Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, đồng thời là nhà lãnh đạo có uy tín trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người luôn giáo dục Đảng ta, nhân dân ta về tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung. Xuất phát từ mong muốn xây dựng một nền hòa bình bền vững, xác lập quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới để cùng phát triển. Người đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm tăng cường tình đoàn kết, thiết lập quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế. Hồ Chí Minh khẳng định: "Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới", do đó sự đoàn kết và ủng hộ của bạn bè quốc tế có vai trò vô cùng to lớn đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thắng lợi của cách mạng Việt Nam sẽ góp phần tích cực cho sự nghiệp cách mạng thế giới, vì hòa bình và tiến bộ nhân loại.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy, với sự hoạt động tích cực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta, sức mạnh của dân tộc ta đã được phát huy một cách triệt để, đồng thời kết hợp một cách nhuần nhị với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chính vì vậy, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thắng lợi vang dội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới, vì hòa bình và tiến bộ nhân loại.

Với ý thức: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", trongDi chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dự định đến ngày chiến thắng, Người: "sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ  nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta".

Cùng với ý định sẽ đi thăm, cảm ơn sự giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế, trước khi gặp các bậc lãnh đạo tiền bối của phong trào cách mạng thế giới: C. Mác, V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một mối bận tâm day dứt, đó là cảnh bất hòa tròng phòng trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với trách nhiệm của một người cộng sản, Người tự sự “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!''. Đây là lời tự sự của người cộng sản lão thành Hồ Chí Minh trước lúc đi xa để lại trong bản Di chúc; là những lời nhắn gửi đến toàn thể giai cấp cần lao thế giới và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Người nhắc nhở Đảng ta: ''Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình''.

Thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã thực thi đường lối đối ngoại, đoàn kết, rộng mở trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, do đó đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của nhân dân thế giới, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh tình hình mới, nước ta bước vào thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, Đảng ta chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại; Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, trên cơ sở duy trì quan hệ với các bạn bè truyền thống, đồng thời chủ động quan hệ hợp tác với các nước khác, các tổ chức quốc tế, tăng cường thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, có nhiều thuận lợi đan xen những thách thức và bất ổn về an ninh, chính trị. Song nhân tố thuận lợi vẫn là cơ bản, đó là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa dựa trên cơ sở hợp tác giũa các quốc gia theo xu thế hội nhập toàn cầu hóa. Vấn đề ở đây là, chúng ta phải nắm bắt, phân tích, nhận định đúng về sự thay đổi của tình hình thế giới, tình hình khu vực, xu thế của sự phát triển... từ đó có những chủ trương, đường lối phù hợp, đúng đắn, nhằm phát huy hết tiềm năng nội lục, huy động được tối đa các nguồn đầu tư nước ngoài, trên cơ sở mở rộng hợp tác quốc tế toàn diện, theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

  Để phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ trương của Đảng ta là phải chủ động từng bước hội nhập với cộng đồng thế giới, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ; coi hội nhập là thời cơ cũng là thách thức để tiến lên. Những quan điểm đó từng bước được vận dụng, phát triển qua các kì Đại hội Đảng, bắt đầu từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XI (2011).

  Về mục tiêu đối ngoại, Đảng ta khẳng định: "lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc"1. Tạo thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước thông qua kết hợp sức mạnh trong nước (nội lực) tạo thành nguồn lực tổng hợp để thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; phát huy vị thế, vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Về nhiệm vụ của công tác đối ngoại: Đảng ta chỉ đạo: Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Về quan điểm chỉ đạo: Kiên định nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; đồng thời phải sáng tạo, năng động, linh hoạt về sách lược; chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm đc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.

Phương châm đối ngoại: Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; đấu tranh chống lại sự áp đặt trong quan hệ hợp tác quốc tế; nội lực là nhân quyết định, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài (nhân tố quan trọng); thực hiện nhất quán chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa mở rộng quan hệ song phương và đa phương; trong hội nhập phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước các thế lực lợi dụng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và giao lưu văn hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, mở của với thế giới nhưng phải giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, trên lĩnh vực đối ngoại, thực hiện Di chúccuả Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, da dạng hóa, hợp tác, hội nhập và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhờ có sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, từng bước hội nhập với cộng đồng quốc tế, trước hết là với các nước trong khối ASEAN; với Nhật Bản và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác. Song song với việc thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN, là việc giải quyết thành công vấn đề bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ, với EU (Liên minh Châu Âu). Trên tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai'', chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; ký kết nhiều Hiệp định hợp tác chiến lược, toàn diện với những đối tượng quan trọng như Nga, Mỹ, Trung Quốc, EU.v.v...

Nhìn lại những kết quả mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong thời gian 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần 30 năm tiến hành thực hiện đổi mới, đó là những thành tựu to lớn toàn diện và có ý nghĩa lịch sử.

Về kinh tế: Nền kinh tế nước ta phát triển mạnh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị thế của Việt Nam đã đổi mới căn bản về thế và lực, đang đứng trước những cơ hội to lớn và triển vọng sáng sủa hơn bao giờ hết. Đó là sự thay đổi về chất, có ý nghĩa quan trọng của quá trình phát triển, đưa nước ta sang một giai đoạn mới, tiếp tục “phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn diện và sâu sắc hơn”. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế quốc tế mới của mình trên diễn đàn chính trị kinh tế, văn hóa của cộng đồng thế giới, đó là bằng chứng sinh động cho những đánh giá về thanh công của đường lối đối ngoại của Đảng.

Thành tựu trên lĩnh vực quan hệ kinh tế đối ngoại, Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2013 lên tới 1,306 USD. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh, năm 2012 đạt trên 10,4 tỷ USD2. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng xuất và chất lượng, không ngừng cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Tư duy làm ăn mới, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm thước đo và đội ngũ các nhà doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo có kiến thức quản lý đang hình thành. Những kết quả đó không chỉ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, sự phát triển và chất của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, mà còn thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những kết quả trong công cuộc đổi mới, mở của ở Việt Nam.

Với sự đóng góp tích cực của kinh tế đối ngoại, từ một nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, có giá trị thấp, lạc hậu, đến nay Việt Nam đang tiến mạnh trên con đường hội nhập với cơ chế cạnh tranh cao, mức tăng trưởng mạnh, trên nhiều lĩnh vực Việt Nam thuộc tốp đứng hàng đầu thế giới: Xuất khẩu nông sản, da giày, đồ gỗ…vv… Hiện nay, uy tín là vị thế kinh tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, trở thành một đối tác quan trọng của cộng đồng khu vực và trên phạm vi thế giới.

Về chính trị: Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đó là tháng 10-2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Với việc được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Việt Nam đã: “Trở thành thành viên của tổ chức đa phương có quyền lực lớn nhất thế giới2. Thông qua diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế, mà còn là diễn đàn để Việt Nam có thể nâng cao vai trò, vị trí của mình trên trường quốc tế.

Việc trở thành thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008); là thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2013) của Việt Nam, là minh chứng cụ thể về tính đúng đắn, linh hoạt, phù hợp, của đường lối đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện trong mấy chục năm qua. Đồng thời khẳng định giá trị trường tồn của bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta.

Đã 45 năm Bác Hồ kính yêu vĩnh biệt chúng ta, nhưng những quan điểm của Người về đoàn kết quốc tế, về phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại vẫn mang tính thời sự và có giá trị sâu sắc. Điều đó nhắc nhở chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và những lời căn dặn trong Di chúc của Người, để mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế toàn diện hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay.

 
   

 

1.Đảng cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 đổi mới (1986-2006), Lưu hành nội bộ nxt. Chính trị quốc gia, H.2005, Tr94.

2. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 14-11-2007, tr.2

PGS, TS. Trần Minh Trưởng

(Trích trong cuốn “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969-2014”, Nxb Quân đội nhân dân)

Mỹ Linh (st)

Bài viết khác: