nguoi-khuyet-tat-1

Trong buổi nói chuyện với các anh em thương, bệnh binh tại Trường Thương binh Hà Nội năm 1956, Bác ân cần dặn dò động viên mọi người giữ gìn sức khỏe, không được tự ti, tùy theo khả năng và điều kiện sức khỏe góp phần trong công cuộc kiến quốc. Và Người đã dặn: “THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ”. Câu nói đó đã trở thành một chỉ lệnh thiêng liêng, tiếp thêm sức mạnh không chỉ với thương, bệnh binh mà còn có sức lôi cuốn đến mỗi người khuyết tật Việt Nam. Đến nay, đã 59 năm trôi qua nhưng sự cổ vũ tinh thần mà Người đã để lại vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người khuyết tật.

Vượt lên trên số phận

Thực hiện lời Bác dạy, đã có rất nhiều người khuyết tật trên cả nước đã nêu tấm gương rèn luyện vượt qua khó khăn để học tập, làm việc, trong đó có nhiều người đạt thành tích cao bằng ý chí và nghị lực của mình. Họ đã biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội. Có thể nói, lời dạy của Bác Hồ tuy giản dị nhưng có sức sống diệu kì mãi mãi với thời gian.


Bác Hồ đến thăm các thương, bệnh binh

 “Câu nói của Bác Hồ đã giúp tôi thay đổi cuộc đời”, đó là lời phát biểu của cô gái khiếm thị Đào Thu Hương. Đào Thu Hương đã tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm lên 10 tuổi Hương bị mù. Trong hoang mang tưởng chừng như tuyệt vọng, Hương nhớ đến lời Bác: “… tàn nhưng không phế”. Hương đã coi đó là phương châm phấn đấu, tiếp thêm cho cô gái bé nhỏ nghị lực sống, vượt lên mọi khó khăn. Ham học, Hương luôn đạt học sinh đứng đầu lớp trong các năm học cấp 2 và cấp 3. Học giỏi cho mình, Hương còn giúp đỡ mọi người. Hương đã chọn con đường đi cho riêng mình, học thêm ngoại ngữ từ năm học lớp 11. Theo Hương đây là chiếc chìa khóa mở ra kho tàng tri thức nhân loại, mục đích có điều kiện giúp đỡ người khuyết tật. Hương đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định cho vào thẳng khoa Tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bằng nghị lực phấn đấu, Hương đã tốt nghiệp xuất sắc, đạt thủ khoa của Trường. Đặc biệt, Hương còn là diễn giả nổi tiếng kể chuyện về Bác Hồ trong nhiều hội nghị sinh viên và hội nghị về người mù. Hiện nay, Hương là phiên dịch viên của một tổ chức phi chính phủ, một việc không dễ đối với người khuyết tật như Hương. Ngoài chuyên môn Hương còn tích cực làm nhiều việc giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh. Hương tâm sự: “Tôi học ở Người tinh thần vượt khó và luôn đấu tranh với chính bản thân mình. Đối diện với biết bao khó khăn nhưng tôi không chùn bước”.

Hoặc như tấm gương của em Phạm Thị Mỹ, sinh năm 2004, là học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù, sống trong gia đình nghèo 04 anh chị em, cha lao động nghề biển, bản thân em khi sinh ra đã mắc bệnh xương dẹp, hai cánh tay không cầm nắm được nhưng em vẫn luôn quyết tâm được đến lớp học tập cùng các bạn. Chính vì vậy, không đầu hàng số phận nên Mỹ đã quyết tâm viết được bằng 2 chân. Chữ của em viết rất đẹp, lại hát hay và có thành tích là học sinh khá, giỏi trong các năm học vừa qua. Cô gái Mỹ nhỏ nhắn chính là đại diện tiêu biểu cho hàng trăm học sinh khuyết tật trong cả nước vượt khó hiếu học, là những con ngoan, trò giỏi cháu ngoan Bác Hồ.

Trong số người khuyết tật Việt Nam có nhiều tấm gương như Hương, như Mỹ… Họ chính là những bài ca của cuộc đời. Bài ca họ đã và đang viết sẽ chính là những bài ca đẹp nhất. Bởi số phận tuy nghiệt ngã nhưng tinh thần, nghị lực sống vô cùng mạnh mẽ. Đó là điều mà Đảng, Nhà nước và cộng đồng vô cùng trân trọng và khâm phục. Họ đã đứng lên và trở thành những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ.

            Nâng cao chất lượng chăm sóc người khuyết tật

Sinh thời,Bác Hồ đã chỉ thị cho các cấp chính quyền, đơn vị có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật kể cả vật chất lẫn tinh thần, giúp đỡ tạo điều kiện cho người khuyết tật trong việc học tập, bố trí việc làm với tinh thần trách nhiệm đối với người khuyết tật chứ không phải là ban ơn, bố thí. Thực hiện những lời dạy của Bác Hồ năm xưa, với đạo lý “Thương người như thể thương thân” “nhường cơm sẻ áo”, nhân dân trên cả nước đã và đang thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, các quyền lợi của người khuyết tật đã và đang tiếp tục được Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm. Cụ thể: Năm 2006 Chính phủ đã ký công nhận Công ước quyền về người khuyết tật và Việt Nam trở thành 1 trong 147 Quốc gia trên thế giới ký công ước này. Năm 2010, Chính phủ ban hành Luật Người khuyết tật thay cho Pháp lệnh Người tàn tật (1998), đây là một sự tiến bộ mới trong nhận thức về người khuyết tật nhằm nâng cao năng lực cũng như đẩy mạnh công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật; phá vỡ rào cản, thúc đẩy quá trình hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật …  Những sự kiện này là tiếp nối thực hiện sự quan tâm, tình thương yêu con người của Bác Hồ, theo lời dạy của Người trong việc đánh giá vai trò của người khuyết tật trong xã hội.

nguoi-khuyet-tat-2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đẩy xe lăn song hành cùng người khuyết tật.
Ảnh: Vietnamnet.vn

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 3,6 triệu là nữ và khoảng 1,2 triệu là trẻ em. Những người khuyết tật trong cả nước luôn được quan tâm, chăm sóc với tình yêu thương từ cộng đồng. Đối với riêng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, hiện nay, công tác đón tiếp người khuyết tật của Ban Quản lý Lăng được đặc biệt chú trọng. Các đoàn người khuyết tật đều được đăng ký trước, đón tiếp tại đường Hùng Vương. Với những đối tượng phải đi xe lăn, Ban Quản lý Lăng đều bố trí, sắp xếp để chiến sỹ đẩy xe, phục vụ tốt nhất để người khuyết tật có cơ hội vào Lăng viếng Bác. Sự phục vụ tận tình đó được xuất phát từ nhiệm vụ, trái tim, tình cảm của những cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại đây.

nguoi-khuyet-tat-3
Chiến sỹ Đoàn 275 giúp đỡ người khuyết tật vào Lăng viếng Bác

Trong lần đến Việt Nam vào dịp tháng 5 năm 2013, Nick Vujicic – người khuyết tật nổi tiếng trên thế giới đã nói: "Hãy làm theo gương Bác Hồ.Trước muôn vàn thử thách, Hồ Chủ tịch vẫn từng bước dẫn dắt dân tộc Việt tiến lên phía trước". Và thực tế, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại đã trở thành tấm gương sáng ngời cho người khuyết tật tiếp tục cố gắng, nỗ lực, trở thành người có ích cho xã hội. Còn chúng ta, những thế hệ trẻ sẽ tiếp tục làm theo những lời Bác Hồ kính yêu đã dạy, tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thể hiện khả năng tốt nhất, đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước/.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: