cau chuyen doc sach DOI SONG MOI anh

Một bạn nhà văn có kể lại câu chuyện đọc cuốn Đời sống mới. Những trang giản dị đến mức ấy đã khiến cho nhà văn đọc rất nhanh, và gấp cuốn sách mỏng lại, ông ta thầm nghĩ: ''Cũng không có gì lạ". Đến buổi tối, người con gái bà cụ chủ nhà hỏi mượn và đem đọc cho cả nhà nghe. Cô ta đọc còn chưa thông, ngập ngừng từng câu. Cả gia đình nông dân ấy, bà cụ mắt lèm nhèm, người con dâu hay đánh chửi con cái, mất một con gà thì nguyền rủa hàng xóm hàng mấy ngày, cho đến một, hai người đàn bà hàng xóm sang chơi, những con người bỏ làng từ lâu lắm lên cái thung lũng hẻo lánh này của Việt Bắc để làm ăn, tất cả đã ngồi ngây người nghe từng lời như bị thôi miên. Bấy giờ nhà văn mới thấy mình chưa đọc được gì lúc trước.

Ngày nay, chúng ta đã nhìn lại được rõ hơn. Sự bỡ ngỡ lúc đầu của một số người trí thức trước Hồ Chủ tịch là sự bỡ ngỡ của họ trước nhân dân. Công việc làm văn hoá, công việc trí thức trong chế độ cũ, trong vòng trói buộc và phỉnh phờ của chủ nghĩa thực dân đã bị cắt lìa với đời sống của nhân dân đông đảo. Không hiểu hết nhân dân, không sống đời sống nhân dân, không nói tiếng nói của nhân dân, nhìn nét mặt một người ''nhà quê'', một người đàn bà lam lũ, một anh thợ nhọ nhem, không hiểu những nét mặt ấy giấu những ý nghĩ tình cảm gì, nên người trí thức lúc đầu không hiểu văn Hồ Chủ tịch. Vì Hồ Chủ tịch nói tiếng nói của nhân dân. Khi Cụ Hồ nói, mỗi người dân hồi xưa tối tăm cực khổ mà đồng thời cảm thấy mập mờ trong lòng mình bao nhiêu khát khao, bao nhiêu ý nghĩ không rõ ràng, người dân ấy bỗng thấy hình như chính mình nói lên. Khi Hồ Chủ tịch nói là nhà hiền triết và người thi sĩ trong lòng mỗi người dân nói lên.

Mấy năm gần đây, đã nhiều nhà văn tìm hiểu văn Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuốn Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, đã vạch rõ những bài học lớn trong đời sống, tư tưởng và tác phong của Hồ Chủ tịch.

Văn Hồ Chủ tịch giản dị như tâm hồn của nhân dân. Cái lớn lao của một nhà tư tưởng là tìm được đường lối giản dị, soi sáng cả muôn ngàn sự việc rắc rối, hỗn độn của đời sống hàng ngày. Cuộc chiến đấu gian nan và phức tạp của chúng ta đã được Hồ Chủ tịch soi sáng theo một đường lối minh bạch, ai cũng hiểu và tin. Phân tích chủ trương chính trị của Người, đồng chí Phạm Văn Đồng viết: ''Dân tộc Việt Nam bây giờ muốn gì? Muốn thống nhất, độc lập, muốn no ấm, muốn biết chữ, muốn đời sống bớt tối tăm. Cho nên Hồ Chủ tịch chủ trương: Đoàn kết kháng chiến, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, đời sống mới''. Tiến gần đến phản công, Hồ Chủ tịch dặn trước mọi người: ''Càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian nan(1). Ngày nay giặc đánh khu Ba, tàu bay khủng bố, thóc cao gạo kém, các bà các cụ nhà quê vẫn truyền nhau câu ấy mà hiểu được tình thế. Sự sáng rõ giản dị của Hồ Chủ tịch là do một tư tưởng khoa học đã thấm nhuần được vào cuộc sống bình thường làm lụng, chiến đấu hàng ngày.

Hồ Chủ tịch nói là để làm và để mọi người làm. Người nói một câu, viết một câu, bao giờ cũng chú ý làm sao người tầm thường nhất cũng hiểu và làm theo được.

Giản dị, thực tế, luôn luôn từ đời sống nhân dân nảy lên, nên văn Hồ Chủ tịch không khô khan lạnh lẽo. Lời nói của Người đầm ấm thấm nhuần tâm hồn. Hồ Chủ tịch không những là nhà tư tưởng, Người là nghệ sĩ của nhân dân. Trong mỗi lời của Người, ta nghe rõ lối cảm xúc của nhân dân. Người khuyên răn cán bộ đừng ''Đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị''(1). Ai quên được bức thư Trung thu đầu tiên của Người gửi cho nhi đồng: ''Trăng thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ lành''(2). Người để lại câu: ''Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ''(3). Hồ Chủ tịch bảo: ''Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên''(4). Nhắc nhở đồng bào phải cố gắng vượt bậc, Người nói: ''Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai''(5)...

Nhân dân là nhà hiền triết cũng là nhà thi sĩ đầu tiên.

Những nhà tư tưởng và những nghệ sĩ thiên tài chỉ nảy lên khi nào họ đứng vào hàng ngũ nhân dân, tìm tòi thu hút những sáng tạo của nhân dân, khi nào họ là kết tinh của nhân dân.

Ở nước ta, Cách mạng Tháng Tám đã trả lại đầu óc và tâm hồn cho nhân dân. Sức mạnh khổng lồ của nhân dân được giải phóng đã thực hiện những công cuộc không thể tưởng tượng, trên đường kháng chiến, kiến quốc. Và nhân dân, vừa vùng dậy, còn hơi bỡ ngỡ, như người quáng mắt khi ra khỏi ngục tối, thì tự tìm ngay thấy mình trong cách nói của Hồ Chủ tịch.

Điều kiện đã có đủ. Như lời Hồ Chủ tịch, "gạo, nước, củi đều sẵn sàng, chỉ cần nhen lửa thì có cơm ăn"(1). Chúng ta cố gắng trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, xứng đáng là người nhen ngọn lửa nấu cơm cho nhân dân./.

(1) Tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Tân Sinh, xuất bản năm 1947.

(1) Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, tr.269.

(1) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 521.

(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 217.

(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr. 568.

(4) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.419.

(5) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 419.

(1) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 110.

Theo Nguyễn Đình Thi. Trích từ sách: Người là Hồ Chí Minh
 (Tập hồi ký), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995.
Kim Yến (st)

Bài viết khác: