Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người khai sinh ra nền thể dục, thể thao cách mạng ở nước ta ngay từ những ngày đầu chính quyền nhân dân còn trong trứng nước với tâm niệm phát triển văn hóa giáo dục, y tế, thể dục thể thao là những biểu hiện sinh động cho bộ mặt của đất nước, trình độ văn minh của một quốc gia và tính ưu việt của một chế độ xã hội.
Ngày 30 tháng Giêng năm 1946, chỉ gần 5 tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Người đã ký Sắc lệnh số 14 về việc thành lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Tiếp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày ký Sắc lệnh 38, Người viết bài “Sức khoẻ và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc. Đây là Lời kêu gọi đầu tiên toàn dân tập thể dục của Người dưới chế độ mới. Người viết:
“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Bác Hồ tập thể dục (Ảnh tư liệu)
Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào “Khỏe vì nước” sôi nổi. Phong trào này thực chất là bước đầu của nền thể dục thể thao mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Trước và sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong kháng chiến và sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp nói chuyện, chỉ bảo, khuyến khích các cán bộ, chiến sỹ quân đội, tự vệ tập luyện thể dục, thể thao. Người còn hướng dẫn, sửa chữa những động tác sai trong khi tập thể dục, luyện võ thuật cho nhiều cán bộ chiến sỹ quân đội. Tấm gương rèn luyện thân thể được các đoàn quân trên đường hành quân ra chiến trường noi theo: “Ngọn Tây Phong Lĩnh Bác trèo; Để nay có núi có đèo con qua”.
Bên cạnh đó, Bác còn chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong Quân đội, làm cho Quân đội chúng ta có thể chất khoẻ, tinh thần khoẻ để làm tròn mọi nhiệm vụ”. Chủ trương này thể hiện một quan điểm sâu sắc của Hồ Chí Minh về sức khoẻ thể chất và tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ quân đội là nhân tố có tính quyết định làm tròn mọi nhiệm vụ. Để có được sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần, cán bộ chiễn sỹ phải tập luyện thể dục thể thao.
Bác Hồ tập võ rèn luyện sức khỏe ( Ảnh tư liệu)
Bác cũng chỉ ra thể dục thể thao phải gắn với quần chúng. Theo từ điển tiếng Việt, “quần chúng” là mọi người trong xã hội. Như vậy thể dục thể thao quần chúng chính là thể dục thể thao cho mọi người, mọi nguồn nhân lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Nhân dân có sức khoẻ thì mọi công việc đều làm được tốt.” Người khuyến khích “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Chúng ta nên phát triển phong trào thể dục thể thao rộng khắp”. Đó là những quan điểm chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thể dục thể thao quần chúng, thể thao cho mọi người.
Trong quần chúng, có một bộ phận rất lớn, rất quan trọng, đó là nguồn nhân lực đang và sẽ tham gia thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”. Nguồn lực con người như nông dân, công nhân, chuyên viên kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ... là trung tâm của sự phát triển. Nguồn nhân lực này không chỉ cần đông đảo mà đòi hỏi phải có chất lượng cao. Một trong những yếu tố cơ bản cấu thành chất lượng cao của nguồn nhân lực là sức khoẻ của mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng sức khoẻ của nguồn nhân lực này. Để giữ gìn và tăng cường sức khoẻ cho họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên bảo họ tích cực tập thể dục thể thao. Người viết: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khoẻ thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao.” Từ quan điểm này, Người chủ trương phát triển thể dục thể thao khắp mọi miền, mọi vùng của đất nước.
Đối với ngành thể dục thể thao của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Phong trào và thành tích thể thao của thế giới phát triển mạnh, Việt Nam ta hãy cố gắng tiến kịp”. Người mong muốn ở đây là thể thao thành tích cao của Việt Nam phải được phát triển mạnh mẽ, tiến tới giành được những thành tích tốt, những tấm huy chương cao quý trên các đấu trường quốc tế: “Bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Bác Hồ và các vận động viên năm 1966 (Ảnh tư liệu)
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh rất coi trọng những giá trị đạo đức và nhân văn trong thể thao thành tích cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người chống lại mọi thứ bạo lực trong thể thao”, vì có hại đến sức khoẻ, sinh mệnh của vận động viên. Người nhắc nhở vận động viên Việt Nam rằng: “Các cháu đừng vì thắng lợi mà kiêu căng, tự mãn” và căn dặn: “Các cháu luôn luôn nhớ phải khiêm tốn học tập cái hay, cái giỏi của các bạn. Trong thi đấu thắng không kiêu, bại không nản, thế mới là vận động viên tốt”.
Đấu trường thể thao còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận là dịp để tăng cường sự bình đẳng dân tộc, chủng tộc và đoàn kết giữa các dân tộc với nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.
Đối với cán bộ ngành thể dục thể thao, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cán bộ thể dục thể thao phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác”. Rõ ràng đây là một quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh coi trọng công tác thể dục thể thao và coi trọng cán bộ thể dục, thể thao.
Đã 69 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho ngành Thể thao Việt Nam 27/3/1946 – 27/3/2015 và 24 năm từ ngày 29/01/1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam” tuy nhiên những tư tưởng và tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là kim chỉ nan cho ngành Thể thao nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong việc tích cực luyện tập, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện xứng với lời dạy “Dân cường thì nước thịnh” của Bác./.
Tú Anh
(Tổng hợp)