1. Thông tư số 01/2015/TT-BNV ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Bộ Nội vu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP và Quyết định 111-HĐBT do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành. Có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2015.
Thông tư quy định từ 01/01/2015, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc (theo quy định tại Điều 2 Nghị định 09/2015/NĐ-CP) hưởng mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp được hưởng tháng 12/2014 x 1,08;
Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng (đã làm tròn) như sau:
+ Nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 1.568.000 đồng/tháng;
+ Nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên Thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.512.000 đồng/tháng;
+ Các chức danh còn lại: 1.388.000 đồng/tháng.
2. Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2015.
Nghị định có nhiều điểm mới so với Nghị định số 61/2002/NĐ-CP như là: Bổ sung một số chức danh sáng tạo, thay đổi tên gọi của một số chức danh sáng tạo cho phù hợp với thực tế; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hoá một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu biễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thoả thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sáng tạo.
Ngoài ra, Nghị định còn thêm các chức danh được hưởng chế độ nhuận bút, thù lao để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Như đối với điện ảnh, thêm chế độ cho đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, người làm hóa trang. Còn đối với tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, quy định trước đây việc trả nhuận bút là theo thỏa thuận giữa đôi bên là người chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tính theo giá trị tác phẩm, thì quy định mới ghi rõ tỉ lệ phần trăm nhuận bút đối tượng được hưởng nhưng tính theo giá thành tác phẩm, dễ làm căn cứ tính toán hơn...
Theo Nghị định mức nhuận tiền nhuận bút được trả cho chức danh biên kịch; đạo diễn; thiết kế âm thanh; nhạc sĩ và họa sĩ như sau: Đối với phim truyện là 2,25 - 2,75%; 2,50 - 3%; 1,7 - 2,1%; 1,5 - 1,9% và 1 - 1,2% chi phí sản xuất; Đối với phim phóng sự là 2,7 - 3,2%; 2,7 – 3,2%; 2,2 - 2,5%; 0,3 - 0,4% và 0,6 - 0,7% chi phí sản xuất. Còn trường hợp kịch bản điên ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu thì: Biên kịch chuyển thể được hưởng 60 – 70% mức nhuận bút biên kịch của tác phẩm cùng loại nêu trên; Phần còn lại trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm chuyển thể.
3. Thông tư số 11/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quy định Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp về Lao động, Thương binh và Xã hội. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25 tháng 4 năm 2015.
Kỳ hạn báo cáo là 01 năm, tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm báo cáo.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố gửi báo cáo chậm nhất là ngày 15/01 năm kế tiếp của năm báo cáo theo dấu bưu điện (trừ trường hợp mẫu biểu báo cáo yêu cầu khác).
Các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra Bộ tổng hợp thông tin thống kê gửi Vụ Kế hoạch – Tài chính và Trung tâm Thông tin chậm nhất là ngày 31/01 năm kế tiếp của năm báo cáo.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về hình thức của báo cáo như sau:
Báo cáo phải được lập thành văn bản và tệp dữ liệu điện tử định dạng bảng tính Excel.
Báo cáo bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu xác nhận của Thủ trưởng đơn vị báo cáo.
4. Thông tư số 07/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 196/2013/NĐ-CP quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và Nghị định 52/2014/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/04/2015.
Thông tư quy định các trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm ký hợp đồng dịch vụ phải đảm bảo các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ liên hệ của các bên;
- Giá trị hợp đồng, phương thức thanh toán;
- Nội dung cụ thể của dịch vụ việc làm cung cấp (số lượng, chất lượng...);
- Phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện dịch vụ;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Giải quyết tranh chấp, và các nội dung khác (nếu có).
Đối với hợp đồng có thực hiện việc giới thiệu hoặc cung ứng lao động cần quy định thêm về trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm của người lao động.
5. Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủvề Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2015.
Quyết định quy định các nội dung chương trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển gồm:
- Xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia;
- Xây dựng giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử tích hợp;
- Xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho thương mại điện tử;
- Xây dựng hạ tầng giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B);
- Mua sắm trang thiết bị;
- Xây dựng phần mềm và thiết kế hệ thống công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;
- Tư vấn, tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tham gia và sử dụng các hệ thống đã được xây dựng.
Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng Chương trình là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động ứng dụng hoặc hỗ trợ hoạt động ứng dụng thương mại điện tử.
6. Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 03 tháng 3 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2015.
Thông tư liên tịch này quy định chi tiết mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá. Cụ thể:
Mặt hàng thực hiện bình ổn giá gồm: Phân đạm urê, phân NPK; thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; thóc, gạo tẻ thường.
Mặt hàng thực hiện kê khai giá gồm: Thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản; thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nói trên trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá./.
Kim Yến (Tổng hợp)