Dù đã trở về cuộc sống đời thường nhưng kí ức của những người lính năm xưa vinh dự từng nhiều năm gắn bó với những chuyến chuyên cơ đưa Bác Hồ đi công tác vẫn còn nguyên mới. Với họ, mỗi câu chuyện, lời hỏi thăm ân cần của Bác là một bài học về tình thương, lẽ sống, cách đối nhân xử thế mà đôi khi trọn đời người mới thấm hết ý nghĩa…

ong Bich a
Đại tá Trần Ngọc Bích thắp nhang lên bàn thờ Bác Hồ

Trên dặm dài đất nước còn đó những người lính Cụ Hồ tóc ngả màu sương, miệt mài nối dài kí ức bằng những câu chuyện bất tận về hình ảnh đẹp của người lính, sự dũng cảm, kiên cường, hy sinh để giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Kí ức khó quên

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở xã Đức An (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), cựu chiến binh Nguyễn Đăng Thường cho biết: “Tôi gắn bó đời lính suốt 30 năm, phần lớn làm công tác trên các chuyến bay. Vinh dự hơn là tôi được ba lần gặp Bác Hồ trên những chuyến bay đưa Người đi công tác”.

Ở vào cái tuổi ngoài 80, trông ông Thường vẫn khỏe mạnh, tinh anh. Chậm rãi rót nước chè xanh - đặc sản của vùng đất Hà Tĩnh - mời khách, ông Thường bắt đầu câu chuyện bằng mốc thời gian cách nay gần 50 năm, đưa chúng tôi hình dung về quá khứ khốc liệt của cuộc chiến. “Người chiến sĩ không quân trên các chuyến phi cơ trong thời chiến cũng gian khổ không kém các đồng đội ngày đêm chiến đấu bám trụ dưới mặt đất hay trên mặt biển. Đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Đời lính có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, nhưng tôi nhớ nhất là ba lần được vinh dự đưa Bác Hồ đi công tác”, ông Thường kể tiếp: “Lần ấy, rạng ngày 25-12-1967, tôi được gặp Bác trên cùng chuyến bay. Hôm đó tôi không tham gia lái chính mà làm phụ lái. Thời điểm lễ Noel nên Mỹ ngừng ném bom. Chuyên cơ đưa Bác đi công tác ở Trung Quốc nhưng do thời tiết xấu nên phải hạ cánh ở Sân bay Nội Bài. Xuống máy bay, Bác lại gần anh em trò chuyện, ân cần hỏi thăm rất gần gũi. Sau khi nắm tình hình địch, kiểm tra an toàn bay, chúng tôi có lệnh cất cánh. Lúc đó tôi được ngồi cạnh Bác, bỗng Bác quay sang ôm thật chặt, rồi nói: “Phi công ta cũng không to cao bằng phi công của các nước khác, không biết các cháu ăn có đủ no không?”. Sự ân cần của Bác làm chúng tôi xúc động và tự nhủ cần nỗ lực hơn. Dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ hơi ấm qua vòng tay Bác”.

Chia tay ông Thường, chúng tôi đến xã Trường Sơn (cùng huyện Đức Thọ) tìm nhà Đại tá Trần Ngọc Bích. Năm nay 86 tuổi, Đại tá Trần Ngọc Bích có 15 năm công tác tại Trung đoàn bay 919. Ở đây, ông có đến 9 năm vinh dự đưa Bác Hồ đi công tác. Ông Bích cho biết, tháng 2-1956, ông được sang Trung Quốc học lái máy bay. Tháng 4-1958, ông tốt nghiệp lớp máy bay ném bom TU2, sau đó chuyển sang học tiếp lớp máy bay vận tải AN2. Tháng 2-1960, ông về nước vào Trung đoàn bay 919 thuộc Quân chủng Phòng không không quân. Ở đây, ngoài việc vận chuyển vũ khí, lương thực, ông có nhiều chuyến bay chuyên chở Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào. Với ông, những kỉ niệm được gặp Bác thật khó quên.

ong Bich b
Cựu chiến binh Trần Đăng Thường cùng vợ xem báo hàng ngày

“Lần đầu tiên tôi làm phụ lái cho cơ trưởng Menlêep (người Liên Xô). Lúc đó lo lắng lắm nhưng Bác động viên “Cháu cố gắng học cho bằng anh bằng em”. Lời Bác chân tình, ấm áp khiến tôi xúc động vô cùng. Sau đó mỗi lần lên máy bay là tôi lại nhớ lời Bác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Bích nói.

Ông Bích vẫn nhớ như in một lần vào năm 1960, Bác đến thăm Trung đoàn 919. Bác hỏi han từng người về công việc và không quên dặn dò chiến sĩ giữ gìn sức khỏe, đoàn kết. Ông Bích chậm rãi kể: “Tôi có nhiều chuyến được đi cùng Bác lắm. Chuyến nào cũng đáng nhớ nhưng có lẽ nhớ nhất là chuyến đưa Bác về thăm đồng bào Tuyên Quang, căn cứ địa cách mạng ở cây đa Tân Trào, năm 1963. Tầm trưa, máy bay đáp xuống Tuyên Quang, Bác tản bộ dọc đồng lúa, đến một con suối, Bác bảo mọi người rửa tay rồi ăn cơm. Lời Bác giản dị, gần gũi như người cha bảo con. Hôm đó, trên chiếc nilon trải rộng, Bác chia từng nắm cơm cho anh em, dặn dò: Các chú ăn cho no, tối ta mới về đến Hà Nội. Với tôi, đó là bữa cơm ngon nhất”.

“Chính tình cảm ấm áp của Bác là nguồn động lực giúp tôi vượt qua mọi thử thách. Đi qua đời lính với nhiều cương vị, từ chiến sĩ trực thăng của Trung đoàn bay 919, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân trực thăng 916; Hiệu phó Trường Sĩ quan chỉ huy không quân, Cục phó Cục Quân huấn…, ở cương vị nào tôi cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Bích trải lòng.

Nối dài kí ức về Bác

Trở về đời thường, những người bộ đội Cụ Hồ năm xưa không một ngày nghỉ ngơi. Bằng cách này hay cách khác họ lại lặng lẽ truyền cho thế hệ trẻ bài học về tình yêu thương, đoàn kết của dân tộc. Cụ thể, ông Thường hay lấy những mẩu chuyện kể về Bác mà ông đã được nghe để kể cho con cháu, các bạn trẻ trong thôn, xã nghe và làm theo. Mỗi ngày, ngôi nhà ông luôn rộn rã tiếng cười nói hạnh phúc. Ông bảo, những câu chuyện cũ nhưng có giá trị vô biên bởi ý nghĩa đời sống không bao giờ cũ.

Sống trong nếp nhà giản dị, ông Bích dành một gian trang trọng nhất để đặt bàn thờ Bác. Ông bảo, đời lính của ông, hạnh phúc nhất là được trực tiếp đưa Bác đi công tác. Bài học của Bác để lại có giá trị bền lâu. Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ lãnh tụ, ông Bích cho biết: “Hàng năm, tôi đều dành thời gian để trò chuyện về Bác cùng các cháu thiếu niên, nhi đồng trong các dịp lễ tết, rằm Trung thu, hoặc dịp hội khuyến học thôn, xã trao học bổng tiếp sức đến trường. Đây là việc làm cần thiết, trách nhiệm của người Bộ đội Cụ Hồ”.

Chúng tôi được biết ông còn dành thời gian để trò chuyện với các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở xã về bài học lịch sử sống động, chân thực trong giờ ngoại khóa. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi thế hệ trẻ ở xã Trường Sơn gọi ông là “Người kể chuyện Bác Hồ”./.

Box thông tin: “Mỗi lần được gặp Bác với tôi là một lần được trực tiếp học những bài học nhân cách, ứng nhân xử thế trân quý ở Người”, Đại tá Trần Ngọc Bích cho biết.

Bài, ảnh: Phan Lệ

Theo http://www.giaoduc.edu.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: