Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tiền thân là Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao - là một trong những đứa con đầu lòng của nền công nghiệp Việt Nam, được ra đời vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đó là giai đoạn miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III “Xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc để làm hậu thuẫn cho miền Nam thực hiện thắng lợi đấu tranh thống nhất đất nước”.

Sau gần 3 năm khẩn trương xây dựng, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô, ngày 24-6-1962, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao được khánh thành trên quê hương Lâm Thao - Phú Thọ. Lúc bấy giờ đây là nhà máy sản xuất phân bón hiện đại và lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Kể từ lúc khởi công xây dựng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công nghiệp, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam… đã trực tiếp đến thăm hỏi cán bộ, công nhân, chuyên gia… và theo dõi, chỉ đạo tiến độ xây dựng. Đặc biệt, chỉ 2 tháng sau khi khánh thành và đi vào sản xuất, ngày 19-8-1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy. Hôm đó, Bác không đến thẳng khu sản xuất mà rẽ vào thăm khu tập thể của cán bộ, công nhân trước. Người đến từng gian nhà ở, nhà ăn, câu lạc bộ… Bác nhắc đồng chí Lê Tự, Giám đốc Nhà máy, đang đứng cạnh Bác: “Nhà vệ sinh xây ở ngoài kia là xa quá đấy!”. Đông đảo cán bộ, công nhân và các đồng chí chuyên gia phấn khởi vây quanh Bác. Bác cúi xuống rút một chiếc dép đang đi, đặt lên bậc thềm của ngôi nhà tập thể và ngồi xuống nói chuyện với mọi người, hỏi thăm tình hình ăn ở, sản xuất và căn dặn mọi người phải phát huy tinh thần làm chủ, phải cố gắng học tập để xứng đáng là những “ông chủ”, phải thực hành tiết kiệm và tích cực trồng nhiều cây xanh trong khu nhà máy… Bức ảnh vị Chủ tịch Nước mặc bộ bà ba màu nâu, râu tóc bạc phơ ngồi trên bậc thềm nói chuyện với cán bộ, công nhân, giản dị và thân thương giữa đàn con cháu… trở thành báu vật truyền thống của Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao.

Từ khu tập thể của Nhà máy, Bác Hồ rẽ sang trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Tiến của thị trấn Lâm Thao để thăm hỏi bà con nông dân. Hợp tác xã Nam Tiến là điển hình nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ, đã được nhà văn Nguyễn Khải về tìm hiểu và viết tác phẩm “Mùa lạc” nổi tiếng. Sau hơn một giờ thăm hỏi và trò chuyện với bà con nông dân ở đây, Bác quay về Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao thăm khu sản xuất. Bác đi tham quan một lượt các phân xưởng trước khi nói chuyện với hàng ngàn cán bộ, công nhân tại sân chính của nhà máy. Bác ân cần căn dặn: “Cán bộ, công nhân của nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, đoàn kết chặt chẽ, tích cực học tập văn hóa, kỹ thuật; học tập các đồng chí chuyên gia Liên Xô, làm cho nhà máy phát triển, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”.

tu-ngay-bac-ho-ve-tham-1
Bác Hồ ngồi trên bậc thềm trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy sáng 19-8-1962.

Người đặc biệt nhấn mạnh 2 ý chính: Một là, Nhà máy có hai phần ba là đảng viên và đoàn viên. Đảng viên và đoàn viên không phải là những người ăn nhiều, hưởng hơn người khác, mà phải gương mẫu, xung phong giúp đỡ anh em ngoài Đảng, ngoài Đoàn để cùng tiến bộ. Hai là, công nhân phải giúp đỡ nông dân, nông dân phải giúp đỡ công nhân, để liên minh công nông ngày càng tốt hơn nữa…

Từ ngày được Bác Hồ về thăm và căn dặn, các phong trào thi đua của Nhà máy như được tiếp thêm sức mạnh mới. Bất cứ làm công việc gì, lúc nào và ở đâu, mọi người đều bảo nhau: “Phải học tập và làm theo lời Bác!”. Hơn nửa thế kỷ ra đời, sản xuất và chiến đấu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhà máy vẫn đứng vững và phát triển, trở thành ngọn cờ đầu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở nước ta. Những thành tích mà Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn phát triển của Nhà máy: Giai đoạn sản xuất để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH ở miền Bắc; Giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; Giai đoạn đổi mới đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN…

Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao chuyển đổi thành mô hình công ty. Đến năm 2010, Công ty hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp, đổi thành Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. So với ngày đầu thành lập, đến nay, quy mô của Công ty đã tăng gấp 4 lần, năng lực sản xuất tăng 18 lần. Với phương châm vừa đầu tư chiều sâu, cải tạo, đổi mới thiết bị công nghệ… vừa mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại hóa, Công ty đã phát huy các tiềm năng nội lực, đầu tư phát triển các sản phẩm truyền thống, đồng thời tập trung phát triển mạnh mẽ các sản phẩm mới. Những năm vừa qua, Công ty đã hợp tác với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học sản xuất nhiều chủng loại phân NPK-S phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của từng loại cây trồng. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng quy trình bón phân cân đối khép kín, không dùng phân đơn rẽ mà chỉ dùng phân bón Lâm Thao cho các giai đoạn phát triển của cây trồng, mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm phân bón NPK-S Lâm Thao vừa được vinh danh đứng đầu Top 10 sản phẩm xuất sắc tiêu biểu trong lễ tôn vinh “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu, hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2014 - lần thứ I”.

tu-ngay-bac-ho-ve-tham-2
Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trao tặng lãnh đạo Công ty chân dung Bác Hồ,
nhân dịp kỷ niệm 50 năm Người về thăm Nhà máy (1962-2012). Ảnh: Anh Đình

Để đứng vững và phát triển trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Công ty đã áp dụng thành công mô hình quản lý maketing hiện đại. Hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm của Công ty đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản lượng phân bón lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu ngày về thăm Nhà máy: “Công nhân phải giúp đỡ nông dân, nông dân phải giúp đỡ công nhân, để liên minh công nông ngày càng tốt hơn nữa”, hàng năm Công ty đã dành nhiều tỷ đồng để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Công ty còn mạnh dạn thực hiện phương thức bán phân bón trả chậm, tạo điều kiện cho bà con xóa đói giảm nghèo nhanh chóng. Những năm gần đây, Công ty còn nghiên cứu và ứng dụng đề tài dùng nguyên liệu sinh khối là các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lõi ngô, trấu, mùn cưa, dăm bào… làm nhiên liệu sấy khô các loại sản phẩm phân bón; vừa tiết kiệm mỗi năm hơn 6 tỷ đồng nhập dầu FO làm nhiên liệu sấy sản phẩm, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải của dầu FO. Đồng thời, đề tài trên đây còn tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho bà con nông dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường nông thôn do các loại phế phẩm nông nghiệp trên đây gây ra.

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Công ty đã thành lập các “Trạm khuyến nông” tại các địa phương, mỗi trạm có 1 kỹ sư nông nghiệp do công ty trả lương, có nhiệm vụ tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân về sử dụng phân bón đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là mô hình “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ rất đắc lực cho cán bộ nông nghiệp cơ sở, được bà con nông dân và chính quyền các địa phương hết sức hoan nghênh. Hiện nay, Công ty có nhiều “Trạm khuyến nông” như trên tại khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và mô hình này đang được tiếp tục nhân rộng trên nhiều địa phương của cả nước.

Hơn nửa thế kỷ học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao trước đây và Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hiện nay luôn luôn là đơn vị điển hình tiên tiến của ngành hóa chất Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm đạt 2,4%; tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân 10 năm gần đây đạt 16,3%. Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động năm 2014 đạt 9,8 triệu đồng. Không chỉ là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao, Công ty còn là một điểm sáng về bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự - an ninh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, “Đền ơn, đáp nghĩa”.

Ngày nay, thương hiệu phân bón Lâm Thao với lô gô “3 nhành lá cọ” đã trở nên quen thuộc trong nền sản xuất nông nghiệp và trở thành người bạn thân thiết của nhà nông khắp mọi miền quê. Đặc biệt, phân bón Lâm Thao còn được xuất khẩu sang nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản… Công ty là một tập thể điển hình tiên tiến về học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu!

HỒNG HẠC

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: