Sau ngày toàn quốc kháng chiến, để bảo toàn lực lượng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Với vị trí chiến lược thuận lợi, an toàn cùng với lòng dân một mực tin yêu cách mạng, Việt Bắc một lần nữa vinh dự được chọn làm chiến khu cách mạng. Đầu tháng 12 năm 1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ lên Chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

Nói về tầm quan trọng của Chiến khu Việt Bắc trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trong “Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4” đã nhận định: “Cách mạng do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.

Nằm ở giữa lòng Chiến khu Việt Bắc, Làng Sảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương) đã được chứng kiến những hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày tháng đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đã tích cực chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để đón Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ về hoạt động.

Ngày 02 tháng 4 năm 1947, đồng chí Chu Nhữ (Chu Quý Lương) lúc đó là Bí thư huyện ủy Sơn Dương giao nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo xã Hợp Thành đi đón Bác. 8 giờ tối ngày 02 tháng 4 năm 1947, các đồng chí Ma Văn Thư, Chủ tịch xã, Ma Văn Hạ, Phó Chủ tịch xã, Lương Văn Cảnh, Thủ quỹ xã, Ma Văn Hiến được cử đi đón Bác. Khoảng 24 giờ ngày 02 tháng 4 năm 1947, Đoàn đi đón Bác từ phố Đăng Châu về đến nhà ông Ma Văn Hiến ở thôn Làng Sảo. Cùng đi với Bác đêm hôm đó còn có 8 đồng chí vừa là cấp dưỡng vừa là cảnh vệ cho Bác, được Bác đặt tên cho 8 đồng chí là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Về sau trong số những đồng chí ở gần Bác, có một người phụ nữ tên là Thanh, được Bác gọi là cô Chín.

Tại gian buồng nhà ông Ma Văn Hiến, Bác đã ở và làm việc trong những ngày đầu khi về Làng Sảo. Cách nhà ông Ma Văn Hiến 50 m là nhà bà Đinh Thị Tư, nơi ở của bộ phận cảnh vệ.

Tại thôn Làng Sảo, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng 4 năm 1947, Bác Hồ đã tham dự và chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng. Hội nghị đã cụ thể hóa đường lối kháng chiến và kịp thời rút kinh nghiệm những tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc. Trong thời gian này, Người rất quan tâm tới việc ổn định chỗ ở và công tác của các cơ quan Trung ương và đoàn thể ở căn cứ địa Việt Bắc.

Cũng tại nơi đây, ngày 20-4-1947, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp. Ngày 04-5-1947, Bác từ Làng Sảo đi Thái Nguyên để gặp Pôn-Muýt, đại diện Cao ủy Pháp Bô-La-e-cơ. Ngày 25-5-1947, tại Làng Sảo, Hội nghị dân quân du kích toàn quốc đã khai mạc. Dự hội nghị có đầy đủ cán bộ lãnh đạo và chỉ huy dân quân tự vệ và du kích trong cả nước. Hội nghị đã kiểm điểm hoạt động của dân quân tự vệ và du kích, rút ra những ưu điểm, chỉ rõ những thiếu sót, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào chiến tranh du kích trong cả nước. Hội nghị cũng công bố 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật dân vận của dân quân tự vệ và du kích. Ngày 27-5-1947, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho Hội nghị, Người đánh giá cao vai trò của dân quân tự vệ và du kích trong chiến tranh cách mạng: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4).

Sau một thời gian ở và làm việc tại gia đình ông Ma Văn Hiến, Bác chuyển vào ở một căn lán nhỏ, thôn Làng Sảo, sát chân núi Lim. Căn lán này là căn lán để chứa thóc của gia đình bà Đinh Thị Tư. Để tiện làm việc và giữ bí mật, ngay ngày hôm sau khi Bác chuyển vào ở căn lán này, các đồng chí cảnh vệ dựng cho Bác một căn lán nhỏ cách đó 100m để Bác làm việc và tiếp khách. Bên trong hai căn lán ở và làm việc của Bác là nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Văn Hiến và Bộ Tài chính. Ở thôn Làng Sảo, còn có một số cơ quan Trung ương: Ở chân núi Lim là địa điểm của Văn phòng Chính phủ, là nơi ở của đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Phan Mỹ. Cạnh đó là nơi đóng trụ sở của Bộ Tư pháp do đồng chí Đỗ Xuân Sảng phụ trách. Ban Biên tập Báo Cứu Quốc ở gia đình ông Ma Văn Mót (thôn Cây Mơ).

Tại thôn Làng Sảo, ngày 11 tháng 10 năm 1947, bên bờ sông Phó Đáy cạnh thác Dẫng, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị, có tên bí mật lúc đó gọi là “Hội nghị Thanh Sơn”, để nghiên cứu tình hình của ta và địch, đề ra chỉ thị phá tan cuộc tiến công Thu Đông của giặc Pháp.

Cũng tại địa điểm thác Dẫng, cuối tháng 10 sang đầu tháng 11 năm 1947, cùng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo phiên họp bí mật. Cuộc họp đã thảo luận và đưa ra phương hướng chỉ đạo cuộc chiến đấu của quân và dân ta, chống cuộc càn quét của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc giành thắng lợi, đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.

Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, là nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở, làm việc và đi lại nhiều lần. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; nơi đánh dấu mốc lịch sử và mốc thời gian Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Chiến khu Việt Bắc, trực tiếp lãnh đạo quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn./.

Theo Báo Tuyên Quang điện tử

Thanh Huyền (st) 

Bài viết khác: