HỌC HỒ CHỦ TỊCH
Hồ Chủ tịch là hình ảnh của dân tộc Việt Nam ngày nay, trong đó có hình ảnh của dân tộc Việt Nam hôm qua và ngày mai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình
Hồ Chủ tịch thu góp tất cả tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Người cũng thu góp tinh hoa của thế giới văn minh, của nhân loại tiến bộ ngày nay. Hồ Chủ tịch có ở Nga, có nghiên cứu cuộc Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác. Lâu nhất trong đời hoạt động hải ngoại của Người, Hồ Chủ tịch ở Trung Hoa, có cảm tình nồng nàn với ông Tôn Văn, với cách mạng và nhân dân Trung Quốc. Người hiểu biết nước Mỹ, thường khen ngợi cuộc cách mạng dân tộc giải phóng Mỹ. Người là bạn cố tri và hữu tình của nước Pháp, dân Pháp, cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789. Nhưng kinh qua Hồ Chủ tịch, tinh hoa của thế giới đã Việt Nam hoá rồi, đã mượn hình dáng, bộ điệu, ngôn ngữ Việt Nam, cho đến tinh thần Việt Nam nữa.
Hồ Chủ tịch thu góp tinh hoa của Việt Nam và của thế giới để lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám và sáng lập chế độ dân chủ cộng hoà, xoá bỏ mấy nghìn năm quân chủ chuyên chế. Hiện nay, sau lưng Người, dân tộc Việt Nam đang kháng chiến và kiến quốc. Nước Việt Nam mới, người Việt Nam mới dần dần xuất hiện trong khói lửa của cuộc chiến đấu.
Ngày xưa, ở phương Đông cũng như ở phương Tây, có những bậc hiền triết dạy người đời: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Những bậc hiền triết ấy không chỉ sáng lập một triều vua, một chính thể, họ đã sáng tạo chế độ mới, mở kỷ nguyên mới cho nền tư tưởng, luân lý, ảnh hưởng sâu xa đến tiến hoá của loài người. Hồ Chủ tịch nhắc chúng ta nhớ đến những bậc hiền triết ngày xưa. Nhưng sự nghiệp "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" mà ngày xưa chỉ thực hiện được một phần vì điều kiện lịch sử hạn chế, ngày nay sẽ đủ điều kiện thuận tiện để hoàn thành.
Cho nên ngày nay dân tộc Việt Nam ta học Hồ Chủ tịch.
Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?
HỌC TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN
Suốt đời Hồ Chủ tịch dạy chúng ta câu ấy và còn dạy mãi chúng ta câu ấy, không biết bao giờ xong. Về phần chúng ta, lâu nay chúng ta đã học câu ấy, từ nay về sau còn học mãi câu ấy không biết bao giờ xong. Bởi vì ngày nào nước Việt Nam còn, dân Việt Nam còn, thì chúng ta còn học tận trung với nước, chí hiếu với dân.
Trung với nước, hiếu với dân là cái gốc của cả đời hoạt động của chúng ta. Gốc vững thì thân cây vững, cành lá tươi tốt, hoa quả xinh đẹp.
Học trung với nước, hiếu với dân là học làm cho nước độc lập và phú cường, dân tự do và hạnh phúc. Làm cho nước độc lập và phú cường cốt để làm cho dân tự do và hạnh phúc. Và dân có tự do và hạnh phúc thì nước mới thật độc lập và phú cường. Ngày nay nước là dân, dân là nước, Hồ Chủ tịch đã dày công phu dạy chúng ta câu ấy, cho nên quyết không có sức mạnh nào và mánh khoé gì có thể làm chúng ta sai đường, lạc lối được.
Học trung với nước, hiếu với dân là học kháng chiến, kiến quốc, học huy động lực lượng toàn quốc, toàn dân để kháng chiến, kiến quốc, học bồi dưỡng và trau dồi chế độ dân chủ cộng hoà, cái thành trì chống ngoại xâm và nội phản, học làm tròn phận sự người công dân Việt Nam dù ở nơi nào, lúc nào, cảnh ngộ nào.
Học trung với nước, hiếu với dân là học hy sinh tận tuỵ với nước, với dân như trọn đời Hồ Chủ tịch đã làm. Hồ Chủ tịch không có cái gì riêng. Cái gì của nước, của dân là của Người. Quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hằng ngày của dân là sự lo lắng đêm ngày của Người. Gia đình của Người là đại gia đình Việt Nam. Tuy không có gì riêng, Người giàu lắm vì giàu cả tiền đồ và quang vinh của nước, của dân. Sống với tâm hồn của dân tộc, ngày nay chia cơm sẻ áo với dân tộc, ngày mai cùng dân tộc ca khúc khải hoàn, Hồ Chủ tịch sung sướng lắm, và muốn chúng ta tận trung với nước, chí hiếu với dân để cùng dân tộc vui sướng.
HỌC ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN
Đây là câu mà Hồ Chủ tịch ngày ngày nhắc nhở chúng ta, vì đây là điều quyết định sự tồn vong của dân tộc trong cuộc chiến tranh này. Câu này chúng ta đã học nhưng chưa thuộc. Điều này chúng ta đã làm nhưng chưa đủ.
Hôm nay hơn lúc nào hết, chúng ta ôn lại lời dạy nghiêm khắc của Cha già: "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết", vì hôm nay quân thù chỉ còn mong đợi chia rẽ chúng ta để hãm hại chúng ta.
Hôm nay chúng ta ôn lại bài học toàn dân đoàn kết với tất cả tấm lòng trung thực với nước, với dân, với Hồ Chủ tịch, thành tâm, thành ý sửa chữa sai lầm, bổ khuyết thiếu sót.
Học toàn dân đoàn kết là học hoà hợp quyền lợi riêng rẽ của mình trong quyền lợi chung của dân tộc, đồng tâm nhất trí với toàn thể nhân dân, mưu cầu lợi ích chung của dân tộc. Hy sinh cái nhỏ để giành cái to. Hy sinh một lúc để giành vĩnh cửu. Vì nước, chung quy là vì mình. Nước mất thì nhà tan.
Học toàn dân đoàn kết là tẩy cho sạch đầu óc cô độc, hẹp hòi, cố chấp, thành kiến, tự cao tự đại, tự ái tự phụ, nghi kỵ vô căn cứ, xung đột vô nguyên tắc. Chúng ta có thể khác nhau lắm về tư tưởng, chính kiến, tính tình, cũng như chúng ta có thể khác nhau lắm về địa vị xã hội. Nhưng chúng ta đều yêu nước tất cả. Hiểu nhau để dung nhau, thương nhau là đoàn kết.
Học toàn dân đoàn kết là đánh đổ cá nhân chủ nghĩa, bản vị chủ nghĩa, chủ nghĩa "cái gì của tôi là trên tất cả". Cái ghế ngồi của tôi, địa phương của tôi, công việc của tôi, ngành hoạt động của tôi, cái gì tốt thì kéo về cho tôi, cái gì xấu thì đẩy cho người, gây xung đột, đụng chạm, bất hoà giữa quân dân chính, thậm chí giữa quân với quân như giữa Vệ quốc đoàn và dân quân, giữa chính với chính như giữa hành chính và chuyên môn, giữa dân với dân như giữa Việt Minh và Liên Việt. Như thế là chia rẽ: Là chết. Nước Việt Nam là một, cuộc kháng chiến của Việt Nam là một; bộ phận, bất kỳ là ai, phải phục tùng toàn cục.
Học toàn dân đoàn kết là gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta, nhưng vẫn giữ gìn tất cả cái gì là đặc sắc của chúng ta, vì đó là của quý của dân tộc. Hồ Chủ tịch, người đoàn kết toàn dân Việt Nam vẫn là Hồ Chủ tịch, người thiên tài xuất chúng. Ngôi chùa dưới bóng cây cổ thụ với tháp chuông nhà thờ trên đồi càng thêm vẻ đẹp cho đất nước. Hai mươi triệu người, hai mươi triệu bộ óc, nhưng chỉ một chí.
Chúng ta hãy nhớ: Học Hồ Chủ tịch trước hết và cốt nhất là học toàn dân đoàn kết.
HỌC PHẤN ĐẤU
Đời Hồ Chủ tịch là một cuộc phấn đấu quyết liệt, kỳ cùng chống đế quốc xâm lược, chống tất cả lực lượng ngăn cản con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam.
Hồ Chủ tịch nói: "... Thà chết chứ không làm nô lệ"1. Hồ Chủ tịch cũng nói: Dân tộc Việt Nam "sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi"2.
Hồ Chủ tịch dạy chúng ta luôn luôn có một tinh thần vững chắc, một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khoẻ mạnh để chiến đấu. Hồ Chủ tịch lại dạy chúng ta tẩy sạch cái lối lúc lạc quan, lúc bi quan, cẩu thả, cầu an, gặp sao hay vậy. Học Hồ Chủ tịch là học tinh thần chiến đấu dũng cảm, mạnh mẽ, gan dạ, dẻo dai, thắng không kiêu, bại không sờn, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Hồ Chủ tịch nói: "Nước Việt Nam sẽ thống nhất và độc lập".
Học Hồ Chủ tịch là học phấn đấu chống giặc ngoại xâm, đồng thời cũng học phấn đấu chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc yếu, phấn đấu để kháng chiến, phấn đấu để kiến quốc. Phấn đấu chống bao nhiêu trở lực do quân thù đế quốc và phong kiến gây nên. Còn phấn đấu chống con người cũ của chúng ta nữa: Chống sai lầm, thiếu sót mà mọi người đều phạm. Phấn đấu không ngừng để xây dựng nước Việt Nam mới, người Việt Nam mới.
Hồ Chủ tịch thường nói: Không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì cũng phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi.
Đây là bài học tinh thần, tinh thần chiến đấu quyết liệt, tinh thần cách mạng cao siêu của kẻ bị áp bức, bài học nghị lực, can đảm, quyết tâm trong mọi việc, mọi cảnh, bài học bền chí, nhẫn nại, khắc khổ trong sinh hoạt gian lao hằng ngày. Đây cũng là bài học tin tưởng vào sức mạnh vô cùng của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới, vào sự thắng lợi chắc chắn ngày mai, vào vinh quang của sự nghiệp. Cho nên đây là bài học lạc quan chủ nghĩa của kẻ chiến đấu và chiến thắng.
HỌC LÝ THUYẾT, PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC
Đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch giáo huấn chúng ta một điều rất quý báu: Cách mạng là một khoa học, chính trị là một khoa học. Nghĩa là làm cách mạng, làm chính trị phải có một lý thuyết khoa học, một phương pháp khoa học thì mới thành công. Lý thuyết và phương pháp khoa học ấy giúp Hồ Chủ tịch đi sát thực tế, nắm đúng thời cơ để chủ trương đúng và thực hiện chủ trương đúng ấy.
Thiên tài của Hồ Chủ tịch, sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch là ở đó.
Học lý thuyết khoa học của Hồ Chủ tịch trước hết là tin tưởng vào lẽ phải, vào đạo lý, vào tất cả cái gì tốt đẹp, tin tưởng vào sức lực của trào lưu dân chủ đang tiến tới để thực hiện lẽ phải, đạo lý, tất cả cái gì tốt đẹp ấy. Do đó chúng ta sẽ chiến thắng đế quốc thực dân vì chúng ta là dân chủ, đế quốc thực dân là phản động, chúng ta là chính nghĩa, chúng là phi chính nghĩa, chúng ta là chính, chúng là tà, chúng ta là tốt, chúng là xấu.
Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình. "Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao"3.
Lý thuyết và phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch, tóm lại, là kháng chiến giành độc lập, thực hiện nền dân chủ cộng hoà, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Lý thuyết và phương pháp khoa học ấy cũng là khéo đánh du kích chiến, cố đánh vận động chiến, tăng gia sản xuất để tự túc, bình dân học vụ, đời sống mới...
Phong trào thi đua ái quốc đương lôi cuốn toàn dân trên con đường cố gắng và tiến bộ cũng là phong trào thi đua học tập lý thuyết và phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch, vì ai nắm vững lý thuyết và phương pháp ấy, người đó sẽ thắng.
HỌC CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH
Bốn chữ này bao gồm những mỹ đức cần thiết cho mọi người Việt Nam trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, tiêu biểu lòng chí công vô tư đối với của công, việc công.
Học cần, kiệm, liêm, chính là phận sự của nhân viên Chính phủ. Đó là phận sự của mọi người hoạt động trong các tổ chức nhân dân. Đó cũng là phận sự của mọi người công dân Việt Nam.
Chữ cần, chữ kiệm của Hồ Chủ tịch, dân ta phải học vì nước ta nghèo, lại đương kháng chiến. Mỗi một người chúng ta phải đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, làm ra bát cơm đầy, song chỉ ăn bát cơm lưng.
Chữ liêm, chữ chính của Hồ Chủ tịch, dân ta phải học vì đó là hai công đức làm nền tảng cho đời sống công cộng của chúng ta. Liêm và chính trong cử chỉ và hành động, đối với đồng tiền, đối với công việc. Liêm và chính đối với láng giềng, đối với làng xóm, đối với quốc dân.
Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của một xã hội suy vong. Trong nước Việt Nam..., hiện tượng không cần, không kiệm, không liêm, không chính là những điều trái ngược không có quyền tồn tại, quốc dân Việt Nam không thể dung thứ được. Thế mà những hiện tượng trái ngược ấy chúng ta vẫn còn thấy trong một số người ở một số ngành hoạt động, tại một số đô thị. Cho nên học cần, kiệm, liêm, chính là bài trừ xa xỉ, hối lộ, biển thủ, cờ bạc, đầu cơ, tích trữ, chợ đen, buôn lậu, bài trừ tất cả cái gì xấu xa, mục nát, đồng thời là tôn trọng, giữ gìn, vun xới cái gì có ích, có lợi cho đồng bào, cho quốc dân, cho Chính phủ.
Học Hồ Chủ tịch là học trung với nước hiếu với dân, học đoàn kết, học phấn đấu, học lý thuyết và phương pháp khoa học, học cần, kiệm, liêm, chính... nhưng học Hồ Chủ tịch cần học nhiều bài học khác nữa. Ấy là học con đường chính trị, sự lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam của Hồ Chủ tịch ngót 30 năm nay. Ấy là học luyện con mắt cho tinh, thấy rõ tình hình mỗi lúc, thấy bề mặt và bề trái, thấy cây và rừng, biết mình, biết người, không cận thị, không chủ quan, như thế để nắm vững thời cơ và chủ trương cho đúng. Ấy là học lối viết, lối nói của Hồ Chủ tịch, chữ ít ý nhiều, câu văn giản dị, gọn gàng, nhưng nội dung đầy đủ, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo... Những bức thư, bài phỏng vấn, lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch là cái kho giáo huấn mà chúng ta phải thường lục ra để học tập. Học Hồ Chủ tịch cũng là học lối đối xử với người, với việc của Hồ Chủ tịch, lấy lẽ phải mà thuyết phục, lấy lòng nhân mà cảm hoá, lấy việc làm của mình làm phép tắc. Học Hồ Chủ tịch... Học sao cho hết! Cho nên cuối cùng chúng ta học phương pháp học tập do Hồ Chủ tịch chủ trương: Vừa làm vừa học, làm để học, học để làm, học sách vở đi đôi với học thực tế, học kinh nghiệm, nhất là học quần chúng, ông thầy của tất cả chúng ta.
Học Hồ Chủ tịch kể ra không khó. Người Việt Nam nào cũng hiểu Hồ Chủ tịch là người thế nào, thường nói gì, suốt đời làm gì. Người bình dân mộc mạc lại còn hiểu Hồ Chủ tịch dễ hơn người khác. Như thế, mọi người Việt Nam đều học được Hồ Chủ tịch. Vả chăng Hồ Chủ tịch cũng có những bài học riêng cho mỗi hạng người, người già, người trẻ, người giàu, người nghèo, tướng sĩ trên mặt trận, đồng bào ở hậu phương, nhân viên công sở, văn sĩ, nghệ sĩ, đồng bào tản cư, đồng bào vùng bị chiếm, kiều bào hải ngoại.
Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta, chúng ta đã sẵn có trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu trung với nước hiếu với dân, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính, chúng ta đã học từ thuở cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không khó nữa.
Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam, là cái tầm của dân tộc. Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người.
Đây, Hồ Chủ tịch đương đưa tay đỡ chúng ta, chúng ta hãy nâng mình lên!
Phạm Văn Đồng
Trích trong “Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì”
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.
--------------
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.29, 7.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.186.
Đức Lâm (st)