Đối với riêng tôi, những năm tháng ngồi ghế nhà trường luôn là một cuốn phim với nhiều hình ảnh sống động và khó quên nhất của cuộc đời. Những “tập phim” mà đôi lúc ngồi nhớ lại, tôi cảm thấy sao mà trân trọng và quý giá vô cùng. Hiện trong cuốn phim mà tôi còn lưu giữ luôn có hình ảnh của Bác.

Tôi không thể nào quên một “đoạn phim ngắn” về hình ảnh đôi bàn tay của anh Thành chìa ra và trả lời với anh Lê khi được hỏi rằng lấy đâu ra tiền để đi ra nước ngoài: “Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Câu chuyện kể trong sách giáo khoa năm nào, chỉ vỏn vẹn hơn chục dòng ngắn gọn nhưng phần nào đã giúp cho tôi có bài học về một ý chí kiên định, quả cảm của Bác khi quyết chí ra đi tìm con đường cứu nước.

Bác ra đi với một tình yêu nước cháy bỏng cùng với một tâm thức rằng: Sẽ giúp đồng bào ta thoát khỏi ách nô lệ, ra đi là để học hỏi, để tìm ra một chân lý sáng soi cho đất nước. Sẽ không thuyết phục nếu như chúng ta biết rằng, trong hành trang trước lúc Người khởi hành ra đi từ Bến Nhà Rồng, chỉ hai bàn tay trắng. Để rồi vượt qua muôn trùng đại dương, chấp nhận biết  bao gian khổ và thử thách, với một nghị lực phi thường và niềm tin cháy bỏng nuôi lý tưởng của mình, Bác đã thành công.

Tôi cũng còn nhớ rất rõ về “đoạn phim” với hình ảnh của viên gạch hồng trong bài học “Có những mùa đông”. Tôi nhớ, vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm, Bác để một viên gạch vào bếp lò, tối về Bác lấy viên gạch ra, bọc nó vào một tờ giấy báo cũ, để xuống dưới nệm nằm cho đỡ lạnh. Bác đã vượt qua những ngày tháng gian khổ ở trời Âu như thế. Một bài học về sự vượt khó, quyết tâm đi trên con đường vạn dặm để tìm chân lý cho độc lập, tự do của dân tộc.

Một hành trình viễn du trong suốt 30 năm đã hằn in dấu chân của Bác khắp 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, anh Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Điều kỳ diệu nào đã giúp Bác đi suốt đoạn đường như thế để rồi thành công? Dù cho đáp án của mỗi người mỗi khác nhau nhưng có lẽ tựu trung lại, chính là tinh thần và ý chí của Người.

Và ngày hôm nay, tinh thần và ý chí của anh Nguyễn Tất Thành năm xưa vẫn còn nguyên vẹn khi tinh thần ấy đã hun đúc lý tưởng cho không biết bao nhiêu thế hệ thanh niên luôn luôn sẵn sàng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, xung kích và sáng tạo, dấn thân vào những công trình thanh niên khắp đất nước Việt Nam. Họ chính là những thanh niên luôn đi đầu trong các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, đến với những vùng đất còn nghèo khó, giúp bà con xây nên những căn nhà tình thương, xây dựng những cây cầu kết nối khắp xóm thôn, đắp những con đường dọc khắp làng quê. Những việc làm ấy không chỉ tạo nên nhiều nét nhân văn sâu sắc mà còn là những điểm sáng của thanh niên… Tật tự hào khi nghĩ đến phong trào Mùa hè xanh đã qua tuổi 20, con số tượng trưng cho số tuổi của những thanh niên đang hừng hực khí thế, sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi đến bất kỳ đâu để giúp ích cho đất nước. Vì Bác đã từng định hướng cho tuổi trẻ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt thành công”. Lời dạy của Người là kim chỉ nam cho những thanh niên, những đoàn viên “tay cầm cờ đỏ sao vàng” tiên phong trong mọi mặt trận.

Chợt nghĩ, có phải…

“Viên gạch hồng” của Bác là hiện thân của những viên đá mà thanh niên hôm nay đang xây những cây cầu trong phong trào tình nguyện Mùa hè xanh, xây những căn nhà che chở cho những hộ nghèo của chương trình Nhà nhân ái hay Mái ấm biên cương. Hay đó là những viên đá mà xuyên suốt trong những năm qua, chúng ta đang cùng nhau chung tay “Góp đá xây Trường Sa” góp phần xây dựng nên thành trì vững chãi ở Trường Sa thân yêu. “Viên gạch hồng” đã khơi dậy và vun đắp tình yêu nước, yêu biển đảo quê hương của tuổi trẻ hôm nay.

Chợt nghĩ, có phải…

Đôi bàn tay của Bác là biểu tượng của những đôi bàn tay thanh niên không biết mệt mỏi, không ngại khó khăn đến những vùng miền còn nghèo để phổ cập kiến thức giúp nâng bước cho những học sinh vượt qua mọi khó khăn trên con đường chinh phục tri thức. Vì bởi hơn tất cả thì chỉ có tri thức mới giúp thanh niên thế hệ hôm nay phục vụ đất nước tốt hơn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đôi bàn tay của Bác đã tạo nên sức mạnh cho những đôi tay tuổi 20 tích cực trong hàng trăm việc thiện. Hàng ngày, luôn có những đôi tay tích cực giúp đỡ những trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn không nơi nương tựa. Hay những đôi tay chỉ dẫn cho những thanh niên cái nghề, cái nghiệp, hướng dẫn tạo nghề cho những việc làm cho những thanh niên khác. Còn những đôi tay mang con chữ về làng, vượt rừng núi đến tận thôn bản, xóm làng gần hơn với tri thức; những đôi tay dẫn dắt đồng hành cùng em học sinh phổ thông còn nhiều bỡ ngỡ khi đi thi đại học trong Tiếp sức mùa thi; những đôi tay nâng bước các em trong chương trình Tiếp sức đến trường… Và những đôi tay làm sạch môi trường, tạo không gian trong lành cho cuộc sống; những đôi tay thoăn thoắt phát tờ rơi, ra quân tuyên truyền giao thông, phòng chống tệ nạn… Ôi, kể sao hết những việc làm từ những “đôi bàn tay” đầy nhiệt huyết trong hàng vạn công việc của tuổi trẻ hôm nay.

Thế nên, có thể nói rằng, chính nghị lực, quyết tâm theo lý tưởng mà anh thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn, mà ở đây là kết tinh trong “hình ảnh” của đôi bàn tay và viên gạch hồng, là ngọn lửa hun đúc cho những tinh thần, những lối sống đẹp của lớp lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh hôm nay đã và đang lựa chọn để hướng đến.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà quyển sách giáo khoa bậc Tiểu học lại có những bài học về Bác như thế. Vốn dĩ trẻ thơ như trang giấy trắng, những bài học ẩn chứa trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Người đã giúp nuôi dưỡng cho những thế hệ tương lai có những bài học “khởi đầu” vô cùng quý giá. Lý tưởng của Bác đã bồi dưỡng, cổ vũ hàng chục triệu thanh niên hăng hái sẵn sàng tham gia vào các phong trào hay thi đua lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất và học tập.

Xin cảm ơn Bác, cảm ơn Người - một vị “đạo diễn” tài hoa đã “sắp đặt” cho những thanh niên thế hệ Bác Hồ hôm nay dựng nên những thước phim đẹp cho riêng mình./.

Nguyễn Trường Vũ

Theo Tuyên giáo Đồng Tháp

Khúc Thị Lan Hương

Bài viết khác: