Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Có hiệu lực từ ngày 01/4/2015.
Theo Nghị định mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.220.000 đồng lên thành 1.318.000 đồng.
- Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công cách mạng chia làm 3 loại:
+ Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công cách mạng, gồm mức trợ cấp hằng tháng cao nhất là 3.954.000đ, thấp nhất là 661.000đ; mức trợ cấp hằng năm cao nhất là 500.000đ, thấp nhất là 200.000đ; Mức trợ cấp ưu đãi một lần cao nhất là 20 lần mức chuẩn.
+ Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương bình, cao nhất là 4.226.000đ, thấp nhất là 888.000đ.
+ Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B, cao nhất 3.496.000đ, thấp nhất là 733.000đ.
Các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi nêu trên được thực hiện từ ngày 01/01/2015 và thay thế cho các chính sách ưu đãi tại Nghị định 101/2013/NĐ-CP.
Thông tư 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2015.
Thông tư yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ ATM trang bị hệ thống báo động cho ATM nhằm phòng chống mở cửa, di dời và đập phá máy trái phép.
Theo đó, các thiết bị báo động ngoài việc phát tín hiệu báo động tại chỗ, phải gửi cảnh báo về trung tâm giám sát.
Đồng thời, trang bị thiết bị cảm biến cho ATM đặt bên ngoài để cảnh báo tác động nhiệt từ các thiết bị khò hàn và nhận biết các lực tác động với cường độ lớn hoặc liên tục từ bên ngoài lên thân vỏ máy.
Ngoài ra, Thông tư còn đưa ra các quy định về két đựng tiền của máy ATM, cụ thể:
- Phải làm bằng vật liệu chịu được lực tác động lớn, chống ăn mòn, tản nhiệt nhanh hoặc hấp thụ nhiệt chậm;
- Trang bị ít nhất hai khóa, do hai người nắm giữ.
Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 4 năm 2015.
Theo đó, mức tiền lương tăng thêm hàng tháng được tính theo công thức sau:
Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = [Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức danh] x [mức lương cơ sở 1,150,000 đồng] x [8%]
Ngoài việc quy định cụ thể 11 đối tượng thuộc diện được tăng lương, Nghị định cũng quy định 3 nhóm đối tượng không thuộc diện được tăng lương:
- Người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng hệ số tiền lương tăng thêm hàng tháng bằng hoặc cao hơn 0,08 so với mức lương cơ sở.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hưởng phụ cấp hàng tháng theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ thuộc Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn thuộc Công an nhân dân hưởng phụ cấp quân hàm.
Việc tăng lương này áp dụng từ ngày 01/01/2015, tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các loại phụ cấp lương.
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 06/4/2015 thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định có một số nội dung mới như sau:
1. Nghị định phân loại đơn vị sự nghiệp công lập gồm 4 loại, cụ thể:
- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
- Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của đơn vị.
2. Nghị định quy định việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính trên nguyên tắc các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao để khuyến khích các đơn vị tăng thu, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.
3. Nghị định quy định giá, phí dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN thực hiện theo cơ chế thị trường; riêng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại các cơ sở của Nhà nước thực hiện theo pháp luật về giá.
- Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Phí dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục thu phí thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/1015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2015 thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ; Nghị định số 04/2012/NĐ-CP; Điều 4 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP; các quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP.
- Theo Nghị định quy định có 6 bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao, gồm:
1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa VN; xuyên tạc lịch sử của dân tộc VN; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ.
Nghị định 14/2015/NĐ-CP ngày 13/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2015; thay thế Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Theo Nghị định có 7 đối tượng sau đây được miễn, giảm giá vé tàu hỏa:
1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945.
2. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa ngày 19/08/1945.
3. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
4. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
5. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
6. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.
Kim Yến (Tổng hợp)