Đồng hành cùng lịch sử, mối quan hệ truyền thống này được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người dân hai nước.

Tháng 9/1960, trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong công cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hoà bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương, nhân dân Việt Nam ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào hiện nay nhằm chống đế quốc Mỹ, nhằm đưa nước Lào lên con đường hoà hợp dân tộc, độc lập, thống nhất và hoà bình trung lập. Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào, được xây dựng và phát triển tốt”.

Năm 1963, trong lời chào mừng tại buổi đón tiếp vua Lào Xrixavang Vatthana, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào: “Ngày nay, hai nước chúng ta đã độc lập. Chúng ta có đủ mọi điều kiện để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta và các nước bầu bạn khác, để giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng đất nước phồn thịnh và cải thiện đời sống của nhân dân chúng ta. Ngày nay chúng ta dễ dàng đi lại thăm viếng lẫn nhau: Bấy lâu cách trở sơn hà/Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau”.

Lào - Việt Nam là hai nước láng giềng, có mối quan hệ gắn bó với nhau từ lâu đời, cùng đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và mối quan hệ khăng khít với nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi và đồng cam cộng khổ với nhau liên tục bền chặt trong suốt thời gian qua và đến tận ngày nay.

Có thể nói, từ khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962) và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977), mối quan hệ hữu nghị đặc biệt ngày càng được củng cố và phát triển. Bởi, đó chính là những cơ sở pháp lý, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị lớn lao, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước của Việt Nam và Lào; góp phần củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc cũng như mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về an ninh quốc phòng của mỗi nước. 

huu-nghi-viet-lao-ky2
Các cựu chiến binh tặng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Xuphanuvông cho lãnh đạo
Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản. Ảnh: Quốc Khánh/ VOV

Xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là từ khi Việt Nam và Lào thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, trước nhiều biến động, khó khăn và thách thức của tình hình thế giới và khu vực, với truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng được tăng cường, mở rộng từ Trung ương đến địa phương và giữa các tỉnh của hai nước.

Từ quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc, mối quan hệ Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và Người cùng đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã phát triển thành quan hệ hữu nghị đặc biệt.

Mối tình đoàn kết keo sơn, gắn bó ấy được xây dựng trên nền tảng lòng yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung và niềm tin về lòng chân thành của hai dân tộc Việt Nam và Lào đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của mỗi nước ở từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.

Tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn được thấu triệt và thực hiện trên hành trình đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển của mỗi quốc gia, in đậm những mốc son về tình nghĩa ruột thịt, thủy chung, nương tựa lẫn nhau, sống chết có nhau như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Đồng hành cùng lịch sử, mối quan hệ truyền thống này được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người dân hai nước, mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững là sự nghiệp lâu dài, bền vững của hai Đảng, hai dân tộc và nhân dân hai nước; là nguồn sức mạnh vô tận của cách mạng Việt Nam, Lào trong sự nghiệp cách mạng; là di sản văn hóa của hai dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai nước Việt Nam và Lào.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của việc củng cố, tăng cường và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt–Lào, coi đây là lẽ sống, là nghĩa tình trước sau như một, dù gian nguy đến đâu cũng không hề lay chuyển, hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào “nguyện giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào như giữ gìn và bảo vệ con ngươi của mắt mình, quyết tâm cùng với Đảng và Nhà nước Lào anh em, phát triển, làm phong phú và sâu sắc thêm và thúc đẩy mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu, coi đây là tài sản thiêng liêng vô giá được trao truyền lại mãi cho các thế hệ mai sau”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi điều kiện khu vực và quốc tế có nhiều biến đổi phức tạp, nhiều thách thức với kinh tế thị trường và hội nhập, để xây dựng dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam và Lào, hơn bao giờ hết, cần tiếp tục củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Đó không chỉ là yêu cầu của lịch sử, là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước trước vận mệnh của cả hai dân tộc, nhằm phát triển tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam lên tầm cao mới, không để cho các thế lực phản động phá hoại mối quan hệ này. Đó còn nhằm đáp ứng nguyện vọng, mục đích chung của nhân dân hai nước trên con đường xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam và Lào theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

TS. Văn Thị Thanh Mai (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Theo Vietnamnet.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: