Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
tháng 2/1961 (Ảnh: tư liệu TTXVN)
Phàn 2: Những lời dạy của Bác đối với bộ đội, công an
…Đời sống mới trong bộ đội nên như thế nào?
Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới.
Một là kỷ luật phải cực kỳ nghiêm.
Hai là siêng luyện tập.
Ba là làm cho trong bộ đội ai cũng biết chữ. Trong các bộ đội ta, ít nhất là một phần nửa binh sĩ đã biết chữ. Những người chỉ huy phải tổ chức cho khéo, ngoài những lớp học, giao cho mỗi một người biết chữ phụ trách dạy cho một hay hai người chưa biết, thì trong vài ba tháng, tất cả binh sĩ đều biết chữ.
Bốn là một người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước.
Năm là bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất ... Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng, làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc.
Sáu là tiết kiệm. Tiết kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn. Nhờ thế mà bớt dần nguyên liệu, bớt được công khó rèn đúc, công khó vận tải, đem tài liệu và công phu đó làm việc khác.
Tiết kiệm lương thực và vải vóc, chớ nghĩ rằng cơm ăn áo mặc đã có Chính phủ lo, đã có đồng bào giúp, thì ta không cần tiết kiệm. Bộ đội có hàng mấy vạn người. Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to.
Bảy là vệ sinh Bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh.
Tám là ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu. Hay giúp đỡ dân, giữ đúng kỷ luật thì được như thế.
Chín là đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng.
Bộ đội này thi đua với bộ đội khác làm đời sống mới.
Đời Sống mới, 1947, Sđd, tập 5, tr. 103 -104.
... Tư cách người công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng...
Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v...v. Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn lễ phép. Tránh hách dịch.
Tư cách người công an cách mệnh. 3 -1948, Sđd, tập 5, trang 406 - 407.
Công tác của người tướng là:
1. Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên, phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực.
Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ.
2. Đối với binh sĩ, thì từ lời ăn, tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.
Bộ đội cũng ví như con dao, cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm tập luyện sẽ tiến bộ. Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu.
3. Đối với dân, thì chắc các đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.
4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: "Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức lực mới bắt được". Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại.
Nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ 5, 8-1948, Sđd, tập 5, tr. 480.
Phần 3: Những lời dạy của Bác đối với giai cấp công nhân
Đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng là thế nào?
Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà.
Vậy, đã là người chủ nước nhà, thái độ phải thế nào cho đúng?
Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Công nhân phải hiểu xí nghiệp là của mình, làm chủ nước nhà là nói chung, làm chủ xí nghiệp là nói riêng, xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên.
Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải như thế nào?
Chế độ này của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm.
...Của cải mình lao động ra là của nước nhà, của nhân dân, là của mình, là của công. Nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân, phải bảo vệ của cải ấy. Để bảo vệ của cải chung đó, đối với thói tham ô, lãng phí, ta phải chống lại...
Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ.
Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải là rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu...
...Tóm lại, về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.
Nói chuyện ở Trường Cán bộ Công đoàn. 19- 1- 1957, Sđd, tập 8, trang 295-296,297,298.
Bác Hồ nói chuyện với công nhân ngành Đường sắt Việt Nam
… Anh hùng, Chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm, nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư, tự lợi.
Lời chào mừng Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, 7-7-1958, Sđd, tập 9, tr. 200.
... Chế độ ta là chế độ dân chủ. Đảng và Chính phủ ta chỉ lo phục vụ lợi ích của nhân dân. Đồng bào tất cả các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho tất cả các dân tộc dân hạnh phúc, ấm no.
Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng 21- 2-1961, Sđd, tập 10, trang 282.
... Công đoàn có một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên, các anh hùng và chiến sĩ lao động phải gương mẫu, phải làm đầu tầu trong mọi công việc....
Nói tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ VI 27- 2- 1961, tập 10, trang 293.
... Làm chủ là: Biết cần kiệm xây dựng nông trường, xây dựng đất nước; biết đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và công nhân, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương...
Nói chuyện với cán bộ và công nhân nông trường Đông Hiếu
(Nghệ An), 10-12-1961, Sđd, tập 10, trang 479.
Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích đó thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà.
Lời khai mạc Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, -5 -1962, Sđd, tập 10, trang 556.
... Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ.
.. Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng v.v., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân.
... Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Quyền lợi của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.
Các chú phải nhớ công nhân trẻ làm tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, bồi dưỡng văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”; đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài nữa.
Nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam,
18-7-1969, Sđd, tập 12, trang 564, 565,567-568,570.
Phần 4: Những lời dạy của Bác đối với giai cấp nông dân
…“Thực túc thì binh cường!”
Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất.
Ruộng rẫy là chiến trường
Cày cuốc là vũ khí,
Nhà nông là chiến sĩ,
Hậu phương thi đua với tiền phương
Thư gửi nông dân thi đua canh tác, 2- 1951, Sđd, tập 6, trang 178.
Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Lạc Trung, Vĩnh Phúc năm 1961
... Phải củng cố hợp tác xã cho tốt. Muốn hợp tác xã tốt phải thế nào? Phải nâng cao tinh thần làm chủ: làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, làm chủ đất nước... Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh. Làm chủ hợp tác xã là thế nào? Là phải coi công việc của hợp tác xã như công việc của mình, chứ không phải làm sao cũng được.
Nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (Nghệ An)
9-12-1961; Sđd, tập 10, trang 455.
...Các hợp tác xã đều phải:
- Đoàn kết chặt chẽ, giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa ban quản trị và xã viên.
- Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh.
- Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.
Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đòan kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất, và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng.
Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình, 1- 1- 1967, tập 12, trang 195
Kim Yến (Tổng hợp)