Bác Hồ nói chuyển với đồng bào, cán bộ, bộ đội tại Thuận Châu (Sơn La)
(nguồn: Internet)
Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do?
Đây không phải là một câu ngẫu hứng toát ra từ một bài thơ. Đây là tư tưởng lớn nhất đã chi phối toàn bộ ý nghĩ, tình cảm và hành động của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời của Người.
Mất tự do là điều không thể chấp nhận được đối với mọi dân tộc. Con người sinh ra là tự do và các dân tộc phải được bình đẳng. Thế mà trải qua bao đời dân tộc này vẫn đi áp bức dân tộc khác. Bọn thống trị đi xâm lược vừa đem đau khổ cho dân tộc khác, vừa tước đoạt tự do của chính dân tộc mình. Áp bức dân tộc là một vết nhơ trong lịch sử của nhân loại. Đấu tranh cho dân tự do, giải phóng cho các dân tộc vì thế là mục tiêu thiêng liêng của mọi người chân chính, mục tiêu phấn đấu suốt đời của Hồ Chí Minh.
Mất tự do là điều cay đắng nhất của dân tộc Việt Nam. Dân tộc này đã chiến đấu suốt một ngàn năm để đánh đuổi quân xâm lược và giải phóng đất nước. Dân tộc này lại chiến đấu suốt một ngàn năm nữa để bảo vệ độc lập cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống tự do cho con người. Độc lập, tự do được đổi bằng bao nhiêu máu xương đã từ bao đời đổ trên mảnh đất chúng ta. Độc lập, tự do vì thế đã trở thành ý thức sâu sắc ở mỗi con người Việt Nam.
Mất tự do là điều mãi mãi day dứt tâm tư người trí thức. Bởi nó trói buộc tâm hồn, hạ thấp nhân phẩm và ngăn cản sáng tạo.
Đất nước mất tự do, nhân dân sống trong cảnh bóc lột, áp bức, hành hạ và chém giết. Trước tình hình ấy người trí thức chân chính đau khổ gấp hai lần. Bởi ở họ nỗi đau khổ của nhân dân được cộng thêm sự suy tư của người trí thức.
Người trí thức chân chính cảm thấy mất tự do là cảm thấy đời sống thực của mình không còn nữa. Không được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do hành động, người trí thức đã mất đi bản chất tri thức của họ, mất đi điều kiện cơ bản nhất để tồn tại với danh nghĩa là trí thức.
Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước. Gia đình này giữ nguyên vẹn những phẩm chất cao quý của người trí thức. Từ bao đời, người trí thức Việt Nam đã cùng với Nguyễn Trãi tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nhưng văn hiến ấy đã luôn luôn đem lại cho đất nước những hào kiệt không bao giờ thiếu cùng những phong tục tiêu biểu cho trình độ văn hóa của dân tộc.
Qua bao nhiêu thế kỷ, văn hóa Việt Nam đã là sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng vì sao nền văn hóa ấy đã trở nên bất lực, để cho chủ nghĩa đế quốc đến xâm lược và cướp đi cả độc lập của đất nước và tự do của con người?
Tình hình trên đã tạo ra sự phân hóa rõ rệt giữa các loại trí thức đương thời.
a) Có loại trí thức đã hợp tác với kẻ địch. Họ xuất phát từ lợi ích của cá nhân và gia đình đối lập với lợi ích của dân tộc. Cũng có thể, có ảo tưởng rằng hành động của họ sẽ đem lại văn minh cho Tổ quốc và cuối cùng sẽ đạt tới tự do. Hồ Chí Minh không bao giờ nghĩ rằng tự do lại có thể đạt được bằng sự ban ân của kẻ thù. Tự do nhất thiết phải là kết quả của cuộc chiến đấu kiên cường để giành lại nó.
b) Cũng có những người trí thức muốn giữ phẩm chất của mình không khuất phục kẻ địch, kiên quyết từ chối mọi cám dỗ vật chất. Họ muốn thu hẹp cuộc đời trong những công việc dạy học, làm thuốc, làm thơ… Trong hoàn cảnh Tổ quốc không còn tự do, họ muốn giành cho mình một chút tự do tinh thần trong cuộc sống riêng tư mà họ gọi là thanh cao. Hồ Chí Minh không bao giờ chấp nhận cuộc sống tự do giả tạo của bản thân trong cuộc sống mất tự do thực tế của cả dân tộc.
c) Hồ Chí Minh đồng tình và gắn mình với những người trí thức bất khuất, đã từ thế hệ này qua thế hệ khác cùng với nhân dân đổ xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh anh hùng này đã luôn luôn thất bại. Thực tế lịch sử chứng minh rằng trong điều kiện mới ngày nay không thể chiến thắng kẻ thù mới bằng những tư tưởng cũ và những biện pháp cũ.
d) Nhiều trí thức cảm thấy phải vượt ra khỏi biên giới của nước mình, vượt ra khỏi vốn liếng văn hóa của dân tộc. Họ muốn tìm một sức mạnh mới từ bên ngoài. Họ tổ chức đi Tàu, đi Nhật, đi Pháp hy vọng vào sự giúp đỡ của những người đồng chủng, đồng văn, những người vốn giương ngọn cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Hồ Chí Minh cũng hướng ra bên ngoài để tiếp thu những thành tựu mới nhất của nhân loại. Nhưng niềm tin của Người lại không đặt ở bên ngoài mà đặt ở sức mạnh tiềm tàng của đông đảo nhân dân lao động.
Với niềm khao khát được hiểu biết, Hồ Chí Minh đã lên đường với niềm tin tưởng rằng tự do chỉ có thể đạt được thông qua cuộc đấu tranh lâu dài, dựa trên những thành tựu cao nhất của nhân loại và sức mạnh của nhân dân.
Hồ Chí Minh đã ra đi để tiếp thu những tiến bộ của nền văn hóa đương thời. Người ra đi với vốn liếng phong phú của nền văn hóa dân tộc, với truyền thống yêu nước, yêu nhân dân Việt Nam, với nền văn hóa phương Đông kết tinh từ các trào lưu tư tưởng Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo…
Với khả năng ngoại ngữ hiếm có, Người tìm hiểu và khâm phục nền văn minh Châu Âu từ Hy Lạp, La Mã trải qua các thời kỳ Phục hưng, Ánh sáng đến ngày nay. Người nghiên cứu khoa học, tham gia sinh hoạt nghệ thuật, tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn đương thời. Không ngừng học tập và suy nghĩ. Người càng thấy tự do nổi lên như một xu hướng tất yếu của cả nhân loại.
Người tự đặt tên cho mình là Nguyễn Ái Quốc. Nhưng chủ nghĩa yêu nước của Người hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và ích kỷ, nó gắn liền với lòng yêu thương vô hạn đối với những con người đau khổ. Chính vì thế, chủ nghĩa yêu nước ở Người gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo để vượt qua biên giới Việt Nam và hòa chung với nhu cầu giải phóng của nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.
Đi khắp năm châu bốn bể, Người chứng kiến sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và coi đau khổ của nhân loại như đau khổ của bản thân mình.
Người sớm nhìn thấy một sức mạnh to lớn từ sự liên hiệp tất yếu của toàn thể những người khao khát tự do ở cả chính quốc và thuộc địa. Người tin ở thắng lợi cuối cùng của cả nhân loại, bởi Người tin ở chính nghĩa mà mọi người đang cùng nhau theo đuổi.
Người chia sẻ với nhân loại nỗi thất vọng trước những chiêu bài mà các cuộc cách mạng tư sản đã nêu lên. Người đầy nhiệt tình ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân lao động trong cuộc cách mạng đó. Nhưng Người lại thấy sự phản bội của chính giai cấp tư sản đối với lý tưởng cách mạng của nó. Người vạch trần những tội ác của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Người nêu trước nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, tính tất yếu của một cuộc cách mạng khác. Cuộc cách mạng này có nhiệm vụ lật đổ các chính quyền hiện tại vì nó đã phản lại dân chủ, phản lại quyền lợi của nhân dân lao động. Sự liên minh giữa giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa được coi như sự chắp hai cánh cho cách mạng bay lên. Chủ nghĩa đế quốc giống như con đỉa hai vòi, phải cùng một lúc chặt đứt cả hai vòi ấy.
Với tinh thần trên, nhà yêu nước đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình trở thành người chiến sĩ đấu tranh cho sự tự do của cả nhân loại.
Tiếp thu thành tựu trí tuệ của nhân loại, Hồ Chí Minh đã xác định cho mình mục tiêu và phương hướng của con đường tự do. Tình hình nói trên đã dẫn dắt Hồ Chí Minh đi gần sát với chủ nghĩa Mác - Lênin. Cuối cùng, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin coi như đã bước tới đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Người tiếp nhận nó như ánh sáng rọi soi trên con đường giải phóng, như thế giới quan khoa học nhất, giúp Người nhận thức, đánh giá và dự báo về mọi hiện tượng của đời sống.
Ở Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin không bao giờ được coi như một mớ công thức giáo điều và xơ cứng. Đối với Người, nó là một học thuyết sống động, luôn luôn được đổi mới và cùng phát triển với thời đại.
Với chủ nghĩa Mác - Lênin sáng tạo ấy, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cuộc giải phóng dân tộc và đưa nó đến thành công. Người đầu tiên dựng lên Bản án chế độ thực dân Pháp lại cũng chính là người đầu tiên thực hiện bản án đó. Với Tuyên ngôn Độc lập (1945), Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, mở ra một giai đoạn anh hùng của nhân dân Việt Nam, quét sạch mọi kẻ xâm lược ra khỏi đất nước.
Với chủ nghĩa Mác - Lênin, nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam lại như được hồi sinh. Tiếp thu những nhân tố tích cực của các nền văn hóa trên thế giới, văn hóa Việt Nam trở thành một sức mạnh mới xây dựng lại đất nước, đem lại no ấm cho mọi người, tạo thêm những giá trị mới của thời đại mới./.
Vũ Khiêu
Trích trong “Hồ Chí Minh - ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.
Tâm Trang (st)