Đầu năm 1933, một hôm tôi có việc đến cơ quan Quốc tế Cộng sản ở Moskva, đang ngồi trong phòng của một đồng chí thì có điện thoại bảo tôi đừng về vội. Khi họ báo cho biết có thể ra về được, tôi ra đến cửa thì bỗng thấy Bác đang nói chuyện với người lái xe. Tôi nghe rõ Bác nói với người lái xe câu tiếng Nga: "I-a sca-giu!". (Tôi sẽ bảo).

Tất cả các đồng chí Việt Nam ở Moskva lúc đó chưa ai biết là Bác đã sang. Chỉ có đồng chí nữ Thư ký của nhóm Việt Nam ở Viện Nghiên cứu Các vấn đề dân tộc và thuộc địa (NCCVĐ DT&TĐ) biết, vì có đồng chí phụ trách nhóm Việt Nam báo cho. Đồng chí cán bộ phụ trách nhóm Việt Nam hồi đó cũng là một nữ đồng chí và là cán bộ của Quốc tế Cộng sản.

Vài hôm sau, thì được gặp chính thức. Một đồng chí Việt Nam nữa với tôi được gọi đến Quốc tế Cộng sản. Bác đợi chúng tôi ở tầng gác thứ tư trong buồng làm việc hàng ngày của đồng chí phụ trách nhóm Việt Nam ở Viện Nghiên cứu Các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nhà đó ở đường Makhovaia; hiện nay là chỗ tiếp khách của Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao.

Thấy Bác, tôi mừng quá:

- Anh!

Bác niềm nở cười.

Người Bác rất gầy, nước da xanh tái, đầu cúp trọc lốc. Tất cả tinh thần ở hai con mắt sáng quắc.

Hôm đó gặp Bác là để báo cáo Bác rõ tình hình trong nước những năm qua, và thảo ra một số tài liệu để gửi về nước.

Từ đó về sau, trong nội bộ, Bác là người lãnh đạo nhóm học sinh Việt Nam ở Viện NCCVĐDT&TĐ.

Bác vào Trường Lênin là Trường Đảng cao cấp cho các lãnh tụ các nước ngoài. Trường này có hai ban: Ban dài hạn 3 năm và Ban ngắn hạn 6 tháng. Bác học Ban ngắn hạn. Ở trường, Bác lấy tên là Linov. Còn đối với nhóm học sinh Việt Nam ở Viện NCCVĐDT&TĐ, thì Bác lấy tên là Lin.

Trong khi còn học ở Trường Lênin, Bác liên hệ với nhóm Việt Nam rất chặt chẽ. Thường thường buổi tối, Bác đến nói chuyện về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nhất là Bác chú ý bồi dưỡng cho anh em về đạo đức cách mạng, và đặc biệt là tinh thần đoàn kết. Đôi khi, trong những anh em đó, có người còn ít tuổi, và cũng chưa được rèn luyện mấy trong trường đấu tranh cách mạng, có những chuyện xích mích lặt vặt có tính chất cá nhân, Bác phải phân xử.

Điều mà Bác muốn làm cho anh em thấm nhuần là cần bỏ những tính tự cao tự đại, tự tư tự lợi, những biểu hiện vô kỷ luật, vô tổ chức, và phải luôn luôn đoàn kết, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Bác thường nói với anh em: "Nếu chúng ta ở đây, chỉ có mấy người mà không đoàn kết với nhau được thì còn nói gì đến khi về nước đoàn kết nhân dân, quần chúng để đánh thực dân, cứu nước?".

Học xong Trường Lênin, thì Bác chuyển hẳn sang Viện NCCVĐDT&TĐ đồng thời làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Bác dạy nhóm Việt Nam về tổ chức và lịch sử Đảng.

Tuy là lãnh đạo nhóm, nhưng Bác rất hòa mình với anh em, tham gia mọi công tác như các anh em khác: Viết báo tường tham gia các tiết mục trong những buổi biểu diễn, tổ chức đi tham quan, đi chơi với các anh em, nhận phiên dịch ra tiếng Việt các tài liệu, v.v…

Trong khi nói chuyện với anh em về kinh nghiệm đấu tranh của mình, Bác thường dùng những thí dụ cụ thể, thiết thực, vì phần đông anh em trình độ còn thấp. Ví dụ nói đến đoàn kết thì Bác lấy câu chuyện bó đũa, cả nắm khó bẻ, lấy ra từng chiếc thì dễ bẻ gẫy, v.v…

Đọc báo Đảng bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh có bài nào nói đến những cuộc đấu tranh thắng lợi của quần chúng ở các nước, Bác đều dịch cho anh em nghe, một là để bồi dưỡng tinh thần quốc tế chủ nghĩa cho các đồng chí, hai là để tăng thêm sự tin tưởng của anh em ở lực lượng cách mạng.

Bác rất chú ý dạy cho anh em cách viết: Qua việc duyệt các bài báo hoặc những tài liệu do anh em dịch ra tiếng Việt, Bác luôn luôn chú ý làm cho anh em viết một cách giản đơn, dễ hiểu.

Vào mùa Thu năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai sang Liên Xô. Cùng sang với hai đồng chí có hai đồng chí ở nước ngoài và một đồng chí người Nùng, quê ở Cao Bằng.

Đồng chí Minh Khai và ba đồng chí kia học ở lớp đặc biệt của Viện NCCVĐDT&TĐ. Nhóm này, về Đảng thì do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Còn Bác thì phụ trách chung cả nhóm cũ và cả nhóm này. Vì điều kiện bí mật nên hai nhóm ở hai nhà riêng biệt.

Cùng đồng chí Lê Hồng Phong và Minh Khai, các đồng chí kia sang để dự Đại hội thứ 5 Quốc tế Cộng sản. Đến năm 1935 thì Quốc tế Cộng sản khai mạc Đại hội, và công nhận Đảng ta chính thức gia nhập quốc tế. Đồng chí Lê Hồng Phong trước học ở Trường Hàng không quân sự, rồi sau sang Trường Đại học Cộng sản phương Đông (1929), được bầu vào Ban chấp hành mới của Quốc tế Cộng sản.

Bác tuy không ở trong Ban Chấp hành nhưng vẫn luôn luôn tham dự mọi công tác. Như vậy là ở Quốc tế Cộng sản trước kia chưa có đại diện chính thức của Đảng ta, nay đã có.

Tuy có nhóm mới nhưng Bác vẫn săn sóc cả hai nhóm cũ, mới như nhau. Bác tham gia mọi hoạt động của cả hai nhóm rất tích cực: Biểu diễn văn nghệ, viết bích báo, kể chuyện, đi tham quan, v.v...

Sau khi thôi học ở Trường Lênin, Bác đến ở cùng một nhà với nhóm thứ nhất. Lúc đầu Bác ở một chỗ riêng, trong ký túc xá của Trường Đại học Cộng sản phương Đông, rồi sau Bác dọn hẳn đến ký túc xá của Viện NCCVĐDT&TĐ, Bác ở một gian phòng nhỏ, vừa một người ở, rất giản dị, không khác gì một học sinh thường.

Khi Bác mới sang Liên Xô, nghe nói Quốc tế Cộng sản thấy Bác gầy yếu, có đề nghị Bác xuống nghỉ ở Xôchi, nhưng được một, hai ngày, Bác đã trở về.

Người Bác vẫn gầy, nước da vẫn xanh. Có điều lạ là không bao giờ mệt, ốm, không bao giờ chịu nằm luôn mấy hôm, chỉ thỉnh thoảng ho ra huyết.

Lần này, Bác ở Liên Xô lâu hơn hết. Mùa Đông rất rét, có khi đến 30,34 độ dưới không độ, nhưng Bác vẫn giữ được sức khỏe, là vì sinh hoạt của Bác rất đều, có giờ giấc rất nghiêm: Sáng nào dậy Bác cũng tập thể dục, trong buồng có những dụng cụ tập như quả tạ, dây chun, v.v...

Khi đi chơi, hoặc đến nhà anh em bạn, Bác cũng rất điều độ, nói giờ nào đến thì đến đúng giờ ấy, nói ở chơi được bao lâu thì ngồi chơi đúng bấy nhiêu, đố ai vì một lý do gì có thể giữ Bác lại được thêm mấy phút. Không lề mề, la cà, không việc nọ sang việc kia, đó là một biểu hiện của tính kỷ luật, tính tổ chức của tinh thần tự chủ mà Bác đạt đến cao độ.

Ở Moskva, Ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5, các đoàn đại biểu ngoại quốc đến rất đông. Viện NCCVĐDT&TĐ có nhiều học sinh các thuộc địa. Để giữ bí mật, ngày đó nhà trường báo với học sinh đừng ra đường. Trong lúc ngoài phố thiên hạ nô nức, nhộn nhịp, Bác tổ chức cho anh em ăn Tết 1-5 ở nhà một cách thoải mái, vui vẻ.

Bác rất lo lắng đến việc học hành của anh em, nhất là đối với những người còn kém, học chậm. Có hôm tôi đến chỗ Bác thấy Bác đang viết một bài lục bát, hỏi Bác làm thơ phải không? Bác bảo:

- Đây là diễn ca địa lý lịch sử Việt Nam để dạy cho mấy anh em. Có người lớn tuổi, dạy thế nào cũng cứ quên, nên mình phải làm thế này để cho dễ nhớ.

- Thường ở trường anh em học môn gì, sau lớp, Bác vẫn kiểm soát lại: một là để xem anh em có hiểu mục đích, yêu cầu của môn đó không; hai là để xem học có thiết thực không, có gắn với thực tế, với đấu tranh cách mạng không; ba là những danh từ trong bài có đúng không, anh em đọc có hiểu nghĩa không. Do đó mà nhiều khi Bác bổ sung thêm cho bài học, làm cho anh em hiểu thêm được nhiều.

- Có điều là Bác làm một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không phải quy định giờ để kiểm soát, mà là hỏi han trong khi nói chuyện thường, thành ra không có không khí gò bó, khiến anh em phải lo phải trả bài cho Bác.

- Thỉnh thoảng, ngày chủ nhật, trong nhóm tổ chức nấu cơm Việt Nam, có nơi các đồng chí phụ trách trường đến ăn, Bác cũng xuống nếp thổi nấu, dọn dẹp.

Sau khi các đồng chí Lê Hồng Phong, Minh Khai, v.v... về nước (vào năm 1936, sau Đại hội Quốc tế được ít lâu) thì Bác vào học năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh, Ban Sử học của Viện NCCVĐDT&TĐ. Vì hoàn cảnh còn khó khăn, Bác chưa về nước được, cho nên ở lại học thêm, chứ mục đích chính không phải là học. Vì học lớp nghiên cứu phải mất ba năm đằng đẵng, Bác là người hoạt động, không thể cứ ngồi nghiền sách.

Năm 1936 là năm ở Pháp Mặt trận nhân dân thắng. Trong nước, phong trào đấu tranh của quần chúng lại lên cao, Đảng có hoàn cảnh hoạt động nửa công khai, các nơi chuẩn bị Đông Dương đại hội. Lúc đó Bác rất chú ý theo dõi tình hình trong nước.

Trong phòng Bác luôn luôn có các báo Pháp, báo Việt Nam ở nhà gửi sang, Bác cắt ra thành từng mục để làm tài liệu. Bác đọc báo chí và nắm bắt rất sát tình hình Pháp và Trung Quốc, bởi vì hai nước đó, đặc biệt là Trung Quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, Bác còn theo dõi tình hình ở các nước khác, như Đức, vì lúc đó Hitler đang thống trị và chuẩn bị chiến tranh; và từ năm 1936, Bác rất chăm chú theo dõi hàng ngày tin tức về Tây Ban Nha, khi nổ ra nội chiến.

Lúc này, nhóm Việt Nam ở Viện NCCVĐDT&TĐ cũng lần lượt về nước, chỉ còn vài ba người, mà những học sinh mới thì không sang nữa. Đương khi trong nước và trên thế giới phong trào lên cao như vậy, làm thế nào mà Bác yên tâm ngồi học cho được?

Bác lên đường về nước vào mùa Thu năm 1938. Một buổi sáng, hồi 7 giờ, tôi còn ngủ, Bác đến chơi. Thường mọi bận, không bao giờ Bác đến sớm như vậy. Tôi tưởng là có việc gì cần, nhưng Bác chỉ nói chuyện bình thường, rồi Bác ra về.

Hôm sau, có đồng chí phụ trách ở Quốc tế Cộng sản cho hay là Bác đã đi rồi. Lúc đó tôi mới hiểu là sáng ngày hôm trước, Bác có ý đến từ biệt tôi.

Tôi rất buồn vì trước khi đi, Bác có ý đến thăm mà không biết...

GS.VS Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993)

Theo Báo Công an nhân dân
Kim Yến
(st)

Bài viết khác: