1. Vị trí, tầm quan trọng của mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, đoàn kết một lòng, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông, bờ cõi Việt Nam. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã tiến hành sự nghiệp cách mạng vẻ vang giành độc lập tự do cho Tổ quốc, giữ nước, cứu nước và xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiếp đó, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, lãnh đạo nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, làm nên những chiến thắng vẻ vang mà đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta được tạo nên bởi nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, nhiều mặt trận, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Nhân tố quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, trí tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm vô song của nhân dân ta, của các lực lượng vũ trang ta. Cùng với các lực lượng, các mặt trận khác, mặt trận tư tưởng đã trở thành nhân tố rất quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, ông cha ta luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết triệu người như một, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù. Lịch sử từng ghi nhận, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” hào sảng vang lên trên bờ sông Như Nguyệt đã thúc giục quân, dân ta quyết đánh và quyết thắng quân Tống xâm lược. Vào lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông mở Hội nghị Diên Hồng tập hợp muôn dân; Trần Hưng Đạo thảo Hịch tướng sĩ thúc giục toàn dân, toàn quân quyết đánh thắng giặc Nguyên Mông. Quang Trung-Nguyễn Huệ kêu gọi tướng sĩ “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”, đập tan quân Thanh xâm lược. Những cách thức động viên tinh thần sâu sắc, phong phú của ông cha ta đã tạo được sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân tộc, làm nên những chiến công hiển hách tô thắm lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô
(tháng 9-1966). Ảnh tư liệu
Phát huy truyền thống dân tộc, vận dụng những bài học của ông cha, với phương pháp cách mạng khoa học, cũng như các giai đoạn khác của cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm công tác tư tưởng, coi đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia của toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng chuyên trách làm nòng cốt. Công tác tư tưởng đã được triển khai thống nhất, thường xuyên, liên tục, hình thành nên mặt trận tư tưởng rộng khắp trong cả nước, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
2. Mặt trận tư tưởng đã tập trung tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược
Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Nhưng đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai, đàn áp vô cùng dã man phong trào yêu nước của nhân dân ta. Không chịu nổi sự thống khổ, nhân dân ta ở miền Nam đã vũ trang và nổi dậy ở nhiều nơi. Trước âm mưu của địch, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã xác định: “Nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để giải phóng xiềng xích nô lệ. Chỉ có thắng lợi của cách mạng mới chấm dứt cảnh cùng khổ của nhân dân miền Nam, mới triệt để đánh bại chính sách nô dịch, chia cắt và gây chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam…”(1).
Dưới sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ của Đảng, công tác tư tưởng được triển khai mạnh mẽ, quán triệt tư tưởng của Nghị quyết 15, nhân dân miền Nam đã vùng lên đồng khởi làm sụp đổ từng mảng lớn bộ máy thống trị của địch ở nông thôn, làm lung lay bộ máy kìm kẹp của chúng ở đô thị, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam.
Năm 1960, Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra đường lối cách mạng, xác định nhiệm vụ chung của toàn dân ta trong giai đoạn trước mắt là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…
Đại hội khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà...
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và các Hội nghị Trung ương, công tác tư tưởng được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ ở cả hai miền Nam, Bắc nhằm mục tiêu xuyên suốt là động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng CNXH và bảo vệ miền Bắc, làm hậu phương lớn vững chắc, chi viện cho tiền tuyến lớn, đồng thời đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của công tác tư tưởng là tạo nên sự thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng niềm tin vững chắc vào thắng lợi, ý chí quyết chiến quyết thắng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn dân, toàn quân ta để đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tư tưởng được triển khai dưới nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao, để lại những dấu ấn sâu đậm. Công tác tư tưởng đã huy động được sự tham gia tích cực của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là các binh chủng và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, tạo ra một mặt trận tư tưởng sâu rộng, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của các tổ chức và cấp ủy Đảng. Thời kỳ này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác tư tưởng; đồng thời những vấn đề về công tác tư tưởng cũng được nêu trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chính sách lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều được các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả trong lực lượng vũ trang. Nhiều hình thức triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng như: Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, mở lớp tập huấn, tuyên truyền qua báo chí, xuất bản, tuyên truyền miệng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, cổ động trực quan… được tổ chức thường xuyên, linh hoạt và thiết thực.
Ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Ban Tuyên huấn các khu ủy, tỉnh ủy được thành lập với chức năng tham mưu về công tác tư tưởng và làm nhiệm vụ như một bộ máy chuyên trách kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các mặt công tác tuyên huấn và khoa giáo. Các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ, trường đào tạo cán bộ được thành lập để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động, phục vụ quân và dân ta. Công tác tư tưởng đã cổ vũ quân và dân ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả 3 vùng chiến lược, góp phần thực hiện 3 mũi giáp công (2), khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, nhất là các thủ đoạn dồn dân lập ấp chiến lược, xây dựng vành đai trắng, hoạt động tuyên truyền miệng được chú trọng. Thông qua lực lượng cán bộ cốt cán, qua các đường dây liên lạc, hộp thư bí mật, chủ trương của Đảng vẫn đến được với nhân dân, thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin, khơi dậy ý chí bền gan tranh đấu ngay trong lòng địch. Các chiến sĩ cách mạng dù bị địch bắt bớ, tù đày, bị tra tấn dã man, cận kề cái chết, nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, tiếp tục tổ chức và củng cố lực lượng, tuyên truyền, giáo dục cách mạng trong các nhà tù, trại giam của địch.
Trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua giết giặc, lập công”, phong trào “Năm xung phong” trong thanh niên, phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, phong trào thi đua đạt các danh hiệu dũng sĩ, phong trào “Dân tộc tự quyết”, “Bảo vệ hòa bình” trong các đô thị. Với các phong trào yêu nước đó, mặt trận tư tưởng đã góp phần quan trọng phát động nhân dân tham gia đấu tranh chính trị, binh vận; cổ vũ, động viên quân và dân ta vượt qua hy sinh, gian khổ, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Nhạy bén nắm bắt tình hình, công tác tư tưởng được triển khai mạnh mẽ, định hướng hành động của quân và dân ta trong từng giai đoạn, nhất là vào những bước chuyển của cuộc chiến tranh, trước những sự kiện lớn như: Thời kỳ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954; thời kỳ Mỹ - Ngụy thực hiện Luật 10/59, lập ấp chiến lược, đàn áp tàn bạo phong trào cách mạng; thời kỳ trước, trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; thời kỳ Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973; thời kỳ trước và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975... Đồng thời, công tác tư tưởng đã kịp thời phát hiện, uốn nắn tư tưởng lệch lạc; đấu tranh chống sự phá hoại tư tưởng của các lực lượng thù địch, chống chiến tranh tâm lý, văn hóa nô dịch của Mỹ ngụy.
Trên miền Bắc XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương lớn của cách mạng cả nước. Thời kỳ này đã xuất hiện hàng loạt các phong trào thi đua yêu nước, nhiều khẩu hiệu hành động thôi thúc, cổ vũ toàn dân, toàn quân ta như: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Chiếc gậy hành quân”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ, của miền Nam ruột thịt, lớp lớp thanh niên miền Bắc nối nhau “xẻ dọc Trường Sơn” ra mặt trận. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, phóng viên, văn nghệ sĩ, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học…, vượt qua bom đạn quân thù vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội trên chiến hào còn khét mùi thuốc súng; những tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, phim, ảnh... ra đời trong kháng chiến đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội, của nhân dân ta. Đây cũng là thời kỳ đã để lại rất nhiều tác phẩm xuất sắc, không chỉ làm giàu thêm kho tàng văn học, nghệ thuật Việt Nam mà còn có sức lan tỏa, thu phục trái tim nhân loại ủng hộ cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta.
Công tác tuyên truyền đối ngoại được triển khai mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, nhất là qua các tác phẩm báo chí, thơ ca, phim, ảnh, qua các diễn đàn, hội nghị và tổ chức quốc tế, góp phần làm cho nhân dân thế giới thấy rõ tội ác dã man của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta; củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân Lào, Cam-pu-chia, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Hình ảnh người Mỹ No-man Mo-ri-xơn tự thiêu ngay trước Lầu Năm góc phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã thổi bùng ngọn lửa phản đối chiến tranh phi nghĩa, ủng hộ Việt Nam lan khắp thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ. Chỉ trong ngày 15-10-1969, khoảng hai triệu người Mỹ đã tập trung biểu tình tại thủ đô Oa-sinh-tơn phản đối chiến tranh. Từ thủ đô Pa-ri, nhà văn Giắc Ma-đôn đã viết những dòng tràn đầy tâm huyết: “Việt Nam sẽ thắng! Không kẻ thù nào tiêu diệt được một dân tộc vĩ đại như dân tộc Việt Nam… Nếu dân tộc này mà đầu hàng thì cả nhân loại sẽ sụp đổ”(3).
Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, công tác tư tưởng đã khơi dậy tinh thần thi đua: “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Tháng 3-1964, Hội nghị chính trị đặc biệt-Hội nghị Diên Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày Báo cáo tại hội nghị. Người khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Người kêu gọi: Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy. Khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi” gửi đồng bào cả nước, nêu rõ quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc bất hủ. Trong đó, Người khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Tư tưởng, đạo đức, cụ thể là niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng và những lời hiệu triệu của Người đã soi đường, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (tháng 11-1965). Ảnh tư liệu
Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B.52 ném bom Hà Nội và một số thành phố lớn, hòng đưa miền Bắc nước ta “trở về thời kỳ đồ đá”. Bằng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm, quân và dân ta đã đánh tan xác nhiều “pháo đài bay B52”, niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ, đánh sập cuồng vọng xâm lược của kẻ thù, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Thế giới khâm phục. Hà Nội được tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, công tác tư tưởng đã phát huy cao độ, huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia. Các binh chủng làm công tác tư tưởng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến; nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đơn vị quân đội đã quán triệt đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; biến ý chí, quyết tâm thành hành động, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Các hoạt động thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí, kịp thời đưa tin chiến thắng, khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tất cả đều bừng bừng khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến về giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Trong hào khí đó, cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, vang lên trên các đường phố Sài Gòn, vang vọng khắp hai miền đất nước trong ngày Đại thắng 30-4-1975. Mặt trận công tác tư tưởng đã góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.
Nhìn lại 21 năm anh dũng, sáng tạo, trường kỳ kháng chiến, mặt trận tư tưởng của Đảng đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Có thể khái quát 3 thành tựu chủ yếu của công tác tư tưởng như sau:
Một là, công tác tư tưởng của Đảng đã cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần xây dựng và tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện đường lối kháng chiến cứu nước đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm Việt Nam của Đảng ta. Coi trọng việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm cho thế giới quan Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng thấm sâu trong đời sống tinh thần của xã hội. Công tác lý luận đã tích cực nghiên cứu thực tiễn, phát triển lý luận, nhất là những vấn đề cấp bách của cuộc kháng chiến cứu nước, như: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; về chiến tranh nhân dân; về Quân đội nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam...
Hai là, công tác tư tưởng góp phần xây dựng con người Việt Nam trong kháng chiến có lòng yêu nước thiết tha, bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, tinh thần dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo và luôn có niềm tin tất thắng. Bắt nguồn từ truyền thống anh dũng, kiên cường của dân tộc, kết hợp với lý tưởng cách mạng cao đẹp, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tôi luyện, trưởng thành, phát huy cao độ lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng độc lập, tự do: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đại sứ của Mỹ Tay-lơ đã phải thú nhận: “Sức mạnh không quân là một sự yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người đang chiến đấu trên mặt đất... Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức hy sinh vì sự nghiệp của người Việt Nam”(4). Nhà báo Mỹ Nây Si-han nhận xét: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục một dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ - một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này cuối cùng bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Như vậy, thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với với máy móc”(5).
Ba là, công tác tư tưởng đã phát triển những giá trị văn hóa dân tộc, làm giàu thêm và sâu sắc thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày nay, để tìm lời giải vì sao Việt Nam đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh, lại chiến thắng một đế quốc hùng mạnh, hiếu chiến, giàu có như nước Mỹ, nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã nhận ra rằng, văn hóa dân tộc Việt Nam chính là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của ông cha ta được bồi đắp qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời lại được tiếp thu những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa văn hóa nhân loại, dân tộc Việt Nam đã làm nên những giá trị văn hóa mới, làm phong phú, làm giàu có thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đó là những giá trị văn hoá tinh thần phong phú, mà tiêu biểu là lòng yêu nước nồng nàn; anh hùng, bất khuất, dũng cảm, thông minh, sáng tạo; yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân nghĩa; có tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng đã để lại các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể ở nhiều lĩnh vực, rất đa dạng, phong phú, quý báu, như: Đường Hồ Chí Minh trên đất liền và trên biển, trận Điện Biên Phủ trên không, Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Linh... và nhất là tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của biết bao đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ ta trên các chiến trường, trong lao tù đế quốc, trong các phố phường, làng bản, tạo thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam sáng ngời, rộng khắp, “ra ngõ gặp anh hùng”.
3. Phát huy những giá trị quý báu, bài học kinh nghiệm sâu sắc trên mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới
Công tác tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, đó là: Kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đường lối kháng chiến đúng đắn; nghệ thuật quân sự tài tình. Nắm chắc thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, phân tích kỹ tình hình địch, ta, dự báo xu hướng, phát hiện vấn đề, chủ động giải quyết những vấn đề tư tưởng; huy động các lực lượng trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân làm công tác tư tưởng, dưới sự lãnh đạo thống nhất, trực tiếp và chặt chẽ của Đảng; nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn bó máu thịt với nhân dân; xây dựng đội quân cách mạng có có lòng yêu nước nồng nàn, lý tưởng cao đẹp, có niềm tin tất thắng, có ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần quốc tế cao cả; xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng phù hợp với nhu cầu và điều kiện kháng chiến.
Đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức. Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế và uy tín Việt Nam ngày càng tăng lên trên trường quốc tế. Cả nước đang ra sức thực hiện Cương lĩnh được bổ sung phát triển năm 2011 của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Lĩnh vực công tác tư tưởng, qua 40 năm thống nhất đất nước, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng được củng cố và phát triển. Điều kiện, phương tiện, môi trường, nguồn lực làm công tác tư tưởng đã có những bước tiến vượt bậc. Mặt khác, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác tư tưởng những đòi hỏi rất cao.
Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn giá trị lịch sử, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong cuộc kháng chiến, tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là dịp chúng ta ôn lại những thành tựu và kinh nghiệm trên mặt trận tư tưởng để vận dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hôm nay. Là dịp để chúng ta thấm nhuần quan điểm: Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nền tảng chính trị, tinh thần của chế độ ta, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, phát huy những kinh nghiệm quý báu trong các giai đoạn cách mạng trước đây nói chung và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác tư tưởng, nhận thức đầy đủ hơn về tính tiền phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Trước mắt, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời tích cực triển khai đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các nghị quyết quan trọng khác của Trung ương, của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Phát huy truyền thống vẻ vang, kế thừa và phát triển sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu trong các giai đoạn cách mạng trước đây, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo, nguyện làm hết sức mình để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
ĐINH THẾ HUYNH (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)
(1) Một số văn kiện về chống Mỹ, cứu nước - Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tập I, tr.123.
(2) Ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng và đô thị. Ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận.
(3) Hồng Vinh: Hà Nội -Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Báo Nhân Dân hằng tháng, 17-12-2012.
(4) Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976, tr.181.
(5) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đại thắng mùa Xuân 1975 - nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Nxb Quân đội nhân dân, 1995, tr.8.
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)