hoat-dong-cua-bac-o-pac-po-1
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

Khu Di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách thành phố Cao Bằng 56km về phía Tây, đây là nơi ở và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1941- 1945, chính vì tầm quan trọng của Khu Di tích, Pác Bó đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Trong những năm 1930- 1940, phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập thì chỉ hai tháng sau đó ở Cao Bằng đã có chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại xóm Nặm Lìn - xã Hoàng Tung - huyện Hòa An. Tiếp sau đó các chi bộ Đảng ở các địa phương khác liên tiếp được ra đời, và trong thời gian này, Cao Bằng đa xuất hiện những người con ưu tú như: Đồng chí Hoàng Đình Giong (đây là người chiến sỹ cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng), Dương Đại Lâm, Hoàng La Thanh...

Cuối năm 1940, Trung ương Đảng đã cử các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên sang Trung Quốc để báo cáo tình hình cách mạng trong nước và đón Bác về nước. Qua báo cáo, Bác thấy Cao Bằng là một tỉnh có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, lại có vị trí địa lí thuận lợi, nên Người đã quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về Tổ Quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Trưa ngày 28/1/1941, Bác cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc, và Đào Thế An đã vượt qua cột mốc 108 biên giới Việt – Trung trở về nước, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Khi đến đây, Người đa đứng lặng đi vì xúc động, ngắm nhìn cảnh vật quê hương sau 30 năm xa cách. Cảm xúc trước sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác ra những vần thơ:

Ôi sáng Xuân nay Xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...

Bác đã về đây, Tổ Quốc ơi!

Nhớ thương hòn đất ấm hơi người

Ba mươi năm ấy chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi...

                                   Tố Hữu

Hành trang của Người khi về nước chỉ vỏn vẹn có chiếc va li mây, bên trong có đựng chiếc máy chữ và một số tài liệu quan trọng khác, trong đó có chiếc lá cờ đỏ sao vàng, sau này được sử dụng trong hội nghị Trung Ương 8 tháng 5/1941 tại Lán Khuổi Nặm. Trong những ngày đầu về nước, Bác cùng các đồng chí cán bộ cách mạng ở tại nhà ông Lý Quốc Súng. Đây là một gia đình người Việt gốc Hoa, sống cách hang Cốc Bó khoảng 100m, sau đó vài ngày do điều kiện nhà ở trật trội, nên Bác đề nghị các đồng chí chuyển sang nơi khác ở, và đến ngày 8/2/1941 Bác chuyển đến hang Cốc Bó (Cốc Bó theo tiếng Tày Nùng ở Cao Bằng có nghĩa là đầu nguồn), đây là một cái hang nhỏ, ở lưng chừng núi, lòng hang không rộng lắm, chỉ đủ để Bác kê chiếc giường và một số vật dụng khác.

Trong thời gian sống và làm việc tại đây, cuộc sống của người vô cùng gian khổ, bữa ăn chỉ có cháo bẹ, rau rừng, khi ốm đau hái lá cây rừng làm thuốc, thỉnh thoảng có thời gian rỗi, Bác ra bờ suối câu cá để cải thiện bữa ăn. Người đã dùng than củi để viết lên vách hang dòng chữ bằng chữ Hán để đánh dấu ngày Bác chuyển từ nhà ông Súng sang bên hang Cốc Bó: 一九四一年二月八日(nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật)tức ngày mùng 8 tháng 2 năm 1941. Trong hang có các khối nhũ đá tự nhiên rất đẹp, Người đa dùng một khối nhũ đá cao trong hang rồi tự tay mình tạc thành tượng Các Mác để tưởng nhớ tới vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Vô sản Thế Giới.

hoat-dong-cua-bac-o-pac-po-2
Hang Cốc Bó nơi Người nghỉ ngơi và làm việc

Pác Bó nơi dòng suối xanh trong mát rượi, có ngọn núi cao soi mình bên dòng suối, Bác đặt tên cho dòng suối là Lê Nin, và ngọn núi cao đó là núi Các Mác. Hàng ngày, Bác thường xuống đầu nguồn bên bờ suối Lê Nin, bên chiếc Bàn Đá làm việc. Chiếc bàn đá do các đồng chí phục vụ đã kê cho Bác bằng một phiến đá to bên bờ suối.  Mặc dù cuộc sống rất gian khổ, nhưng Bác vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Tinh thần lạc quan đó được thể hiện qua những vần thơ:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

                 Nguyễn Ái Quốc 2/1941

Tháng 8/1998, anh John Kennedy, con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy, lúc ấy phụ trách tờ báo George ở Washington lên thăm Pác Bó, đã nghỉ lại đây một đêm, sau đó anh ta có nói “Tôi thật không thể hiểu được tại sao trong một cái hang nhỏ hẹp, ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh có thể nghĩ ra cả một kế hoạch lâu dài để giành lại đất nước”. Bác sống trong hang Cốc Bó khoảng hơn một tháng, sau đó để đảm bảo bí mật nên các đồng chí cùng người dân Pác Bó đã dựng cho Bác một chiếc lán cách hang Cốc Bó khoảng 1km bên dòng Khuổi Nặm và đến cuối tháng 3/1941 Người chuyển sang ở bên lán Khuổi Nặm.

Tại Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra nhiều chủ trương và quyết định quan trọng chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chủ trì Hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ 8 tại Lán Khuổi Nặm - Pác Bó từ ngày 10 đến 19/ 5/ 1941, Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược và sách lược của Cách mạng Việt Nam, bầu ra ban chấp hành Trung Ương Đảng và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng, hội nghị đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, sáng lập ra Báo Việt Nam Độc lập. Ngày 1/4/1941 Báo Việt Nam Độc lập được ra đời, số đầu tiên mang mã số 101.

Cuối tháng 3/1942 Bác từ Pác Bó chuyển sang Khu căn cứ địa Lam Sơn, thuộc huyện Hòa An, tại đây Người đa mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ ta, và còn mở rộng ra các huyện Nguyên Bình và một số vùng khác, vì thế tại Cao Bằng thời điểm đó phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ.

Đến tháng 8/1942, Bác Hồ lấy tên là Hồ Chí Minh (tên Hồ Chí Minh bắt đầu được Bác dùng từ ngày đó), từ Lam Sơn về Pác Bó, rồi sang Trung Quốc gặp chính quyền Tưởng Giới Thạch, bàn về mối quan hệ giữa hai nước trong công cuộc chống Nhật. Không may khi đến Thôn Túc Vinh, (Huyện Đức Bảo - Quảng Tây) Người bị chính quyền địa hương Tưởng Giới Thạch bắt giữ chúng giải Bác đi khắp 31 nhà lao của 13 huyện thị thuộc Quảng Tây - Trung Quốc. Tập thơ “Ngục trung nhật ký” tức Nhật ký trong tù đã ra đời trong thời gian này. Mặc dù sống trong chế độ hà khắc của nhà tù, nhưng Người vẫn luôn luôn lạc quan, ngày đêm nhớ về Tổ Quốc, hướng về quê hương.

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao”

           “Trích trong Nhật ký trong tù”

Sau hơn 1 năm giam giữ, chúng không khai thác được gì, buộc phải trả lại tự do cho Bác ở Liễu Châu vào ngay27/ 9/1943, khi được trả lại tự do, Người lại trở về Pác Bó. Và tại Nà Sác - Hà Quảng, Người ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc Tam Kim - Nguyên Bình - Cao Bằng). Đội gồm có 34 chiến sỹ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy, trong 34 chiến sỹ đó có 28 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng.

Tháng 5/1945, Bác đã dời Pác Bó sang Tân Trào -Tuyên Quang để chuẩn bị Đại hội Quốc Dân, và phát lệnh Tổng khởi nghĩa kháng chiến. Hành trình của Người từ Pác Bó sang Tân Trào đa phải đi bộ hơn 400km đường rừng núi. Đến ngày 21/5/1945 Bác đã đến Tân Trào - Tuyên Quang.

Tháng 2/1961, Bác giành thời gian lên thăm lại Pác Bó. Hình ảnh vị Bác kính yêu trong trang phục giản dị, ân cần thăm hỏi các cụ già, em nhỏ bằng thứ tiếng của người dân tộc Nùng, đây là tiếng của người dân Pác Bó, Bác đã học được từ khi còn hoạt động ở Pác Bó đa làm xúc động biết bao nhiêu người.

Ngày nay, khi nhắc đến Hang Cốc Bó, Suối Lê Nin, Núi Các Mác, Lán Khuổi Nặm... người dân Việt Nam đều nhớ đến Pác Bó - Cao Bằng, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam, cùng với một quãng đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời Bác từng nói: “Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi”. Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai, Cao Bằng sẽ phát triển hơn về mọi lĩnh vực để xứng đáng với niềm tin mà Bác đã giành cho Cao Bằng. “...Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xa hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc...” Trích: Bài nói chuyện của Bác với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng ngày 21/2/1961./.

Tác giả bài viết: T- Trang
Theo dulichcaobang.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: