Trung tướng Trần Hanh. Ảnh: Quỳnh Linh
Ngày 3 và ngày 4-4-1965, Không quân nhân dân Việt Nam đã chiến thắng trận đầu, mở mặt trận trên không thắng lợi. Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là Biên đội trưởng một biên đội tham gia trận đánh ngày 4-4-1965 và trở thành người đầu tiên của Việt Nam bắn rơi chiếc máy bay F-105D của Mỹ.
50 năm đã qua đi nhưng ông vẫn còn nhớ rất rõ trận đánh đó. Và trong những ngày kỷ niệm trận đầu đánh thắng, ông đã chia sẻ những câu chuyện ký ức của mình với thế hệ trẻ. Trong đó có chuyện rất ý nghĩa là ông đã mang những chỉ thị của Bác Hồ vào trận không chiến đầu tiên của mình, lập nên chiến công hạ được “thần sấm” của Mỹ, góp phần mở mặt trận trên không thắng lợi.
Trung tướng Trần Hanh kể: Trong trận đánh này, điều ghi nhớ sâu sắc nhất mà chúng tôi đưa vào trận đánh đó chính là ngày 9-11-1964 được gặp Bác Hồ. Chúng tôi hôm ấy đang trực trên sân bay. Bác đến rất đột nhiên, không báo trước gì cả. Chúng tôi chạy ra, đứng trước máy bay và gặp Bác. Bác đi một hàng cùng với đồng chí Tố Hữu và các đồng chí khác. Bác dừng lại và có chỉ vào bộ quần áo kháng áp của tôi, nói là: Các chú mặc bộ quần áo này có nóng lắm không? Chúng tôi thưa với Bác rằng: Thưa Bác, chúng cháu quen rồi, không thấy nóng mà chỉ lo làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Bác nói luôn là: Các chú thấy đánh với Mỹ có khó lắm không? - Dạ, thưa Bác, đánh Mỹ, với không quân sừng sỏ, thiện chiến, chúng cháu thấy rất khó!
Bác cười, rất hiền từ và Bác nói luôn là các chú có nhớ được là trên Sân bay Biên Hòa, đặc công đã phá được hơn 30 chiếc máy bay của địch, nhưng các đồng chí đặc công có máy bay như các chú đâu, thế cho nên các chú phải có nhiệm vụ là đánh thắng trận đầu, phải làm thế nào bám lấy thắt lưng địch mà đánh, đánh thắng ngay từ trận đầu tiên. Lúc ấy, tôi mới đứng sững người… Chúng tôi còn rất lúng túng trong chiến thuật, cách đánh, thì Bác đã đóng góp cho chúng tôi, chỉ cho chúng tôi...
Những lời chỉ thị của Bác về trận đầu tiên đó chúng tôi đã mang vào trận đánh. Biên đội của chúng tôi (gồm có Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm) và biên đội của đồng chí Phạm Ngọc Lan đã vào trận mở đầu trên không với những chỉ thị rất sâu sắc của Bác... Đến giờ, Trung tướng Trần Hanh vẫn còn rất nhớ dáng hình của Bác khi đó, ông bảo: Bác đi rất ung dung, thư thái như một ông tiên…
Ngược lại thời gian, ngày 4-4-1965, biên đội của Trần Hanh đã xuất kích từ sân bay Nội Bài. Máy bay MiG-17 của các phi công Việt Nam không hiện đại bằng máy bay Mỹ khi đó. Trong khi máy bay Mỹ đông gấp nhiều lần, mang bom quyết phá sập cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa.
Chúng tôi đã chọn những tốp đầu tiên - Trung tướng Trần Hanh nhớ lại - Đó là máy bay phản lực, siêu âm, hiện đại nhất của quân đội Mỹ thời gian đó. Trang bị vũ khí hiện đại kém hơn, nhưng phi công Việt Nam đã thực hiện đúng chỉ thị của Bác là phát hiện, tấn công mạnh, tấn công có công kích, có yểm hộ, bắn ở cự ly gần nhất, bắn thẳng vào buồng lái của chúng. Đầu tiên chúng tôi còn điểm xạ một loạt đầu để kiểm tra đường ngắm, loạt đạn rơi về phía đuôi và sau đó kéo lên ở cự ly 150 đến 200m. Rất gần, trông thấy cả đầu phi công của địch. Khi máy ngắm chụm vào đầu máy bay của địch, tôi bóp cò, toàn bộ ba khẩu súng 37mm cùng 23mm nổ rất ngắn gọn, trực tiếp, làm máy bay địch rơi và cháy ở trên không. Cả biên đội hô lên: Cháy rồi! Cháy rồi. Niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi là đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ, quân đội và nhân dân giao cho...
Với ý chí, quyết tâm thực hiện chỉ thị của Bác, các phi công Việt Nam anh hùng, trong đó có Trung tướng Trần Hanh đã tham gia trận đầu trên không và lập được chiến công lớn. Từ đó, buộc không quân Mỹ thay đổi chiến thuật, đặc biệt khẳng định khả năng của phi công Việt Nam, tạo tâm thế tự tin, bước đầu hình thành cách đánh, xây dựng chiến thuật không quân Việt Nam....
CÔNG LONG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)