Trong ngót nửa thế kỷ làm công tác dân vận Mặt trận, tôi có may mắn lớn là được tiếp xúc với rất nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của nước ta, được nghe các vị bày tỏ những tình cảm sâu đậm của bản thân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mỗi dịp Quốc khánh hoặc sinh nhật của Người.

Tất cả những chuyện kể đầy tâm huyết đó toát lên lòng vị tha, sự thương yêu và chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân sĩ, trí thức Việt Nam, khiến người nghe càng thêm kính yêu, mến phục vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc mình.

bac ho cua chung ta la the do anh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số bộ trưởng, nhân sĩ, trí thức tại Việt Bắc, năm 1951

Nhân dịp Tết Ất Mùi, tôi muốn chuyển đến bạn đọc chuyện kể của luật sư Phan Anh, một trí thức tiêu biểu ở thời đại Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa III) vào ngày 15-5-2000, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Luật sư Phan Anh, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8-1945, hoạt động của Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội bước vào giai đoạn cao trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Vào những ngày này đã dồn dập diễn ra những cuộc gặp gỡ bí mật giữa đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim với đại diện Việt Minh. Cuộc tiếp xúc đầu tiên là vào trung tuần tháng 7 giữa Khâm sai đại thần Phan Kế Toại với ông Lê Trọng Nghĩa trong vai GS Lê Ngọc tại Dinh Khâm sai.

bac ho cua chung ta la the do anh 2
Luật sư Phan Anh (Ảnh: Tài liệu)

Cuối tháng 7, Thủ tướng Trần Trọng Kim khi ra Hà Nội cũng đã được ông Phan Kế Toại bố trí tiếp xúc bí mật với đại diện Tổng bộ Việt Minh.

Trước tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, ngày 18-8 Khâm sai đại thần Phan Kế Toại lại có cuộc gặp các ông Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa, Trần Đình Long tại Phủ Khâm sai, chính thức mời Việt Minh cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim và sẵn sàng chờ Việt Minh cử người tham gia Chính phủ. Tất cả những đề nghị trên đều bị Việt Minh khước từ.

Trong tình thế quân đồng minh đang trên đường vào Việt Nam, ông Trần Trọng Kim tha thiết yêu cầu tôi dùng "tài hùng biện” thuyết phục Việt Minh chấp nhận những kiến nghị của Chính phủ.

Ngày 25-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội và làm việc tại 48 phố Hàng Ngang. Ngày 26-8, mặc dù bận chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cách mạng và giải quyết biết bao công việc cấp bách khác, song qua GS Hoàng Minh Giám và anh Võ Nguyên Giáp giới thiệu, Người đã dành thời gian tiếp tôi.

Thú thực, suốt cả đêm 25 rạng ngày 26, tôi không tài nào chợp mắt nổi, phần vì vinh dự sẽ được gặp Nguyễn Ái Quốc - vĩ nhân của dân tộc, phần vì phải chuẩn bị lý lẽ để thuyết phục Người đồng tình hợp nhất hóa hai Chính phủ Trần Trọng Kim và Chính phủ Việt Minh.

Đúng giờ hẹn, người cận vệ của Bác đón và đưa tôi đến nơi Người làm việc. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chờ sẵn ở ngay chân cầu thang với câu nói đặc sệt xứ Nghệ, làm ấm lòng người nghe.

- Tôi chờ chú đã từ lâu. Trước khi ra Bắc, chú đã về quê "choa” chưa?

Tôi lúng túng và bối rối thưa:

- Thưa Cụ con chưa kịp về.

Rồi Bác khoác tay tôi cùng bước lên cầu thang. Vào phòng khách, đồng chí Đàm Quang Trung định rót nước mời tôi thì Bác ngăn:

Đây là khách của Bác, chú để Bác tự tiếp. Và đích thân Người làm việc đó.

Mở đầu câu chuyện, tôi chưa kịp thưa thì Bác đã nói:

- Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Nay đã giành được độc lập rồi, chúng ta phải kiến thiết đất nước để cho dân ta có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành. Chú là người tài cao, học rộng, tôi đề nghị chú nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia để lo những chuyện đó.

- Thưa Cụ, con chỉ biết luật chứ có biết chi mô về kiến thiết, xây dựng.

- Không biết thì học, dân giao thì mình cố phấn đấu để làm và làm cho thật tốt. Tôi có bao giờ học để làm Chủ tịch Nước đâu?

Tôi đi cũng nhiều, trong nước cũng như thế giới, đọc cũng nhiều và cũng từng tiếp xúc với Bảo Đại – vua cuối cùng của Triều Nguyễn và của đất nước ta, tôi có thể khẳng định rằng: Trên đời này chẳng có ông vua nào như "vua” Hồ Chí Minh. Ông "vua” của dân, do dân và cả đời vì dân, vì nước, ông "Vua” mà toàn dân tộc gọi với tên trìu mến "Bác Hồ”.

Chỉ được gặp Bác có 10 phút, Bác đã chỉ đường, vạch lối cho cuộc đời tôi.

Không ngờ, đó là buổi nói chuyện cuối cùng của Luật sư Phan Anh đối với chúng tôi. Và ngày 28-6, tức hơn một tháng sau đó ông đột ngột ra đi do bệnh tim.

Đồng chí Đàm Quang Trung khi đó là đội trưởng đội bảo vệ của Bác, sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước./.

Nguyễn Túc

(Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)
Theo mobi.daidoanket.cn
Minh Thu (st) 

Bài viết khác: