻ xuất sắc nhất tại Nhật Bản năm 2010, do Hội Kỹ sư Điện - Điện tử Nhật Bản trao tặng.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-2
Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định được các đồng chí, đồng nghiệp nhắc đến với sự trân trọng tinh thần làm việc say mê, nghiêm túc của anh. Trong các năm học, số giờ giảng dạy quy chuẩn của anh luôn vượt chỉ tiêu đề ra (hơn 2.700 giờ chuẩn/năm học). Trong 2 năm (2013-2014), anh công bố 18 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội thảo trong nước và quốc tế. Anh còn chủ trì, tham gia thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Học viện với kết quả nghiệm thu đạt xuất sắc, được gửi tham dự Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014…

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công, Nguyễn Quốc Định nói: “Trong giảng dạy, tôi giúp các học viên phương pháp tư duy bằng mô hình; lồng ghép mô hình minh họa vào các nội dung để học viên dễ nhớ, dễ hiểu và không nhàm chán. Trong nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động chuyên môn khác, tôi luôn đặt cho mình mục tiêu phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ với cường độ làm việc cao, không lùi bước trước khó khăn”.

Trong quá trình công tác, Nguyễn Quốc Định đã rèn cho mình tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc và hun đúc thêm ngọn lửa tình yêu nghề. Không chỉ đam mê công việc, anh còn rất tâm huyết với việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ đi sau; tình nguyện giảng dạy, hướng dẫn luận án nghiên cứu sinh, cao học, đồ án và bài tập tốt nghiệp cho nhiều học viên của Nhà trường.

* Niềm vui sau những chiến công

Niềm vui nhân đôi khi Đại úy Lê Trung Thành (Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 4033, Hải đội 201, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2) được bình chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2014. Riêng tôi, mỗi lần được gặp gỡ Lê Trung Thành là một lần thêm ấn tượng với một chiến sĩ cảnh sát biển gần gũi, chân thành trong cuộc sống và mạnh mẽ, bản lĩnh, can trường trước những nhiệm vụ khó khăn.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-3
Đại úy Lê Trung Thành

Tôi gọi điện để chia sẻ niềm vui với anh, vẫn nghe giọng nói thân thương: “Tàu của chúng mình vừa cập bến sau 40 ngày thực hiện nhiệm vụ trên biển. Mình vui, hạnh phúc lắm khi nhận thông báo được bình chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc và toàn quân. Sự ghi nhận, quan tâm của các cấp sẽ tiếp thêm động lực, khiến mình thấy phải có trách nhiệm hơn nữa trong mỗi nhiệm vụ được giao…”.

Qua trò chuyện với anh, tôi cảm nhận rõ hơn niềm vui của người thuyền trưởng trẻ khi bản thân cũng như hậu phương gia đình nhận được sự quan tâm, sẻ chia của đơn vị, đồng đội. Sau khi Lê Trung Thành hoàn thành nhiệm vụ CH-14, vợ anh được nhận vào làm tại Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Mẹ anh trong quá trình điều trị bệnh ung thư khi con trai đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, cũng nhận được sự sẻ chia từ lãnh đạo, chỉ huy, đồng chí, đồng đội trong đơn vị. Lê Trung Thành tâm sự: “Mình may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cả bố và mẹ mình đều là thương binh, bố vợ cũng là bộ đội. Chính vì vậy, gia đình rất hiểu và luôn ủng hộ, là điểm tựa tinh thần vững chắc để mình yên tâm làm nhiệm vụ. Lúc mẹ phải nhập viện, mình đã khóc rất nhiều vì không thể có mặt bên mẹ bởi đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Qua đồng đội của mình, mẹ nhắn nhủ: “Con hãy yên tâm công tác. Ở nhà, mẹ sẽ cố gắng điều trị thật tốt”. Những thành tích hôm nay của mình, có vai trò vô cùng quan trọng của tập thể đơn vị và sự ủng hộ hết mình của người thân”.

32 tuổi, Đại úy, Thuyền trưởng Lê Trung Thành đã đạt nhiều thành tích đáng khâm phục. Riêng trong năm qua, những chiến công của anh được ghi nhận bằng các phần thưởng xứng đáng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn; Giấy khen của Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”; danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

* Đồng đội tiếp sức

Vượt qua nhiều khó khăn về hoàn cảnh gia đình, chàng trai trẻ vùng quê thuần nông (xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) vươn lên giành nhiều thành tích đáng ghi nhận. 5 năm liền (2010-2014), anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2012, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2013, Bộ tư lệnh Quân khu 3 tặng Bằng khen năm 2014. Đó là Thượng úy Nguyễn Năng Thắng, Trợ lý tác huấn, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 395, Quân khu 3.

Nguyễn Năng Thắng nhớ lại: “Năm 2012, con trai đầu lòng của tôi vừa chào đời đã bị thoát vị cơ hoành, phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện 2 tháng. Cho đến bây giờ, một bên phổi của cháu không phát triển, cứ 2 tuần lại phải đi bệnh viện một lần. Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thật may mắn là tôi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và các đồng đội quan tâm chia sẻ, giúp đỡ trong cuộc sống cũng như công việc”.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-4
Thượng úy Nguyễn Năng Thắng

Nguyễn Năng Thắng xúc động khi kể với chúng tôi, trong những ngày con trai anh phải đi cấp cứu, anh em trong đơn vị đã quyên góp ủng hộ phần nào kinh phí, chỉ huy đơn vị thì tạo điều kiện về mặt thời gian để anh có thể chăm sóc con nhiều hơn. Rồi những ngày nhận nhiệm vụ mới, anh được lãnh đạo, chỉ huy gặp gỡ, động viên, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Động lực vô cùng lớn lao với Nguyễn Năng Thắng, đó là khi anh mới nhận nhiệm vụ được gần 2 tháng đã được cấp trên tin tưởng, lựa chọn tham gia thi Đại đội bộ binh huấn luyện giỏi và đơn vị của anh đã giành giải nhất cấp sư đoàn. Anh bộc bạch: “Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày ấy, Đại đội trưởng, Thượng úy Nguyễn Văn Mười biết tôi rất hồi hộp, lo lắng nên anh thường xuyên gặp gỡ, động viên, trao đổi thêm về nghiệp vụ, hướng dẫn kinh nghiệm đi thi, khiến tôi yên tâm và tự tin hơn nhiều”.

Những tình cảm, sự tin yêu, sẻ chia của đồng chí, đồng đội trở thành động lực quan trọng để Thượng úy Nguyễn Năng Thắng nỗ lực phấn đấu, đạt thành tích nổi bật trong công tác. Ở cương vị là Trợ lý tác huấn, anh luôn xây dựng cho mình động cơ phấn đấu đúng đắn, không ngại khó, ngại khổ, chủ động trong công việc. Bản thân anh luôn gần gũi giúp đỡ mọi người xung quanh, được cấp trên tin tưởng, đồng chí, đồng đội yêu mến.

* “Thủ lĩnh” con tàu hiện đại

Sinh ra trong gia đình có bố là bộ đội hải quân, từ nhỏ Phạm Văn Sơn đã nuôi ước mơ nối nghiệp cha. Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ Học viện Hải quân. Trải qua các cương vị công tác, Phạm Văn Sơn phát huy tốt truyền thống gia đình, là tấm gương sáng trong công tác để các đồng đội học tập và noi theo. Hiện nay, với vai trò là Thuyền trưởng Tàu HQ 375 (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân), Đại úy Phạm Văn Sơn càng khẳng định được bản lĩnh, tài năng của “thủ lĩnh” một con tàu hiện đại. Năm 2013-2014, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Phạm Văn Sơn được cấp trên tín nhiệm cử tham gia huấn luyện và nghiệm thu kíp tàu 12418 của Nhà máy Ba Son, được các chuyên gia đánh giá cao.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-5
Đại úy Phạm Văn Sơn

Theo anh Sơn, muốn làm chủ được các trang thiết bị hiện đại, bản thân phải nỗ lực rất nhiều trong việc tự học, tự nghiên cứu qua tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài, đồng thời học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ đồng đội, vận dụng thành thạo kỹ thuật hiện đại với chiến thuật và cách đánh truyền thống. Bằng tài năng cùng trách nhiệm của mình, Phạm Văn Sơn cùng các đồng đội đã xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, vững mạnh, là đơn vị điểm của lữ đoàn, vùng, quân chủng về huấn luyện giỏi.

Anh Sơn rất tâm đắc với khẩu hiệu “Động cơ đúng, hành động đúng, hiệu quả cao” trong xây dựng tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, thống nhất cao trong tập thể đơn vị. Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện khâu yếu, mặt yếu, tổ chức chấn chỉnh, uốn nắn, động viên bộ đội khắc phục khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chính bởi vậy, Tàu HQ 375 luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất. Anh kể, có lần tàu nhận nhiệm vụ đột xuất, dài ngày, không kịp chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, anh em phải ăn cháo cầm cự trong mấy ngày cuối nhưng mọi người vẫn quyết tâm, động viên nhau vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thân thiện trong cuộc sống và nghiêm túc, cầu thị trong công việc, đó là những tố chất của Đại úy Phạm Văn Sơn được anh em đồng đội trân trọng, quý mến. Năm 2014, Thuyền trưởng Tàu HQ 375 tiếp tục ghi dấu ấn bằng những thành tích: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Bằng khen của Trung ương Đoàn, danh hiệu Thuyền trưởng tàu chiến đấu tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân…

* Để hôm nay tốt hơn ngày hôm qua…

 “Khi còn là học sinh, đến đơn vị thăm anh trai, chứng kiến tác phong sinh hoạt nghiêm túc và chỉn chu của bộ đội, tôi đã thầm ước một ngày nào đó mình cũng được như thế. Nuôi ước mơ ấy, tôi thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị (nay là Trường Đại học Chính trị) và luôn tự hào vì quyết định đúng đắn của mình”. Đó là chia sẻ của Đại úy Chu Đại Phong, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 82, Quân khu 2. Chính sự trân trọng, đam mê công việc đang làm đã giúp chàng trai vùng quê Đất Tổ gặt hái nhiều thành tích. Anh được nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quân khu 2; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm liền, danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu LLVT Quân khu năm 2012. Chu Đại Phong còn giành nhiều phần thưởng trong hoạt động chuyên môn: Giải nhất cấp lữ đoàn, giải khuyến khích cấp quân khu tại Hội thi giáo viên giảng dạy chính trị giỏi…

guong-mat-tre-toan-quan-2015-6
 Đại úy Chu Đại Phong

Với sự tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm, Chu Đại Phong được cấp trên tin tưởng, thường xuyên giao việc mới, việc khó. Đến bây giờ, về đơn vị, chúng tôi vẫn được nghe đồng đội của anh kể về thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát thanh nội bộ, nâng cao chất lượng tuyên truyền. Khi được giao nhiệm vụ, anh Phong trăn trở: “Làm thế nào để chương trình phát thanh nội bộ đạt chất lượng, thu hút người nghe?”. Nghĩ vậy, anh tự bỏ kinh phí đi học kỹ thuật, tìm hiểu phần mềm làm phát thanh hiện đại. Hiện giờ, chương trình phát thanh nội bộ ở đơn vị anh đã không còn “vấp” vì phải thu âm trực tiếp, mà được chỉnh sửa qua phần mềm và còn lồng ghép các đoạn nhạc, tăng thêm phần sinh động. Nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin, mỗi cán bộ, chiến sĩ có thể nghe lại chương trình phát thanh khi có nhu cầu. Chất lượng tuyên truyền của đơn vị từ đó được nâng cao, tạo hiệu ứng tích cực trong việc nhân rộng điển hình tiên tiến và các phong trào thi đua. Khi được giao nhiệm vụ triển khai phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, anh còn chỉ đạo xây dựng được 24 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó 1 sáng kiến đạt giải cấp quân khu và 7 sáng kiến đạt giải cấp lữ đoàn.

Với Chu Đại Phong, mỗi lần được thử thách qua việc mới, việc khó là cơ hội quý báu để rèn luyện và cống hiến. Anh luôn đau đáu với suy nghĩ, làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

* Gắn sản xuất kinh doanh với trách nhiệm xã hội

Năm 2014, Chi nhánh Viettel Thái Nguyên (Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội) nằm trong tốp đầu về sản xuất kinh doanh hàng tháng của Tập đoàn. Thành quả đó có vai trò quan trọng của Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Văn Sơn. Trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Chi nhánh Viettel Thái Nguyên, anh luôn chủ động đề xuất các chủ trương, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh; chỉ đạo điều hành xây dựng mạng lưới rộng khắp, bền vững và hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Năm 2014, Viettel Thái Nguyên nộp ngân sách tại địa phương vượt kế hoạch 117%. Chi nhánh đã tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho gần 1000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-7
Anh Nguyễn Văn Sơn

Cũng trong năm 2014, Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo Đoàn Cơ sở chi nhánh tổ chức phong trào thi đua “Tuổi trẻ Viettel tìm kiếm ý tưởng, giải pháp sáng tạo để tăng doanh thu sản xuất kinh doanh”, được đông đảo đoàn viên, thanh niên hưởng ứng. Kết quả có 6 ý tưởng kinh doanh hiệu quả được công nhận và áp dụng vào thực tiễn, đóng góp thêm 15,5 tỷ đồng doanh thu của chi nhánh. Bản thân anh Sơn có 3 sáng kiến, làm lợi cho tập đoàn hơn 50 tỷ đồng.

Một điều hết sức ý nghĩa là Giám đốc Nguyễn Văn Sơn đề cao phương châm “Gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với trách nhiệm xã hội”. Năm qua, anh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình từ thiện, như: Trao học bổng “Vì em hiếu học”; ủng hộ Quỹ “Chất độc da cam”, Quỹ “Vì người nghèo”; xây dựng 6 nhà tình nghĩa (tổng trị giá 500 triệu đồng); giúp 8 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn phẫu thuật bệnh tim, tặng gia đình người có công và trẻ em nghèo 60 suất quà…

Trong năm 2014, Nguyễn Văn Sơn được được Bộ Quốc phòng tặng 2 Bằng khen, Tập đoàn Viễn thông Quân đội tặng 3 Giấy khen, Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông Quân đội tặng Giấy khen, được tôn vinh điển hình tiên tiến ngành dọc Giám đốc Chi nhánh tỉnh năm 2014, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 4 năm liền.

* Học Bác từ việc nhỏ mỗi ngày

Chúng tôi biết đến chàng trai người dân tộc Ra Glai-Chama Léa Tuân (Trợ lý quân khí, Trung đoàn 896, Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận) khi anh được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tuyên dương, vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014. Anh tâm sự: “Bản thân tôi luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Tôi coi đây vừa là động lực, vừa là biện pháp quan trọng để không ngừng nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng chi bộ TSVM, đơn vị VMTD”.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-8
Trung úy Chama Léa Tuân

Với vai trò là Trợ lý quân khí của trung đoàn, Trung úy Chama Léa Tuân luôn quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng ủy về công tác kỹ thuật. Với tâm niệm, phấn đấu học Bác từ việc nhỏ mỗi ngày, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Chama Léa Tuân luôn đề cao phương châm “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”. Bản thân anh cùng cán bộ, nhân viên kỹ thuật thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất; kiểm tra sâu sát việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện của đơn vị. Do vậy, trong những năm qua, đơn vị luôn bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị kỹ thuật, không có hiện tượng mất mát, hư hỏng xảy ra.

Chama Léa Tuân còn là người tỉ mỉ, chu đáo, luôn chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Anh thường xuyên kiểm tra, bổ sung hệ thống văn kiện, kế hoạch phòng, chống cháy nổ; tổ chức làm biển, bảng nhà kho, khẩu hiệu tuyên truyền về Cuộc vận động 50 gắn trên tủ súng, khẩu hiệu về Luật Giao thông đường bộ đặt ở nhà xe và các biển, bảng khác. Ngoài ra, anh còn liên hệ với đơn vị bạn để tổ chức thi cấp giấy phép lái xe cho một số cán bộ, nhân viên trong đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn và nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông.

Chama Léa Tuân rất phấn khởi và tự hào khi kể với chúng tôi về thành tích của mình: Được nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng, 4 năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Chama Léa Tuân bày tỏ quyết tâm: “Những thành tích đó sẽ là động lực, nền móng để tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thiện bản thân mình hơn nữa”.

* Hạt nhân của các phong trào thi đua

Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 4 (Trường Đại học Chính trị) là một trong những đơn vị tiêu biểu của nhà trường trong thực hiện các phong trào, mô hình, như: “Chi đoàn công nghệ thông tin”, “Kíp tập bài thanh niên”, “Buổi thảo luận thanh niên”, “Tuần thanh niên tự học kiểu mẫu”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Chi đoàn ngôn ngữ đẹp”, “Chi đoàn không có khói thuốc lá”… Kết quả đó, có vai trò đóng góp quan trọng của Trung úy QNCN Phạm Đại Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn cơ sở, Bí thư Chi bộ. Trong quá trình tham gia các hoạt động tập thể, Nghĩa luôn là hạt nhân nòng cốt, đóng góp nhiều sáng kiến hay, góp phần thúc đẩy các hoạt động phong trào đi lên. Nghĩa đã thường xuyên tham mưu, đề xuất với cấp ủy chi bộ những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên; nắm và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đoàn viên. Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn cơ sở, Phạm Đại Nghĩa đã tích cực hướng dẫn các chi đoàn tổ chức hội thi kỹ năng công tác đoàn và phong trào thanh niên, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, diễn đàn, mạn đàm, trao đổi, bình báo tường…, tạo không khí và môi trường sinh hoạt lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-9
Trung úy QNCN Phạm Đại Nghĩa

Thượng sĩ Đào Ngọc Lâm (Lớp GV10, Trường Đại học Chính trị) cho biết: “Nghĩa không chỉ là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động, phong trào thanh niên, mà còn là một tấm gương trong học tập và rèn luyện. 4 năm liền, Nghĩa đạt danh hiệu học viên giỏi. Cậu ấy cũng tích cực tham gia hội thi Ô-lim-pích các môn lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đạt giải nhất cấp tiểu đoàn, giải ba cấp nhà trường năm học 2012-2013…”.

Đồng đội của Phạm Đại Nghĩa còn thấy rõ ở anh niềm say mê nghiên cứu khoa học. Bằng chứng là Nghĩa làm chủ nhiệm 3 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải nhất tuổi trẻ sáng tạo cấp nhà trường, có 1 công trình đạt giải khuyến khích cấp toàn quân năm 2013-2014.

27 tuổi, Phạm Đại Nghĩa khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa nể phục với những thành tích: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 4 năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 4 năm liền đạt danh hiệu Gương mặt thanh niên tiêu biểu cấp trường…

* Hết mình vì màu cờ sắc áo

Đại úy QNCN Nguyễn Thị Kim Hoàng (vận động viên vovinam Trung tâm thể dục thể thao Quốc phòng 2, Bộ Tham mưu Quân khu 7) sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống về thể thao. Đến với môn võ vovinam từ năm 2006, Kim Hoàng chỉ nghĩ là để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, từ cái duyên với võ, chị đã không ngừng tiến bộ và được tham gia thi đấu chuyên nghiệp năm 2007 cho đội tuyển Tiền Giang. Tháng 1-2010 là bước ngoặt trong cuộc đời khi chị được gia nhập vào môi trường quân đội. Và từ đây, dưới sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự dìu dắt chỉ bảo của các huấn luyện viên và nỗ lực không ngừng của bản thân, Kim Hoàng đã gặt hái được những thành công trên con đường thi đấu thể thao của mình.

guong-mat-tre-toan-quan-2015-10
Đại úy QNCN Nguyễn Thị Kim Hoàng

Thành tích đầu tiên mà Kim Hoàng đem về cho thể thao quân đội là tấm Huy chương vàng tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2010. Sau đó, chị được gọi vào đội tuyển Việt Nam năm 2011. Ngay lần đầu thi đấu trong đội hình quốc gia, Kim Hoàng đã được đứng trên bục vinh quang với 2 Huy chương vàng tại Giải vô địch thế giới lần thứ hai và Giải vô địch Đông Nam Á năm 2011. Niềm vui đó chưa được lâu thì nỗi buồn đến với cô gái trẻ bởi chỉ giành Huy chương bạc Giải vô địch quốc gia năm 2011, trong khi bản thân là đương kim vô địch thế giới và Đông Nam Á. Kim Hoàng thổ lộ: “Lúc đó, tôi, các huấn luyện viên và đồng đội thật sự thất vọng. Dường như tinh thần tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi chán nản mọi thứ xung quanh mình, nhưng cũng nhờ thất bại đó mà tôi có thêm nhiều kinh nghiệm cho giải năm sau. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn nữa và cuối cùng mọi nỗ lực của tôi được đền đáp. Tôi giành Huy chương vàng Giải vô địch quốc gia năm 2012. Một lần nữa, tôi được gọi vào đội tuyển Việt Nam và bảo vệ thành công Huy chương vàng tại Giải vô địch Đông Nam Á, Giải vô địch thế giới năm 2013 và giành Huy chương vàng Sea Game 27 năm 2013”.

Trong năm 2014, Kim Hoàng tiếp tục giữ vững thành tích của mình với Huy chương Vàng Đông Nam Á, Huy chương vàng Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc.

Những nỗ lực cố gắng của Kim Hoàng được các cấp ghi nhận: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Trung ương Đoàn, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Liên tục 4 năm (2011-2014), Kim Hoàng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô gái trẻ quê Tiền Giang chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện bản thân, giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được, góp phần vào thành tích chung của quân đội và nước nhà”./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: