Ảnh Internet
Hai câu chuyện sau cho thấy tư tưởng của Bác đã đi trước thời đại. Người đã nhìn ra ưu điểm của kinh tế thị trường và tiên liệu đường hướng kinh tế cho đất nước.
Thầu khoán là yêu nước
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được. Đó là nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, trong đó nạn đói có nguy cơ tiêu diệt cả dân tộc.
Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ cần giải quyết ngay, trong đó vấn đề số một là cứu đói. Bác nói: “Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”1.
Bác đã đề ra hai giải pháp chống giặc đói. Thứ nhất là nhường cơm sẻ áo. Ngay từ giữa tháng 9-1945, Chính phủ đã tổ chức lễ phát động phong trào cứu đói tại Nhà hát Lớn. Chính phủ còn phái một đoàn công tác vào Nam điều tra và cấp tốc tổ chức việc vận chuyển gạo ra Bắc. Chính phủ cũng hô hào các hội buôn và tư nhân tham gia công việc vận chuyển này.
Song giải pháp quan trọng được Bác và Chính phủ đưa ra là giải quyết vấn đề từ gốc: Toàn dân phải tích cực tăng gia sản xuất. “Thực túc” thì “binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất”, “tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập”2, Bác hô hào trên Báo Cứu quốc.
Để tăng gia sản xuất, điều cấp bách trước mắt là phải hàn khẩu các quãng đê bị vỡ, đắp thêm một số đê mới. Việc này không thể chỉ dùng nhân lực, mà còn cần có những chuyên gia. Vì vậy, Nhà nước quyết định cho đấu thầu việc đắp đê, chủ thầu phải là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Lúc đó có nhiều ý kiến rằng, không nên dùng thầu khoán đắp đê, vì thầu khoán là bóc lột nhân công. Theo hồi ký của cụ Nguyễn Xiển, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, là người trực tiếp điều hành việc đắp đê, thì trong một chuyến đi thị sát đắp đê, Bác Hồ đã giải đáp vấn đề này. Bác nói: “Thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước”. Điều đó cho thấy tư tưởng của Bác rất thoáng, không bị chi phối bởi những định kiến, giáo điều, trong giai đoạn nào thì áp dụng chính sách ấy cho phù hợp, mọi việc làm đều vì cách mạng, vì nhân dân.
Với sự quyết liệt của Chính phủ, đến đầu năm 1946, công tác đê điều đã hoàn thành. Kết quả là, sản lượng vụ màu năm 1946 đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ từ tháng 11-1945 đến 5-1946, chúng ta đã thu hoạch 614.000 tấn hoa màu, bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Dân đã không bị đói, giá thóc gạo không tăng mà giảm.
Chủ thợ đều lợi
Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1953, Bác đã viết tác phẩm “Thường thức chính trị”, trong đó đưa ra chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ gồm 4 điểm mấu chốt:
Một là, công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công, là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà, nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
Hai là, chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột, nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất thì lợi cả đôi bên.
Ba là, công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó, càng thắt chặt liên minh giữa công nông.
Bốn là lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hoá ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta.
Ngày nay, chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài để giúp phát triển đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhà tư bản đến nước ta đầu tư thì đương nhiên phải được lợi ích gì đó, nhưng công nhân được lợi là có việc làm. Để bảo vệ công nhân, Việt Nam đã ban hành nhiều luật như Luật Lao động, Luật Công đoàn. Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, chúng ta cũng có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, một số chủ sử dụng lao động đã vi phạm quyền lợi công nhân, dẫn đến việc công nhân đình công, khiến cơ sở sản xuất điêu đứng. Hậu quả là nhà đầu tư bị thiệt, mà công nhân cũng không có lương. Ngẫm lại lời dạy của Bác “Vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”, mới thấy thật sáng suốt.
Chủ trương của Đảng và Chính phủ hiện nay là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế quốc doanh là nền tảng. Đọc lại tác phẩm “Thường thức chính trị” của Bác mới thấy đây là con đường mà Người đã tiên liệu từ trước./.
Theo Duy Anh/Baodautu.vn
1,2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.7, 134.
Tâm Trang (st)