Chỉ tính riêng từ tháng 6-1967 đến 3-1973, Nhà tù Phú Quốc do Mỹ - Ngụy quản lý đã giam giữ khoảng 40.000 chiến sĩ cách mạng. Trong đó, 4000 người đã chết, hàng chục nghìn người bị tàn phế và từng được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”. Thế nhưng, vượt lên những đòn tra tấn tàn khốc, những chiến sĩ cộng sản nơi đây đã xây dựng được một tổ chức Đảng rộng khắp, lãnh đạo phong trào đấu tranh chống lại kẻ thù.

xay-dang-dang-trong-trai-giam-phu-quoc-1
Những phân khu tại Trại giam tù binh Phú Quốc

Khi tổ chức Đảng tại Phú Quốc chưa được thành lập, những chiến sĩ tù đày nơi đây, mỗi lúc bị bắt giải đi, thường cảm thấy thiếu chỗ dựa, thiếu sự hỗ trợ từ đồng đội. Trong khi đó, ở trại, mấy trăm người trong mỗi phân khu là một lực lượng lớn, có sức mạnh nhất định, có thể giành được thắng lợi nếu biết tổ chức đấu tranh chống lại những âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.

Do vậy, trong tù, những người bị khủng bố dễ dàng nhận thấy sự cần thiết phải tập hợp nhau lại thành một khối thống nhất do một tổ chức kiên cường, trung thành với sự nghiệp của quần chúng lãnh đạo. Và, tổ chức đó không ai khác là Đảng Lao động Việt Nam, sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những đảng viên Cộng sản ở Trại giam Phú Quốc hiểu rõ điều đó nên khi vừa bước vào phân khu giam liền nhanh chóng tìm hiểu nhau, tập hợp lại, tổ chức thành chi bộ, đảng bộ và đặt kế hoạch tập hợp, giáo dục quần chúng để chuẩn bị đấu tranh với những mục tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình từng nơi, từng lúc.

Mục tiêu của việc tổ chức Đảng trong trại giam là để lãnh đạo quần chúng bảo vệ quyền lợi tinh thần và vật chất của tù binh, bảo vệ lực lượng cách mạng trước sự tấn công ác liệt của kẻ thù, để khi trở về anh em còn có đủ điều kiện tiếp tục cuộc chiến đấu chính nghĩa của mình.

xay-dang-dang-trong-trai-giam-phu-quoc-2
Dưới sự lãnh đạo của các Đảng ủy, nhiều cuộc đấu tranh của tù binh tại Trại giam tù binh
Phú Quốc đã giành được thắng lợi. Ảnh: Ngọc Trâm

Do các phân khu giam ở cách ly nhau, tù binh chỉ quan hệ được với nhau trong từng phân khu. Các đảng bộ cũng được tổ chức riêng trong từng phân khu chứ không có quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo với các phân khu khác. Vì thế, không có một ban lãnh đạo hoặc một cán bộ lãnh đạo chung tất cả các đảng bộ trong Trại giam tù binh Phú Quốc và cũng không có quan hệ với các đảng bộ bên ngoài.

Các cán bộ, đảng viên cộng sản, khi ở ngoài đời, đã được giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng nên hiểu nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Trước hết, anh em chỉ tập hợp những người đã là đảng viên. Tuy nhiên, không phải tất cả đảng viên đều được tập hợp ngay vào tổ chức Đảng mà phải qua một cuộc tìm hiểu xác minh lý lịch với các tiêu chuẩn: 1. Trước khi bị bắt là cán bộ cấp gì, ở địa phương nào, đơn vị nào? 2. Bị địch bắt trong trường hợp nào, khi bị thẩm vấn có khai báo gây thiệt hại cho cách mạng không? 3. Khi vào trại giam có tham gia đấu tranh chống địch không hay cầu an bảo mạng, chịu sự khống chế của địch? 4. Quan hệ trong tù minh bạch. 5. Đoàn kết, hòa mình với tập thể, quan tâm tới lợi ích của quần chúng, gương mẫu trong đấu tranh, được quần chúng tin tưởng.

Đảng viên nào đạt được các tiêu chuẩn trên mới được tập hợp vào tổ chức Đảng. Việc xác minh cũng rất thận trọng nhằm tránh tập hợp nhầm những kẻ đầu hàng, những tay chân của địch cài vào, hay những người có khả năng phản bội khi bị khủng bố ác liệt.

Việc tập hợp thành các tổ chức Đảng trong phân khu giam có nhiều phức tạp, phải có nhiều thời gian để tìm hiểu, thử thách. Tuy nhiên, nhờ có nhiều người biết nhau từ ngoài đời, biết được trường hợp bị địch bắt, đã từng liên lạc hoặc tập hợp thành tổ chức Đảng ở các trại giam vùng chiến thuật chuyển đến nên việc hình thành tổ chức Đảng ở Phú Quốc khá thuận lợi.

Tiêu chuẩn số một của những đảng viên trong các cơ sở Đảng tại Phú Quốc là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, thể hiện ở tinh thần đấu tranh chống địch, nhất là việc cưỡng ép chiêu hồi. Người được bầu vào cấp ủy chi bộ hoặc Đảng ủy không nhất thiết là người có cấp bậc cao hơn ở ngoài đời mà là người đạt ở mức độ cao tiêu chuẩn số một.

Căn cứ vào Điều lệ Đảng, tổ chức Đảng trong Trại giam Phú Quốc cũng tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ với nội dung chính là cá nhân phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng bộ phục tùng Đảng ủy của phân khu.

Cấp ủy chi bộ do anh em bí mật cử ra. Đảng ủy do các bí thư chi bộ bí mật cử. Tuy nhiên, những lúc khó khăn, Đảng ủy có thể chỉ định một cấp ủy chi bộ lâm thời, đợi đến khi tình hình ổn định sẽ cử chính thức. Việc thành lập Đảng ủy nhiều khi cũng tùy cơ ứng biến. Nếu đến một phân khu hoàn toàn mới lạ với nhau, những đảng viên năng nổ phải đứng ra tập hợp một số đảng viên, hình thành một Đảng ủy lâm thời, phân công nhau phụ trách các mặt công tác, tạm thời lãnh đạo trong phân khu cho đến khi tập hợp được nhiều đảng viên, hình thành các chi bộ rồi mới tổ chức cử Đảng ủy.

Những chủ trương lãnh đạo sinh hoạt trong phân khu hoặc đấu tranh với địch đều được bàn bạc và thông qua theo đa số. Các nghị quyết của Đảng ủy được đảng viên lãnh đạo quần chúng chấp hành tốt. Ngay như nghị quyết dùng bạo lực đánh trả địch, diệt bọn trật tự, đánh bắt quân cảnh làm con tin… cũng được thực hiện đầy đủ. Nhờ vậy, tránh bớt được những việc làm manh động, gây thiệt hại cho lực lượng tù binh.

Việc sinh hoạt Đảng trong Trại giam Phú Quốc luôn được chấp hành nghiêm túc. Tổ Đảng nửa tháng họp một lần. Chi ủy và Đảng ủy mỗi tháng họp một lần. Ngoài ra, giữa các cấp ủy còn thường xuyên hội ý với nhau về tình hình trong phân khu để có chủ trương đấu tranh kịp thời. Trong một phân khu có thể có nhiều chi bộ nhưng chi bộ nào chỉ có thể biết đảng viên trong chi bộ đó. Lúc đảng viên họp thực ra là ngồi tụm nhau ở một góc nhà giả đánh cờ hay đi ra ngoài hàng rào giả vờ đi tiểu để hội ý chớp nhoáng. Chỉ có bí thư chi bộ mới biết ai là Bí thư Đảng ủy. Người giữ chức Bí thư Đảng ủy thường không để lộ diện trong các cuộc đấu tranh hay sự kiện nào. Nội dung các buổi sinh hoạt khá phong phú, bao gồm: Kiểm điểm những công việc đã qua, thông báo tình hình mà ta nắm được, nhận định âm mưu và thủ đoạn sắp tới của địch, bàn công việc cần thi hành, phân công theo dõi, giáo dục quần chúng…

Trọng tâm của những buổi sinh hoạt, cũng như công tác của Đảng ủy, Chi ủy và tổ Đảng là công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đảng viên và quần chúng nhằm giữ vững lòng yêu nước, yêu lý tưởng, nêu cao tinh thần đấu tranh, đòi cải thiện cuộc sống, chống khủng bố, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Địch biết rõ các cuộc đấu tranh trong các phân khu đều do sự lãnh đạo của Đảng ủy phân khu, của những cán bộ có tầm hiểu biết. Muốn dẹp được phong trào đấu tranh của tù binh phải phá rã các Đảng ủy, phải diệt những cán bộ lãnh đạo hoặc cách ly với tù binh. Chúng thường xuyên chuyển đổi phân khu, cài mật báo để tìm người lãnh đạo, bắt những người nghi ngờ đưa vào các biệt giam. Hơn thế, để truy tìm Đảng ủy và các cán bộ lãnh đạo, địch bắt nhiều anh em đưa ra phòng giám thị hoặc ban an ninh đánh đập hết sức dã man. Đa số anh em dũng cảm chịu đựng. Nhiều người bị chúng đánh "chết đi sống lại" nhưng vẫn không khai...

Cùng với việc xây dựng các tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng và Đoàn Thanh niên Lao động cũng được tổ chức. Đoàn đóng vai trò rất tích cực trong đấu tranh trực diện với địch, trong việc diệt ác, cũng như trong công tác bảo vệ tổ chức Đảng. Khi diệt bọn trật tự và mật báo, một số đoàn viên trung kiên, cùng một số đảng viên đứng ra nhận trách nhiệm trước địch, chịu sự đánh đập, tra khảo. Nhiều đoàn viên bị địch bắt đem đi đánh đập hết sức dã man để truy tìm tổ chức Đảng, nhưng anh em dũng cảm chịu đựng, không khai báo. Có người bị chúng đánh chết ngay trên bàn tra tấn.

Ngoài ra, ở các phân khu còn xây dựng những tổ chức trung kiên, gồm những người tốt ngoài Đảng, tổ chức đồng hương từng tỉnh với mục đích làm cho tất cả mọi người trong phân khu giam đều được tập hợp vào tổ chức, làm cho anh em có chỗ dựa về tinh thần, đồng thời thông qua đó giáo dục, động viên lòng yêu nước, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng để cùng nhau sát cánh chiến đấu chống quân thù./.

NGUYỄN DUY LINH (Theo hồi ký của ông Trần Văn Kiêm, nguyên tù binh tại Trại giam tù binh Phú Quốc)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: